Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2017/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 17 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020;

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020;

Xét Tờ trình số 135/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu

1. Mục tiêu

a) Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển đột phá ngành công nghiệp năng lượng để hình thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, công nghiệp nặng, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp khác gắn với công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng thu ngân sách.

b) Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn; nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực (nhân điều, tôm đông lạnh); chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

a) Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân hàng năm 19 - 20%; ngành công nghiệp phấn đấu chiếm tỷ trọng trong tổng GRDP của tỉnh đạt 20,5% năm 2020. Giá trị kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đến năm 2020 đạt 150 triệu USD.

b) Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân hàng năm 16 - 18%; tạo việc làm mới cho khoảng 3.000 - 3.500 lao động.

c) Các nhà máy chế biến trong các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung riêng hoặc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung chung của khu, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường 90%.

Điều 2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

1. Nhiệm vụ

a) Phát triển các ngành công nghiệp

- Công nghiệp năng lượng

Triển khai thực hiện tốt chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Phát triển đột phá công nghiệp năng lượng; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư gồm 03 dự án thủy điện và thủy điện tích năng, 03 dự án điện gió, 08 dự án điện mặt trời. (Đính kèm Phụ lục 1)

Tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng).

- Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản

Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chế biến tăng từ 20 - 25%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng công nghiệp chế biến đạt 130 triệu USD, chiếm trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; trong đó chế biến thủy sản đạt 70 triệu USD, chế biến nông sản đạt 60 triệu USD.

Tập trung đổi mới công nghệ chế biến nông-lâm-thủy sản nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng đảm bảo chất lượng và tăng năng lực cạnh tranh gắn với việc chủ động nguồn nguyên liệu tại địa phương: chế biến thủy sản 8.000 tấn/năm, nhân điều 8.000 tấn/năm, đường RS 20.000 tấn/năm, muối tinh 200.000 tấn/năm, bia 100 triệu lít/năm.

Xúc tiến thu hút, kêu gọi đầu tư với quy mô phù hợp nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất các mặt hàng như: chế biến thủy sản; chế biến thịt và thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất bột cá; chế biến nho, táo, nha đam; sản xuất nước giải khát và các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

- Công nghiệp nặng

Triển khai phối hợp thực hiện đầy đủ và kịp thời các thủ tục cần thiết theo quy định, trước mắt tranh thủ sự chỉ đạo và đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ tính toán nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, xác định cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị thường để cân đối quy mô công suất và lựa chọn thời điểm phát triển Dự án hợp lý. Tập trung phối hợp các Bộ, ngành liên quan đánh giá đảm bảo có chất lượng các vấn đề về môi trường, công nghệ, thiết bị, nguồn nguyên liệu của Dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố. Đồng thời, xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể bao gồm cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ để thực hiện Dự án…

Hoàn thiện nội dung báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền xem xét theo quy định và khi được chấp thuận chủ trương và thời gian sẽ tập trung tổ chức triển khai đầu tư xây dựng dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, trước mắt phát triển các nhà máy cán nguội nhằm cung cấp kịp thời nhu cầu nguyên liệu phục vụ phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất ô tô, các máy móc, thiết bị công nghiệp, thép xây dựng.

- Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng

Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển ổn định, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa. Phát triển dự án khai thác phải gắn với chế biến sâu để gia tăng giá trị và hướng đến xuất khẩu. Nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng: gạch, xi măng, đá xây dựng. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại vật liệu mới.

- Công nghiệp hỗ trợ

Tập trung đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như: sản xuất linh kiện, phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, các loại linh kiện, mạch điện tử, cánh quạt gió, thân trụ điện gió, sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu ngành dệt-may, da-giày; công nghiệp cơ khí nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa hóa và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp.

- Các ngành công nghiệp khác

Tiếp tục phát huy tối đa công suất các nhà máy sản xuất bao bì, dệt khăn bông, may công nghiệp. Khuyến khích đầu tư nâng cấp công nghệ mới có sức cạnh tranh cao, nâng công suất các nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải và sản xuất các sản phẩm khác từ rác thải như điện sinh khối, than hoạt tính, nhựa tái sinh. Chú trọng thu hút đầu tư sản xuất muối tinh và các sản phẩm sau muối.

b) Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

- Tiếp tục hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống hiện có (dệt, gốm); xây dựng mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Hình thành các mô hình sản xuất kinh doanh theo tổ, nhóm nhằm tạo điều kiện tập trung nguồn lực về vốn, năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tổ chức liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nhất là xuất khẩu các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch.

- Tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề kết hợp với hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Phát triển các sản phẩm có khả năng hình thành làng nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng (xâu chuỗi hạt bồ đề, xâu chuỗi hạt cườm thảo, móc khóa hạt mắt mèo, vòng đeo tay), sản phẩm đan lát (gùi, tó, nỏ, thúng, sàng), chế biến hải sản (cá hấp khô, nước mắm). Sản phẩm có lợi thế của tỉnh (chế biến rượu nho, mật nho, nho sấy, măng khô, chuối sấy, cá hấp, nước mắm, muối tinh, bánh tráng), sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khác (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (cơ khí, hàn, tiện); sửa chữa, bảo dưỡng, lắp ráp máy móc, thiết bị; sản xuất giường tủ, bàn ghế, sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác). Phấn đấu giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới.

c) Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp

- Tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là tập trung đầu tư Khu công nghiệp Cà Ná, cảng tổng hợp Cà Ná và ga đường sắt Cà Ná; Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Thành Hải, nhất là đầu tư hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung trong Khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Du Long làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo sức hấp dẫn thu hút các dự án động lực quan trọng cho phát triển của tỉnh.

- Tăng cường công tác hậu kiểm, kiên quyết chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án vi phạm tiến độ để kêu gọi nhà đầu tư mới, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.

- Tập trung thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có đạt từ 50% - 80%, trong đó Khu công nghiệp Thành Hải và Cụm công nghiệp Tháp Chàm tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Phấn đấu các nhà máy chế biến trong các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 90%. Quan tâm đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp theo thứ tự ưu tiên: Quảng Sơn, Hiếu Thiện, Tri Hải, Phước Tiến, chế biến thủy sản tập trung. Có chính sách hỗ trợ hiệu quả để xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, xã hội cho công nhân lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, từng bước xây dựng và hình thành đô thị công nghiệp.

2. Các giải pháp

a) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ CBCC, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò cốt lõi của phát triển công nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội giữ vững quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Đối với các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp có quy mô lớn, đề nghị tạo dư luận rộng rãi nhằm tranh thủ sự đồng thuận của xã hội và các tầng lớp nhân dân khi thực hiện dự án.

b) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình khởi nghiệp để phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh và đầu tư cho doanh nghiệp; đặc biệt tháo gỡ khó khăn đối với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: bia, tôm đông lạnh, nhân điều, xi măng, đá ốp lát, gạch không nung, gạch lát vỉa hè để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

c) Triển khai thực hiện tốt các chính sách theo quy định về ưu đãi đầu tư, tín dụng, xuất nhập khẩu, phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

Xây dựng Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng sạch tái tạo của cả nước” và các cơ chế, chính sách liên quan để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

d) Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển công nghiệp.

- Tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật về công nghiệp của tỉnh, các nguồn lực từ chính sách đặc thù đối với các tỉnh đặc biệt khó khăn, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn dự phòng và các nguồn kết dư, vốn hỗ trợ cấp bách, vốn cân đối ngân sách tỉnh. Trong đó, huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của tổ chức, cá nhân để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; điều chỉnh mở rộng Khu công nghiệp Thành Hải và Cụm công nghiệp Tháp Chàm; có cơ chế, chính sách trích lại tỷ lệ khoản thu tiền thuê cơ sở hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp để đơn vị quản lý trực tiếp, tạo sự chủ động để tái đầu tư, sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp.

- Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cà Ná, cảng tổng hợp Cà Ná và ga đường sắt Cà Ná để tạo sự đột phá phát triển công nghiệp. Xây dựng Đề án và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Khu công nghiệp Cà Ná được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi như đối với các Khu kinh tế thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất đai để tạo nguồn quỹ đất thuận lợi trong việc giao đất, mặt bằng cho nhà đầu tư phát triển các dự án công nghiệp then chốt nhất là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp khác. Đồng thời, quy hoạch phát triển các ngành cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các quy hoạch nhà ở cho công nhân gần các khu-cụm công nghiệp, quy hoạch đô thị ven biển, quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh.

Quy hoạch đất bố trí sử dụng phát triển công nghiệp đến năm 2020 là 7.020 ha, trong đó: Phát triển các ngành công nghiệp 5.051 ha (công nghiệp năng lượng 2.567 ha; khai thác và chế biến khoáng sản 2.434 ha; công nghiệp chế biến 50 ha (ngoài các khu, cụm công nghiệp); phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề 40 ha; Phát triển khu, cụm công nghiệp 1.928 ha. (Đính kèm Phụ lục 2)

đ) Thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt quy trình đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đăng ký đầu tư trước khi tiến hành đầu tư, tăng cường giám sát đầu tư gắn với thanh tra sử dụng đất đai các dự án, kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư các dự án chậm tiến độ. Nâng cao năng lực quản lý, thanh tra bảo vệ môi trường gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện quan trắc môi trường, bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

e) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các công cụ, giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để nâng cao năng suất, tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ theo hướng tiên tiến nhằm hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường, cải tiến các trang thiết bị xử lý chất thải để nâng cao hiệu quả xử lý, thu gom các chất thải, khí thải độc hại.

g) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về công nghiệp. Thực hiện đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tự đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án phát triển công nghiệp của tỉnh.

Điều 3. Kinh phí

1. Tổng kinh phí thực hiện đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020 là 90.947 tỷ đồng.

2. Nguồn vốn thực hiện:

- Ngân sách Trung ương: 172,445 tỷ đồng;

- Ngân sách địa phương: 138,893 tỷ đồng;

- Dự án Tam nông: 8,650 tỷ đồng;

- Doanh nghiệp, Chủ đầu tư: 90.627 tỷ đồng.

(Đính kèm phụ lục 3)

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật; hàng năm, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp HĐND cuối năm.

2. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa X Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 28/7/2017./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu - UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa X;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 39/2017/NQ-HĐND về phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

  • Số hiệu: 39/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Đức Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản