Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 14 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN QUY TỤ CÁC HỘ SỐNG RẢI RÁC Ở CÁC SƯỜN NÚI CAO, VÙNG THIÊN TAI, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI VỀ SỐNG TẬP TRUNG TẠI CÁC THÔN BẢN, GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XVII - KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc việc phê duyệt Quy hoạch Bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt - Trung giai đoạn 2012 - 2017;

Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Căn cứ Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo;

Sau khi xem xét Tờ trình số 77/TTr-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 11/BC-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh;

Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã thảo luận và nhất trí,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn bản, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi thực hiện: Thực hiện trên địa bàn tại 960 thôn bản, 142 xã thuộc 10 huyện, gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

2. Đối tượng áp dụng: Các hộ thuộc diện đang sinh sống ở vùng nguy cơ thiên tai sạt lở cao, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn và rải rác không tập trung ở xa trung tâm.

3. Số lượng thực hiện: 4.692 hộ với 23.292 khẩu, trong đó:

a) Các đối tượng thuộc xã biên giới: Tổng số 1.177 hộ với 5.941 khẩu, tại 121 thôn, trong đó ổn định tại chỗ 371 hộ với 1.864 khẩu và di chuyển xen ghép 806 hộ, 4.077 khẩu (thôn nội địa 416 hộ, 2.119 khẩu; thôn biên giới 390 hộ với 1.958 khẩu).

b) Đối tượng thuộc vùng nguy cơ thiên tai: Tổng số 2.809 hộ với 13.660 khẩu, tại 654 thôn, trong đó ổn định tại chỗ 1.316 hộ, 6.565 khẩu và di chuyển xen ghép 1.493 hộ, 7.358 khẩu.

c) Đối tượng đặc biệt khó khăn: Tổng 706 hộ với 3.432 khẩu, tại 185 thôn.

4. Về chính sách và định mức áp dụng:

a) Chính sách và định mức đối với hỗ trợ trực tiếp cho di chuyển xen ghép và ổn định tại chỗ được áp dụng theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/12/2012 và Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

- Hỗ trợ hộ thôn biên giới di chuyển xen ghép: 50 triệu đồng/hộ.

- Hỗ trợ hộ thuộc thôn nội địa, xã biên giới di chuyển xen ghép: 32 triệu đồng/hộ.

- Hỗ trợ hộ thuộc xã nội địa di chuyển xen ghép: 20 triệu đồng/hộ.

- Hỗ trợ hộ ổn định tại chỗ: 10 triệu đồng/hộ.

b) Chi phí quản lý: Cấp huyện 0,5 triệu đồng/hộ; cấp tỉnh 0,1 triệu đồng/hộ. Số kinh phí này để hỗ trợ cho các đơn vị mua văn phòng phẩm và phục vụ cho việc rà soát xây dựng phương án, kiểm tra, thẩm định, tổng hợp báo cáo.

5. Nhu cầu kinh phí: Tổng vốn thực hiện cho cả giai đoạn là 96.477,2 triệu đồng, trong đó:

a) Hỗ trợ trực tiếp cho hộ 93.662 triệu đồng.

b) Chi phí quản lý 2.815,2 triệu đồng.

6. Nguồn vốn và giải pháp nguồn vốn thực hiện: Theo Đề án, bình quân mỗi năm với số kinh phí cần khoảng 32.160 triệu đồng/năm để hỗ trợ trực tiếp cho hộ và chi phí quản lý. Nhu cầu vốn sẽ được bố trí từ các nguồn sau:

a) Vốn sự nghiệp kinh tế do Trung ương cấp hàng năm (bình quân 3.000 triệu/năm) để hỗ trợ trực tiếp cho hộ.

b) Vốn lồng ghép theo các Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 và Quyết định số 33/2015QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bố trí hàng năm để thực hiện là 1 tỷ đồng/năm.

c) Ngân sách địa phương cân đối, bố trí từ các nguồn vốn sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ các nguồn vốn trên, hàng năm UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện để làm cơ sở.

7. Phân kỳ thực hiện:

a) Năm 2018: Tổng số 1.033 hộ, kinh phí 20.229,8 triệu đồng.

b) Năm 2019: Tổng số 1.851 hộ, kinh phí 39.292,6 triệu đồng.

c) Năm 2020: Tổng số 1.808 hộ, kinh phí 36.954,8 triệu đồng.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 7 năm 2017.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện Đề án theo quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, Kỳ họp thứ Năm thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Thào Hồng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 87/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua Đề án quy tụ hộ sống rải rác ở sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại thôn bản, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020

  • Số hiệu: 87/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Thào Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản