Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM - UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 282/NQ-UBTVQH-ĐCTUBMTTQVN

Hà Nội, ngày 21 tháng 1 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH HIỆP THƯƠNG LỰA CHỌN, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI - ĐOÀN CHỦ TỊCH UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Căn cứ vào Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2002/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2002 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này "Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội".

Điều 2. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội theo Quy trình này.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện những nhiệm vụ được quy định trong Quy trình này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Trần Văn Đăng

(Đã ký)

Vũ Mão

(Đã ký)

 

 

QUY TRÌNH

 HIỆP THƯƠNG LỰA CHỌN, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 282 /NQLT/UBTVQH-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 21tháng 01 năm 2002)

Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo các bước như sau:

Bước một:

TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ NHẤT ĐỂ THOẢ THUẬN VỀ CƠ CẤU, THÀNH PHẦN VÀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Từ ngày 15 tháng 2 đến ngày 23 tháng 2 năm 2002)

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến theo quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 (gọi chung là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội) và thoả thuận về số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương.

A- THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ

1- Ở Trung ương:

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời đại diện Hội đồng bầu cử, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ dự hội nghị.

2- Ở địa phương:

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên, đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh mời đại diện Uỷ ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp dự hội nghị.

B- NỘI DUNG VÀ CÁCH LÀM

1- Hội nghị nghe giới thiệu Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

2- Hội nghị nghe giới thiệu dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân ở cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Người tự ứng cử thuộc cơ cấu và số lượng đại biểu Quốc hội nói trên.

3- Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trình bày dự kiến số lượng người của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu. Số lượng người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu Quốc hội được bầu để đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba bảo đảm mỗi đơn vị bầu cử đều có số dư.

4- Hội nghị thảo luận để thoả thuận về số lượng người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nếu hội nghị không thoả thuận được vấn đề nào đó, thì biểu quyết bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết. Nếu hội nghị quyết định bằng cách bỏ phiếu kín thì cử ban kiểm phiếu từ 3 đến 5 người. Phiếu bầu phải có dấu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tổ chức hiệp thương.

5- Hội nghị lập biên bản ghi rõ nội dung hội nghị, thành phần hội nghị, tổng số người được triệu tập, số người có mặt, diễn biến và thoả thuận cuối cùng của hội nghị (theo mẫu số 5/BCĐBQHXI-MT).

6- Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử; Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh gửi biên bản đến Uỷ ban bầu cử, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

7- Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tổ chức hội nghị hiệp thương họp với đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ra ứng cử đại biểu Quốc hội để hướng dẫn nội dung và cách tiến hành giới thiệu người ra ứng cử, thời hạn gửi các biên bản (theo các mẫu số 2, 3 và 4/ BCĐBQHXI-MT), và thủ tục làm hồ sơ ứng cử.

Bước hai:

CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TIẾN HÀNH GIỚI THIỆU NGƯỜI RA ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Từ ngày 01 tháng 3 đến ngày 12 tháng 3 năm 2002)

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến phân bổ cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu thì dự kiến người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và tổ chức lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri nơi người đó công tác. Trên cơ sở ý kiến của hội nghị cử tri, Ban lãnh đạo họp mở rộng để thảo luận, lựa chọn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại các điều 33, 34 và 35 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.

A. NỘI DUNG VÀ CÁCH LÀM

Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành như sau:

1- Dự kiến người ra ứng cử.

a) Thành phần hội nghị:

- Tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội họp Ban lãnh đạo dự kiến người của tổ chức mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Ở cơ quan nhà nước thì ban lãnh đạo cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan dự kiến người của cơ quan mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Ở đơn vị vũ trang nhân dân thì lãnh đạo, chỉ huy đơn vị dự kiến người của đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

b) Cách tiến hành:

- Hội nghị nghe đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị mình giới thiệu mục đích yêu cầu cuộc họp, dự kiến cơ cấu, thành phần và số lượng người được phân bổ giới thiệu ra ứng cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, các bước tiến hành để lập danh sách giới thiệu người ra ứng cử.

- Những người dự họp thảo luận về dự kiến giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2- Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác.

Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác (làm việc) được tiến hành theo quy định tại Điều 2, Nghị quyết số: 283 ngày 21 tháng 01 năm 2002 về hướng dẫn tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội nghị lập biên bản (theo mẫu số 4/BCĐQHXI-MT)

3- Giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

a) Thành phần hội nghị:

- Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác của người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử, Ban lãnh đạo tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tổ chức hội nghị:

+ Đoàn Chủ tịch mở rộng tới người đứng đầu các tổ chức thành viên để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Đối với tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội không có tổ chức thành viên, thì họp Đoàn Chủ tịch mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận giới thiệu người của tổ chức mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

+ Ban Thường vụ mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của tổ chức mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

+ Ban Thường trực mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận giới thiệu người của tổ chức mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác của người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử, Thủ trưởng cơ quan nhà nước tổ chức hội nghị gồm ban lãnh đạo cơ quan, Ban chấp hành Công đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thảo luận, giới thiệu người của cơ quan mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác của người được dự kiến giới thiệu ra ứng cử, Thủ trưởng đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức hội nghị gồm lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và người chỉ huy cấp dưới trực tiếp để thảo luận, giới thiệu người của đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

b) Cách tiến hành:

- Hội nghị nghe đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị mình báo cáo tình hình và kết quả hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác đối với từng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được dự kiến giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Những người dự hội nghị thảo luận và biểu thị sự tán thành của mình đối với từng người được giới thiệu ra ứng cử bằng cách biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Nếu hội nghị quyết định bỏ phiếu kín thì hội nghị cử Ban kiểm phiếu từ 3 đến 5 người. Phiếu phải có dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Hội nghị lập biên bản ghi rõ nội dung, thành phần, số người được triệu tập, số người có mặt, diễn biến hội nghị và danh sách những người được hội nghị ban lãnh đạo tán thành giới thiệu ra ứng cử (theo mẫu số 3/BCĐBQHXI-MT).

- Sau hội nghị này, cơ quan, tổ chức, đơn vị hướng dẫn những người được lựa chọn giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội làm thủ tục hồ sơ ứng cử theo quy định tại điều 28 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

B. VIỆC GỬI HỒ SƠ CỦA NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ BIÊN BẢN HỘI NGHỊ

Chậm nhất là ngày 15 tháng 3 năm 2002, hồ sơ của những người ứng cử, biên bản hội nghị ban lãnh đạo và biên bản hội nghị cử tri nơi công tác phải được chuyển đến các cơ quan theo quy định sau:

1- Hồ sơ của người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị của người đó có trách nhiệm chuyển đến Hội đồng bầu cử.

Hồ sơ của người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị của người đó có trách nhiệm chuyển đến Uỷ ban bầu cử.

2- Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác và biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, thì gửi đến Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác và biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội thì gửi đến Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bước ba:

TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ HAI ĐỂ THOẢ THUẬN LẬP DANH SÁCH SƠ BỘ NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Từ ngày 16 tháng 3 đến ngày 20 tháng 3 năm 2002)

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú theo quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

A- THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương và ở địa phương gồm các thành phần như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

B- NỘI DUNG VÀ CÁCH LÀM

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương và ở địa phương được tiến hành như sau:

1- Căn cứ vào việc điều chỉnh lần thứ nhất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị; căn cứ vào sự thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và các biên bản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tổ chức hiệp thương báo cáo tình hình giới thiệu người ra ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đối với những người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Hội nghị bàn bạc điều chỉnh những trường hợp cần thiết (nếu có) và thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh còn có trách nhiệm xem xét về những người tự ứng cử do Uỷ ban bầu cử chuyển đến để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

2- Bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người trong danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

3- Biên bản hội nghị ghi rõ thành phần, số lượng người được triệu tập, số người có mặt, diễn biến và thỏa thuận cuối cùng của hội nghị.

4- Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi biên bản đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử; Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh gửi biên bản đến Uỷ ban bầu cử, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (theo mẫu số 6 và 8/BCĐBQHXI-MT).

5- Đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị có điều chỉnh cơ cấu thành phần, số lượng hoặc danh sách người giới thiệu ra ứng cử thì tiến hành giới thiệu lại theo cách làm ở bước hai.

Bước bốn:

TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN NHẬN XÉT VÀ TÍN NHIỆM CỦA CỬ TRI NƠI CƯ TRÚ VÀ NƠI CÔNG TÁC (NẾU CÓ) VỀ NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Từ ngày 21 tháng 3 đến ngày 28 tháng 3 năm 2002)

Tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử theo quy định tại Điều 39 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và tại Điều 3 Nghị quyết số: 283 ngày 21 tháng 01 năm 2002 về hướng dẫn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội của Uỷ ban Thưòng vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

A- NỘI DUNG VÀ CÁCH LÀM

1- Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tổ chức họp với đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú và đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội để hướng dẫn và bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri.

2- Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức họp với đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú và đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội để hướng dẫn và bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri.

3- Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú thường xuyên tại thôn, xóm, buôn, bản, ấp, tổ dân phố hoặc tương đương do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để tổ chức hội nghị cử tri.

4- Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã mời đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ra ứng cử và người ứng cử đại biểu Quốc hội đến dự hội nghị cử tri.

5- Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số: 283 ngày 21 tháng 01 năm 2002 về hướng dẫn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6- Tại hội nghị này, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Nếu hội nghị quyết định bỏ phiếu kín thì hội nghị cử Ban kiểm phiếu từ 3 đến 5 người. Phiếu tín nhiệm phải có dấu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã hoặc của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

7- Biên bản hội nghị cử tri phải ghi rõ tổng số cử tri được mời, số cử tri có mặt; ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với từng ứng cử (theo mẫu số 4/BCĐBQHXI-MT).

Đối với người tự ứng cử nếu chưa lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người đó làm việc (nếu có) thì trong bước này phải lấy ý kiến của cử tri ở cả nơi làm việc và cư trú.

Biên bản hội nghị cử tri đối với những người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương thì chuyển đến Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngay sau khi kết thúc hội nghị.

Biên bản hội nghị cử tri đối với những người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương và người tự ứng cử thì chuyển đến Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị.

Chương trình và nội dung hội nghị cử tri nơi cư trú được tiến hành theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số: 283 ngày 21 tháng 01 năm 2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú về những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

B. TRÁCH NHIỆM XÁC MINH CÁC VỤ VIỆC DO CỬ TRI NÊU LÊN

Những vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử, phải được xác minh và trả lời theo quy định sau:

1- Những vụ việc ở nơi công tác (làm việc) thì cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu ra ứng cử), cho Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh (đối với người do cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương ra ứng cử).

Trường hợp người ứng cử là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.

2- Đối với vụ việc ở khu dân cư thì cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương giới thiệu ra ứng cử), cho Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh (đối với người do cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương ra ứng cử).

3- Đối với người tự ứng cử thì Uỷ ban bầu cử phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh.

4- Chậm nhất là ngày 9 tháng 4 năm 2002 việc xác minh và trả lời các vấn đề quy định trên phải được tiến hành xong. Các văn bản trả lời về các vụ việc phải lưu vào hồ sơ của người ứng cử.

Bước năm:

TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ BA ĐỂ LẬP DANH SÁCH CHÍNH THỨC NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
(Từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 14 tháng 4 năm 2002)

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả hội nghị cử tri nơi công tác (làm việc) và nơi cư trú, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn và lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

A. THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương và ở địa phương gồm các thành phần như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

B. NỘI DUNG VÀ CÁCH LÀM

1- Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử, kết hợp nêu tình hình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác đã làm ở bước hai, trong đó cần nêu những trường hợp người ứng cử không được sự tín nhiệm của cử tri và những trường hợp cần xem xét.

2- Báo cáo dự kiến danh sách những người được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội để hội nghị thảo luận, lựa chọn và thỏa thuận lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

3- Biên bản hội nghị ghi rõ thành phần, danh sách những người được triệu tập, danh sách những người có mặt, diễn biến hội nghị và thỏa thuận lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

4- Chậm nhất là ngày 19 tháng 4 năm 2002 Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Hội đồng bầu cử biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách chính thức những người thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội; Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh gửi đến Uỷ ban Bầu cử, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng bầu cử biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách chính thức những người thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội (theo mẫu số 7 và 8/BCĐBQHXI-MT).