Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2006/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 17 tháng 5 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC QUẢN LÝ, CAI NGHIỆN, CHỮA TRỊ, DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010"

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng chống ma tuý;

Căn cứ Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh;

Căn cứ Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng dân cư;

Căn cứ Quyết định số 49/2005/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma tuý đến năm 2010";

Sau khi xem xét Tờ trình số 545/TTr-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh đề nghị phê duyệt Đề án “Tổ chức quản lý, cai nghiện, chữa trị, dạy nghề cho người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010"; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành thông qua Đề án “Tổ chức quản lý, cai nghiện, chữa trị, dạy nghề cho người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010" với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu, phạm vi và đối tượng cai nghiện

1.1. Mục tiêu tổng quát

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể trong công tác phòng chống ma túy, gắn với phòng chống HIV/AIDS. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Ngăn chặn, kiềm chế, làm giảm số người nghiện tiến tới tất cả người nghiện đều được cai nghiện, phục hồi sức khỏe và không tái nghiện.Từng bước loại trừ tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Mỗi đợt cai nghiện từ 200 đến 300 người, kết hợp với cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội để nâng tổng số người nghiện được cai nghiện tập trung lên từ 600 đến 800 lượt người/năm.

- Phấn đấu đến năm 2010, khoảng 80% người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện tập trung, hạn chế đến mức thấp nhất số người nghiện mới, làm giảm 30 - 50% số người nghiện so với năm 2005; giảm tỷ lệ tái nghiện từ 8 - 10%/năm; 70% xã, phường, thị trấn, 95% cơ quan doanh nghiệp, trường học đạt đơn vị văn hoá, không có tệ nạn xã hội và người nghiện ma tuý.

1.3. Phạm vi, đối tượng cai nghiện.

áp dụng đối với tất cả những người nghiện ma túy, từ đủ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo hình thức tự nguyện; trừ những người thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang thi hành án.

- Đang bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc theo Nghị định 135/CP.

2. Nội dung và giải pháp thực hiện

2.1. Nội dung

2.1.1. Công tác điều tra cơ bản và lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện

- Chính quyền và Công an các cấp thường xuyên tổ chức điều tra cơ bản, rà soát các đối tượng liên quan đến ma tuý, nắm chắc, phân loại địa bàn trọng điểm, đối tượng thuộc diện cai nghiện, vận động bản thân và gia đình người nghiện ma tuý tự nguyện xin đi cai nghiện, đồng thời lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện.

- Trình tự thủ tục lập hồ sơ đưa đi cai nghiện, chữa trị, dạy nghề giao cho UBND tỉnh quy định.

2.1.2. Tổ chức quản lý, cai nghiện, chữa trị, dạy nghề

Giai đoạn 1: Tiếp nhận, phân loại tổ chức điều trị cắt cơn theo quy trình phác đồ điều trị của Bộ y tế đã ban hành.

- Thực hiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh .

- Thời gian thực hiện từ 4 đến 6 tháng.

Giai đoạn 2: Tổ chức cho người cai nghiện học tập chính sách, pháp luật về phòng chống ma tuý, lao động trị liệu, chuẩn bị hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện.

- Thực hiện tại Công trường 06.

- Thời gian thực hiện từ 18 đến 24 tháng gồm:

+ Tổ chức lao động trị liệu phù hợp từng lứa tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, sở trường của từng người.

+ Tổ chức quản lý, phân công lao động hợp lý, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm an toàn lao động. Kết hợp giữa lao động và giáo dục nhằm cai nghiện triệt để và chuẩn bị điều kiện tái hoà nhập cộng đồng.

Giai đoạn 3: Người nghiện hoàn thành cai nghiện giai đoạn 2 trở về với gia đình, địa phương.

- Thời gian thực hiện 24 tháng.

- Gia đình và bản thân người nghiện phải cam kết với chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm, không tái nghiện.

- Chính quyền địa phương có trách nhiệm nhận người đã hoàn thành cai nghiện và phân công tổ chức, cá nhân quản lý, lập hồ sơ theo dõi giám sát chặt chẽ, không để tái nghiện hoặc vi phạm pháp luật. Hàng tháng có nhận xét đánh giá về quá trình rèn luyện, phấn đấu của người nghiện, kịp thời ngăn chặn những hành vi lôi kéo hoặc tái nghiện.

- Khu dân cư phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức xã hội ở địa phương đề xuất hỗ trợ, tạo điều kiện bố trí việc làm, được vay vốn và định hướng học nghề tại nơi cư trú. Nếu người đã hoàn thành cai nghiện có nhu cầu học nghề thì UBND cấp xã có trách nhiệm liên hệ với các trung tâm đào tạo nghề của tỉnh tiếp nhận dạy nghề.

- Chủ tịch UBND cấp xã quyết định đưa ra khỏi danh sách người nghiện ma túy sau khi có xác nhận của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi, giám sát và xét nghiệm của cơ quan Y tế có thẩm quyền về việc người nghiện đã từ bỏ ma túy.

- Trường hợp hết thời hạn 24 tháng của giai đoạn 3 mà người nghiện ma tuý chưa thực sự cai được thì sẽ kéo dài thêm thời gian (mỗi lần không quá 6 tháng và gia hạn không quá 2 lần).

2.2. Giải pháp thực hiện

2.2.1. Thành lập Công trường 06

- Xây dựng 3 Công trường tại địa bàn huyện Phù Ninh, Yên Lập và Thanh Ba.

- Công trường 06 là nơi tổ chức các hoạt động quản lý, giáo dục, lao động phục hồi năng lực hành vi nhân cách cho người nghiện ma tuý, đặt dưới sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp huyện nơi có Công trường 06.

2.2.1.1. Quy mô đầu tư cho 01 công trường 06

- Quy mô xây dựng 01 Công trường 06 (có sức chứa để phục vụ cho công tác cai nghiện, giáo dục và lao động từ 100 đến 200 người) gồm: Nhà ở cho cán bộ quản lý; nhà ở, nhà ăn cho người nghiện; nhà bếp, nhà vệ sinh và các trang thiết bị nội thất, hạ tầng cơ sở, máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động sản xuất.

- Kinh phí đầu tư xây dựng; mua sắm trang thiết bị nội thất ban đầu, máy móc thiết bị, dụng cụ lao động sản xuất với tổng số vốn: từ 03 đến 05 tỷ đồng ( ba đến năm tỷ đồng)/01 công trường.

- Kinh phí chi thường xuyên hàng năm khoảng 400 triệu đồng (Bốn trăm triệu đồng)/01 công trường.

- Nguồn kinh phí:

+ Kinh phí chủ yếu là ngân sách tỉnh, huyện.

+ Trích từ nguồn kinh phí phòng chống ma tuý của Trung ương.

+ Tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị.

Kinh phí của giai đoạn cai nghiện, cắt cơn, giáo dục, phục hồi do người nghiện hoặc gia đình người nghiện tự đóng góp, mức đóng góp cụ thể giao cho UBND tỉnh quy định.

2.2.1.2. Tiến độ xây dựng công trường 06

Triển khai xây dựng điểm 01 Công trường 06 tại huyện Phù Ninh hoàn thành vào quý II năm 2007 và tiến hành tổ chức tiếp nhận người cai nghiện đã thực hiện xong giai đoạn 1 từ Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh để quản lý, giáo dục và tổ chức lao động tại Công trường 06. Quý II năm 2008 tiến hành sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó tiếp tục triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 02 Công trường 06 tại Thanh Ba và Yên Lập.

2.2.1.3. Tổ chức biên chế và hoạt động của Công trường 06

Giao UBND tỉnh quy định về tổ chức biên chế, quy chế hoạt động, chế độ chính sách đối với người làm việc tại Công trường 06.

2.2.2. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện được mục tiêu đề án đã nêu ra

2.2.2.1. Tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quần chúng

- Tổ chức tốt việc quán triệt, phổ biến nội dung nghị quyết đến cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, các đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện có hiệu quả các nội dung của nghị quyết, tự giác khai báo việc con em mình nghiện ma tuý và tự nguyện làm đơn xin đi cai nghiện.

2.2.2.2. Các cơ quan thông tin tuyên truyền

Có kế hoạch tổ chức tuyên truyền nội dung nghị quyết và tập trung nêu gương những cơ quan, đơn vị có thành tích trong quá trình thực hiện nghị quyết.

2.2.2.3. Các cơ quan chức năng

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện nghị quyết, kịp thời đề xuất khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời phê bình, nhắc nhở hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện kém hiệu quả hoặc không thực hiện theo trách nhiệm được phân công.

Điều 2: Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh đề án, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 12 tháng 5 năm 2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 67/2006/NQ-HĐND phê duyệt Đề án “Tổ chức quản lý, cai nghiện, chữa trị, dạy nghề cho người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010"

  • Số hiệu: 67/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/05/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản