Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 18 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP, LÀNG NGHỀ VÀ KHU VỰC NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XVI KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 82/BC-ĐGS ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo kết quả giám sát số 82/BC-ĐGS ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và nhấn mạnh một số vấn đề sau:

Công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thông trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện, ban hành một số cơ chế chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy chế, kế hoạch, tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện. Đội ngũ làm công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn và năng lực được nâng lên; đầu tư, mua sắm trang thiết bị hỗ trợ, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường tương đối hiện đại và đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đã được quan tâm, tăng cường.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có: 09 khu công nghiệp đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, trong đó có 07 khu công nghiệp đang hoạt động đã có và đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung; có 5 khu công nghiệp đã đưa nhà máy xử lý nước thải tập trung vào hoạt động và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; hình thành 16 cụm công nghiệp, trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong 11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động có 02 cụm công nghiệp có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung; 02 cụm công nghiệp đang được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; đã thành lập được 02 Trung tâm phát triển cụm công nghiệp tại 02 huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc; đã có 09 cụm công nghiệp được thành lập, giao chủ đầu tư; hiện có 25 làng nghề đã được công nhận; có 35 lò đốt rác (33 lò do nhà nước đầu tư từ trước năm 2016 với quy mô, công suất 500 kg/giờ đặt ở các xã, thị trấn; 02 lò do tư nhân đầu tư), các lò đốt rác hoạt động tương đối hiệu quả. Toàn tỉnh có 300 điểm tập kết, chôn lấp rác đang được quản lý hoạt động theo quy hoạch với diện tích khoảng 25 ha.

Từ năm 2015 đến nay, có 250 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, 61 dự án được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, 23 dự án được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường; 400 cơ sở được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đã xử lý vi phạm hành chính đối với 245 đơn vị với tổng số tiền phạt 11,336 tỷ đồng. Thường xuyên giám sát trực tuyến chất lượng nước thải tại 5 nhà máy xử lý nước thải tập trung của 5 khu công nghiệp qua hệ thống quan trắc tự động được kết nối truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. 100% các khu công nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn vẫn còn những hạn chế, bất cập:

Công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt và thống nhất để giải quyết dứt điểm một số hạn chế bất cập liên quan đến công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu công nghiệp Bá Thiện đã đi vào hoạt động nhưng hệ thống xử lý nước thải tập trung và nhà máy xử lý nước thải tập trung chưa hoàn thiện nên chưa vận hành, nên chưa lắp đặt trạm quan trắc tự động để giám sát chất lượng nước thải; còn 02 khu công nghiệp Tam Dương và khu công nghiệp Phúc Yên đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Đối với các cụm công nghiệp từ năm 2017 về trước quản lý còn lỏng lẻo, phân cấp quản lý và giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện chưa rõ ràng, chưa quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, hiện còn 07/11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động chưa xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp chưa thống nhất, còn 02 cụm kinh tế - xã hội (Hợp Thịnh và Tân Tiến) hiện chưa có chủ đầu tư, chưa có quyết định đổi tên thành cụm công nghiệp và còn 07 cụm công nghiệp được hình thành nhưng chưa có quyết định thành lập, chưa có chủ đầu tư; chưa quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn để thống nhất thực hiện thu phí dịch vụ môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, nên 100% các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện thu phí dịch vụ môi trường đối với các doanh nghiệp. Công tác quản lý quy hoạch về xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp chưa đảm bảo; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp ngày càng có chiều hướng gia tăng. Công tác phối hợp trong quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh, xây dựng trong các cụm công nghiệp chưa chặt chẽ, còn tình trạng xây nhà ở trong cụm công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường được duyệt, song vẫn được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cụm công nghiệp. Việc thực hiện quy hoạch, bố trí các công trình phúc lợi xã hội chưa phù hợp: địa điểm xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh nằm cạnh cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh và cụm công nghiệp Đồng Văn.

Hầu hết các cơ sở làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, xen kẽ với khu dân cư, kết cấu hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu thực tế về bảo vệ môi trường; chưa có địa phương nào xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề để triển khai thực hiện, chưa thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định. Hiện nay 300 bãi tập kết, xử lý rác thải ở các địa phương cấp xã đều quá tải; việc xử lý rác thải đạt tỷ lệ rất thấp so với thực tế. Khí thải của 33 lò đốt rác với quy mô, công suất nhỏ chưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN61-MT: 2016/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Hạ tầng thiết yếu về tiêu thoát và xử lý nước thải ở khu vực nông thôn còn hạn chế, manh mún, chắp vá, thiếu đồng bộ.

Những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: Công tác quản lý nhà nước nhiều năm trước đây còn lỏng lẻo, chưa gắn trách nhiệm rõ ràng với các ngành, địa phương; việc giao thẩm quyền quản lý không có cơ chế phân cấp nguồn lực cho cấp huyện đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư, kinh doanh, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp, nhất là cụm công nghiệp còn bị buông lỏng; quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương, cơ sở chưa thật sự quan tâm quyết liệt lãnh đạo, quán triệt chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra còn dàn trải, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của không ít doanh nghiệp, một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Mặc dù các cấp, các ngành, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bố trí nguồn lực của Nhà nước, huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, nhất là cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư vùng nông thôn, song hiệu quả đạt được chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nằm rải rác ở nhiều văn bản, thiếu tính đồng bộ, thiếu ổn định, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp thực tiễn. Bảo vệ môi trường là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, các tổ chức, mỗi cá nhân trong xã hội và đòi hỏi phải bố trí nguồn kinh phí lớn. Việc lập quy hoạch các bãi rác, nhà máy xử lý rác thải tập trung gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, nhiều nơi người dân không đồng thuận.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, đưa chỉ tiêu về bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền địa phương, coi đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện.

2. Rà soát hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, quy chế phối hợp, hướng dẫn, phân cấp, ủy quyền quy định rõ trách nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường giữa Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện; gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ về công tác bảo vệ môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tế.

3. Tập trung chỉ đạo giải quyết, có kế hoạch, phương án hỗ trợ di rời hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất đối với một số doanh nghiệp tái chế thép, phế liệu ngay cạnh Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Giải quyết dứt điểm một số tồn tại đã lâu tại khu công nghiệp Khai Quang, Bình Xuyên; đầu tư hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp Bá Thiện để đưa vào vận hành trong năm 2019.

4. Rà soát công tác quản lý quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn; đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường của các cụm công nghiệp, làng nghề, 300 điểm tập kết xử lý rác thải tại địa bàn cấp xã, việc vớt và xử lý rác vớt lên tại các điểm đặt lưới chắn rác trên các kênh tưới Liễn Sơn, 6A, 6B trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập về hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp, nhất là cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

5. Bố trí nguồn lực đảm bảo tối thiểu cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật; ưu tiên cho việc khắc phục, xử lý đối với các cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn đang bị ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đánh giá kết quả, hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

6. Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng về bảo vệ môi trường trong cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực nông thôn, đặc biệt là xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung.

7. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về bảo môi trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trong và ngoài cụm công nghiệp, làng nghề trong việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với việc quản lý, giám sát tự động việc xả thải của các doanh nghiệp.

8. Đẩy mạnh công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, nhân dân trong việc bảo vệ môi trường; vận động nhân dân tạo sự đồng thuận trong việc quy hoạch và xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nông thôn; kịp thời thông tin về dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp sản xuất tại địa phương.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã đ­ược Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Văn Vinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 47/NQ-HĐND năm 2018 về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 47/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Trần Văn Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản