Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 09/2006/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ SÁU
(Từ ngày 18 đến ngày 22/7/2006)

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng;
- Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Căn cứ tờ trình số 20/TTr-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố;
- Căn cứ báo cáo thẩm tra của ban Pháp chế HĐND Thành phố và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố;

QUYẾT NGHỊ

Điều 1. Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các ngành, các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Điều 2. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơnvị, tổ chức.

- Tổ chức tốt việc phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị và nghiêm túc tổ chức thực hiện.

- Tiến hành rà soát, huỷ bỏ những văn bản trái pháp luật, bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng các quy định mới về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực cụ thể của cơ quan, đơn vị, tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên.

- Chuẩn hoá thủ tục hành chính, tập trung xoá bỏ cơ chế xin - cho để ngăn ngừa các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực; nghiêm túc thực hiện việc kê khai tài sản cán bộ công chức theo quy định của pháp luật.

- Chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra để phòng ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị. Chịu trách nhiệm về kết quả tự kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm theo thẩm quyền. Các cơ quan, đơn vị có dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước phải thực hiện việc rà soát, kiểm tra nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện công khai, minh bạch những hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật và thực hiện quy chế dân chủ sở cơ sở gắn với công tác cải cách hành chính; bảo đảm các điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giám sát việc thực hiện.

Điều 3. Trách nhiệm của UBND Thành phố.

- Xây dựng cơ chế liên thông các thủ tục hành chính đặc biệt là thủ tục liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, quản lý ngân sách, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà... công khai minh bạch để các tổ chức và nhân dân thuận tiện giao dịch và giám sát.

- Hàng năm có kế hoạch triển khai, báo cáo HĐND Thành phố về kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy định chế độ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

- Thường xuyên, định kỳ thành lập các đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra công vụ và thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước trong một số lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm như: Quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, kinh phí mua sắm tài sản công, tuyển dụng, sử dụng, đề bạt cán bộ... Các kết luận thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

- Khắc phục tình trạng tồn tại các dự án “treo”; kiên quyết thu hồi đất đai, trụ sở làm việc, tài sản công để hoang hoá, sử dụng sai mục đích, lãng phí, và xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng trên.

- Thực hiện nghiêm quy định của Trung ương đối với những trường hợp cán bộ mới được bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo của Thành phố: không mua xe ô tô mới, trang bị mới chỗ làm việc.

- Kịp thời biểu dương khen thưởng những tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh phòng và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật

Các cơ quan bảo vệ pháp luật (Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân) là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống tham nhũng có trách nhiệm điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, lãng phí theo đúng quy định của pháp luật, dù người đó là ai, ở cương vị, chức vụ nào; tổ chức đưa các vụ án điểm ra xét xử công khai để tuyên truyền, giáo dục; bảo vệ người phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, người dũng cảm đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Điều 5. Giao Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND Thành phố và Đại biểu HĐND Thành phố thực hiện yêu cầu nhiệm vụ về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí theo thẩm quyền, đồng thời tổ chức giám sát thường xuyên về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn.

- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện, kịp thời phát hiện tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Các cơ quan thông tấn báo chí, tích cực tuyên truyền về Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, đồng thời đấu tranh lên án những người có hành vi tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công cuộc đổi mới nhằm xây dựng và phát triển Kinh tế - xã hội ở Thủ đô. Hội đồng nhân dân Thành phố kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện có hiệu quả công tác này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khoá XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phùng Hữu Phú

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 09/2006/NQ-HĐND về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 09/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 22/07/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phùng Hữu Phú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản