Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 285/2002/NQ-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 2002

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ VIỆC TỔ CHỨC CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ XI

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ vào Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Chương 1:

BẦU CỬ, ỨNG CỬ

Điều 1. Cách tính tuổi để ghi tên vào danh sách cử tri

Tính đến ngày tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI là ngày 19 tháng 5 năm 2002, những người sau đây được tính là đủ 18 tuổi để ghi tên vào danh sách cử tri trong cuộc bầu cử này:

a) Người trong giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu có ghi ngày, tháng, năm sinh, thì ngày sinh từ ngày 18 tháng 5 năm 1984 trở về trước;

b) Người trong giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu chỉ ghi tháng, năm sinh, thì tháng sinh từ tháng 4 năm 1984 trở về trước;

c) Người trong giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu chỉ ghi năm sinh, thì năm sinh từ năm 1983 trở về trước.

Điều 2. Danh sách cử tri

1. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều được ghi tên vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI ở nơi mình thường trú.

2. Những người sau đây cũng được ghi tên vào danh sách cử tri:

a) Những người đến thời gian lập danh sách cử tri chưa có hộ khẩu thường trú, di cư tự do, đi lao động, làm công, đi thăm người thân, đi du lịch đã đăng ký tạm trú ở nơi mới đến đều được ghi tên vào danh sách cử tri tại xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký tạm trú và bầu cử đại biểu Quốc hội tại nơi đó.

Kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu, cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm công, đi thăm người thân, đi du lịch ở nơi nào thì xuất trình thẻ cử tri do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân xã) nơi cư trú cấp hoặc giấy chứng nhận của chỉ huy đơn vị "đi bỏ phiếu nơi khác"* tại Uỷ ban nhân xã nơi mới đến để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi đó; nếu họ chưa có thẻ cử tri hoặc giấy chứng nhận "đi bỏ phiếu nơi khác"* thì Uỷ ban nhân dân xã phải yêu cầu những người này liên hệ với Uỷ ban nhân dân xã hoặc chỉ huy đơn vị nơi lập danh sách cử tri trước ngày niêm yết danh sách cử tri để nhận thẻ cử tri hoặc giấy chứng nhận "đi bỏ phiếu nơi khác"* để được bầu cử ở nơi mới đến;

b) Học sinh, sinh viên, học viên ở các học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp khác được ghi tên vào danh sách cử tri tại Uỷ ban nhân dân xã nơi họ thường trú hoặc nơi họ đăng ký tạm trú;

c) Công dân Việt Nam đã có giấy xuất cảnh nhưng còn đang ở Việt Nam tại thời điểm tổ chức cuộc bầu cử;

d) Công dân Việt Nam công tác, lao động, học tập, du lịch, thăm người thân hoặc định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ, thì đến Uỷ ban nhân dân xã nơi đăng ký tạm trú xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri;

đ) Người mất năng lực hành vi dân sự nếu được Toà án, bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa xác nhận là đã không còn ở tình trạng mất năng lực hành vi dân sự;

e) Người vừa câm, vừa điếc được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Khi bỏ phiếu, nếu người vừa câm, vừa điếc không thể tự viết phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu, trừ trường hợp người đó không thể tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu hộ. Người viết phiếu hộ, bỏ phiếu hộ phải giữ bí mật phiếu bầu mà mình viết hộ, bỏ hộ;

g) Người đang bị tạm giữ về hình sự; người đang bị khởi tố về hình sự mà không bị tạm giam; người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Toà án nhưng không bị giam và không bị tước quyền bầu cử; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Toà án; người đang bị tạm giữ về hành chính; người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính; người đang cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; người bị kết án tù nhưng được Toà án cho hưởng án treo; người bị kết án tù nhưng được Toà án cho miễn hoặc hoãn chấp hành hình phạt tù; người bị kết án tù, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng còn tại ngoại do Toà án chưa ra quyết định thi hành án; người bị kết án tù nhưng được Toà án tạm đình chỉ việc chấp hành hình phạt tù; quân nhân đào ngũ, người trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong thời gian chờ xử lý mà không bị tạm giam.

Điều 3. Những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri

1. Những trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri:

a) Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án;

b) Người đang phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc bị kết án tử hình đang trong thời gian xin ân giảm hoặc chưa thi hành án;

c) Bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của pháp luật;

d) Người mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Toà án hoặc có xác nhận của bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa.

2. Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn mất năng lực hành vi dân sự thì đến Uỷ ban nhân dân xã nơi thường trú hoặc nơi tạm trú đề nghị được bổ sung vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri.

3. Người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Toà án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì Toà án hoặc cơ quan hữu quan phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân xã đã lập danh sách cử tri để xoá tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Điều 4. Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội

Những người sau đây không được ứng cử đại biểu Quốc hội:

1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự;

2. Người đang bị khởi tố về hình sự;

3. Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Toà án;

4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Toà án nhưng chưa được xoá án tích;

5. Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.

Điều 5. Xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội

1. Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết, thì Uỷ ban bầu cử phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

2. Trường hợp người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý như sau:

a) Ban thường trực Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu;

b) Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi trao đổi ý kiến với Uỷ ban bầu cử đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu.

Điều 6. Số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử

1. Số người ứng cử trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu ở đơn vị đó.

2. Trong trường hợp Hội đồng bầu cử quyết định xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 5 của Hướng dẫn này làm cho số người ứng cử trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử không nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, thì Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi thống nhất với Uỷ ban bầu cử, chọn người có tín nhiệm cao nhất trong số người còn lại ở danh sách đã hiệp thương lần thứ ba để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định; nếu trong danh sách hiệp thương lần thứ ba không có người có tín nhiệm cao nhất thì Uỷ ban bầu cử báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định việc chuyển người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử có số dư người ứng cử từ hai người trở lên đến đơn vị bầu cử không có số người ứng cử nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu. Trong trường hợp không chọn được người có tín nhiệm cao nhất trong số người đã đưa ra Hiệp thương lần thứ ba và không có đơn vị bầu cử nào có số dư người ứng cử từ hai người trở lên thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định giảm số đại biểu Quốc hội được bầu ở đơn vị bầu cử đó.

Chương 2:

TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG BẦU CỬ

Điều 7. Vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội

Vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương nào thực hiện quyền vận động bầu cử ở địa phương đó.

Điều 8. Mục đích, yêu cầu vận động bầu cử

1. Mục đích của việc tổ chức vận động bầu cử:

a) Tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội;

b) Tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội.

2. Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri;

b) Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

c) Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.

Điều 9. Hình thức, nội dung vận động bầu cử

1. Việc vận động bầu cử được tiến hành dưới các hình thức sau đây:

a) Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương tổ chức;

b) Trả lời phỏng vấn trên báo chí.

2. Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử bao gồm:

a) Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội;

b) Người ứng cử trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội;

c) Người ứng cử và cử tri trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm;

d) Người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử tri.

Điều 10. Trách nhiệm tổ chức vận động bầu cử

Trách nhiệm tổ chức cho người ứng cử đại biểu Quốc hội vận động bầu cử được quy định như sau:

1. Uỷ ban bầu cử chỉ đạo công tác vận động bầu cử và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương;

2. Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội;

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; bảo đảm cho việc tổ chức vận động bầu cử được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.

Điều 11. Hội nghị tiếp xúc cử tri

Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định như sau:

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giới thiệu những nội dung cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để người ứng cử xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình.

Người được trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương nào cần kết hợp nghiên cứu tình hình địa phương đó và tình hình chung của cả nước để xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình;

2. Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, thành phần gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.

3. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm:

a) Tuyên bố lý do;

b) Đại diện Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử;

c) Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội;

d) Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Cử tri và những người ứng cử trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;

đ) Người chủ trì Hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc Hội nghị.

4. Sau Hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử gửi đến Hội đồng bầu cử và Ban thường trực Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 12. Vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng

Việc vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội trên các phương tiện thông tin đại chúng được quy định như sau:

1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội;

2. Nội dung phỏng vấn gồm những vấn đề được quy định tại điểm 2 Điều 9 của bản Hướng dẫn này.

3. Trên cơ sở chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Văn hoá - Thông tin cùng cấp tổ chức việc đăng tải nội dung phỏng vấn từng người ứng cử đại biểu Quốc hội trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật, công bằng giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội, tuân thủ các quy định về vận động bầu cử.

Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng đối với việc vận động bầu cử

1. Các cơ quan báo chí ở trung ương có trách nhiệm đưa tin về tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước, đưa tin về hoạt động của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình tổ chức bầu cử.

2. Các cơ quan báo chí ở địa phương có trách nhiệm đưa tin về Hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Điều 14. Kinh phí vận động bầu cử

Kinh phí vận động bầu cử do ngân sách nhà nước cấp từ kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức và kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI.

Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân mình.

Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Điều 15. Thời gian tiến hành vận động bầu cử

Việc tổ chức để những người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện quyền vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày Hội đồng bầu cử công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và kết thúc hai mươi bốn giờ trước giờ bỏ phiếu.

Chương 3:

TỔ CHỨC BẦU CỬ

Điều 16. Thẻ cử tri

Công dân có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.

Thẻ cử tri của công dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú ký tên và đóng dấu.

Thẻ cử tri của công dân ở đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị ký tên và đóng dấu.

Điều 17. Khu vực bỏ phiếu, địa điểm bỏ phiếu

1. Mỗi khu vực bỏ phiếu phải có từ ba trăm đến hai nghìn cử tri, trừ miền núi, hải đảo, những nơi dân cư không tập trung, có điều kiện địa lý, giao thông không thuận lợi cho việc đi lại, cách biệt với những khu vực khác hoặc do yêu cầu đặc biệt của đơn vị vũ trang nhân dân thì chưa tới ba trăm cử tri cũng có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, nhà nuôi người tàn tật có từ năm mươi cử tri trở lên có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh đối với những người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

2. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm, thuận tiện cho cử tri đến bầu cử, có đầy đủ bàn, ghế, bút, mực và các vật dụng khác phục vụ cho việc bầu cử.

Điều 18. Xác định phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ

1. Những phiếu sau đây là phiếu hợp lệ:

a) Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát, có dấu của Tổ bầu cử;

b) Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu Quốc hội mà đơn vị bầu cử được bầu;

c) Phiếu bầu gạch tên các ứng cử viên không được tín nhiệm bằng cách gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang, nhưng phải gạch hết họ và tên.

2. Những phiếu sau đây là phiếu không hợp lệ:

a) Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát;

b) Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

c) Phiếu để số người được bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu;

d) Phiếu gạch, xoá hết tên những người ứng cử;

đ) Phiếu ghi tên người ngoài danh sách những người ứng cử; phiếu có viết thêm; phiếu gạch vào khoảng cách giữa họ và tên hai ứng cử viên; phiếu khoanh tròn họ và tên ứng cử viên.

Điều 19. Báo cáo tình hình trong ngày bầu cử

1. Trong ngày bầu cử, Uỷ ban bầu cử phải báo cáo với Hội đồng bầu cử về các nội dung sau:

a) Việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho ngày bầu cử;

b) Những thuận lợi, khó khăn về giao thông, thời tiết ảnh hưởng đến việc bầu cử;

c) Số cử tri đi bầu và tiến độ cử tri đi bầu;

d) Dư luận trong nhân dân về cuộc bầu cử và những người ứng cử đại biểu Quốc hội;

đ) Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn.

2. Việc báo cáo được thực hiện trực tiếp bằng điện thoại hoặc fax đến Hội đồng bầu cử theo tiến độ hai giờ một lần. Kết thúc ngày bầu cử, Uỷ ban bầu cử báo cáo đầy đủ với Hội đồng bầu cử các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này bằng fax; ở những nơi có sự cố đột xuất xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử thì phải báo cáo ngay với Hội đồng bầu cử để xin ý kiến chỉ đạo.

3. Uỷ ban bầu cử có bộ phận thường trực để tiếp nhận thông tin từ các Ban bầu cử, Tổ bầu cử gửi đến.

Điều 20. Biên bản xác định kết quả bầu cử

1. Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Uỷ ban bầu cử lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở địa phương theo Mẫu số 10/BCĐBQHXI do Hội đồng bầu cử ban hành.

2. Uỷ ban bầu cử gửi Biên bản xác định kết quả bầu cử đến Hội đồng bầu cử, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

3. Hội đồng bầu cử có bộ phận tiếp nhận Biên bản xác định kết quả bầu cử. Địa điểm nộp Biên bản xác định kết quả bầu cử được quy định như sau:

a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc nộp Biên bản xác định kết quả bầu cử tại Thủ đô Hà Nội (Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội);

b) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ thành phố Đà Nẵng trở vào phía Nam nộp Biên bản xác định kết quả bầu cử tại thành phố Hồ Chí Minh (Nhà khách Văn phòng Quốc hội - 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh).

Điều 21. Công bố kết quả bầu cử

1. Sau khi nhận và kiểm tra Biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử và giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có), Hội đồng bầu cử lập Biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước.

2. Căn cứ vào Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước, Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước.

Điều 22. Tổng kết cuộc bầu cử

Uỷ ban bầu cử có trách nhiệm tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương. Nội dung tổng kết cuộc bầu cử bao gồm:

1. Đánh giá quá trình chuẩn bị cuộc bầu cử:

a) Các bước chuẩn bị bầu cử theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

b) Việc tổ chức tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú, nơi bầu cử, vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội;

c) Việc hướng dẫn, chỉ đạo công tác bầu cử của các Ban bầu cử, Tổ bầu cử ở địa phương;

d) Việc tổ chức các Hội nghị hiệp thương;

đ) Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và các văn bản hướng dẫn bầu cử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

e) Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương trong thời gian chuẩn bị bầu cử và trong ngày bầu cử;

g) Việc xem xét, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử;

h) Sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức phụ trách bầu cử và các cơ quan, tổ chức hữu quan;

i) Việc sử dụng kinh phí bầu cử.

2. Những kinh nghiệm từ việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI:

a) Việc chuẩn bị các điều kiện cho cuộc bầu cử;

b) Việc chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội;

c) Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến cuộc bầu cử;

d) Đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử ở địa phương.

3. Kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Chính phủ, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức cuộc bầu cử.

Uỷ ban bầu cử gửi Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Chính phủ, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 285/2002/NQ-UBTVQH10 về việc ban hành hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI do Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành

  • Số hiệu: 285/2002/NQ-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 29/01/2002
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản