Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/2016/NQ-HĐND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ BAN HÀNH MỨC CHI THỰC HIỆN THĂM HỎI, ĐỘNG VIÊN NẠN NHÂN TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ HAI

(Từ ngày 03 đến ngày 05 tháng 8 năm 2016)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11) ngày 28 tháng 10 năm 2009 của Bộ Công an quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ;

Xét Tờ trình số 3956/TTr-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về mức chi thực hiện thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo thẩm tra số 499/BC-HĐND ngày 02 tháng 8 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành mức chi thực hiện thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, với những nội dung cụ thể như sau:

1. Thăm hỏi, động viên khẩn cấp:

a) Phạm vi thực hiện:

- Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

- Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác nhưng có nạn nhân là người dân thường trú và tạm trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (khi có chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ủy ban nhân dân thành phố);

- Việc tổ chức thăm hỏi, động viên khẩn cấp không áp dụng đối với những trường hợp nạn nhân hoặc người thân của nạn nhân bị tai nạn giao thông do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

b) Đối tượng áp dụng:

Tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các trường hợp nạn nhân bị thương phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thân nhân, gia đình của nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông trong các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 6, Điều 5 Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11) ngày 28 tháng 10 năm 2009 của Bộ Công an quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ.

c) Mức chi:

- Chi thăm hỏi, động viên khẩn cấp đối với các nạn nhân bị thương do tai nạn giao thông phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với mức 3.000.000 đồng/người.

- Chi thăm hỏi, động viên khẩn cấp đối với thân nhân, gia đình của các nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông với mức 5.000.000 đồng/người.

2. Thăm hỏi, động viên nhân “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” hàng năm:

a) Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Nạn nhân bị thương hoặc thân nhân, gia đình của nạn nhân bị tử vong do vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo thường trú và tạm trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Mức chi: Chi thăm hỏi, động viên với mức 3.000.000 đồng/trường hợp.

3. Nguồn kinh phí thực hiện:

a) Thăm hỏi, động viên khẩn cấp:

- Đối với các nạn nhân bị tai nạn giao thông do Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức thăm hỏi hoặc được cấp có thẩm quyền chỉ đạo thăm hỏi: Sử dụng từ nguồn kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông được bố trí hàng năm cho Ban An toàn giao thông thành phố.

- Đối với các nạn nhân bị tai nạn giao thông do Ban An toàn giao thông quận, huyện đề xuất thăm hỏi: Cân đối từ nguồn ngân sách hàng năm của quận, huyện.

b) Thăm hỏi, động viên hàng năm: Sử dụng từ nguồn kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông được bố trí hàng năm cho Ban An toàn giao thông thành phố.

4. Thời gian thực hiện: Sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua Nghị quyết.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 05 tháng 8 năm 2016./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội; Ban Công tác đại biểu;
- Bộ Tài chính; Ban An toàn giao thông quốc gia;
- Cục Kiểm
tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- UBND thành phố: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch;
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng UBND TP;

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố;
- Văn phòng HĐND TP: Chánh/Phó VP,
- Phòng Tổng hợp: Trưởng/Phó phòng;
- Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND 24 quận, huyện;
- Trung tâm công báo thành phố;
- Lưu: VT, (P.TH. Tú).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyết Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 99/2016/NQ-HĐND về mức chi thực hiện thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 99/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/08/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Quyết Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 120
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản