HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2010/NQ-HĐND | Cao Bằng, ngày 09 tháng 12 năm 2010 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ 22
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 25/2008/NQ-QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc Hội khóa XII về việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp;
Căn cứ Quyết định số 295-QĐ/TW ngày 23 tháng 3 năm 2010 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại;
Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Xét Tờ trình số 2393/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn Chương trình hoạt động đối ngoại tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015 (có nội dung chương trình kèm theo).
Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 22 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH
HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Kèm theo Nghị quyết 42/2010/NQ-HĐND, ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng)
I. MỤC TIÊU
Quán triệt và cụ thể hoá đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVII. Chủ động mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa Cao Bằng ra khỏi tình trạng kém phát triển.
II. NỘI DUNG
1. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại
1.1. Tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc đi vào chiều sâu, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành khác của Trung Quốc; mở rộng quan hệ với các địa phương của các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế... có điều kiện và khả năng hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có ưu thế, chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như: kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, công nghiệp, nông lâm nghiệp, du lịch, xuất khẩu lao động, giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường...
1.2. Thúc đẩy ký kết và thực hiện các Thỏa thuận quốc tế giữa tỉnh Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc và các địa phương, các tổ chức nước ngoài.
1.3. Tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực. Chủ động mở rộng và phát triển các quan hệ trao đổi và hợp tác quốc tế giải quyết các mục tiêu ưu tiên của địa phương.
1.4. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại cấp uỷ Đảng với ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân. Kết hợp giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá lấy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế là mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn năm 2011 - 2015, sớm tạo ra nguồn lực mới, quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phát triển kinh tế đối ngoại
2.1. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án của Tỉnh uỷ về tăng công tác ngoại giao kinh tế.
2.2. Tổ chức các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch ở trong và ngoài nước; thu hút đầu tư nước ngoài. Tranh thủ vốn, công nghệ, tri thức phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xúc tiến mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, phát triển kinh tế cửa khẩu, xuất khẩu lao động, thu hút du lịch, hợp tác khai thác về nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải.
2.3. Phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, Ngành trung ương như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh xã hội, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch..., các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nắm thông tin và dự báo tình hình về các vấn đề kinh tế thế giới, khu vực, đối tác. Tham mưu đề xuất phương án hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp phục vụ có hiệu quả cho hoạt động ngoại giao kinh tế, phát triển kinh tế đối ngoại.
2.4. Các cơ quan làm công tác đối ngoại, kinh tế đối ngoại và ngoại giao kinh tế, trong đó đặc biệt là Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan; tích cực hỗ trợ các ngành, huyện, thị và doanh nghiệp tham gia mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua việc: Cung cấp thông tin, tham mưu về các vấn đề kinh tế, pháp luật, tập quán kinh doanh và thương mại quốc tế; Đột phá mở rộng quan hệ với các đối tác; Đồng hành, hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế, tiến hành các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn vốn bên ngoài...
2.5 Khai thác nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
3. Mở rộng và nâng cao hiệu quả vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài
3.1. Tiếp tục phát triển quan hệ tốt với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang tài trợ và triển khai dự án trên địa bàn tỉnh, đồng thời mở rộng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ khác và Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam đã có quan hệ tốt hoặc mong muốn hợp tác với Cao Bằng.
3.2. Xây dựng và triển khai Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2011 - 2015 tập trung vào các lĩnh vực và địa bàn sau:
a) Vận động theo lĩnh vực
- Nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn: hỗ trợ mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm: đào tạo, tập huấn, tăng cường chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm. Xây dựng các mô hình sản xuất nhỏ và nhân rộng những mô hình thành công. Hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn; xây dựng mô hình phát triển nông thôn tổng hợp; phát triển các ngành, nghề có tiềm năng của địa phương; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua tăng cường thu nhập phi nông nghiệp.
- Môi trường sinh thái: bảo vệ môi trường như: trồng và bảo vệ rừng, vệ sinh môi trường, nguồn nước, xử lý rác thải...; Bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học; Cứu trợ khẩn cấp như: cung cấp thuốc men, lương thực, nhà ở, tái thiết hạ tầng cơ sở sản xuất... khi xảy ra thiên tai.
- Y tế: chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, biên giới. Hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế từ cấp tỉnh đến cấp thôn bản; hỗ trợ trường Trung cấp y tế Cao Bằng; hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở y tế; hỗ trợ việc thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống sốt rét, lao phổi, chống suy dinh dưỡng trẻ em, chống sốt xuất huyết, chống HIV/AIDS; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý chất thải bệnh viện; hỗ trợ các hoạt động về dân số kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát tỷ lệ sinh, tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
- Giáo dục, phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học: hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở giáo dục tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất cho đào tạo dạy nghề:
- Giải quyết các vấn đề xã hội, phòng chống và điều trị HIV; chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; việc làm cho người khuyết tật.
b) Vận động theo địa bàn
- Khu vực đô thị: hỗ trợ đào tạo dạy nghề; phát triển ngành nghề thủ công; tạo cơ hội việc làm và thu nhập phi nông nghiệp; hỗ trợ nâng cấp hệ thống y tế tuyến tỉnh, huyện; đào tạo cán bộ y tế cấp tỉnh, huyện; xây dựng hạ tầng cơ sở giáo dục; Trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
- Khu vực nông thôn: hỗ trợ đào tạo giáo viên, cán bộ y tế các cấp ở vùng sâu, vùng xa; xây dựng hạ tầng cơ sở giáo dục; hỗ trợ các hoạt động dân số kế hoạch hóa gia đình; phát triển khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất quy mô nhỏ; trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
4. Phát triển mạng lưới và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại
4.1. Đẩy nhanh phát triển mạng lưới và nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế vừa là nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cấp bách trước mắt vừa cơ bản lâu dài bảo đảm thực hiện thắng lợi chiến lược đối ngoại của tỉnh.
4.2. Trước mắt cần bố trí cán bộ hoặc bộ phận làm công tác đối ngoại tại một số cơ quan, đơn vị, trước hết là ở các ngành Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện biên giới.
4.3. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đồng thời mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức đối ngoại, ngoại giao kinh tế để phục vụ cho yêu cầu trước mắt.
4.4. Có chính sách thu hút những người có trình độ, năng lực tốt làm công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế về tỉnh công tác.
4.5. Tăng cường bố trí cán bộ có chất lượng và các nguồn lực cần thiết phục vụ cho hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế có hiệu quả.
III. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH
1. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại
- Tổ chức Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác toàn diện với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây – Trung Quốc, tạo điều kiện cho các ngành, các cấp chủ động quan hệ hợp tác với các đối tác tương ứng (dự kiến năm 2012).
- Tổ chức họp hai bên cùng rà soát, đánh giá, thúc đẩy triển khai thực hiện các Thoả thuận hợp tác tỉnh Cao Bằng đã ký kết với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây – Trung Quốc và các tổ chức nước ngoài (hàng năm).
- Tổ chức Đoàn lãnh đạo tỉnh đi khảo sát về hợp tác phát triển kinh tế trên các lĩnh vực hai bên có ưu thế tại tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc (dự kiến năm 2012).
- Tổ chức Đoàn cán bộ tỉnh đi thăm và ký kết hợp tác với các địa phương của Cộng hoà Belarus theo khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Cộng hoà Belarus và Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ năm 2011 trở đi).
- Chủ động quan hệ với các Đại sứ quán một số nước nhằm tìm kiếm nguồn viện trợ, tài trợ, thu hút đầu tư, như: Belarus, Thuỵ Sỹ, Lúc xăm bua, EU.
- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình (năm 2015).
2. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phát triển kinh tế đối ngoại
- Tổ chức quán triệt và xây dựng Kế hoạch và Đề án thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại trong tình hình mới (đầu năm 2011).
- Tổ chức nghiên cứu, nắm thông tin và dự báo tình hình, đề xuất phương án phục vụ có hiệu quả cho hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, ra bản tin đối ngoại (năm 2011-2015.
- Tổ chức Đoàn cán bộ đi tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động tại một số nước (năm 2012).
- Tổ chức khảo sát, nắm vững nguồn lực và xây dựng kế hoạch phát huy nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là người Cao Bằng (năm 2011).
- Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây – Trung Quốc (năm 2012-2015).
- Tổ chức hoạt động hội chợ và xúc tiến thương mại tại tỉnh (từ năm 2011 – 2015).
- Tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tại trong và ngoài nước (năm 2012).
- Tổ chức Hội thảo về phát triển kinh tế cửa khẩu biên giới (năm 2011).
- Tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Cao Bằng với Quảng Tây - Trung Quốc (năm 2011).
3. Mở rộng và nâng cao hiệu quả vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài
- Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2011 – 2015.
- Thành lập Ban Công tác phi chính phủ nước ngoài của tỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động (năm 2011).
- Hình thành các tổ chức phi chính phủ địa phương (như Trung tâm phát triển cộng đồng...) để tham gia vận động và triển khai thực hiện các dự án do tổ chức nước ngoài tài trợ. Phấn đấu cả giai đoạn 2011 - 2015 thành lập được 03 tổ chức.
- Từ năm 2012, mỗi năm vận động được từ 2 - 3 tổ chức phi chính phủ nước ngoài viện trợ vào các lĩnh vực theo Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
- Hàng năm tổ chức Hội nghị xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
- Tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (năm 2012).
- Năm 2015, tổ chức Tổng kết Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2011 - 2015.
4. Phát triển mạng lưới và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại
- Bố trí cán bộ hoặc bộ phận làm công tác đối ngoại tại một số cơ quan, đơn vị, trước hết là ở các ngành Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện biên giới (năm 2011).
- Thực hiện cơ chế tuyển chọn đặc thù, bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ ngoại ngữ, chuyên ngành làm công tác ngoại giao kinh tế (năm 2012).
- Xây dựng chính sách thu hút cán bộ giỏi làm công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế.
- Nghiên cứu thành lập Trung tâm dịch vụ đối ngoại và Trung tâm xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (năm 2011 – 2012).
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ đối ngoại, ngoại giao kinh tế hàng năm cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ phục vụ các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế (từ 2011 – 2015).
- Hàng năm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ công chức để phục vụ công tác đối ngoại.
IV. GIẢI PHÁP
1. Phân công 01 đồng chí lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình đối ngoại.
2. Xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp quy, quy đinh cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, thu hút viện trợ chính phủ, phi chính phủ nước ngoài.
3. Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
4. Tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao, coi nhiệm vụ công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ chung, có vị trí quan trọng, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể - xã hội.
5. Thành lập bộ phận bố trí cán bộ làm công tác đối ngoại, kinh tế đối ngoại tại các đơn vị trước hết là các ngành: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện biên giới.
6. Thành lập Hội hữu nghị với nhân dân các nước của tỉnh Cao Bằng theo Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 27/7/1993 của Ban Bí thư Trung ương nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân.
7. Hình thành tổ chức chuyên trách vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ địa phương tham gia vận động viện trợ và triển khai thực hiện các dự án do tổ chức nước ngoài tài trợ.
8. Kinh phí thực hiện Chương trình hoạt động đối ngoại giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Cao Bằng được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước và được dự toán trong ngân sách hàng năm của tỉnh.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Ngoại vụ
Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình theo lộ trình từng năm; tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết giữa kỳ và tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh. Năm 2015 tổ chức tổng kết Chương trình và xây dựng chương trình mới cho giai đoạn 2016 - 2020.
2. Sở Kế hoạch - Đầu tư
Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài, xúc tiến kinh tế đối ngoại, phối hợp với các cơ quan điều phối, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án nước ngoài.
3. Sở Công Thương
Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
4. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến Du lịch xuyên biên giới, du lịch quốc tế trong và ngoài nước.
5. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các Sở, ngành thành lập bộ phận, bố trí cán bộ làm công tác đối ngoại và xây dựng chính sách thu hút cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động đối ngoại.
6. Sở Tài chính
Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý tài chính đối với các khoản viện trợ do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài viện trợ cho các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Nhà nước. Bố trí nguồn kinh phí xây dựng và triển khai Chương trình trong ngân sách hàng năm.
Hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo về tình hình sử dụng, quản lý nguồn kinh phí đối ngoại.
7. Các ngành, huyện, thị và các cơ quan đoàn thể
Căn cứ Chương trình hoạt động đối ngoại giai đoạn 2011 - 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, xây dựng Kế hoạch cụ thể trên cơ sở tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc phản ánh về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Ngoại vụ) để kịp thời chỉ đạo giải quyết./.
- 1Quyết định 03/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại tại tỉnh Sơn La do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành
- 2Quyết định 1656/2010/QĐ-UBND sửa đổi khoản 1, Điều 7 Quy chế quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh kèm theo Quyết định 1239/2009/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3Quyết định 58/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị quyết số 25/2008/QH12 về việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 – 2009 của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp do Quốc hội ban hành
- 3Nghị định 93/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài
- 4Quyết định 03/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại tại tỉnh Sơn La do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành
- 5Quyết định 1656/2010/QĐ-UBND sửa đổi khoản 1, Điều 7 Quy chế quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh kèm theo Quyết định 1239/2009/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 6Quyết định 58/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành
- 7Chỉ thị 41/CT-TW năm 1998 về xuất khẩu lao động và chuyên gia do Bộ Chính trị ban hành
Nghị quyết 42/2010/NQ-HĐND thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015
- Số hiệu: 42/2010/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 09/12/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Người ký: Hà Ngọc Chiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/12/2010
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết