Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 10 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2021; Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Đoàn giám sát kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020;

Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát số 367/BC-HĐND ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Đoàn giám sát; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, cụ thể hóa các nghị quyết của HĐND tỉnh, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, bố trí lồng ghép các nguồn lực để thực hiện. Qua 4 năm triển khai, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được triển khai thực hiện, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất có quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp, người dân quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 cơ bản đều đạt và vượt; có 47 sản phẩm OCOP được công nhận và 05 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, phát triển thị trường, cung cấp những sản phẩm có chất lượng được các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, người tiêu dùng đánh giá cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm, các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tác động tích cực đến đời sống Nhân dân, công tác giảm nghèo, xây dựng và nâng cao chất lượng nông thôn mới, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

2. Hạn chế

- Công tác tuyên truyền của cấp xã về các chính sách hỗ trợ đến các thôn, bản và Nhân dân chưa thường xuyên, chưa cụ thể dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện.

- Công tác quy hoạch, xác định vùng sản xuất ở một số nơi còn dàn trải chưa phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi; việc thực hiện kế hoạch hằng năm một số chính sách đạt thấp, kết dư ngân sách chiếm tỷ lệ cao.

- Tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ còn chậm, hiệu quả chưa cao; việc nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo ở một số địa bàn còn hạn chế.

- Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX với người dân còn hạn chế; phân bổ chi tiết kinh phí, thực hiện nội dung hỗ trợ cho các dự án liên kết còn chậm.

- Công tác tham mưu của một số ngành chủ quản có thời điểm chưa chủ động; một số văn bản hướng dẫn còn chậm, khó thực hiện; triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; hướng dẫn thực hiện chính sách tập trung đất đai, liên kết trong sản xuất còn nhiều vướng mắc, chậm được tháo gỡ; trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ.

3. Nguyên nhân hạn chế

- Điều kiện thời tiết phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

- Một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với điều kiện đời sống, tập quán sản xuất của một bộ phận Nhân dân vùng đồng bào dân tộc; thời điểm hỗ trợ một số nơi chưa phù hợp với thời vụ gieo trồng.

- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách của các ngành có thời điểm chưa quyết liệt.

- Nhận thức, điều kiện kinh tế, trình độ sản xuất canh tác của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, tập quán sản xuất cũ vẫn tồn tại ở một số nơi.

- Hệ thống văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND, số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 và số 38/2019/NQ- HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh.

2. Trên cơ sở các chính sách đã triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016- 2021, tiến hành quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi.

3. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt hỗ trợ liên kết trên địa bàn theo quy mô vốn đầu tư và địa bàn thực hiện liên kết theo quy định.

4. Xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hằng năm phù hợp với thực tế tại địa phương, hạn chế việc kết dư ngân sách.

5. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt đối với địa bàn các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; phát huy vai trò, chức năng của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp của huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện các chính sách phát triển sản xuất trên địa bàn.

6. Rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách còn hiệu lực, đề xuất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp giai đoạn tới.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 10 tháng 8 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chu Lê Chinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 48/NQ-HĐND năm 2021 về kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 48/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Chu Lê Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản