Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2000/NQ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2000

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 10/2000/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 6 VÀ 7 NĂM 2000

Trong ba ngày 12, 13 và 14 tháng 7 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 và tháng 7 năm 2000, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau:

Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Để tạo thêm thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, ngày 09 tháng 6 năm 2000 Quốc hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lần này nhằm hướng dẫn một cách đầy đủ việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài. Nghị định kế thừa nội dung của các văn bản pháp quy hiện hành có liên quan, đồng thời bổ sung một số quy định mới và điều chỉnh một số quy định không còn phù hợp, nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ của chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Nhà nước ta.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2000.

Chính phủ đã nghe Tổng thanh tra Nhà nước báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quý II năm 2000.

Tình hình khiếu nại tố cáo trong quý II có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp hơn, một số vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài, mang tính tập thể, vượt cấp, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Chính phủ nhận định, tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu ý thức trách nhiệm của một số cán bộ trong cơ quan công quyền, sự thiếu nghiêm khắc, chặt chẽ trong điều hành và xử lý công việc của một số cán bộ có trách nhiệm. Để từng bước ổn định trật tự xã hội, giải quyết dứt điểm những vụ, việc khiếu kiện tồn đọng, Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương các cấp phối hợp với các ngành tìm ra những giải pháp thiết thực để không phát sinh thêm những vụ việc, những điểm nóng khiếu kiện mới. Đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp cùng Chính phủ kêu gọi, động viên nhân dân thực hiện tốt việc hoà giải ở cơ sở, góp phần giảm bớt các vụ việc khiếu kiện. Ngay trong tháng 7, Chính phủ lập một số tổ công tác liên ngành để trực tiếp đi kiểm tra đôn đốc một số Bộ, địa phương còn nhiều tồn đọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính phủ sẽ có biện pháp nghiêm khắc đối với những cán bộ không làm đúng trách nhiệm trong việc xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân; không chấp hành kết luận của lãnh đạo cấp trên và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ nghe Bộ Công an báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đô thị và việc thực hiện Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ trong lực lượng công an nhân dân; nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo về tình hình tai nạn giao thông và các biện pháp khắc phục.

Mặc dù Chính phủ và các cấp, các ngành đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay vẫn còn nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cả nước. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ yêu cầu:

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ bổ sung những căn cứ pháp lý cho các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát lại các cơ sở đào tạo lái xe, đình chỉ các cơ sở đào tạo không đủ tiêu chuẩn hoặc vi phạm quy chế đào tạo, đồng thời tiến hành đợt tổng kiểm tra đội ngũ lái xe ô tô cả về tay nghề và bằng lái, trọng tâm là các lái xe chở khách. Việc kiểm tra này phải chủ yếu thực hiện tại các bến bãi, điểm đỗ xe. Nghiêm cấm việc lợi dụng kiểm tra, kiểm soát để tuỳ tiện dừng các phương tiện giao thông chạy trên đường.

Chấn chỉnh việc đăng kiểm phương tiện vận tải, kiên quyết không cho lưu hành những phương tiện không bảo đảm an toàn giao thông. Xây dựng quy chế gắn trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm với chất lượng phương tiện vận tải đã được đăng kiểm và cấp phép lưu hành.

- Bộ Công an cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tổ chức đợt kiểm tra cao điểm đồng thời có biện pháp duy trì kiểm tra thường xuyên để ngăn chặn việc đua xe máy trái phép. Xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đua xe.

- Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương các cấp lập lại trật tự, kỷ cương trong xây dựng, bảo đảm đường thông, hè thoáng. Nghiêm cấm việc xây dựng, mở lều, quán bán hàng hai bên đường thuộc phạm vi hành lang an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến quốc lộ mới mở.

Giao Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 36/CP trong thời gian vừa qua, đề ra các biện pháp có hiệu quả để tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi tổ chức hội nghị chuyên đề về trật tự, an toàn giao thông với các địa phương.

Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2000.

Nhìn chung, hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tốt, thể hiện được trách nhiệm và quán triệt tinh thần các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội, tập trung vào những mục tiêu chủ yếu nhằm phát triển kinh tế, xã hội đất nước, có nhiều cơ chế, chính sách mới, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp.

Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh bản báo cáo trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi gửi các Bộ, ngành và địa phương.

Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp điều hành kế hoạch trong 6 tháng cuối năm 2000.

Nền kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm, một số ngành và lĩnh vực bước đầu đã lấy lại đà phát triển của nhiều năm trước đây, sản xuất công nghiệp tăng khá và đồng đều giữa các vùng và khu vực, sản xuất lương thực được mùa lớn, một số hoạt động dịch vụ có chuyển biến, thị trường trong nước có dấu hiệu phục hồi, đầu tư ở khu vực dân cư tăng khá... Tuy nhiên, còn một số yếu kém như: việc tiêu thụ một số nông sản chủ yếu còn nhiều khó khăn, đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt thấp và phân tán, tiến độ giải ngân chậm, đầu tư nước ngoài giảm sút, tai nạn giao thông tăng nghiêm trọng, những bức xúc về mặt xã hội vẫn còn lớn...

Để duy trì được mức tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2000, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nỗ lực, sâu sát thực tế hơn, tháo gỡ khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính trong bộ máy Nhà nước để nâng cao hiệu lực chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Chủ động và tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ là đạt mức tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm.

Quyết tâm phấn đấu thực hiện vượt kế hoạch xây dựng cơ bản của năm 2000. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các công trình còn vướng mắc, có giải pháp giúp đỡ các Bộ, địa phương tháo gỡ khó khăn, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là các công trình phải hoàn thành trong năm 2000 và đầu năm 2001.

Chú trọng và đầu tư mạnh cho mục tiêu phát triển con người, chấn chỉnh hệ thống giáo dục và đào tạo, hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển các ngành kinh tế trí thức như công nghiệp phần mềm, công nghệ sinh học...

Tích cực giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách như: xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, các tệ nạn xã hội; phòng, chống tội phạm, ma tuý, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các biện pháp quyết liệt và có hiệu quả hơn.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp điều hành kế hoạch trong 6 tháng cuối năm 2000, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2000.

Chính phủ đã nghe Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nghe Bộ Tư pháp trình bày Tờ trình Chính phủ về dự án Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi); nghe Uỷ ban nhân dân Hà Nội trình bày Tờ trình Chính phủ về dự án Pháp lệnh về Thủ đô Hà Nội; nghe Ban Tôn giáo của Chính phủ trình bày Tờ trình Chính phủ về dự án Pháp lệnh về tôn giáo.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Ban Tôn giáo của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân Hà Nội phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các dự thảo Luật và Pháp lệnh trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 10/2000/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 6 và 7 năm 2000 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 10/2000/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/07/2000
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 02/08/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản