Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 1993

 

NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 20-CP NGÀY 5-5-1993 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG NHIỄM HIV-SIDA 

Nhiễm HIV/SIDA (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), đại dịch của thế kỷ đã lan tràn trên khắp các lục địa, gây ảnh hưởng to lớn đối với kinh tế và xã hội, tính mạng và sức khoẻ nhân dân của từng quốc gia.

Tại Việt Nam, trường hợp HIV đầu tiên được phát hiện từ tháng 12 năm 1990, đến nay số nhiễm HIV được phát hiện đã tăng lên nhiều (tính đến 21 tháng 4 năm 1993, số người bị nhiễm HIV/SIDA được phát hiện là 304, gồm 229 người Việt Nam và 75 người nước ngoài, có 7 bệnh nhân SIDA). Đối tượng nhiễm HIV/SIDA chủ yếu là người nghiện xì ke ma tuý và gái mại dâm, ở 13 tỉnh, thành phố, nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy nhiễm HIV/SIDA đang thực sự trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng ở nước ta. Thực tiễn này đòi hỏi phải huy động mọi lực lượng xã hội cùng tham gia việc phòng, chống với những biện pháp đồng bộ và có hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội từ Trung ương đến địa phương nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp sau:

1. Các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội phải thấy rõ tính chất nguy hại của bệnh SIDA đã xâm nhập và có xu hướng phát triển ở nước ta, đe doạ sức khoẻ nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội; làm cho mọi người hiểu rõ phòng chống SIDA là nhiệm vụ cấp bách của mọi công dân Việt Nam, để có ý thức đầy đủ trong việc tự bảo vệ cho mình và cho xã hội, tham gia phòng chống SIDA.

Phải gắn liền việc phòng chống SIDA với phòng chống các tệ nạn nghiện trích ma tuý và mại dâm, vì hai tệ nạn này là môi trường thuận lợi cho việc lan truyền mạnh mẽ nhiễm HIV/SIDA trong cộng đồng. Các cơ quan đảm nhiệm các công việc trên ở các cấp cần có kế hoạch thống nhất chỉ đạo, nắm tình hình và báo cáo kịp thời với Chính phủ.

Các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương coi việc phòng, chống SIDA là một trọng tâm công tác; theo chức năng, nhiệm vụ của mình, vạch chương trình hành động phòng, chống SIDA, đầu tư nguồn lực (nhân lực, phương tiện, ngân sách) vào việc phòng, chống căn bệnh này.

Việc chỉ đạo cần tích cực, thường xuyên ở mọi địa phương, song chú trọng đi vào chiều sâu, giáo dục và vận động nhân dân giải quyết các vấn đề một cách thiết thực, tránh làm ồn ào, hình thức.

2. Đẩy mạnh việc giáo dục, thông tin, truyền thông thường xuyên về nguy cơ nhiễm HIV/SIDA trong toàn xã hội, trọng tâm là thanh niên nam nữ và những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao (nghiện trích ma tuý, mại dâm...) ở những địa phương có người nhiễm HIV/ SIDA, các đầu mối giao lưu quan trọng. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cần đa dạng: qua hệ thống thông tin đại chúng cho cả nước, theo chuyên ngành (y tế, du lịch...), qua các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Tăng cường giáo dục phòng chống SIDA trong các trường học. Các đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Liên Hiệp phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ...) có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục vận động quần chúng, tạo chuyển biến trong thế hệ trẻ và nhân dân.

Đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị định số 16-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 12 năm 1992; ban hành và phổ biến các Thông tư liên Bộ để đưa nội dung Nghị định vào cuộc sống, có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay.

3. Bộ Y tế có kế hoạch triển khai các biện pháp phòng chống nhằm đáp ứng với tình hình dịch phát triển, phòng tránh lây lan nhiễm HIV/SIDA qua các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân.

Giám sát đúng mục tiêu, trọng điểm, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ lây truyền qua đường máu, tiêm chích. Tăng cường giám sát các đối tượng mại dâm để phòng lây lan qua đường tình dục. Giám sát các cơ sở y tế trực tiếp tiếp xúc với người nhiễm HIV/SIDA.

Bảo đảm nghiêm ngặt công tác vô trùng trong các bệnh viện và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Tập trung làm tốt ở những cơ sở truyền máu, cơ sở chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/SIDA, các khoa ngoại, răng hàm mặt.

Thủ trưởng các đơn vị y tế chịu trách nhiệm về việc bảo đảm vô trùng, trong dịch vụ y tế của đơn vị mình. Tăng cường chế độ kiểm tra vô trùng, tiệt trùng trong các cơ sở dịch vụ y tế, cung cấp đầy đủ các phương tiện vô trùng, tiệt trùng cho các cơ sở phòng bệnh và chữa bệnh. Tổ chức tuyên truyền giáo dục, tư vấn về SIDA trong ngành y tế.

Thực hiện an toàn trong tiếp nhận máu và truyền máu ở tất cả các cơ sở truyền máu trong toàn quốc. Cung cấp trang thiết bị, bổ túc cán bộ, giáo dục ý thức phòng bệnh đối với người cho máu.

Tổ chức phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân SIDA, tại khoa truyền nhiễm của các bệnh viện. Khi số lượng bệnh nhân nhiều, mở rộng chăm sóc điều trị bệnh nhân ở các cơ sở chuyên khoa lao, da liễu, các trung tâm cai nghiện, phục hồi nhân phẩm.

4. Chính phủ coi việc phòng chống SIDA như phòng chống thiên tai, dịch hoạ, nên sẽ cấp ngân sách bổ sung cho hoạt động phòng chống SIDA.

Bộ Y tế và Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA tập hợp đề nghị bổ sung ngân sách của các Bộ, các địa phương, thống nhất với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt. Trước mắt cần giải quyết ngân sách cho những nhu cầu khẩn cấp.

5. Chỉ định bộ phận thường trực của Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA gồm lãnh đạo các Bộ Y tế, Nội vụ, Lao động - Thương binh và xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để đôn đốc hoạt động thường xuyên và đề ra các biện pháp cần thiết phòng chống SIDA, kết hợp chặt chẽ 3 chương trình phòng chống SIDA, ma tuý và mại dâm.

Hàng quý, bộ phận thường trực của Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA tổ chức họp kiểm điểm đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các cơ quan thành viên dưới sự chủ trì của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phân công trách nhiệm cụ thể như sau:

- Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA báo cáo tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp phòng chống, làm đầu mối tổ chức điều phối các hoạt động phòng chống SIDA trong cả nước.

- Bộ Y tế chỉ đạo việc giám sát, tổ chức các điều kiện chăm sóc và phòng bệnh, điều trị người nhiễm HIV/SIDA.

- Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng khác có trách nhiệm thông tin giáo dục truyền thông về phòng chống SIDA trong cả nước. Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA cung cấp thông tin và kiến thức, biện pháp phòng chống.

- Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức các cơ sở tập trung chữa bệnh và dạy nghề cho các đối tượng nghiện trích ma tuý, mại dâm, tạo điều kiện để Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ giám sát, chăm sóc người nhiễm HIV/SIDA tại các cơ sở tập trung.

- Bộ Nội vụ có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát các đối tượng tệ nạn xã hội.

- Bộ Tư pháp chủ trì việc nghiên cứu, đề xuất, giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp luật, triển khai Nghị định số 16-CP ngày 18-12-1992 và Thông tư liên Bộ về phòng chống SIDA.

Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA và Bộ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để thi hành Nghị quyết này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)