Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2024/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH THỰC HIỆN VÙNG PHÁT THẢI THẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI (THỰC HIỆN ĐIỂM A KHOẢN 2 ĐIỀU 28 LUẬT THỦ ĐÔ)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 20

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô ngày 28 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Xét Tờ trình số 466/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô); Báo cáo thẩm tra sổ 184/BC-BĐT ngày 05 tháng 12 năm 2024 của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân Thành phố; Báo cáo số 487/BC-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu thông trong vùng phát thải thấp.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc lập và thực hiện vùng phát thải thấp.

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường là xe cơ giới không phát thải trực tiếp các-bon khi vận hành, bao gồm: xe thuần điện, xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy, xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô.

2. Xe cơ giới thân thiện môi trường là xe cơ giới sử dụng năng lượng hoặc công nghệ giúp giảm phát thải các-bon trực tiếp khi vận hành so với xe cơ giới thông thường (chỉ có động cơ sử dụng nhiên liệu xăng hoặc đi-ê-zen), bao gồm: xe sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén, xe hybrid điện nhẹ, xe hybrid điện hoàn toàn, xe hybrid nạp điện ngoài.

3. Xe tải hạng nặng là xe được dùng để chở hàng, có ít nhất 04 bánh và có khối lượng toàn bộ lớn nhất từ 3.500 kg trở lên.

4. Mức phục vụ LOS (A, B, C, D, E, F) của đường phố đã được giải thích tại mục 6.4.2 của TCVN 13592:2022 Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế, như sau: Mức phục vụ (LOS) là thước đo về chất lượng vận hành của dòng giao thông, mà người điều khiển phương tiện và hành khách nhận biết được. Mức phục vụ được chia làm 6 mức, theo thứ tự từ cao xuống thấp, được ký hiệu là A, B, C, D, E, F.

5. Mức tiêu chuẩn khí thải (Mức 1, Mức 2, Mức 3, Mức 4) là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của phương tiện giao thông đường bộ quy định tại TCVN 6438:2018 và sửa đổi 01:2021 TCVN 6438:2018 - Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.

6. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm: công trình đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ; điểm dừng xe, đỗ xe; đất của đường bộ; hành lang an toàn đường bộ và các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ.

Chương II

TIÊU CHÍ, ĐIỀU KIỆN XÁC ĐỊNH VÙNG PHÁT THẢI THẤP

Điều 4. Tiêu chí xác định vùng phát thải thấp

1. Thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

2. Khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D đến F theo TCVN 13592:2022 Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế.

3. Chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một (01) năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí hiện hành đối với các thông số chính: SO2, NO2, Tổng bụi lơ lửng (TSP), Bụi PM10, Bụi PM2,5.

Điều 5. Điều kiện tổ chức vùng phát thải thấp

1. Khu vực được quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hoặc khu vực có đủ điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ để tổ chức giao thông phù hợp.

2. Có phương án giám sát, đánh giá về mức độ phát thải và quá trình giảm phát thải trong khu vực.

3. Có điều kiện đáp ứng các giải pháp chuyển đổi phương tiện giao thông phù hợp.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC ĐỊNH VÙNG PHÁT THẢI THẤP

Điều 6. Lập đề án vùng phát thải thấp

1. Căn cứ vào một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 và các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi là cơ quan lập đề án) lập đề án vùng phát thải thấp phù hợp với đặc thù và năng lực của địa phương.

2. Đề án vùng phát thải thấp bao gồm những nội dung sau đây:

a) Sự cần thiết tổ chức vùng phát thải thấp;

b) Hiện trạng chất lượng không khí, mật độ giao thông và các nguồn phát thải trong khu vực;

c) Xác định ranh giới vùng phát thải thấp;

d) Các biện pháp, giải pháp, lộ trình áp dụng trong vùng phát thải thấp trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện kỹ thuật công nghệ và đặc thù của từng địa phương;

đ) Kết quả lấy ý kiến của tổ chức có trụ sở tại vùng phát thải thấp, cá nhân cư trú, làm việc tại vùng phát thải thấp và các đối tượng khác có liên quan (nếu có);

e) Trách nhiệm và lộ trình thực hiện;

g) Các nội dung khác có liên quan.

3. Cơ quan lập đề án có trách nhiệm niêm yết công khai đề án trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức lấy ý kiến của tổ chức có trụ sở tại vùng phát thải thấp, cá nhân cư trú trong vùng phát thải thấp trong thời gian tối thiểu 30 ngày; lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, giao thông vận tải của Thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 7. Thẩm định đề án vùng phát thải thấp

1. Cơ quan lập đề án gửi hồ sơ đề nghị thẩm định đề án đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Thành phố để thực hiện thẩm định.

Hồ sơ đề nghị thẩm định đề án bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định;

b) Dự thảo đề án;

c) Các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và tài liệu khác có liên quan;

d) Văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định đề án, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Thành phố xem xét, quyết định thành lập hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định bao gồm ít nhất 07 thành viên do đại diện cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Thành phố là cơ quan thường trực, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải, Công an Thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan là thành viên.

Hội đồng thẩm định phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là chuyên gia có chuyên môn về môi trường, giao thông hoặc lĩnh vực khác có liên quan.

3. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có thể lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi tổ chức thẩm định. Thời gian lấy ý kiến không quá 30 ngày.

4. Trong thời hạn tối đa 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định đề án, Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề án.

Nội dung thẩm định đề án bao gồm:

a) Sự phù hợp với quy hoạch;

b) Sự phù hợp của tiêu chí, điều kiện quy định tại Điều 4 và 5;

c) Sự phù hợp của việc xác định ranh giới vùng;

d) Tính khả thi của các biện pháp, giải pháp và lộ trình áp dụng;

đ) Điều kiện bảo đảm về nguồn lực tài chính, nhân lực, hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức thẩm định, Hội đồng thẩm định ban hành báo cáo thẩm định gửi cơ quan lập đề án để tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung đề án. Báo cáo thẩm định phải kết luận về sự phù hợp, đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện tổ chức vùng phát thải thấp.

Điều 8. Thông qua đề án vùng phát thải thấp

1. Cơ quan lập đề án có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến thẩm định, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, thông qua.

Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân Thành phố gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ trình của cơ quan lập đề án;

b) Dự thảo Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố;

c) Dự thảo đề án vùng phát thải thấp;

d) Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phổ thông qua đề án vùng phát thải thấp theo quy định;

đ) Các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan;

e) Văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định, ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của cơ quan lập đề án, Ủy ban nhân dân Thành phố gửi Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố để xem xét, giao các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện thẩm tra theo quy định.

Hồ sơ trình thẩm tra gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố;

b) Đề án vùng phát thải thấp;

c) Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua đề án vùng phát thải thấp;

d) Các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và các tài liệu khác có liên quan;

đ) Văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định, ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư.

3. Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua tại kỳ họp gần nhất đối với đề án vùng phát thải thấp (khi đủ điều kiện).

Hồ sơ trình kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố gồm các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này và báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Điều 9. Công bố vùng phát thải thấp

Cơ quan lập đề án có trách nhiệm công bố về vùng phát thải thấp trên phương tiện thông tin đại chúng.

Chương IV

BIỆN PHÁP ÁP DỤNG TRONG VÙNG PHÁT THẢI THẤP VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

Điều 10. Các biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp

1. Cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được lưu thông trong vùng phát thải thấp.

2. Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu đi-ê-zen trong vùng phát thải thấp.

3. Hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/ thời điểm hoặc khu vực.

4. Đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.

5. Đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải.

6. Đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách Thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

7. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.

8. Các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.

Điều 11. Lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp

1. Từ năm 2025 đến năm 2030: Thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương khác lập vùng phát thải thấp.

2. Từ năm 2031 trở đi: Các khu vực trên địa bàn Thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết này phải thực hiện vùng phát thải thấp.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết;

b) Xây dựng lộ trình chi tiết; biện pháp, giải pháp cụ thể áp dụng theo lộ trình trong vùng phát thải thấp; tổ chức kiểm định khí thải và dán tem nhận diện khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới.

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan, tổ chức, cá nhân việc thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, Hội đồng nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2024./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TNMT, GTVT;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội;
- Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP;
- Các Ban của HĐND TP; đại biểu HĐND TP;
- Văn phòng TU và các Ban Đảng Thành ủy;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND TP; VP UBND TP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TT HĐND, UBND quận, huyện, thị xã;
- Trung tâm Thông tin điện tử TP;
- Trang TTĐT của Đoàn ĐBQH&HĐND TP;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 47/2024/NQ-HĐND quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội (Thực hiện Điểm a Khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô)

  • Số hiệu: 47/2024/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/12/2024
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản