Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2011/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 20 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 04 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 23 tháng 5 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 22/Tr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua dự thảo Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011- 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nội dung xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu.

a) Xây dựng các xã theo tiêu chí nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, tạo nền tảng thúc đẩy nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển, làm thay đổi cơ bản và toàn diện bộ mặt nông thôn.

b) Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống của cư dân nông thôn trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, theo quy trình hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản; thu hút đầu tư xây dựng các doanh nghiệp nông nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp; thực hiện tốt việc dạy nghề cho lao động nông thôn.

c) Phát huy đầy đủ vai trò của hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, trước hết là cư dân nông thôn. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, nâng cao dân trí, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

d) Xây dựng tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, huy động được sức mạnh của cộng đồng dân cư, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp xây dựng nông thôn mới.

2. Chỉ tiêu.

a) Đối với 30 xã điểm: cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

b) Đối với các xã còn lại: đạt ít nhất 50% số tiêu chí xã nông thôn mới. Trong đó, phấn đấu sớm đạt các tiêu chí về quy hoạch, điện, bưu điện, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh, trật tự và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Ngoài ra, tuỳ vào điều kiện cụ thể của địa phương, mỗi xã phấn đấu đạt thêm ít nhất 02 tiêu chí khác.

Chỉ tiêu thực hiện cụ thể đối với từng nhóm tiêu chí:

- Về quy hoạch xây dựng nông thôn mới: hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho tất cả 119 xã của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2011.

- Về hạ tầng kinh tế - xã hội: có ít nhất 35% số xã đạt tiêu chí về giao thông; 70% số xã đạt tiêu chí về hệ thống thuỷ lợi; 90% số xã đạt tiêu chí về hệ thống điện; 70% số xã đạt tiêu chí về trường học; 100% số xã đạt tiêu chí về y tế; 30% số xã đạt tiêu chí về nhà văn hoá xã; 80% số xã có trụ sở và công trình phụ xây dựng hoàn chỉnh, 60% số xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn; 100% số xã đạt tiêu chí về bưu điện; 25% số xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư.

- Về kinh tế và tổ chức sản xuất: có ít nhất 30% số xã đạt tiêu chí về thu nhập; 33,6% số xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo; 30% số xã đạt tiêu chí về cơ cấu lao động; 90% số xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.

- Về văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường: 45% số xã đạt tiêu chí về nội dung này; có ít nhất 100% số xã đạt tiêu chí về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 40% số xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo; 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 35% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 30% xã có nghĩa địa nhân dân được xây dựng theo quy hoạch; 90% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí về tỷ lệ người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế; có 80% số xã đạt tiêu chí về văn hoá.

- Về hệ thống an ninh chính trị: có 85% số xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; 85% số xã đạt tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân tạo ra phong trào mạnh mẽ về xây dựng nông thôn mới, trong đó cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải thể hiện vai trò nồng cốt để vận động quần chúng thực hiện. Thương xuyên cập nhật thông tin về các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay để phổ biến nhân rộng kịp thời.

b) Tập trung cho công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết về xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở cho việc phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư.

c) Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng hiện đại.

d) Phát triển sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn.

đ) Huy động tổng hợp các nguồn lực thông qua lồng ghép các chương trình mục tiêu, đóng góp của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình, trong đó thực hiện tốt cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng nông thôn mới.

e) Nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân nông thôn.

f) Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội nông thôn.

g) Tăng cường sự quản lý, kiểm tra của Nhà nước, giám sát của MTTQ và các tổ chức đoàn thể.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khoá VIII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2011./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCP (I,II);
- Bộ Tài chính; Cục KTVB (BTP);
- Đoàn ĐBQH tỉnh, UBKTTU;
- TT/TU, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh,
- Các Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- TT/HĐND, UBND các huyện, thị, TP;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lê Vĩnh Tân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 52/2011/NQ-HĐND xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 52/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/07/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Lê Vĩnh Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản