Hệ thống pháp luật

HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA IV - KỲ HỌP THỨ 8
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 8d/2003/NQ/HĐND4

ngày 27 tháng 01 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CỦNG CỐ VÀ HOÀN THIỆN MẠNG LƯỚI Y TẾ XÃ, PHƯỜNG THỊ TRẤN; Y TẾ THÔN, BẢN, TỔ DÂN PHỐ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (GIAI ĐOẠN 2003 - 2005)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1994 (sửa đổi);

- Căn cứ Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 21/5/2002 của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở;

- Sau khi xem xét đề án của UBND tỉnh về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn; y tế thôn, bản, tổ dân phố tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2003- 2005); báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ

I. Tán thành và thông qua đề án của UBND tỉnh về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn; y tế thôn, bản, tổ dân phố tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2003 - 2005).

II. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Thực trạng của mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn; y tế thôn, bản, tổ dân phố:

Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân được đẩy mạnh, mạng lưới y tế cơ sở từng bước được tăng cường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, trong đó 70% trạm y tế có bác sĩ, 100% trạm y tế có cán bộ nữ hộ sinh; đã từng bước khắc phục những yếu kém trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ mới, mạng lưới y tế cơ sở ở tỉnh ta còn nhiều vấn đề bất cập cần được quan tâm đầu tư thoả đáng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo việc chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2003 - 2005:

- 100% xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Huế và các huyện đồng bằng có bác sĩ; riêng hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới 65% xã, thị trấn có bác sĩ.

- 100% trạm y tế có cán bộ nữ hộ sinh; trong đó 80% là nữ hộ sinh trung học.

- 100% trạm y tế có cán bộ được đào tạo về y học cổ truyền.

- 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động.

- 60% trạm y tế được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng kiên cố; 100% trạm y tế được bổ sung trang thiết bị thiết yếu.

3. Giải pháp thực hiện:

a. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về tổ chức và hoạt động của tuyến y tế xã, phường, thị trấn; y tế thôn, bản để củng cố và từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế ở địa phương mình.

b. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức để phát triển, nâng cao năng lực hoạt động, bổ sung cán bộ y tế cho các xã, phường, thị trấn, thôn, bản; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm đủ các chức danh cán bộ cho trạm y tế, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ y- dược cổ truyền. Đào tạo đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố có trình độ sơ học trở lên.

c. Tăng cường cán bộ y tế cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa; có chính sách đãi ngộ thích hợp để khuyến khích cán bộ y tế tăng cường và cán bộ y tế đang làm việc tại các trạm y tế xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố từ 40.000 đồng/người/tháng lên 70.000 đồng/người/tháng (được hưởng từ 01/7/2003) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định 3653/1999/QĐ-BYT ngày 15/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

d. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị thiết yếu cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đảm bảo các điều kiện tổ chức hoạt động; ưu tiên đầu tư cho các cơ sở xuống cấp, hư hỏng nặng; tầng hóa ở những vùng thấp trũng, ngập lụt, đảm bảo theo quy hoạch, đồng bộ và chuẩn hóa.

đ. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hệ thống y tế tư nhân phát triển.

e. Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách, có kế hoạch bố trí đủ các nguồn vốn nhằm đáp ứng những nhu cầu thực hiện các mục tiêu của đề án. Riêng năm 2003, HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh cân đối, bổ sung 906.140.000 đồng để chi cho nhiệm vụ theo đề án đã được HĐND tỉnh thông qua.

III. HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh ban hành các quy định cụ thể để triển khai thực hiện nghị quyết này. Thường trực HĐND, các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp cùng với UBMTTQVN tỉnh triển khai và giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh thông qua lúc 15 giờ 15 phút ngày 27/01/2003./.

 

 

Nơi nhận :
-UBTV Quốc hội;
-VP: CT nước, Quốc hội, Chính phủ;
-Thường vụ Tỉnh ủy;
-CT, các Phó CT HĐND, UBND tỉnh;
-Các ban HĐND tỉnh;
-Các vị đại biểu HĐND tỉnh;
-Văn phòng và các ban của Tỉnh ủy;
-Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các
CQ TW trên địa bàn;
-TT.HĐND, UBND các huyện,
TP Huế;
-VP.HĐND & UBND: Lãnh đạo và
các CV;
-Lưu VT, TH, LT.

CHỦ TỌA KỲ HỌP
CHỦ TỊCH HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ




Hồ Xuân Mãn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 8d/2003/NQ/HĐND4 củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn, y tế thôn, bản, tổ dân phố tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2003 - 2005)

  • Số hiệu: 8d/2003/NQ/HĐND4
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/01/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Hồ Xuân Mãn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/01/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản