BỘ LÂM NGHIỆP-TRUNGƯƠNG ĐOÀN THANH NIÊNCỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03 | Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 1985 |
NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
VIỆC TỔ CHỨC VÀ ĐỘNG VIÊN TUỔI TRẺ XUNG KÍCH ĐẨY MẠNH TRỒNG CÂY GÂY RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀPHÁT TRIỂN KINH TẾ LÂM NGHIỆP
I. TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÂM NGHIỆP:
Rừng nước ta chiếm 3/4 diện tích đất đai tự nhiên cả nước. Nhiệm vụ trồng cây gây rừng, tu bổ và bảo vệ rừng đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phòng hộ và cải tạo môi sinh, đáp ứng những nhu cầu cấp bách trước mắt, và những mục tiêu lâu dài của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, đất đai và tài nguyên hiện có, có tầm quan trọng chiến lược trong đường lối phát triển kinh tế xã hội nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trong những năm qua ngành Lâm nghiệp cùng với các địa phương và các ngành có nhiều cố gắng trong tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng và đã đạt được những kết quả to lớn. Trong đó tuổi trẻ cả nước đã có nhiều đóng góp đáng kể trong phong trào trồng cây gây rừng và quản lý, bảo vệ rừng. Những "công trình thanh niên" được xây dựng trên cả địa bàn kinh tế lâm nghiệp quốc doanh cũng như khu vực kinh tế tập thể, tuy mức độ ở từng nơi có khác nhau và kết quả còn hạn chế nhiều mặt, song đã mở ra một hướng mới đáng phấn khởi. Tuy vậy, rừng nước ta đã và đang bị tàn phá nặng nề, diện tích đất trống đồi núi trọc hiện còn tới 13,6 triệu ha.
Mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5 chỉ rõ: "phấn đấu trong 3 kế hoạch 5 năm sử dụng cả 10 triệu ha đất nông nghiệp và 15 triệu ha đất lâm nghiệp".
Nhiệm vụ cụ thể về lâm sinh, xây dựng rừng trong giai đoạn từ 1985 đến 1990 là cả nước sẽ phấn đấu trồng khoảng 70 vạn ha rừng tập trung, 2 tỷ cây phân tán, tu bổ 20 vạn ha rừng tự nhiên, phủ xanh 1 triệu ha đất trống, đồi trọc, quản lý và bảo vệ vững chắc rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu ấy phải từng bước thực hiện chiến lược phân bố lại lao động và dân cư, khai thác và sử dụng đất đai tài nguyên theo hướng nông lâm kết hợp. Điều đó đòi hỏi phải phát huy hơn nữa vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động mà tuổi trẻ là lực lượng xung kích trên mặt trận quản lý bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc góp phần giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và đời sống nhân dân, cải tạo môi trường, đem lại cảnh quan tươi đẹp cho đất nước.
Xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược của Đảng và mục tiêu đào tạo giáo dục thế hệ trẻ trở thành lớp người lao động xã hội chủ nghĩa Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp thống nhất: tổ chức và động viên tuổi trẻ cả nước xung kích đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp với các yêu cầu sau:
1- Phát động rộng rãi, mạnh mẽ trong thanh niên phong trào trồng cây gây rừng, quản lý bảo vệ rừng và khai thác chế biến lâm sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội đáp ứng những mục tiêu mà Đại hội Đảng đề ra.
2- Giáo dục đào tạo thanh niên trở thành lớp người lao động mới có ý thức và năng lực làm chủ tập thể hiểu biết về quản lý kinh tế, đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, tích cực nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp.
3- Qua việc thực hiện nghị quyết mà từng bước cải tiến và nâng cao phương pháp tổ chức các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, xây dựng củng cố tổ chức Đoàn góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa Đoàn thanh niên và ngành Lâm nghiệp cũng như các ngành kinh tế kỹ thuật khác. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn chọn cử những đoàn viên thanh niên tích cực để đào tạo cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của ngành Lâm nghiệp.
II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ:
1. Tổ chức và động viên thanh niên tham gia trồng cây gây rừng
Các cấp bộ Đoàn phối hợp với ngành Lâm nghiệp và các địa phương, cơ sở, điều tra, quy hoạch, thiết kế, xây dựng kế hoạch kinh doanh rừng, phát động phong trào thi đua trồng cây gây rừng phủ xanh đồi núi trọc, đất trống, bãi cát ven biển, vườn trường, quanh cơ quan, doanh trại, nơi công cộng và vườn gia đình bằng các loại cây lấy gỗ, lấy củi, cây ăn quả, cây đặc sản xuất khẩu, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu sau:
- Mỗi thanh niên vùng đồng bằng và vùng ven biển trồng 1 năm 15 cây trở lên đảm bảo sống tốt.
- Mỗi thanh niên vùng núi, trung du trồng 1 năm 10 cây trở lên bảo đảm sống tốt.
2. Tổ chức lực lượng thanh niên tham gia quản lý, bảo vệ cây, bảo vệ rừng.
Ở mỗi địa phương cơ sở Đoàn thanh niên và cơ quan Lâm nghiệp cần phối hợp tổ chức các đội thanh niên xung kích gồm các lực lượng thanh niên địa phương, thanh niên trong lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thanh niên quân đội và công an, thường xuyên có những hình thức và biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ cây, bảo vệ rừng và các nguồn lâm sản do Nhà nước quản lý.
3. Động viên thanh niên trong ngành Lâm nghiệp tiến quân vào khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động. Đoàn Thanh niên và cơ quan Lâm nghiệp phối hợp tổ chức các hoạt động, từng bước bồi dưỡng cho thanh niên những kiến thức về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý cần thiết, tạo mọi điều kiện cho thanh niên trong ngành nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.
4. Tổ chức và động viên thanh niên tích cực tham gia xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành Lâm nghiệp như: mở mang đường sá, xây dựng vườn ươm và trung tâm giống, bãi bến gỗ, khu dân cư, công trình phúc lợi công cộng.
III. HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG
1. Các tổ chức Đoàn tuỳ theo khả năng và điều kiện cụ thể mỗi nơi mà tổ chức và xây dựng các công trình mang tên thanh niên "Vườn cây thanh niên", "Đường cây thanh niên","Công viên thanh niên","Trại rừng thanh niên", "Lâm trường thanh niên"...
Các công trình thanh niên phải nằm trong quy hoạch và kế hoạch của ngành và địa phương, tập trung xây dựng công trình thanh niên ở những địa bàn trọng điểm lâm nghiệp có ý nghĩa lớn về kinh tế xã hội và quốc phòng và phải đạt được yêu cầu năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Cần nắm các hoạt động trồng cây gây rừng với nội dung giáo dục tư tưởng và tình cảm trồng cây truyền thống trước ngày lên đường nhập ngũ, trước ngày đăng ký kết hôn, trồng cây nhớ ơn liệt sĩ,v.v...
2. Huy động lực lượng tổ chức các chiến dịch lao động nhằm giải quyết những công việc có tính chất cấp bách phục vụ cho việc hoàn thành kế hoạch Nhà nước như "Trồng rừng tập trung thời thời vụ phòng cháy,chữa cháy rừng, xây dựng cơ bản, khai thác, vận chuyển, chế biến".
3. Mở rộng các hình thức liên kết kinh tế, phối hợp các hoạt động xã hội, kết nghĩa giữa cơ sở ngành lâm nghiệp với thanh niên địa phương để tổ chức lực lượng thanh niên tham gia xây dựng các công trình thanh niên theo kế hoạch của ngành Lâm nghiệp.
IV. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Để thực hiện tốt nghị quyết liên tịch Trung ương Đoàn và ngành Lâm nghiệp phân định trách nhiệm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và cơ sở như sau:
- Ngành lâm nghiệp: chủ động chuẩn bị tốt các khẩu: điều tra, quy hoạch, thống nhất với tổ chức Đoàn, phân rõ trách nhiệm của Đoàn và ngành trong việc bảo vệ, chăm sóc, gây rừng, từng tiểu khu rừng tuyến đường đi, kênh mương, bờ vùng, gò bãi hoang hoá, khu công cộng v.v. để tiến hành việc quản lý bảo vệ, tu bổ rừng, gieo ươm cây con, trồng cây gây rừng... Ngành có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây, giống và kinh phí vật tư cần thiết tạo điều kiện cho các cơ sở Đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Đoàn Thanh niên có trách nhiệm động viên và tổ chức lực lượng Thanh niên tham gia một cách tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế lâm nghiệp trên cơ sở quy hoạch kế hoạch và các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật lâm nghiệp, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
- Đoàn Thanh niên và ngành Lâm nghiệp từ Trung ương đến cơ sở phải có hình thức và biện pháp thích hợp để phát động phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho thanh niên như nhà văn hoá, câu lạc bộ, khu vui chơi giải trí... 3 tháng, 6 tháng và hàng năm Trung ương Đoàn và Bộ Lâm nghiệp sẽ hướng dẫn cho địa phương, cơ sở làm tốt công tác sơ kết, tổng kết để kịp thời rút kinh nghiệm và xây dựng chương trình, kế hoạch cho thời gian tới.
2. Bộ Lâm nghiệp và Trung ương Đoàn thống nhất hình thành cơ chế tổ chức và chỉ đạo như sau:
Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp biệt phái sang Trung ương Đoàn 1 đến 2 kỹ sư am hiểu về công tác thanh vận để phối hợp trong việc chỉ đạo thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Ban Bí thư Trung ương Đoàn giao cho Vụ Lâm nghiệp (Bộ Lâm nghiệp) và Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn có trách nhiệm thường trực theo dõi tổng hợp tình hình và chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp hàng năm của Bộ trưởng và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, các cuộc họp định kỳ 3 tháng và 6 tháng của đồng chí Thứ trưởng và bí thư.
Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Ban Bí thư Trung ương Đoàn giao cho các cơ quan tuyên truyền của 2 bên có trách nhiệm làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để cổ vũ động viên những điển hình tiên tiến, đồng thời phát hiện và đề xuất các hình thức khen thưởng cho những cá nhân và tập thể thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.
3. Trước mắt năm 1985.
a) Ngành lâm nghiệp và Đoàn thanh niên phối hợp xây dựng chương trình hoạt động chung đồng thời chỉ ra nội dung hình thức tổ chức hoạt động cho các cấp địa phương.
b) Mỗi cán bộ đoàn địa phương và cơ sở phải xây dựng ít nhất một công trình thanh niên để rút kinh nghiệm chỉ đạo cho những năm sau.
Phát huy hơn nữa vai trò làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế nước nhà, Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp tin chắc rằng tuổi trẻ cả nước sẽ dấy lên phong trào thi đua lao động XHCN mạnh mẽ cống hiến thật nhiều tài năng, sức lực của sự nghiệp phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng và các Nghị quyết tiếp theo của Ban Chấp hành Trung ương.
Phan Xuân Đợt (Đã ký) | Vũ Mão (Đã ký) |
- 1Thông tư liên bộ 29-TT-LB năm 1964 đẩy mạnh trồng cây gây rừng ở các công trình thủy lợi do Bộ Thủy lợi - Tổng cục Lâm nghiệp ban hành
- 2Chỉ thị 3-CT năm 1990 về đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng ban hành
- 3Chỉ thị 201-CT năm 1992 về việc quân đội tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành
- 4Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức động viên nhân dân trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam - Bộ Lâm nghiệp ban hành
- 1Thông tư liên bộ 29-TT-LB năm 1964 đẩy mạnh trồng cây gây rừng ở các công trình thủy lợi do Bộ Thủy lợi - Tổng cục Lâm nghiệp ban hành
- 2Chỉ thị 3-CT năm 1990 về đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng ban hành
- 3Chỉ thị 201-CT năm 1992 về việc quân đội tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành
- 4Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức động viên nhân dân trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam - Bộ Lâm nghiệp ban hành
Nghị quyết liên tịch số 03 về việc tổ chức và động viên tuổi trẻ xung kích đẩy mạnh trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp do Bộ Lâm nghiệp - Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 3
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 20/06/1985
- Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
- Người ký: Phan Xuân Đợt, Vũ Mão
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/07/1985
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định