Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2022 - 2026, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày 30/6/1989;

Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 242/TTr-UBND ngày 22/11/2022 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nội dung về Phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG

1. Nâng cao sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật do bệnh, dịch bệnh. Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Quan tâm việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên phát triển một số trung tâm chuyên sâu chất lượng cao, bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

2. Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

3. Định hướng mục tiêu đến 2030: Hoàn thiện hệ thống y tế của tỉnh, bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, thống nhất trong toàn hệ thống y tế. Phát triển hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, giữa tuyến tỉnh và cơ sở, chú trọng phát triển chuyên sâu, phát triển y tế phổ cập có chất lượng. Kết hợp giữa phát triển y học hiện đại và y học cổ truyền, giữa dự phòng với điều trị, giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập, hài hòa giữa các vùng miền, chú trọng phát triển ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Một số chỉ tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đạt 11 bác sĩ/vạn dân vào 2025, 12 bác sĩ/vạn dân vào 2030;

- Phấn đấu đạt 02 dược sĩ đại học/vạn dân vào năm 2025 và 2,5 dược sĩ đại học/vạn dân vào 2030;

- Phấn đấu tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/Bác sĩ trong các cơ sở điều trị đạt 3,0;

- Duy trì 100% xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế;

- 100% thôn bản có nhân viên y tế thôn bản được đào tạo theo quy định của Bộ Y tế.

(Có Phụ lục kèm theo)

2. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và sắp xếp tinh gọn, hiệu quả hệ thống y tế:

a) Đối với hệ thống y tế dự phòng:

- Tuyến tỉnh: Tiếp tục củng cố hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho hệ thống điều trị để phát triển các kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận. Tiếp tục củng cố hoàn thiện chức năng Trung tâm: Giám định Y khoa, Pháp y, Kiểm nghiệm thuốc-mỹ phẩm - thực phẩm.

- Tuyến huyện:

+ TTYT huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục duy trì và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng mô hình TTYT huyện đa chức năng: Khám chữa bệnh; Y tế dự phòng; Dân số phát triển và một số chức năng khác được giao:

+ Riêng TTYT huyện Vĩnh Linh sau khi chia tách thực hiện các chức năng nhiệm vụ về y tế dự phòng và dân số phát triển.

- Tuyến xã:

+ Thực hiện rà soát, phân loại và sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, nhân lực, trang thiết bị y tế của từng trạm y tế xã phù hợp thực tế từng vùng, từng địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động;

+ Duy trì 100% xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế.

b) Đối với hệ điều trị:

- Tuyến tỉnh:

+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Là Bệnh viện hạng I, đầu ngành của tỉnh quy mô hiện tại là 800 giường bệnh, nâng quy mô lên 850 giường năm 2025; xem xét thực tiễn sau 2025, dự kiến đạt 1.000 giường vào năm 2030. Tập trung phát triển các chuyên khoa mũi nhọn: Can thiệp tim mạch, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Thăm dò chức năng…

+ Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải: Là Bệnh viện hạng II, quy mô 230 giường bệnh, nâng lên 250 giường bệnh vào 2025 và dự kiến nâng lên 300 giường, đạt Bệnh viện hạng I vào năm 2030. Đây là bệnh viện tuyến tỉnh phục vụ khám, chữa bệnh, cấp cứu cho khu vực phía Nam của tỉnh (huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Thị xã Quảng Trị);

+ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi: Là bệnh viện Chuyên khoa hạng III tuyến tỉnh, quy mô 70 giường bệnh, nâng lên 75 giường vào năm 2025; sau 2025, xem xét thực tiễn mô hình bệnh tật tại tỉnh để nâng quy mô giường bệnh phù hợp;

+ Bệnh viện Mắt tỉnh: Là Bệnh viện chuyên khoa hạng III tuyến tỉnh, quy mô đến 2025 là 40 giường bệnh, dự kiến nâng giường bệnh trong các năm tiếp theo khi cơ sở được nâng cấp mở rộng hoặc đầu tư xây mới, phấn đấu đạt Bệnh viện hạng II trong năm 2025;

+ Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng: Là Bệnh viện chuyên khoa hạng III tuyến tỉnh, bao gồm 02 chuyên ngành: Y học cổ truyền: 30 giường bệnh, Phục hồi chức năng: 40 giường bệnh, có kế hoạch xây dựng bệnh viện Y học cổ truyền giai đoạn 2025 - 2030 với quy mô 100 - 200 giường bệnh;

+ Về lĩnh vực phục hồi chức năng: Phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng Trung tâm Phục hồi chức năng tại thành phố Đông Hà từ nguồn vốn hỗ trợ của KOIKA Hàn quốc;

+ Phòng Quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh: Thực hiện nhiệm vụ quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh và khám, chữa bệnh theo qui định.

- Tuyến huyện, thị thành phố:

+ Chia tách Trung tâm Y tế Vĩnh Linh thành 02 đơn vị: là Bệnh viện đa khoa khu vực Vĩnh Linh và Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh. Nâng cấp Bệnh viện đa khoa khu vực Vĩnh Linh thành bệnh viện tuyến tỉnh, hạng II, đạt 220 giường bệnh vào năm 2025, 250 đến 300 giường bệnh, hạng I vào 2030;

+ Sau khi thành lập mới 01 Bệnh viện khu vực Vĩnh Linh, đến 2025 toàn tỉnh sẽ có 7 đơn vị điều trị tuyến tỉnh;

+ Quy mô giường bệnh đối với các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố còn lại đến năm 2025 như sau: Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà: 110 giường bệnh; Trung tâm Y tế thị xã Quảng Trị: 40 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng: 110 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong: 115 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Gio Linh: 110 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ: 100 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Đakrông: 100 giường bệnh; Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa: 110 giường bệnh. Sau 2025 xem xét thực tiễn mô hình bệnh tật sẽ nâng quy mô giường bệnh các Trung tâm y tế phù hợp;

+ Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp huyện đảo Cồn Cỏ: Bố trí 15 giường bệnh để phục vụ khám chữa bệnh, cấp cứu cho quân và dân trên đảo, ngư dân bị tai nạn lao động trên biển, ngư dân vào tránh trú bão.

- Tuyến xã:

Nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nghiên cứu kế hoạch hình thành “y tế cụm dân cư” dựa trên nền tảng các trạm y tế sẵn có.

c) Hệ điều trị ngoài công lập:

- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân liên doanh liên kết đầu tư thành lập các bệnh viện tư nhân, bệnh viện chất lượng cao, bệnh viện chuyên khoa, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, các phòng chẩn trị y học dân tộc, các công ty cung ứng thuốc, vật tư hóa chất, quầy thuốc tư nhân… thành lập trên địa bàn;

- Phấn đấu trong giai đoạn 2022 - 2026 có ít nhất 01 Bệnh viện đa khoa tư nhân chất lượng cao ≥ 500 giường bệnh trở lên và có ít nhất 01 Bệnh viện hạng III ≥ 50 giường bệnh được thành lập.

d) Phát triển Y dược cổ truyền:

- Có kế hoạch xây dựng Đề án xây mới Bệnh viện Y học cổ truyền tại thành phố Đông Hà, quy mô từ 100-200 giường theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn toàn quốc giai đoạn 2014-2025. Trong thời gian chờ đợi được phê duyệt, tiếp tục củng cố phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh và các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh;

- 100% Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện có khoa Y học cổ truyền và có khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, phân bổ tỷ lệ giường bệnh/tổng số giường bệnh kế hoạch dành cho Y học cổ truyền đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh là 5- 7%, các đơn vị còn lại từ 10 - 15% tùy theo kế hoạch phát triển chuyên môn của đơn vị;

- Phối hợp với các đơn vị, địa phương có thế mạnh về trồng cây dược liệu xây dựng được ít nhất 01 vùng thâm canh, nuôi trồng dược liệu và bào chế thuốc Y học cổ truyền.

3. Về dân số và phát triển:

a) Đến năm 2025:

- Về quy mô dân số: Giảm tỷ suất sinh thô 0,2%0/năm; ổn định tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hàng năm dưới 1%;

- Về cơ cấu dân số: Khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh bình quân 0,2 điểm phần trăm/năm và không vượt quá 112,5 trẻ nam/100 trẻ nữ vào năm 2025; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 25%, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên khoảng 11%;

- Nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với già hóa dân số: Tối thiểu có 50% nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Mỗi năm có trên 35% thai phụ được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; có trên 60% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tối thiểu có 50% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ quản lý; tuổi thọ bình quân đạt 70 tuổi và thời gian sống khỏe mạnh đạt 65 năm;

b) Đến năm 2030: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (109 trẻ nam/100 trẻ nữ); duy trì cơ cấu dân số ở mức hợp lý, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi khoảng 22%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên không vượt quá 12%. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với người dân tộc thiểu số. Tối thiểu có 70% thai phụ được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; tuổi thọ trung bình đạt 71 tuổi, thời gian sống khỏe mạnh đạt 68 tuổi.

III. GIẢI PHÁP:

1. Giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế công lập:

a) Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hệ thống y tế dự phòng:

- Giai đoạn 2022 - 2025:

+ Tuyến tỉnh: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh và dự báo dịch bệnh;

+ Tuyến huyện: 30% Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng hệ dự phòng; 100% hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện được đầu tư trang thiết yếu;

+ Tuyến xã: 40% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được nâng cấp và xây mới; 80% Trạm Y tế được duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa; 100% các trạm Y tế được đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác chuyên môn.

- Giai đoạn 2025 - 2030:

Tiếp tục khảo sát nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các đơn vị thực hiện công tác y tế dự phòng nhằm đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn đáp ứng đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời các dịch bệnh.

b) Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hệ thống khám, chữa bệnh:

- Giai đoạn 2022 - 2025:

+ 100% các đơn vị khám chữa bệnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng 70% nhu cầu thực tế;

+ Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh để tách thành Bệnh viện đa khoa khu vực tuyến tỉnh;

+ 100% Trung tâm Y tế huyện xây dựng, hoàn thiện khoa Hồi sức cấp cứu; củng cố các đội vận chuyển, cấp cứu lưu động ngoại viện;

+ Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền tại thành phố Đông Hà, quy mô từ 100 - 200 giường;

+ Có ít nhất 01 Bệnh viện đa khoa tư nhân chất lượng cao ≥ 500 giường bệnh trở lên và 01 bệnh viện hạng III ≥ 50 giường bệnh.

- Giai đoạn 2025 - 2030:

+ Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị Bệnh viện đa khoa khu vực Vĩnh Linh (sau khi chia tách khỏi Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh) thành Bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến tỉnh;

+ 100% đơn vị khám chữa bệnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng 90% nhu cầu thực tế;

- Tiếp tục rà soát cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trạm y tế để có kế hoạch xây mới, sửa chữa, nâng cấp để xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế;

c) Phát triển nguồn nhân lực:

- Năm 2022 - 2026, tập trung thu hút 100 bác sĩ đa khoa hệ chính quy về công tác tại tuyến huyện;

- Đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, thạc sĩ y học, tiến sĩ y học, giai đoạn 2022 - 2026 phấn đấu đào tạo 130 người có trình độ sau đại học, đạt tỷ lệ 12% có trình độ sau đại học/tổng số viên chức;

- Thực hiện rà soát, phân loại và sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, nhân lực, trang thiết bị y tế của từng trạm y tế xã phù hợp thực tế từng vùng, từng địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động;

- Xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn 2026 - 2030. d) Các giải pháp thực hiện về công tác dân số phát triển:

- Duy trì và giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống cộng tác viên dân số thôn, khu phố, cụm dân cư theo Thông tư số 02/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ cộng tác viên dân số. Xây dựng và triển khai mô hình Cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em theo Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 phê duyệt Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp;

- Tập trung triển khai đồng bộ Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các chương trình, đề án về Quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số.

2. Nâng cao quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế:

- Nâng cao năng lực quản lý điều hành, hoạch định chính sách y tế, lập kế hoạch, giám sát của toàn bộ hệ thống y tế trong tỉnh. Tăng cường phối hợp liên ngành, kêu gọi và huy động sự tham gia của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ quản lý, giám sát, điều hành hệ thống y tế;

- Đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hệ thống thông tin y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại 100% cơ sở y tế trong tỉnh. Đến 2025 hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh từ xa, Telemedicine, đặc biệt đến tuyến cơ sở;

- Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 03 đơn vị điều trị sử dụng bệnh án điện tử, 100% cơ sở y tế số hóa các văn bản lưu trữ; hoàn thành và đưa vào khai thác Hệ thống thông tin y tế cá nhân đến mọi người dân;

- Tăng cường thực hiện liên doanh, liên kết để đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao, tích cực triển khai áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị theo quy định hiện hành; có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở bệnh viện, phòng khám ≥ thuộc danh mục xã hội hóa của tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan thu hút đầu tư các nhà đầu tư để thực hiện công tác liên doanh liên kết để đầu tư về các lĩnh vực y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn;

- Nâng cao năng lực của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, duy trì, đạt chuẩn GLP và ISO/IEC 17025: 2017. Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc, từng bước hình thành vùng nguyên liệu, thuốc từ dược liệu phục vụ công nghiệp dược. Phối hợp các ngành chức năng khảo sát tài nguyên cây có giá trị làm thuốc, bảo tồn nguồn cây dược liệu quí như Dây thìa canh, An xoa, Cà gai leo…Tiếp tục phát triển hệ thống cung ứng thuốc đến tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ thuốc có chất lượng, giá cả phù hợp và ổn định thị trường thuốc phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh;

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026;

- Tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật từ tuyến tỉnh cho tuyến cơ sở; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành cho bác sỹ, điều dưỡng cho tuyến huyện, tuyến xã tại Bệnh viện đa khoa tỉnh theo từng chuyên khoa từ 06 đến 09 tháng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân;

- Xây dựng kế hoạch đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ để đảm bảo nguồn lực Bác sỹ cho tỉnh;

- Lập kế hoạch hàng năm về hoạt động thu hút cán bộ y tế chất lượng cao về công tác tại tỉnh, có báo cáo đánh giá kế hoạch thu hút cán bộ y tế chất lượng cao để trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện;

- Tích cực thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, xây mới cơ sở hạ tầng cho các đơn vị y tế công lập bằng các nguồn vốn trung hạn từ Trung ương, địa phương, nguồn kinh phí thường xuyên ngân sách tỉnh, các dự án ODA, các tổ chức phi chính phủ, các chương trình… và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

IV. NGUỒN LỰC VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn lực:

- Nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2021 - 2026 của Trung ương và địa phương; nguồn vốn ODA;

- Nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

- Nguồn kinh phí thường xuyên ngân sách tỉnh;

- Nguồn đối ứng của địa phương, nguồn vận động thu hút và các nguồn hợp pháp khác.

2. Kinh phí: Tổng kinh phí để thực hiện Nghị quyết Phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến 2030 có kế hoạch phân bổ là: 936.630 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí đã bố trí thực hiện là: 759.630 triệu đồng;

- Kinh phí bố trí thêm giai đoạn 2022 - 2026 là: 177 tỷ bố trí từ nguồn kinh phí thường xuyên ngân sách tỉnh.

Điều 2: Tổ chức và thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết được HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 9 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Quang

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ CHỈ TIÊU NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2022 – 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 87/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

CÁC CHỈ TIÊU

2020

2025

2030

Chỉ tiêu đầu vào

 

 

 

Số bác sĩ/vạn dân

10

11

12

Số dược sĩ đại học/vạn dân

1,25

2

2,5

Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân

30

35

37

Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc(%)

89,6

100

100

Tỷ lệ trạm y tế có NHS (TH, CĐ, CN) làm việc(%)

100

100

100

Tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế (%)

100

100

100

Chỉ tiêu hoạt động

 

 

 

Tỷ lệ trẻ em < 1 tuổi TCĐĐ (%)

>98

≥ 98

≥ 98

Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí QG về y tế (%)

99,2

100

100

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT (%)

95,2

> 95,2

97

Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý (%)

100

100

100

Chỉ tiêu đầu ra

 

 

 

Tuổi thọ trung bình

68,5

70

71

Tỷ số chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống

< 25

≤ 20

< 20

Tỷ suất chết trẻ em < 1 tuổi (‰)

1,9

< 5,95

< 5,95

Tỷ suất chết trẻ em < 5 tuổi (‰)

< 13

≤ 7,59

< 7,59

Quy mô dân số

637.500

649.708

700.000

Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ )

2,42 con

2,1 con (Đạt mức sinh thay thế)

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 87/NQ-HĐND năm 2022 về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030

  • Số hiệu: 87/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đăng Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản