Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2010/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 16 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHOÁ XIV - KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/10/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/CP; Quyết định số 262/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 74/TTr-UBND ngày 06/7/2010 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 tại Tờ trình số 74/Ttr-UBND ngày 06/7/2010 của UBND tỉnh (có báo cáo tóm tắt kèm theo).

Điều 2. HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh hoàn chỉnh Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Thái Bình khoá XIV kỳ họp thứ 14 thông qua ./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Tiến Dũng

 

BÁO CÁO TÓM TẮT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THÁI BÌNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 39/2010/NQ-HĐND ngày 16/7/2010 của HĐND tỉnh Thái Bình).

1. Mục tiêu phát triển.

1.1. Mục tiêu tổng quát :

Phát triển nền kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đồng thời nâng cao một bước chất lượng tăng trưởng. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, hiệu quả cao và phát triển bền vững; tập trung phát triển công nghiệp với nhịp độ tăng trưởng cao, mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Phát triển sự nghiệp văn hoá- xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục đào tạo, y tế văn hoá, thể thao. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

a. Về phát triển kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 13,5%/năm; trong đó khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng khoảng 3,8%/năm; công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 21%/năm và khu vực dịch vụ tăng khoảng 13%/năm. Giai đoạn 2016-2020 mức tăng trưởng kinh tế là 13%/năm.

- Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2015 tỷ trọng các ngành nông lâm ngư chiếm khoảng 24,7%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40,6% và khu vực dịch vụ chiếm khoảng 34,7%. Đến năm 2020 các tỷ lệ tương đương là 20%, 45% và 35%.

- Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2015 là 650 triệu USD, đến năm 2020 là 1.200 triệu USD. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 360 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 660 USD.

- Tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước để có tích lũy. Phấn đấu tỷ lệ thu ngân sách đạt khoảng 17% GDP năm 2015 và 19% GDP năm 2020.

- Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015  khoảng 35-36% GDP, giai đoạn 2016-2020 khoảng 40-41% GDP.

- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 41,3 triệu đồng năm 2015 và khoảng 74,3 triệu đồng năm 2020.

b. Về phát triển xã hội

- Đến năm 2020, huy động 70-75 % số cháu đi nhà trẻ, 100% số cháu đi học mẫu giáo; có 80% trường Mầm non, 100% trường Tiểu học, 100% trường Trung học cơ sở, 70% trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

- Tỷ lệ tăng dân số chung đạt 0,39% thời kỳ 2011-2015, thời kỳ 2016-2020 khoảng 0,72%.

- Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống 3% vào năm 2015 và 2,5% vào năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 34%.

- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động khoảng 67%.

- Nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 60 - 65%.

- Thực hiện các biện pháp đồng bộ để hạn chế và giảm đáng kể các bệnh nhiễm vi rút HIV, AIDS và các bệnh dịch khác. Đến năm 2015, phấn đấu đạt các chỉ tiêu: 8 bác sĩ; 1,5 dược sĩ; 22 giường bệnh/1 vạn dân (đến năm 2020 là 25 giường bệnh/1 vạn dân); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi dưới 17,5%, tỷ suất chết trẻ em (<5 tuổi) dưới 1,4%,...

- Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thể thao, phát thanh và truyền hình trên toàn tỉnh.

- Giảm hộ nghèo hàng năm khoảng 1%.

c. Về bảo vệ môi trường

- Phòng ngừa có hiệu quả khả năng ô nhiễm môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế -xã hội gây ra. Giữ gìn môi trường biển và ven biển.

- Đến năm 2015 có 100% dân cư đô thị và 90% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch; 70% các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gom 60% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; xử lý trên 60% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

- Tăng cường năng lực quản lý môi trường và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung.

- Cơ bản hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước mưa và nước thải của thành phố Thái Bình và các thị trấn trong tỉnh.

- Bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là ở khu vực biển và ven biển của tỉnh.

2. Một số giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch.

- Huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2020 là 369.890 tỷ đồng (giá 2009), trong đó giai đoạn 2011 – 2015 là 151.988 tỷ đồng.

- Phối hợp phát triển giữa Thái Bình với các tỉnh tỏng vùng về kết cấu hạ tầng, thương mại, du lịch, về nâng cao năng lực tưới, tiêu của hệ thống thủy nông, về đào tạo – nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, lĩnh vực y tế và nghiên cứu y học.

- Phát triển nguồn nhân lực tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa.

- Phát triển khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường, có biện pháp gắn phát triển khoa học và công nghệ với sản xuất; ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học – kỹ thuật và tin học vào sản xuất.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính một cách triệt để, thông thoáng tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

- Kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Tổ chức thực hiện quy hoạch, công khai hóa quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tiến hành rà soát, xây dựng mới quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết. Triển khai quy hoạch qua các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện phát triển theo quy hoạch./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 39/2010/NQ-HĐND điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020

  • Số hiệu: 39/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 16/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Bùi Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản