Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98/2008/NQ-HĐND | Thanh Hoá, ngày 19 tháng 07 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19 tháng 8 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 1778/ QĐ-BXD ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020.
Sau khi xem xét Tờ trình số 35/TTr-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Báo cáo thẩm tra số 135/ HĐND-PC ngày 14 tháng 7 năm 2007 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành tờ trình số 35/ TTr -UBND ngày 11 tháng 7 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những nội dung sau:
1. Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch khoảng 15.000 ha, bao gồm: diện tích đất tự nhiên của thành phố Thanh Hoá hiện nay (5789,8 ha) và mở rộng nghiên cứu thêm 19 xã, thị trấn: Hoằng Lý, Hoằng Long, Hoằng Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại và thị trấn Tào Xuyên thuộc huyện Hoằng Hoá; Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh và thị trấn Nhồi thuộc huyện Đông Sơn; Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Thiệu Vân thuộc huyện Thiệu Hoá; Quảng Thịnh, Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Cát thuộc huyện Quảng Xương. Ranh giới nghiên cứu được xác định như sau:
Phía Bắc giáp huyện Hoằng Hoá;
Phía Nam giáp các huyện: Đông Sơn, Quảng Xương;
Phía Tây giáp các huyện: Đông Sơn, Thiệu Hoá;
Phía Đông giáp các huyện: Hoằng Hoá, Quảng Xương.
2. Tính chất:
- Thành phố Thanh Hoá là đô thị tỉnh lị, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật của tỉnh Thanh Hoá; một trong những trung tâm kinh tế, dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao của vùng Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
- Là đô thị cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với vùng Bắc Trung Bộ; đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước; có vị trí quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh.
- Thành phố phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời phát triển công nghiệp nhẹ, sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.
3. Quy mô dân số:
- Đến năm 2015: dân số của Thành phố khoảng 350.000 người, trong đó nội thành khoảng 280.000 người, ngoại thành khoảng 70.000 người.
- Đến năm 2025: dân số của Thành phố khoảng 500.000 người, trong đó nội thành khoảng 400.000 người, ngoại thành khoảng 100.000 người.
4. Quy mô đất xây dựng:
- Đến năm 2015, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 4500 ha, bình quân 130 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 3150 ha, bình quân 80 m2/người.
- Đến năm 2025, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 7750 ha, bình quân 115 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 4250 ha, bình quân 80 m2/người.
5. Định hướng phát triển:
5.1. Hướng phát triển đô thị:
Thành phố Thanh Hoá phát triển trên cơ sở các trục không gian chủ đạo đã được xác định trong quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/1999/QĐ-TTg ngày11/6/1999.
- Hướng phát triển chính của thành phố Thanh Hoá là hướng Đông- Nam tiến tới sáp nhập với thị xã Sầm Sơn thành đô thị loại I; phát triển có giới hạn về phía Đông Bắc để hình thành Thành phố hai bờ Sông Mã; hạn chế phát triển về phía Tây để bảo tồn các vùng cảnh quan thiên nhiên và phát triển các khu du lịch: Hàm Rồng, Núi Đọ, Núi Voi, Rừng Thông, Núi Nhồi, Núi Mật, Núi Long để tạo thành một hành lang vành đai xanh.
5.2. Các khu chức năng chủ yếu:
a) Khu đô thị: Diện tích đất khoảng 4250 ha, được phân ra thành 3 khu vực:
+ Khu đô thị hiện hữu: Diện tích khoảng 1500 ha, bao gồm các phường trong khu nội thành hiện hữu, chủ yếu là cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, từng bước hiện đại các công trình kiến trúc, hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng đô thị, cải thiện đời sống nhân dân.
+ Khu đô thị đang phát triển: diện tích khoảng 1200 ha, được giới hạn bởi đường vành đai 2 (đường tránh quốc lộ 1A), chủ yếu được xây dựng theo mô hình khu đô thị mới, đồng bộ cả công trình kiến trúc, hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội.
+ Khu đô thị sẽ phát triển trong tương lai: diện tích khoảng 1550 ha, được giới hạn bởi đường vành đai 3 (đường Lưu Vệ, Lễ Môn, Hoàng Long và hai bên bờ Sông Mã), chủ yếu là xây dựng các khu dân cư theo mô hình hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị.
Đối với dân cư nông thôn hiện hữu, tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng khu vực, từng giai đoạn xây dựng để đề xuất các giải pháp qui hoạch, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp cho hợp lý.
b) Các khu công nghiệp: Xây dựng 5 khu chính với tổng diện tích khoảng 1050 ha, bao gồm :
+ Xây mới khu công nghiệp Bắc Sông Mã nằm trong qui hoạch Khu đô thị công nghiệp Hoàng Long với diện tích tự nhiên hơn 400 ha trong đó diện tích công nghiệp khoảng 200 ha;
+ Khu công nghiệp Tây Bắc ga gắn với khu công nghiệp Đình Hương, ổn định diện tích khoảng 220 ha;
+ Khu công nghiệp Vức khoảng 150 ha;
+ Khu công nghiệp Lễ Môn từng bước được cải tạo thành khu công nghiệp sạch, công nghệ cao, ổn định diện tích khoảng 80 ha (giữ nguyên giới hạn diện tích như hiện nay);
+ Xây dựng mới khu công nghiệp phía Nam Thành phố (Phía Tây Quốc lộ 1A trên đất xã Quảng Thịnh, Quảng Tân huyện Quảng Xương) diện tích khoảng 400 ha; khi có yêu cầu sẽ phát triển mở rộng thêm.
+ Không phát triển các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làm ảnh hưởng tới môi trường sở tại các khu dân cư.
c) Khu trung tâm: Xây dựng hệ thống đa cấp - đa trung tâm.
Thành phố có trung tâm chính cấp đô thị, các trung tâm khu vực và các trung tâm chuyên ngành, với tổng diện tích đất xây dựng khoảng 850 ha bao gồm:
+ Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh, thương mại dịch vụ cấp toàn đô thị bố trí trong khu thành cổ và dọc hai bên Đại lộ Lê Lợi. Trung tâm hành chính - chính trị của Thành phố kiến trúc hiện đại, bố trí tại khu vực phía Đông Đại lộ Lê Lợi.
+ Xây dựng trung tâm tài chính - thương mại mới hiện đại dọc Đại lộ Lê Lợi kéo dài đoạn từ đường tránh Thành phố hiện nay phát triển ra Sông Mã và một số trung tâm thương mại, dịch vụ dọc 2 bên bờ Sông Mã.
+ Các trung tâm khu vực: được bố trí tại trung tâm các phường hoặc liên phường bao gồm các công trình hành chính, dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, thể thao, cây xanh, công viên, chợ, dịch vụ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân cư đô thị.
+ Các trung tâm chuyên ngành :
- Trung tâm Giáo dục - Đào tạo: giữ ổn định ở khu vực Quán Nam; phát triển ở khu vực Ngã ba Môi diện tích khoảng 300 ha.
- Trung tâm y tế bố trí ở khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông – phường Đông Vệ, diện tích khoảng 80 ha.
- Trung tâm văn hoá: Công viên chính – Quảng trường, Bảo tàng, Hội chợ triển lãm, nhà hát lớn bố trí ở phía Đông thành phố diện tích khoảng 50 ha; Công viên nước và công viên Ba Lít ở phường Lam Sơn và Đông Hương diện tích khoảng 50 ha.
- Trung tâm thể thao bố trí ở phía Tây Nam ngã ba Lễ Môn diện tích khoảng 100 - 120 ha.
- Công viên cây xanh, hồ nước:
+ Xây dựng công viên văn hoá - lịch sử phục vụ du lịch ở Hàm Rồng diện tích khoảng 500 ha.
+ Xây dựng một thảm xanh theo vành đai từ Hàm Rồng - Núi Đọ – Núi Voi - Rừng thông - Núi Nhồi - Núi Mật - Núi Long.
+ Tại các phường và từng khu dân cư bố trí hợp lý diện tích đất xây dựng vườn hoa, công viên, cây xanh, hồ nước… Tạo cảnh quan đẹp, không khí trong lành phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.
+ Nạo vét, mở rộng, cải tạo giao thông và trồng cây xanh ven các sông hiện hữu phục vụ thoát nước, cải tạo môi trường và tạo cảnh quan đô thị.
+ Quảng trường:
Trong Thành phố xây dựng hai Quảng trường chính với diện tích đủ lớn để phục vụ mít tinh, lễ hội, duyệt binh, diễu hành trong các ngày kỉ niệm tại đường Phan Chu Trinh và phía Đông Thành phố. Ngoài ra, trước các công trình hành chính, chính trị quan trọng, trước nhà hát, nhà ga, trước các công trình thương mại lớn sẽ bố trí các quảng trường, diện tích phù hợp với cảnh quan chung.
5.3. Về kiến trúc cảnh quan đô thị:
- Đối với khu vực nội thành cũ: phải giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hoá, di tích lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị; cải tạo và nâng cấp các cơ sở hạ tầng; tăng diện tích cây xanh, diện tích các công trình phục vụ công cộng; di dời ra ngoại thành các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm môi trường; cải tạo cảnh quan môi trường đô thị.
- Đối với các khu đô thị phát triển mới: phải được xây dựng theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, mang bản sắc dân tộc; chú trọng phát triển hệ thống cây xanh, công viên mặt nước, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng tỷ lệ tầng cao, giảm mật độ xây dựng tạo không gian thông thoáng trong đô thị.
5.4. Ranh giới hành chính nội thành, ngoại thành:
Hiện tại, thành phố Thanh Hóa có 12 phường nội thành và 06 xã ngoại thành. Khi mở rộng địa giới hành chính Thành phố, dự kiến đưa thêm các xã: Đông Cương, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Thắng, Quảng Thành, đô thị Cầu Cao của thị trấn Nhồi và thị trấn Tào Xuyên vào nội thành. Khu vực ngoại thành bao gồm các xã thuộc ranh giới mở rộng của bốn huyện: Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa và các xã còn lại trong địa giới hành chính của Thành phố.
6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật:
6.1. Giao thông:
a) Giao thông đối ngoại:
- Hướng Bắc - Nam có ba tuyến đi qua thành phố Thanh Hoá, gồm:
+ Tuyến cao tốc Bắc Nam đi về phía Tây thị trấn Rừng Thông;
+ Tuyến Quốc lộ 1A hiện tại: Đang xây dựng đường tránh về phía Đông trung tâm Thành phố;
+ Tuyến Quốc lộ 10 đi về phía Đông Thành phố, gần Ngã Ba Môi;
- Theo hướng Đông - Tây có các tuyến đi qua Thành phố Thanh Hoá, bao gồm:
+ Đại lộ Nam Sông Mã;
+ Quốc lộ 47; Quốc lộ 45;
+ Tuyến mới xuyên tâm phía Nam cách Quốc lộ 47 khoảng 2 km và các đường vành đai 2 và đường vành đai 3.
b. Giao thông nội thành:
+ Xây dựng mạng lưới đường đô thị theo cấp đô thị, cấp khu vực, cấp khu ở và theo từng loại đường: trục chính đô thị, liên khu vực, trong nhóm nhà ở và đường đi xe đạp, đi bộ; đảm bảo bề rộng đường, khoảng cách hai đường, mật độ đường đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
+ Bố trí tuyến xe điện phục vụ cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế theo lộ, tuyến từ Hàm Rồng đi trung tâm Thành phố và thị xã Sầm Sơn.
+ Diện tích đất dành cho giao thông đối nội bao gồm cả giao thông tĩnh, quảng trường giao thông chiếm khoảng 20 - 25 % diện tích đất xây dựng toàn Thành phố.
+ Mật độ mạng lưới đường dành cho giao thông công cộng (xe buýt, xe điện) đạt 2km/km2 đất xây dựng đô thị.
+ Từng bước nâng cấp cải tạo mở rộng các tuyến phố, các cầu hiện có theo đúng mặt cắt ngang của qui hoạch giao thông; xây dựng mới các đường vành đai, đường giao thông đối ngoại và đường giao thông đối nội theo qui hoạch được duyệt.
c) Các công trình phục vụ giao thông:
- Bến xe: Bố trí trong khu vực thành phố 04 bến xe bao gồm: 01 bến xe trung tâm với quy mô 20 ha ở phía Tây tại khu vực phía Đông ga đường sắt cao tốc và 03 bến xe được phân bố tại các cửa ngõ của Thành phố: phía Bắc ở khu vực Hoàng Long, phía Nam ở khu vực giao đường vành đai phía Tây - Quốc lộ 1A và phía Đông ở khu vực phía Nam giao Quốc lộ 47 - Quốc lộ 10; quy mô khoảng 5 – 7 ha/bến; các bến hiện tại đang sử dụng nằm trong nội thành sẽ được sử dụng làm bãi đỗ xe. Khuyến khích xây dựng các bãi đỗ xe dưới các toà nhà công trình công cộng và các khu công viên cây xanh.
- Các điểm đậu, đỗ xe buýt: Hình thành và phân bố các điểm đậu, đỗ trên các tuyến giao thông liên kết với các điểm đô thị vệ tinh xung quanh Thành phố.
- Nút giao thông: Xây dựng các nút giao thông khác cốt để kết nối hệ thống giao thông đối ngoại đường bộ với các tuyến đường chính trong đô thị, bao gồm: nút vượt đường sắt khu vực Hoằng Long; nút giao vượt đường sắt giữa đường tránh Quốc lộ 1A - đường vành đai phía Tây khu vực Đông Thọ; nút giao đường tránh Quốc lộ 1A - đường Trần Hưng Đạo phường Nam Ngạn; nút giao đường tránh Quốc lộ 1A – Quốc lộ 47 khu vực Quảng Thành; nút giao vượt đường sắt Đại lộ Lê Lợi khu vực Tân Sơn; nút giao vượt đường sắt cao tốc – Quốc lộ 45 khu vực Đông Tân.
d) Về giao thông ngầm trong đô thị:
Theo qui hoạch: qui mô dân số đô thị đến năm 2025 mới đạt khoảng 500.000 người do đó không cần tổ chức giao thông ngầm.
e) Về giao thông đường sắt:
+ Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi về phía Tây Thành phố theo qui hoạch của Bộ giao thông - Vận tải. Ga chính đặt tại phía Tây Nam núi Một.
+ Duy trì, cải tạo đoạn tuyến phía Bắc, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có lên khổ 1435 mm phục vụ dân sinh kinh tế. Xây dựng nhà ga hành khách, ga hàng hoá, quảng trường ga đảm bảo tiêu chuẩn và mĩ quan.
f) Giao thông đường thuỷ:
+ Nạo vét luồng lạch Sông Mã; nâng cao năng lực cảng Lễ Môn; xây dựng mới cảng hàng hoá phía hạ lưu sông Mã tại Quảng Thọ, Quảng Châu; xây dựng cảng hành khách tại Hàm Rồng – Nam Ngạn - Đông Vệ để phục vụ khách du lịch.
+ Nạo vét, cải tạo các Sông Cầu Hạc, Sông Nhà Lê, Kênh Vinh, Sông Quảng Châu phục vụ vận tải và tiêu thoát nước, hình thành các bến bốc xếp vật liệu xây dựng và lâm sản ở vị trí phù hợp.
g) Về hàng không:
+ Xây dựng sân bay dân dụng tại xã Quảng Nhân cách Thành phố khoảng 12km về phía Nam để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
6.2. Chuẩn bị kĩ thuật:
- San nền: Tuân thủ quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/1999/QĐ-TTg ngày11/6/1999. Xác định độ cao nền xây dựng hợp lý cho từng khu vực, bảo đảm cao độ nền tối thiểu ≥ + 3,00m. Nguồn cung cấp đất đắp bao gồm: Cát đen tại khu vực cầu Tào xã Hoằng Lý và Hoằng Anh; Đất đồi tại khu vực xã Đông Nam.
- Thoát nước mưa:
Thiết kế hệ thống tiêu thoát nước mưa phù hợp với dự án Tiêu úng Đông Sơn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1119/QĐ-BNN-XD ngày 23/4/2007.
+ Trong khu vực nội thành hiện hữu sử dụng hệ thống cống thoát nước bán riêng; trong các khu đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước mưa riêng, nước bẩn riêng, kết hợp sử dụng hệ thống thoát nước hở như Sông Cầu Hạc, Kênh Vinh, sông Nhà Lê, sông Quảng Châu, hồ chứa điều hoà nước.
+ Nghiên cứu xây dựng trạm bơm tiêu tại khu vực Cống Quảng Châu để giải quyết tiêu triệt để nước mưa cho đô thị trong trường hợp triều cường trên sông Mã không tiêu thoát được theo hệ thống tự chảy.
+ Cải tạo, xây dựng mới một số hồ điều hoà kết hợp với tạo cảnh quan và cân bằng đào đắp cục bộ nền đất xây dựng và khu công nghiệp.
+ Xây dựng đường ven sông, kênh, hồ, hồ điều hoà kết hợp trồng cây xanh, các tiểu cảnh trang trí, làm cho Thành phố có cảnh quan đẹp hơn, môi trường sạch sẽ hơn.
6.3. Về cấp nước:
- Hiện tại Thành phố có 2 nhà máy nước: Hàm Rồng và Mật Sơn với tổng công suất 30.000 m3/ngày đêm. Nguồn nước cấp cho Thành phố lấy từ Kênh Bắc và Sông Chu (xã Thiệu Khánh – Thiệu Hoá); 100% dân số nội thành và 80% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch.
- Nhu cầu dùng nước dự tính đến năm 2025 khoảng 200.000 m3/ ngày đêm.
+ Nguồn nước: Vẫn sử dụng nguồn nước mặt tại Kênh Bắc và Sông Chu như hiện nay. Bổ sung thêm nguồn nước Sông Mã ở khu vực Hoằng Giang-Hoằng Hoá.
+ Đầu tư, cải tạo, nâng công suất Nhà máy nước Hàm Rồng lên 70.000m3/ngày đêm, Nhà máy nước Mật Sơn lên 30.000m3/ngày đêm; xây dựng mới Nhà máy nước tại phía Bắc sông Mã công suất 40.000m3/ngày đêm (xã Hoằng Anh - Tào Xuyên) để cấp cho khu đô thị và công nghiệp phía Bắc Thành phố.
6.4. Cấp điện:
- Tổng nhu cầu cấp điện đến năm 2015 khoảng 308.000 kw; đến năm 2025 khoảng 805.000 kw.
- Nguồn điện: Cấp điện cho đô thị lấy từ lưới điện Quốc gia.
- Xây dựng 04 trạm trung gian 110/ 35/ 22 kv tại 04 khu vực: Núi Một ở phía Tây, Quảng Thành ở phía Đông là 02 trạm đã có, xây dựng mới 02 trạm ở phía Nam và phía Bắc Thành phố để cấp điện cho đô thị .
- Mạng lưới điện trung thế, hạ thế xây dựng mới phải đi ngầm dọc theo các đường phố theo qui hoạch.
- Mạng lưới điện trung hạ thế hiện có trên các đường phố từng bước ngầm hoá để đảm bảo an toàn và mĩ quan đô thị.
6.5. Thông tin, bưu chính viễn thông:
- Hiện đại hoá mạng thông tin liên lạc theo dự án của ngành Bưu chính Viễn thông; xây dựng các trạm bưu cục khu vực và mạng điện thoại công cộng; phát triển các dịch vụ bưu chính, viễn thông tiên tiến theo từng giai đoạn phát triển của đô thị.
6.6. Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:
- Dự báo đến năm 2025 cần phải xử lý khoảng 200.000 m3/ngày đêm nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Bố trí 02 khu xử lý nước bẩn tập trung tại khu vực xã Quảng Phú huyện Quảng Xương và xã Đông Vinh huyện Đông Sơn.
- Tại các khu đô thị hiện hữu nước bẩn được thu gom xử lí theo dự án cải tạo môi trường đô thị miền trung đang thực hiện do ADB tài trợ cho vay vốn.
- Tại các khu đô thị mới, xây dựng hệ thống thu gom nước bẩn bằng hệ thống riêng để đưa về trạm xử lí chung, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường trước khi đổ vào hệ thống tiêu thoát nước của Thành phố.
6.7. Thu gom, xử lí chất thải rắn:
- Thu gom 100% chất thải rắn về khu vực xử lí nằm trong thung lũng tại xã Đông Nam huyện Đông Sơn cách trung tâm Thành phố 15km về phía Tây Nam.
- Sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lí chất thải rắn.
6.8. Nghĩa trang:
- Dừng chôn cất mới tại các nghĩa địa hiện có thuộc các xã, phường; Từng bước di chuyển đưa vào khu nghĩa trang nhân dân.
- Xây dựng mới nghĩa trang nhân dân kết hợp với nhà tang lễ và đài hoá thân hoàn vũ tại khu vực phía Bắc núi Voi xã Đông Cương - Đông Lĩnh, với qui mô 30- 40 ha đất. Chỉ sử dụng nghĩa trang Chợ Nhàng trong những năm trước mắt với quy mô vừa phải.
Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2008./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 16/2011/NQ-HĐND thông qua Đồ án quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, kỳ họp thứ 3 ban hành
- 2Nghị quyết 30/2008/NQ-HĐND thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025
- 3Nghị quyết 91/2007/NQ-HĐND phê chuẩn nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2025 do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 1Thông tư 15/2005/TT-BXD hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng do Bộ xây dựng ban hành
- 2Quyết định 140/1999/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 6Nghị quyết 16/2011/NQ-HĐND thông qua Đồ án quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, kỳ họp thứ 3 ban hành
- 7Nghị quyết 30/2008/NQ-HĐND thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025
- 8Nghị quyết 91/2007/NQ-HĐND phê chuẩn nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2025 do tỉnh Lạng Sơn ban hành
Nghị quyết 98/2008/NQ-HĐND điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
- Số hiệu: 98/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 19/07/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Lê Ngọc Hân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/07/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra