HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/NQ-HĐND | Nghệ An, ngày 07 tháng 12 năm 2023 |
NGHỊ QUYẾT
NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2022 về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An năm 2023; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2023 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Việc thực hiện một số nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay”;
Trên cơ sở Báo cáo số 374/BC-ĐGS.HĐND ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện các nghị quyết cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với Báo cáo số 374/BC-ĐGS.HĐND ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện các nghị quyết cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay.
1. Trong thời gian qua, công tác triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng thụ hưởng chính sách; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, hướng dẫn tổ chức thực hiện; quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện các nghị quyết (Tổng kinh phí bố trí là 1.794.505 triệu đồng để thực hiện 11 nghị quyết thuộc phạm vi giám sát; trong đó, ngân sách tỉnh: 770.212 triệu đồng và ngân sách huyện, xã: 1.024.293 triệu đồng (bao gồm phần ngân sách tỉnh hưởng theo cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất). Kết quả thực hiện năm 2021, 2022 và ước thực hiện năm 2023 là 1.602.128 triệu đồng; trong đó, ngân sách tỉnh: 577.835 triệu đồng và ngân sách huyện, xã: 1.024.293 triệu đồng (bao gồm phần ngân sách tỉnh hưởng theo cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất)); công tác lập, phân bố dự toán, cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện các nghị quyết cơ bản kịp thời, đúng trình tự, thủ tục theo quy định; công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Nhìn chung, các cơ chế, chính sách cơ bản phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân, các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao, góp phần thực hiện các mục tiêu đại hội Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách hiệu quả chưa cao; một số địa phương chưa bao quát được đầy đủ các cơ chế, chính sách trên địa bàn để chỉ đạo triển khai thực hiện, tổng hợp, báo cáo; một số cơ chế, chính sách chưa thực hiện hoặc triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; một số địa phương, đơn vị đăng ký, tổng hợp, lập dự toán chậm so với kế hoạch, không sát với nhu cầu thực tế; kinh phí thường xuyên của một số cơ chế, chính sách cấp phát chậm; một số chính sách được bo trí nguồn kinh phí lớn nhưng kết quả thực hiện manh mún, nhỏ lẻ, đạt tỷ lệ thấp, chưa hoàn thành mục tiêu nghị quyết đề ra; trình tự, thủ tục thực hiện một số chính sách chưa đúng quy định; thủ tục thanh quyết toán một số chính sách chưa thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; công tác theo dõi, đôn đốc, rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chưa thường xuyên và chưa kịp thời; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của tính, địa phương; việc cập nhật số liệu, kinh phí còn chưa thống nhất; một số sở, ngành chậm tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện.
3. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại trên là do: điều kiện tự nhiên của tỉnh còn nhiều khó khăn; nguồn lực đảm bảo thực hiện các cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng đủ nhu cầu; khả năng thực hiện, nắm bắt một số chính sách của các đối tượng thụ hưởng (doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân) hạn chế; công tác khảo sát, tham mưu xây dựng một số cơ chế, chính sách còn hạn chế, chưa bảo đảm tính toàn diện, chưa tính toán lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn lực, phục vụ mục tiêu phát triển chung của toàn tỉnh; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp, tổ chức thực hiện; rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời, thiếu quyết liệt; việc giao nhiệm vụ đầu mối, chủ trì đôn đốc, theo dõi, rà soát thực hiện thiếu tính đồng bộ, thống nhất; phân cấp quản lý, thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành chưa đồng bộ, chưa phù hợp với mục tiêu hướng đến đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân và doanh nghiệp; cấp ủy, chính quyền một số địa phương cấp huyện chưa thực sự quan tâm trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; trình độ năng lực, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu công tác xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế, chưa toàn diện.
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các kiến nghị đã nêu tại Báo cáo số 374/BC-ĐGS.HĐND ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Đoàn giám sát và tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Về ban hành cơ chế, chính sách
a) Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, thời kỳ để xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp; rà soát để bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, ít đối tượng thụ hưởng, kém hiệu quả, phạm vi tác động hẹp; tiếp tục thực hiện và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách mới theo hướng tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải; có tính khả thi cao, có khả năng kích cầu đầu tư, tạo động lực góp phần phát triển hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường;
b) Bảo đảm tính cân đối giữa nhu cầu của các cơ chế, chính sách với khả năng lồng ghép, bố trí nguồn lực của tỉnh và các địa phương trong tỉnh; khả năng nắm bắt chính sách của các đối tượng thụ hưởng; không đề xuất các cơ chế, chính sách khi chưa xác định rõ ràng, đầy đủ nguồn lực thực hiện;
c) Thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng việc đánh giá tác động của chính sách và lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của chính sách; quy định trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế, chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi để đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
2. Về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện
a) Tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nghị quyết cơ chế chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả và đạt mục tiêu; nhất là các chính sách chưa thực hiện, thực hiện chậm và các chính sách ban hành sau năm 2023 cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
b) Chỉ đạo rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn, hoặc phối hợp ban hành các hướng dẫn liên ngành để triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo theo dõi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chính sách. Phân công thống nhất các cơ quan đầu mối, chủ trì theo dõi, tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách; phân cấp, chuyển đầu mối thực hiện một số cơ chế, chính sách từ các sở, ngành về cho các địa phương.
3. Về công tác thông tin, tuyên truyền
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó chú trọng hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp, các đối tượng thụ hưởng chính sách nghiên cứu, tham gia thực hiện chính sách.
4. Về lập dự toán, bố trí nguồn lực, cấp phát kinh phí
a) Công tác lập dự toán cần được tổng hợp kịp thời, sát với nhu cầu thực tế của địa phương, đơn vị; việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách cần đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đáp ứng mục tiêu và định hướng khi xây dựng và ban hành nghị quyết.
b) Tăng cường công tác quản lý tài chính, theo dõi, báo cáo việc thực hiện các cơ chế chính sách thường xuyên, chặt chẽ; tập trung hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách ở cấp cơ sở, nhất là công tác lập, lưu trữ hồ sơ thanh quyết toán các cơ chế, chính sách ở cơ sở.
5. Về sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo
Chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức sơ kết định kỳ hàng năm, tổng kết vào cuối nhiệm kỳ 2021 - 2026 để đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách; tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh; đề xuất việc bãi bỏ, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đang còn hiệu lực, ban hành các cơ chế, chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Khóa XVIII, Kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 34/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2Nghị quyết 130/NQ-HĐND năm 2019 về thông qua danh mục hủy bỏ thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án tại các Nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La
- 3Nghị quyết 93/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát tình hình thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về danh mục các dự án nhà nước thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Sơn La ban hành
- 1Quyết định 34/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Nghị quyết 130/NQ-HĐND năm 2019 về thông qua danh mục hủy bỏ thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án tại các Nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La
- 6Nghị quyết 93/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát tình hình thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về danh mục các dự án nhà nước thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Sơn La ban hành
- 7Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2022 về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An năm 2023
Nghị quyết 83/NQ-HĐND năm 2023 nâng cao hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Số hiệu: 83/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 07/12/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Thái Thanh Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/12/2023
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực