Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2001/NQ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2001

NGHỊ QUYẾT

NGHỊ QUYẾT SỐ 03/2001/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 3 NĂM 2001

Trong hai ngày 28 và 29 tháng 3 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2001, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo về tình hình hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 năm 1996-2000 và những giải pháp cho giai đoạn 2001-2005.

Trải qua hơn 12 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới. Đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực đến việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp cận và mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển thị trường quốc tế và nâng cao năng lực xuất khẩu, khai thác tốt hơn các nguồn lực trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, trong thời gian qua kết quả việc thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Tình hình này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là những vướng mắc trong quy hoạch đầu tư, sự thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ trong hệ thống pháp lý, chính sách và thủ tục hành chính.

Để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả của đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới cần có các giải pháp tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đổi mới và triển khai có hiệu quả các chính sách về đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và công tác cán bộ; chủ động trong việc vận động, xúc tiến đầu tư và làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đầu tư nước ngoài thời kỳ 2001-2005, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong quý II năm 2001.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ trình bày đề án về Chiến lược Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.

Công cuộc cải cách hành chính Nhà nước ta được bắt đầu từ năm 1991 đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nền hành chính đang đổi mới còn nhiều khiếm khuyết, mang nhiều dấu ấn của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Chiến lược cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá có hiệu lực và hiệu quả cao trên cơ sở đổi mới đồng bộ về cả thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức và tài chính công.

Các thành viên Chính phủ cần nghiên cứu thêm để tham gia ý kiến hoàn chỉnh chiến lược này. Giao Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn thiện bản chiến lược trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ tháng 5 năm 2001.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về tình hình và giải pháp đối với việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai diễn ra gay gắt ở Bến Tre, An Giang và các Nông trường Sông Hậu, Cờ Đỏ tỉnh Cần Thơ; Nông trường 30-4 tỉnh Sóc Trăng. Trong các nguyên nhân có việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Luật Đất đai làm chưa tốt, nhận thức về Luật Đất đai của nhân dân còn chưa đầy đủ. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở những nơi có dân khiếu kiện chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát, xử lý kịp thời, hoặc giải quyết không thống nhất theo sự chỉ đạo chung, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Một số thông tin thiếu chính xác về chủ trương giải quyết khiếu kiện đất đai gần đây làm cho nhân dân hiểu không đúng.

Chính phủ chủ trương giải quyết cơ bản các khiếu kiện bức xúc về đất đai để nhân dân ổn định sản xuất và đời sống, tạo điều kiện cho nông dân có đất để sản xuất, nhất là đối với các gia đình nghèo, gia đình thuộc diện chính sách, đặc biệt khó khăn; đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân để tăng thêm thu nhập; xử lý nghiêm những việc làm sai trái trong công tác quản lý đất đai ở các đơn vị, địa phương. Việc giải quyết khiếu kiện, tranh chấp phải trên cơ sở luật pháp và chính sách của Nhà nước về đất đai. Bên cạnh việc hỗ trợ của Trung ương, các cấp chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp và khiếu kiện tại địa phương, phải chú trọng biện pháp vận động, hoà giải, thương lượng trong nội bộ nhân dân; đồng thời tích cực tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ về Luật và chính sách đất đai của Nhà nước.

Về giải pháp cụ thể đối với từng địa phương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ra các văn bản chỉ đạo cụ thể để Uỷ ban nhân dân các địa phương tổ chức thực hiện.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định này.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ trong phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 4 năm 2001.

5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trình bày Tờ trình Chính phủ về 2 dự án Luật: Luật Bảo hiểm xã hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chinh phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về hai dự án Luật nói trên.

Chính phủ nhất trí với nội dung cơ bản của 2 dự thảo Luật trên và giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các dự thảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Quốc hội.

6- Tại phiên họp này Chính phủ đã xem xét Báo cáo về tình hình một năm thi hành Luật Doanh nghiệp, Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch tháng 3 và quý I nắm 2001 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Báo cáo Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ quý I năm 2001 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Chính phủ khẳng định Luật Doanh nghiệp là khâu đột phá quan trọng của Nhà nước trong chính sách đổi mới doanh nghiệp và cải cách hành chính Nhà nước. Việc đưa Luật Doanh nghiệp vào thực hiện đã thể chế hoá quyền tự do kinh doanh của mọi tầng lớp nhân dân, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, được dư luận cả nước, nhất là giới doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Kết quả đến nay đã có trên 18 ngàn doanh nghiệp mới được thành lập, đã huy động được số vốn đáng kể cho đầu tư xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Phát huy kết quả đã đạt được, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thi hành luật, nâng cao kỷ cương, kỷ luật để Luật Doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp theo dõi, đôn đốc việc thi hành Luật Doanh nghiệp, hàng quý báo cáo tổng hợp tình hình lên Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn chung, hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong quí I năm 2001 tuy bị hạn chế về thời gian, nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã vừa bám sát được định hướng chung, vừa kịp thời xử lý các vấn đề cụ thể, bức xúc, đồng thời theo sát mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Điều này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ.

Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2001 có bước tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ của năm 1999-2000. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, vụ Đông - Xuân có khả năng được mùa lớn, chăn nuôi, thuỷ sản đều phát triển khá. Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Các vấn đề xã hội có bước chuyển biến đáng kể, nhất là công tác xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng cơ bản chưa có chuyển biến mạnh, vấn đề tiêu thụ gạo và cà phê vẫn đang là điểm nóng. Nhiệm vụ những tháng tới còn rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính Nhà nước đi vào chiều sâu; xử lý các vấn đề cấp bách về kinh tế như tiêu thụ nông sản, kích cầu đầu tư xây dựng, xuất khẩu; chú trọng đẩy mạnh chương trình xoá đói giảm nghèo, tạo sức mua trong các tầng lớp dân cư trên cơ sở đầu tư và phát triển sản xuất; giải quyết về cơ bản các khiếu kiện, tranh chấp, ổn định an ninh, trật tự xã hội, giải quyết tốt vấn đề việc làm và bài trừ các tệ nạn xã hội. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án ghi trong chương trình công tác năm 2001 của Chính phủ.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 03/2001/NQ-CP về phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 3 năm 2001 do Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 03/2001/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 02/04/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản