Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA IX, KỲ HỌP 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 96/BC-HĐND ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung cơ bản như sau:

1. Kết quả đạt được:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng; tăng cường phân cấp quản lý, quy định trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng cho các ngành, các cấp; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trật tự xây dựng được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của người dân; các cơ quan thông tin đại chúng cũng tích cực vào cuộc phản ánh kịp thời việc phát hiện và xử lý các công trình xây dựng vi phạm.

Các cơ quan chuyên môn đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; rà soát, phát hiện và xử lý các công trình vi phạm theo thẩm quyền; lãnh đạo một số địa phương nhận thức tốt hơn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng; quản lý quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công tác bố trí khai thác, sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 30 tháng 7 năm 2020, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị đã phát hiện và xử lý 764 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, với tổng số tiền là 12.686.692.000 đồng; có 421 / 764 trường hợp chấp hành quyết định xử phạt (đạt 55,1%), với số tiền nộp phạt là 6.138.445.000 đồng (đạt 48,38%).

Kết quả rà soát hiện còn tồn tại 16 khu dân cư tự phát thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi và huyện Đông Hải với tổng diện tích đất là 63.710,64m2 (chủ yếu là đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản) do người dân tự ý san lắp mặt bằng và tách thành 587 thửa để chuyển nhượng hoặc xây dựng nhà ở.

Công tác quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư xây dựng được quan tâm thực hiện; quy hoạch chung cơ bản đã phủ kín, kể cả các khu vực dự kiến hình thành đô thị mới. Đối với các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia phản biện.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng thời gian gần đây được tăng cường nhiều hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức 07 cuộc thanh tra hành chính, 01 cuộc kiểm tra công vụ đối với Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế - Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; chỉ đạo Sở Tư pháp thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, có lĩnh vực trật tự xây dựng,...

Qua kết quả thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại của các cá nhân, tổ chức trong công tác tham mưu cấp phép xây dựng; công tác lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch; công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn và kiến nghị biện pháp khắc phục, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

2. Hạn chế:

- Việc ban hành văn bản để triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương đối với công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đôi lúc chưa kịp thời, thiếu tính đồng bộ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về trật tự xây dựng, nhưng đến năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành các quyết định, quy định về phân cấp, phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự xây dựng của các cấp, các ngành ở địa phương chưa thường xuyên, chưa thật sự sâu rộng nên chưa chuyển biến nhiều đến nhận thức của người dân.

- Tình hình vi phạm trật tự xây dựng như: Xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch xây dựng được duyệt; tình trạng lấn chiếm đất công, tái chiếm đất tại các dự án đã được Nhà nước đã thu hồi, phân lô bán nền trái phép,... vẫn còn diễn ra, chưa giảm, gây bức xúc cho dư luận.

- Tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp: 421 / 764 trường hợp (đạt 55,1%), nhất là việc chấp hành hình thức xử phạt bổ sung buộc phá dỡ công trình vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu; công tác phối hợp xử lý vi phạm đã qua chưa chặt chẽ, thiếu tính chủ động,...

- Tình trạng người dân sang nhượng quyền sử dụng đất, tự ý san lấp mặt bằng, phân lô bán nền và xây dựng công trình nhà ở, hình thành nên các khu dân cư tự phát vẫn còn diễn ra và có chiều hướng gia tăng, nhưng chưa được xử lý triệt để.

- Một số địa phương chưa chủ động nắm địa bàn, thiếu quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý và ngăn chặn ngay từ đầu các công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang an toàn giao thông, đê điều; tình trạng người dân xây dựng, công trình hoàn thành mới vào kiểm tra, xử lý, gây khó khăn cho công tác cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm.

- Một số Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa sâu sát việc quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; cán bộ chuyên môn năng lực hạn chế, chưa nắm sát địa bàn; chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong xử lý, khắc phục những hạn chế, tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng.

- Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền, công khai và cắm mốc giới các đồ án quy hoạch; người dân chưa nắm rõ các quy hoạch đã được phê duyệt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất xin cấp phép xây dựng.

- Tình hình quản lý trật tự xây dựng tại các dự án khu đô thị mới, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh còn lỏng lẻo; không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; tình trạng xây dựng hàng rào lấn chiếm vỉa hè, lối thoát hiểm tại các dự án chưa được chủ đầu tư quản lý, xử lý kịp thời, dẫn đến một số khu vực thuộc dự án quy hoạch bị phá vỡ.

- Công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép xây dựng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại một số địa phương vẫn còn chậm.

Điều 2. Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số việc sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là chỉ đạo thực hiện nghiêm các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Xây dựng về xử lý công trình vi phạm. Trước mắt, có giải pháp chỉ đạo khắc phục các hạn chế, tồn tại trong báo cáo đã nêu.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đảm bảo các nội dung hoàn thành đúng thời gian.

- Chỉ đạo các Sở, Ngành tiến hành rà soát, đôn đốc và có giải pháp xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai hoặc chậm tiến độ; nhất là khẩn trương xử lý và chấn chỉnh các khu dân cư tự phát trên địa bàn tỉnh như đã nêu trong báo cáo.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất về tổ chức bộ máy quản lý trật tự xây dựng phù hợp với các quy định và tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Quan tâm phân bổ kinh phí cho công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch phân khu tại một số khu vực dân cư có nhu cầu cấp thiết để làm cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.

- Chỉ đạo các ngành, các cấp rà soát lại các nội dung còn bất cập trong công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, công tác cấp phép, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý.

- Đôn đốc Tổ công tác theo Quyết định số 919/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, báo cáo kết quả để xử lý theo quy định.

2. Sở Xây dựng:

- Tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về trật tự đô thị, trật tự xây dựng theo thẩm quyền được giao. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương trong quản lý và xử lý các công trình vi phạm theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp đôn đốc việc thực hiện nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, nhất là việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; kiểm tra, rà soát các dự án chậm triển khai, trễ tiến độ gây bức xúc cho Nhân dân để kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng; tăng cường công khai và cắm mốc giới các đồ án quy hoạch theo quy định để người dân hiểu rõ và chấp hành.

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về quản lý trật tự xây dựng cho cán bộ, công chức, nhất là cấp huyện, cấp xã.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng; đôn đốc chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu dân cư thực hiện nghiêm công tác quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo đề án được phê duyệt.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý các công trình xây dựng vi phạm, cương quyết cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng không phép, sai phép để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm khác, nhất là tại các khu vực đã có quy hoạch chi tiết.

- Ủy ban nhân dân cấp xã nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương trong thực hiện công tác về quản lý trật tự xây dựng; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

- Chỉ đạo rà soát và đôn đốc thực hiện dứt điểm các quyết định xử lý vi phạm hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân cố tình không chấp hành quyết định, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

- Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng đúng quy định của pháp luật.

- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cụ thể các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai, xây dựng, nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.

- Tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của người đứng đầu và cán bộ quản lý địa bàn đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra vi phạm lặp lại, kéo dài, chậm khắc phục trên địa bàn.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu Khóa IX, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH (báo cáo);
- Chính phủ (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT. HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Sở Xây dựng;
- TT. HĐND, UBND cấp huyện;
- TT. HĐND, UBND cấp xã;
- Lưu (NH).

CHỦ TỊCH




Lê Thị Ái Nam