Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 22/2002/NQ-HĐ | Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2002 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG CỦA THỦ ĐÔ NĂM 2002
(HĐND Thành phố Hà Nội - Khóa XII, Kỳ họp thứ 6, từ ngày 16 đến ngày 18/01/2002)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân(Sửa đổi);
Căn cứ Báo cáo của UBND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2001 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002;
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban MTTQ Thành phố, ý kiến cử tri, Thuyết trình của các Ban, ý kiến của các Đại biểu HĐND thành phố;
QUYẾT NGHỊ:
Tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2001; phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô năm 2002.
Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh một số vấn đề sau:
I. VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND THÀNH PHỐ NĂM 2001:
Thực hiện Nghị quyết của HĐND, UBND Thành phố cùng các ngành, các cấp và nhân dân Thủ đô đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy các nguồn lực, tranh thủ chỉ đạo của Trung ương phấn đấu hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng mà HĐND Thành phố đã đề ra: Kinh tế tăng trưởng khá; tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn tăng 10,03% so với năm 2000; cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng hướng; giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng tăng 12,6% (riêng công nghiệp tăng 10,9%); giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 11,2%; giá trị nông - lâm - thủy sản tăng 0,7%; thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán; công tác xây dựng và quản lý đô thị, bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ; lĩnh vực văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng có chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân ổn định.
Về kinh tế, đáng chú ý là công nghiệp địa phương kể cả quốc doanh và ngoài quốc doanh đạt tốc độ tăng trưởng cao, trên 19% về GTSL; giá trị các ngành dịch vụ tăng 11,7%; tổng doanh thu du lịch tăng 13,5%; hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; hầu hết các khoản thu ngân sách trên địa bàn đều vượt dự toán.
Thành phố đã tập trung chỉ đạo giải quyết có kết quả nhiều vấn đề bức xúc trong xây dựng và quản lý đô thị: Đẩy mạnh và công khai công tác quy hoạch; tập trung đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm, đặc biệt là phát triển nhà ở và giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích nhà ở mới xây dựng đạt 84,3 vạn m2, vượt kế hoạch 68,6%. Đã và đang tổ chức GPMB cho 333 dự án, liên quan đến 9000 hộ dân, trong đó đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho 158 dự án, rút được nhiêu kinh nghiệm quý báu cho việc triển khai thực hiện các dự án có GPMB trong thời gian tới; đầu tư có hiệu quả để giải quyết những vấn đề trong đời sống nhân dân như cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị....
Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng các cấp được tổ chức tốt. Tại SEAGAMES 22 đoàn Hà Nội đóng góp quan trọng vào thành tích chung của toàn đoàn. Thành phố tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; hoàn thành xây mới 14 trường học và xóa 396 phòng học cấp 4. Hoạt động y tế triển khai đồng bộ, đã hoàn thành 4 chỉ tiêu y tế cơ sở. Công tác trợ giúp người nghèo phát triển sản xuất đạt kết quả tốt; 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; quan tâm chăm lo đời sống và ổn định nhà ở cho người có công với cách mạng; công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, giải quyết trẻ lang thang có chuyển biến tích cực.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động của Đảng, Nhà nước và Thành phố trong mọi điều kiện. Triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân, công tác động viên huấn luyện quân dự bị và dân quân tự vệ.
Triển khai phương án hợp lý hóa, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính ở các cấp, các ngành, chấn chỉnh lại tác phong, lề lối làm việc; thí điểm khoán chi hành chính. Đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; kịp thời giải quyết các khiếu tố mới phát sinh theo phương châm giải quyết dứt điểm từ cơ sở.
Đạt được những kết quả trên đây là do Thành phố đã có bước chuyển biến mạnh trong công tác chỉ đạo điều hành theo hướng tập trung, kiên quyết, chặt chẽ, đồng bộ và được nhân dân đồng tình ủng hộ, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết HĐND thành phố đã đề ra.
Bên cạnh các kết quả đạt được, năm 2001 kinh tế - xã hội Thủ đô còn một số khó khăn, tồn tại: Kinh tế tăng trưởng khá nhưng chất lượng và sức cạnh tranh còn hạn chế; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch; hoạt động của các HTX sau chuyển đổi còn nhiều khó khăn; một số công trình lớn chưa đạt tiến độ; công tác thu hồi đất hoang phí, sử dụng sai mục đích còn chậm; hiện tượng thiếu nước sạch vào mùa hè ở một số nơi vẫn tiếp diễn; tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch còn cao; tình trạng ngập úng vẫn còn; nạn ùn tắc giao thông tại một số khu vực trọng điểm và tai nạn giao thông chưa giảm; tình trạng đào đường thi công, chậm hoàn trả mặt đường chưa được khắc phục kịp thời. Một số vấn đề bức xúc như tệ nạn ma túy, mại dâm, văn hóa độc hại vẫn diễn biến phức tạp. Thất nghiệp còn cao so với cả nước. Tiến độ cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy chậm; tình trạng quan liêu tiêu cực chưa được khắc phục có hiệu quả.
II. VỀ KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2002.
Năm 2002 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001 - 2005. Tư tưởng chỉ đạo chung là: Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm đã có, với tinh thần chủ động tiến công, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2002 tập trung hơn, quyết liệt và có hiệu quả hơn. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 là: Duy trì nhịp độ phát triển cao và ổn định, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Tập trung huy động mọi tiềm năng, tăng cường đầu tư, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; giải quyết những bức xúc trong xây dựng, quản lý đô thị và xã hội. Tập trung cho công tác GPMB và văn minh đô thị. Phát triển văn hóa giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao thu nhập của người lao động; mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, pháp luật gắn với xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
A/ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU (SO VỚI NĂM 2001):
Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế:
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng: 10 - 11%
- Giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng tăng: 14 - 15%
- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng: 11 - 12%
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng: 1,5 - 2,5%
- Kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tăng: 12 - 14%
- Cơ cấu ngành kinh tế: 100%
+ Công nghiệp và xây dựng 37,5%
+ Các ngành dịch vụ 60%
+ Nông lâm ngư nghiệp 2,5%
Các chỉ tiêu về xã hội:
- Mức giảm tỷ lệ sinh: 0,015%
- Số lao động được giải quyết việc làm: 60.000 người
- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng: 15,5%
- Số hộ nghèo giảm trong năm: 5.000 hộ
Các chỉ tiêu về phát triển đô thị:
- Giảm tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch: 5,0%
- Diện tích nhà xây mới: 720.000 m²
B. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
HĐND tán thành những nhiệm vụ kinh tế -xã hội và các giải pháp do UBND thành phố trình bày, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu sau:
1. Về phát triển kinh tế:
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Xây dựng các cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế và huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung mọi cố gắng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Chú trọng phát triển 5 ngành công nghiệp chủ lực: Điện - điện tử - thông tin, công nghiệp cơ - kim khí, dệt - may - da - giầy, chế biến nông sản, thực phẩm và ngành công nghiệp vật liệu mới. Khôi phục và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, phát triển hàng thủ công mỹ nghệ.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; cổ phần hóa 15 doanh nghiệp Nhà nước, bán khoán, cho thuê 10 DNNN hoạt động kém hiệu quả; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đi vào sản xuất ổn định. Khẩn trương xây dựng đề án để triển khai thực hiện chương trình trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tinh thần Nghị định 90/ 2001/NĐ-CP của Chính phủ.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao; thí điểm thực hiện một số dịch vụ hành chính công; đa dạng các loại hình du lịch, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để tăng 13 - 15% số lượng khách trong nước và nước ngoài, phấn đấu tổng doanh thu du lịch tăng 12% Đầu tư mới các khu vui chơi giải trí, khu du lịch cuối tuần, khai thác tuyến du lịch sông Hồng.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa dựa trên kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, tạo ra các nông sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao; tăng đầu tư cho ngoại thành, kể cả đầu tư trực tiếp cho sản xuất; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và đầu tư hạ tầng kỹ thuật 5 làng nghề; triển khai các dự án chế biến nông sản thực phẩm và 4 khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tạo bước chuyển về áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, đảm bảo chủ động phòng chống thiên tai. Hoàn thành cải tạo 20 dự án điện nông thôn, nâng cấp 33km đường giao thông liên xã, phấn đấu để 70% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
2. Về đô thị:
Tập trung xây dựng các quy hoạch chi tiết chuyên ngành để cơ bản hoàn thành vào năm 2003, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, trục đường phố mới, quy hoach hệ thống giao thông công cộng. Duy trì và khai thác tốt hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có. Tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường vành đai 1, 2 3, năm nút giao thông và một số trục đường hướng tâm quan trọng; đầu tư tổ chức lại giao thông ở một số tuyến đường; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng từ 6% lên 9% so với tổng lượng vận tải hành khách. Chủ động nghiên cứu, xây dựng dự án hệ thống giao thông bằng xe điện. Ưu tiên bố trí vốn và tập trung chỉ đạo công tác GPMB để triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án thoát nước, xử lý các điểm ngập úng hiện tại. Cải thiện tình hình cung cấp nước sạch cho những khu vực khó khăn, phấn đấu xóa bỏ dần các vùng chưa được cấp nước sạch ở khu vực đô thị; cơ bản hoàn thành lưới điện chiếu sáng các ngõ phố trên 2m tại các quận nội thành, các thị trấn, thị tứ; tích cực ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật điện, thông tin liên lạc và vô tuyến viễn thông ở các tuyến phố mới, các khu đô thị mới; đẩy mạnh xây dựng nhà ở và công khai quy trình và thủ tục bán nhà cho các đối tượng; bảo đảm đủ quỹ nhà phục vụ di dân GPMB. Đẩy mạnh chương trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở khu vực đô thị (cấp 39.000 giấy), quyền sử dụng đất ở, ao, vườn liền kề trong khu vực nông thôn; kiên quyết thu hồi đất của các đơn vị sử dụng sai mục đích, để hoang hóa.
3. Về văn hóa - xã hội:
Duy trì kết quả phổ cập tiểu học và THCS. Tiếp tục chỉ đạo bán công hóa các trường mầm non, hỗ trợ các trường ngoài công lập; xóa 400 phòng học cấp 4. Quan tâm xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch - hiện đại, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Triển khai truyền hình số. Tăng cường quản lý báo chí và công tác xuất bản. Đầu tư bảo tồn và tôn tạo một số di tích lịch sử. Triển khai xây dựng một số công trình văn hóa phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng; tổ chức tốt Đại hội TDTT Thủ đô lần thứ V; Chuẩn bị, tham gia tích cực Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV. Khẩn chương đào tạo đội ngũ vận động viên và đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất cho SEAGAMES 2003.
Chủ động khống chế và kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tiêm chủng mở rộng cho 99,9% trẻ em trong độ tuổi. Triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ công tác đòa tạo nghề, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36% lên 38%. Từng bước hạn chế và giảm số người nghiện; đầu tư cơ sở cai nghiện tập trung đảm bảo tiếp nhận 3000 đối tượng vào cuối năm 2002. Quan tâm quản lý sau cai nghiện. Phối hợp có hiệu quả giữa phòng chống HIV/ AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng các đề án để triển khai thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục - y tế - văn hóa - TDTT theo tinh thần Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường đầu tư và tiếp tục đổi mới công tác quản lý khoa học - công nghệ, tạo ra bước đột phá trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và quản lý hành chính Nhà nước.
Thực hiện Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích năm 2002 trên địa bàn thành phố với tổng quỹ ngày công là 2.592.850 ngày công; kế hoạch huy động 2.333.565 ngày công. Chuyển toàn bộ 10% quỹ do thành phố quản lý về do cấp phường, xã, thị trấn điều hành. Tỷ lệ điều hành cụ thể nguồn thu của Quỹ giao HĐND và UBND các quận, huyện quy định. Mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ lao động công ích có trách nhiệm thi hành nghiêm túc quyết định huy động nghĩa vụ lao động công ích của cấp có thẩm quyền. Trường hợp không thể trực tiếp đi lao động thì đóng góp bằng tiền theo mức: Khu vực nội thành 6.000 đ/ngày công, khu vực ngoại thành 4.000 đ/ngày công.
4. Về an ninh, quốc phòng:
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu qủa chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, giảm các vụ trọng án. Điều tra xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các vụ án tham nhũng, buôn lậu, ma túy, mại dâm; làm tốt công tác thi hành án.
Nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 51/CP về quản lý đăng ký hộ khẩu. Đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, phấn đấu giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện còn nổi cộm, tồn đọng kéo dài, những vấn đề bức xúc do công luận đặt ra.
5. Về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền và phong trào quần chúng:
Tập trung kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính các cấp; tăng cường phân cấp quản lý cho các quận, huyện; từng bước thực hiện tách các dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các sở chuyên ngành ra khỏi quản lý Nhà nước. Thực hiện có hiệu lực tinh giảm biên chế, nâng cao năng lực và trách nhiệm cá nhân của đội ngũ công chức. Tổ chức tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa XI. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và quy trình đầu tư, GPMB, cấp phép, quản lý đất đai.
Giao UBND thành phố xây dựng và ban hành quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, đã lạc hậu hoặc chồng chéo; Khẩn trương hoàn thiện các quy chế của HĐND và UBND về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Thủ đô.
Phát huy những thành tích của năm 2001, Hội đồng nhân dân Thành phố kêu gọi công nhân, nông dân, trí thức, nhân dân và các lực lượng vũ trang Thủ đô, các cấp, các ngành đồng tâm hiệp lực, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2002.
| T/M. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1Nghị quyết số 03/2000/NQ-HĐ về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thủ đô năm 2000 (HĐND thành phố Hà Nội Khoá XII, Kỳ họp thứ 2, từ ngày 20 đến ngày 24/1/2000)do Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Tờ trình số 2759/TTr-UBND về việc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010 tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 3Nghị quyết 15/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2012 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ 5 ban hành
- 1Nghị quyết số 03/2000/NQ-HĐ về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thủ đô năm 2000 (HĐND thành phố Hà Nội Khoá XII, Kỳ họp thứ 2, từ ngày 20 đến ngày 24/1/2000)do Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 3Tờ trình số 2759/TTr-UBND về việc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010 tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 4Nghị quyết 15/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2012 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ 5 ban hành
Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ về nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô năm 2002 do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 22/2002/NQ-HĐ
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 18/01/2002
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Phùng Hữu Phú
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra