CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:27/2008/NQ-CP | Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2008 |
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ GIỮA THÁNG 11 NĂM 2008
Ngày 18 tháng 11 năm 2008, Chính phủ họp phiên giữa tháng 11 năm 2008, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau đây:
Thời gian qua, nước ta đã tập trung nguồn lực thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều; đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt; việc xóa đói, giảm nghèo đã góp phần thực hiện phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội, được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, còn có khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền, các nhóm dân cư. Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Chính phủ cần phải ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm giảm tỷ lệ nghèo ở các huyện này nói riêng, đồng thời góp phần đẩy nhanh công cuộc xói đói, giảm nghèo của cả nước nói chung.
Để thực hiện giảm nghèo đối với những huyện có tỷ lệ nghèo cao, một mặt, cần tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành trên cơ sở rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới; mặt khác, ban hành các cơ chế, chính sách mới mang tính chất đột phá, đặc thù, phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế - xã hội của từng huyện, từng địa phương.
Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp, hoàn chỉnh Đề án và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. Trong Nghị quyết này cần quy định một số cơ chế, chính sách cụ thể triển khai thực hiện ngay sau khi ban hành; đồng thời đưa ra một số định hướng chính sách, để từ đó ban hành các văn bản cụ thể hóa.
Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; là sự thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", đồng thời tiếp tục cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Chiến lược này là công cụ và định hướng quan trọng để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng từ nay đến năm 2020, được áp dụng đối với cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Dự thảo Chiến lược phòng, chống tham nhũng cần đưa ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ, xác định bước đi cụ thể, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm cho từng giai đoạn; đồng thời chỉ quy định những vấn đề thực sự cần thiết, có tính khả thi; kế hoạch hành động hợp lý, phù hợp với năng lực thực hiện của các cơ quan nhằm bảo đảm thực thi Chiến lược có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thành Dự thảo Chiến lược, trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tờ trình về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo ý kiến thẩm tra về Pháp lệnh này.
Là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực dân số, điều chỉnh toàn diện vấn đề dân số, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã góp phần nâng cao trách nhiệm của công dân, của nhà nước và xã hội trong công tác dân số; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường, thống nhất quản lý nhà nước về dân số. Tuy nhiên, việc quy định thiếu chặt chẽ tại Điều 10 dẫn đến cách hiểu nhà nước không hạn chế quy mô gia đình ở mức 1 đến 2 con. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ tiêu giảm sinh thời gian qua không hoàn thành. Để khắc phục tình trạng này, từng bước đưa công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đi vào nề nếp, cần phải ban hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003, trong đó quy định rõ quy mô gia đình 1 đến 2 con, thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Việc khai thác tràn lan và xuất khẩu quặng khoáng sản, đất hiếm... tăng mạnh thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc biểu khung thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản kim loại và phi kim loại ban hành từ năm 1998 còn thấp, không phù hợp với tình hình hiện nay. Để góp phần hạn chế tình trạng khai thác tràn lan, tăng ngân sách địa phương dành cho cải tạo môi trường, sửa chữa cơ sở hạ tầng cũng như khuyến khích các doanh nghiệp khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, cần phải ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003; Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các dự án Pháp lệnh này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị quyết số 27/2008/NQ-CP về việc phiên họp Chính phủ giữa tháng 11 năm 2008 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 27/2008/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 25/11/2008
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 630 đến số 631
- Ngày hiệu lực: 21/12/2008
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định