Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2001/NQ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2001

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/2001/NQ-CP NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2001 PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2001

Trong hai ngày, 29 và 30 tháng 8 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trình bày "Chiến lược phát triển bưu chính - viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020".

Trong những năm đổi mới, đặc biệt là trong mấy năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách chiến lược, định hướng cho việc phát triển ngành bưu chính, viễn thông. Ngành đã có bước phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên cũng bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục và đổi mới như chưa thực sự quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, giá dịch vụ cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế, chưa tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Trong giai đoạn tới, việc xây dựng và phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu về công nghệ hiện đại, bảo đảm khả năng cạnh tranh ngang tầm về công nghệ và giá cả với các nước trong khu vực, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công những mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nói riêng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia nói chung. Chiến lược phát triển bưu chính - viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cần phải có các giải pháp cụ thể để phát huy mọi nguồn lực của đất nước, của các thành phần kinh tế, đó là các giải pháp về vốn, nguồn nhân lực... để phát triển nhanh, nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá dịch vụ.

Giao Tổng cục Bưu điện chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo quyết định "Chiến lược phát triển bưu chính - viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020", trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9 năm 2001.

2. Chính phủ thông qua Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2002 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, rà soát lại tiến độ, chất lượng và đánh giá tính khả thi của từng dự án; cần xác định thứ tự ưu tiên cho các dự án luật xây dựng mới, trước hết là các dự án nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp đến là các dự án cần có để phục vụ quá trình hội nhập quốc tế. Sau khi hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ báo cáo về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi), Dự án Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân (sửa đổi) và đã thảo luận cho ý kiến về 3 Dự án Luật này.

Chính phủ giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý và hoàn thiện các Dự án Luật nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội.

Chính phủ thống nhất đánh giá, từ năm 1993 đến nay, chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội đã được điều chỉnh một bước, thực hiện phân phối công bằng hơn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác. Tuy nhiên, chính sách tiền lương vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, dẫn đến tình trạng thu nhập ngoài lương ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của một bộ phận cán bộ, công chức, công nhân viên; chênh lệch về thu nhập ngoài lương giữa các ngành, các cơ quan, đơn vị rất lớn...Chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công cũng còn những mặt cần xem xét, điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiến hành điều tra, nghiên cứu, đánh giá tình hình một cách khoa học và có hệ thống, hoàn chỉnh Báo cáo và chuẩn bị tham gia xây dựng đề án cải cách tiền lương, thu nhập, việc làm thời kỳ 2001 - 2005, trình Hội nghị Trung ương. Trước mắt, tập trung thực hiện một số biện pháp sau: tách rõ khu vực hành chính với sự nghiệp để có cơ chế quản lý và chính sách cho phù hợp; thực hiện phân cấp quản lý biên chế, giao quyền tự chủ cho cơ sở; thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính.

5. Sau khi xem xét Tờ trình của Văn phòng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng và kiểm tra chất lượng, trong đó có vấn đề kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm người đi xe máy, Chính phủ quyết định: mũ bảo hiểm người đi xe máy là loại hàng hoá bắt buộc phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam; Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng mũ bảo hiểm người đi xe máy; việc giám định tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm là hoạt động dịch vụ...Chính phủ giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai thực hiện.

6. Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Thương mại báo cáo Chính phủ một số tình hình về xuất khẩu gạo năm 2001. Trong 8 tháng đầu năm 2001, xuất khẩu gạo tăng hơn cùng kỳ năm 2000 cả về lượng và giá trị. Tuy nhiên, tình hình buôn bán gạo trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục trầm lắng, giá gạo cải thiện không đáng kể. Tình hình này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng cuối năm 2001. Đối với chủ trương mua gạo tạm trữ của Chính phủ, tính đến 30/4/2001 các doanh nghiệp được Chính phủ giao trách nhiệm mua gạo tạm trữ đã mua đạt yêu cầu, cả về số lượng cũng như thời gian.

Chính phủ quyết định không kéo dài thêm 6 tháng thời gian tạm trữ gạo xuất khẩu trong năm 2001; mức xuất khẩu gạo năm 2001 khoảng 3,5 triệu tấn nhằm tiêu thụ hết lúa hàng hoá, với giá có lợi cho nông dân. Chính phủ lưu ý các cơ quan thông tin đại chúng rút kinh nghiệm trong việc đưa tin, đặc biệt là các thông tin liên quan đến thương mại, tránh gây ảnh hưởng không tốt cho công tác quản lý và chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động của các doanh nghiệp, tâm lý và lợi ích của nhân dân.

7. Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2001".

Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2001, mặc dù chúng ta đã đạt được một số tiến bộ như thu ngân sách khá, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao, thực hiện khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và tạo việc làm có tiến bộ... Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn trong tình trạng khó khăn về sản xuất, tiêu thụ như dệt may, da giày, sản xuất phân bón...; nhịp tăng của hầu hết các chỉ tiêu thực hiện đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2000, nhất là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, trong những tháng còn lại của năm 2001 cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 10/2001/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2001 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 10/2001/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 31/08/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản