Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2001/NQ-HĐ | Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2001 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2001 - 2005 CỦA THỦ ĐÔ
(HĐND thành phố Hà Nội Khóa XII, Kỳ họp thứ 5, từ ngày 16 đến ngày 18/7/2001)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân(Sửa đổi);
Căn cứ Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 của Thủ đô;
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban MTTQ Thành phố, ý kiến cử tri, thuyết trình của các Ban, ý kiến của đại biểu HĐND thành phố,
QUYẾT NGHỊ
Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 do Ủy ban nhân dân Thành phố trình tại kỳ họp, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Khẳng định những thành tựu mà nhân dân Thủ đô đã phấn đấu, đạt được trong thực hiện kế hoạch 5 năm 1996 - 2000. Năm năm qua, kinh tế đạt nhịp độ tăng trưởng khá ở tất cả các ngành, lĩnh vực; chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững; văn hóa - xã hội có nhiều thành tựu mới; xây dựng và quản lý đô thị có chuyển biến rõ nét trên một số mặt. Tuy còn những mặt hạn chế so với tiềm năng và vị thế của Thủ đô nhưng những kết quả đạt được trong 5 năm qua đã thực sự tạo ra thế và lực mới cho Thủ đô bước vào kế hoạch 5 năm 2001 - 2005.
2. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 là: Phát triển kinh tế với nhịp độ cao và bền vững trên cơ sở chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về việc làm, nhà ở và các tệ nạn xã hội; chú trọng Giáo dục - Đào tạo, Khoa học - Công nghệ, tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
3. Một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm gồm:
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm (%): 10 - 11%
GDP bình quân đầu người vào năm 2005: 1500 USD
Tốc độ tăng GTSX công nghiệp bình quân hàng năm (%): 14,5 - 15,5%
Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành dịch vụ bình quân
hàng năm (%): 9 - 10%
Tốc độ tăng GTSX nông - lâm - thủy sản bình quân hàng năm: 3,5 - 4%
Tốc độ tăng kim ngạch XK trên địa bàn bình quân hàng năm: 16 - 18%
Tốc độ tăng dân số tự nhiên đến năm 2005: 1,06% - 1,07%
Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 40% - 50%
Diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2005: 7 - 7,5 m2
Năng lực vận tải hành khách công cộng đến năm 2005: 20 - 25%
Cơ cấu kinh tế tính theo GDP đến năm 2005: CN - XD 41,5%; Dịch vụ: 55,5%; nông - lâm - thủy sản: 3%.
4. Phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả, ưu tiên các ngành, sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến; hỗ trợ để từng bước hiện đại hóa các ngành nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động, sản xuất ra nhiều sản phẩm xuất khẩu và thay thế nhập khẩu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và nhóm công trình trọng điểm: Trung tâm công nghệ thông tin; năm cụm công nghiệp vừa và nhỏ (77,5 ha); phát triển làng nghề và nghề truyền thống giai đoạn 1; phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông giai đoạn 1 ( quy hoạch, lập dự án, có kế hoạch thực hiện mạng giao thông đô thị, phương tiện vận tải công cộng bánh hơi, bánh sắt, trên cao, mặt đất và dưới mặt đất; xây dựng các tuyến đường vành đai, các nút giao thông ); bệnh viện Thanh Nhàn (550 giường ); khu di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội; công viên Tuổi trẻ Thủ đô, công viên Đống Đa, công viên Yên Sở; cải tạo, xây dựng các trường tiểu học phục vụ 70 - 80% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày; hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây; dự án thoát nước Hà Nội.
- Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện - điện tử - thông tin, cơ - kim khí, dệt - may - da - giầy, chế biến thực phẩm, công nghệ vật liệu mới; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, ưu tiên cho mục tiêu tăng nhanh xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu; xây dựng Hà Nội thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và trung tâm tài chính hàng đầu ở khu vực phía Bắc; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch. Tăng cường đầu tư cho ngoại thành để phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế ngoại thành theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái.
- Xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại. Cải tạo, xây dựng mạng lưới đường nội thị, đường vành đai I, II, III, cầu Thanh Trì; cải tạo các nút giao thông quan trọng, phát triển giao thông công cộng, tăng cường quản lý an toàn giao thông. Đảm bảo cấp nước sạch cho trên 90% dân số nội thành và ven nội với tiêu chuẩn 130 - 140 lít /người/ngày và 70% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch; chống thất thu, thất thoát nước sạch, đưa tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch xuống dưới 35% vào cuối năm 2005. Xây mới và nâng cấp hệ thống chiếu sáng, đảm bảo chiếu sáng trên 90% các đường phố, ngõ nội thành, ven đô và thị trấn. Giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập trong nội thành. Có cơ chế chính sách và giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề nhà ở, nhất là cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp và nhà ở cho sinh viên.
- Thông qua Đề án '' Tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị ( TTXD - ĐT ) trên địa bàn Thành phố Hà Nội ", với mục tiêu và 6 giảin pháp lớn do UBND thành phố trình. Giao UBND thành phố báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng tại thành phố Hà Nội.
Trước mắt, UBND Thành phố tiến hành rà soát về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, xác định tiêu chuẩn cán bộ quản lý TTXD - ĐT của Thành phố Hà Nội để củng cố và tăng cường về tổ chức - cán bộ; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý TTXD - ĐT tại các phường, xã, thị trấn. Tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý TTXD - ĐT của thành phố theo quy định của pháp lệnh hiện hành; đồng thời tiến hành xem xét, sửa đổi Quyết định 12/1998/QĐ - UB của UBND thành phố và Quy định về việc cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố.
- Khẩn trương triển khai xây dựng các công trình thể thao phục vụ SEAGAME 2003 và các công trình văn hóa lớn phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; bảo vệ và tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ; từng bước tôn tạo khu thành cổ; xây dựng một số tượng đài, công viên, quảng trường, một số khu vui chơi giải trí và điểm du lịch.
- Thực hiện đa dạng hóa, xã hội hóa giáo dục, phấn đấu giữ vị trí hàng đầu trong cả nước về nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Phấn đấu đến năm 2005 có trên 20% số trẻ em trong độ tuổi được đến nhà trẻ, 80% số trẻ em trong độ tuổi được vào mẫu giáo và 70 - 80% số học sinh tiểu học được học 2 buổi / ngày. Xây dựng và thực hiện có kết quả chiến lược đào tạo nghề.
- Tăng cường đầu tư và đổi mới công tác quản lý khoa học - công nghệ, tạo ra bước đột phá trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học ….
- Giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc về xã hội. Bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho 06 vạn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị đến năm 2005 còn dưới 5,5%. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, các quỹ trợ giúp xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo ( theo tiêu chuẩn mới ) xuống còn 4 - 5% . Thực hiện các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh nhằm đẩy lùi tội phạm, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, tình trạng đua xe trái phép, nạn cướp giật ….
- Sắp xếp lại và xây dựng các cơ sở y tế trên địa bàn theo quy hoạch, ưu tiên các cơ sở y tế ngoại thành, phối hợp với Trung ương để xây dựng thêm ở ngoại thành một số bệnh viện trung tâm tuyến trên của các tỉnh phía Bắc. Nâng cao chất lượng y tế cơ sở và thực hiện tốt chương trình y tế cộng đồng. Tăng cường công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm.
- Đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị Thủ đô.
5. Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của kế hoạch 5 năm, cần tiến hành một hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh các giải pháp chủ yếu sau đây:
- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Củng cố và kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp. Xây dựng quy chế, phân công rõ trách nhiệm, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện tinh giảm biên chế, khoán biên chế và kinh phí hành chính.
- Triệt để khai thác các lợi thế để huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đặc biệt là nguồn lực từ tài nguyên đất và đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn Thủ đô. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp và mọi công dân có vốn tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội với đảm bảo vệ sinh môi trường để phát triển ổn định, bền vững.
- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Thành phố có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật - công nghệ mới và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế vào sản xuất kinh doanh. Tiếp tục sắp xếp lại các DNNN.
- Coi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là công tác trọng tâm; ưu tiên đầu tư cho đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao; đa dạng hóa hình thức giải quyết việc làm. Đầu tư xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao phù hợp với định hướng phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực và phục vụ xuất khẩu lao động. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động tự đào tạo, tự giải quyết việc làm.
6. Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu và các giải pháp lớn của kế hoạch 5 năm, HĐND giao UBND cụ thể hóa thành các kế hoạch hàng năm, xây dựng các quy định cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nói trên.
HĐND Thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp, các đoàn thể của Thủ đô nỗ lực thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 đã đề ra, thiết thực hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
| TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Nghị quyết số 19/2001/NQ-HĐ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005 của Thủ đô (Hội đồng nhân dân thành phố Hà nội Khóa XII, Kỳ họp thứ 5, từ ngày 16 đến ngày 18/7/2001) do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 19/2001/NQ-HĐ
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 18/07/2001
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Phùng Hữu Phú
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/07/2001
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra