Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/NQ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2010

Ngày 06 tháng 11 năm 2010, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 2010, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Các báo cáo: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2010, dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam; Tình hình thiệt hại, kết quả công tác phòng, chống lũ lụt và các biện pháp khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân tại các tỉnh miền Trung sau đợt bão lũ vừa qua; Tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9 và chương trình công tác của Chính phủ tháng 10 năm 2010; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 10 năm 2010; Công tác cải cách hành chính tháng 10 năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình.

a) Trước sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh Miền Trung, cùng với nhân dân cả nước, cả hệ thống chính trị đã quan tâm, chia sẻ với chính quyền, nhân dân vùng bị thiên tai về những mất mát, thiệt hại cả về người và tài sản do lũ lụt gây ra. Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền, nhân dân vùng bị lũ lụt; các lực lượng vũ trang đã tích cực, chủ động tham gia cứu hộ, cứu nạn có hiệu quả; các lực lượng cứu trợ tình nguyện từ Trung ương đến địa phương đã có mặt kịp thời, giúp đỡ hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, đùm bọc, ủng hộ vật chất, tinh thần của đồng bào, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước, kiều bào ở nước ngoài và sự trợ giúp quốc tế cho nhân dân vùng bị lũ lụt vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại, khôi phục và ổn định sản xuất, đời sống.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ phối hợp với chính quyền, nhân dân vùng bị thiên tai tiếp tục khẩn trương tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, hỗ trợ kịp thời cho những gia đình mất nhà cửa, tài sản; huy động các lực lượng, phương tiện để tiếp cận và cứu đói cho người dân ở các địa bàn còn bị cô lập do lũ; triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt, khẩn trương khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường, phòng chống và dập bệnh, bệnh có nguy cơ bùng phát sau lũ lụt, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; tăng cường năng lực các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ các cấp, sẵn sàng chủ động các phương án ứng phó có hiệu quả với thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, hạn chế thấp nhất các thiệt hại theo phương châm “Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển”. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Chương trình xây dựng nhà ở ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ở các vùng, địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phát triển tích cực. Nền kinh tế đã có mức tăng trưởng khá cao. Kinh tế vĩ mô có bước được cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; thu ngân sách đạt khá, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi và góp phần giảm bội chi; đầu tư phát triển tiếp tục đẩy mạnh, giải ngân các nguồn vốn có chuyển biến tích cực; xuất khẩu tăng trưởng cao, tỷ lệ nhập siêu tiếp tục giảm. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá cao. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường… được quan tâm và đạt những kết quả tích cực. Tổ chức thành công Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tạo không khí phấn khởi, tự hào trong cả nước. Hoạt động đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng và có tiến bộ. Chính trị, xã hội tiếp tục ổn định; quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, nền kinh tế đang có những khó khăn, thách thức: thiên tai, lũ lụt ở miền Trung gây thiệt hại lớn về người, tài sản, và còn tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường; dịch bệnh có nguy cơ lây lan ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; tình hình thiếu điện vẫn chưa được khắc phục căn bản; giá cả trên thị trường thế giới biến động phức tạp tác động đến tỷ giá hối đoái, giá cả thị trường có xu hướng tăng cao gây sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm 2010.

Trong hai tháng còn lại của năm 2010, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát những biến động phức tạp của tình hình thị trường thế giới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời; tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2010, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2010, các Nghị quyết khác của Chính phủ và Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả, thị trường trong những tháng cuối năm 2010, trong đó cần hướng trọng tâm vào các giải pháp sau:

- Bộ Tài chính, Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ quy định, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện có kết quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 1875 ngày 11 tháng 10 năm 2010, đồng thời, thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quản lý giá, tất cả các loại hàng hóa, trước hết là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, đời sống đều phải được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế tỷ lệ nhập siêu thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch; tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu; tiếp tục phát triển mạnh thị trường nội địa, chủ động trong việc bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng dẫn đến sốt giá trong các tháng cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán; chỉ đạo có giải pháp khắc phục với hiệu quả cao nhất tình trạng thiếu điện, quyết liệt triển khai các giải pháp tiết kiệm điện, hạn chế tình trạng cắt điện, từng bước cân đối nguồn điện cả trước mắt và lâu dài; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng điều hòa phụ tải điện, trong trường hợp buộc phải tiết kiệm thì sắp xếp phụ tải ở một số nhà máy sản xuất xi măng, thép, bảo đảm tiết kiệm và cung cấp đủ điện cho nước tưới vụ Đông Xuân, cho các ngành sản xuất cần tiết.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và mục tiêu tăng trưởng; điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm cung ứng đủ ngoại tệ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp.

- Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2010 cao hơn dự toán, kết hợp quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, góp phần giảm bội chi; chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý đăng ký, kê khai thuế; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tạo điều kiện thông thoáng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả quản lý giá thuốc chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và FDI, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2010; phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 trước khi kết thúc tháng 12 năm 2010.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo việc khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, giúp đỡ người dân ổn định sản xuất và đời sống; chuẩn bị triển khai vụ sản xuất Đông Xuân; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí đề cao trách nhiệm xã hội, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền một cách khách quan, trung thực, đa chiều và đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát việc triển khai các công việc, đề án từ nay đến cuối năm theo hướng tập trung hoàn thành các công việc, đề án có liên quan trực tiếp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2010; tích cực chuẩn bị và trình các đề án còn lại trong Chương trình công tác năm 2010; chuẩn bị báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong chỉ đạo, điều hành năm 2010, dự kiến các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2011.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung đôn đốc, chỉ đạo việc soạn thảo và hoàn chỉnh các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong Quý IV năm 2010; chủ động chuẩn bị triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8, đặc biệt là Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, trình Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với lãnh đạo các địa phương.

- Các thành viên Chính phủ được phân công chỉ đạo chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và thống nhất các nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, bổ sung, làm rõ các vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, trong đó tập trung vào các vấn đề về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên; vấn đề kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả hàng tiêu dùng, nhất là giá thuốc chữa bệnh, giá sữa, giá các mặt hàng thiết yếu; tình trạng thiếu điện và giải pháp khắc phục; tình hình đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tình hình lũ lụt và khắc phục hậu quả thiên tai và một số định hướng lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng …

- Về vấn đề Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), căn cứ vào các văn bản pháp luật và chức năng, nhiệm vụ theo quy định, các thành viên Chính phủ có liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ và đề xuất việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân một cách công khai, minh bạch, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa X.

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông trong kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI và các sự kiện lớn trong thời gian tới; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành các nội dung giai đoạn 3 của Đề án 30.

Bộ Công an tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường các giải pháp có hiệu quả đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết dứt điểm, có hiệu quả các khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp.

2. Chính phủ nghe và cho ý kiến về dự thảo Chiến lược vay và trả nợ quốc gia giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn giai đoạn 2030 – 2050 do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình.

Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiên cứu, tham gia ý kiến cụ thể vào dự thảo Chiến lược; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Chiến lược vay và trả nợ quốc gia giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn giai đoạn 2030 – 2050, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Chiến lược này.

3. Chính phủ cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về Dự án Pháp lệnh.

Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Pháp lệnh này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 44/NQ-CP năm 2010 về phiên họp thường kỳ tháng 10 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 44/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/11/2010
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 688 đến số 689
  • Ngày hiệu lực: 09/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản