Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2010/NQ-HĐND | Thái Nguyên, ngày 10 tháng 12 năm 2010 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Sau khi nghe Báo cáo số: 116/BC-UBND ngày 23/11/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015;
Xét Tờ trình số: 63/TTr-UBND ngày 23/11/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 tại Báo cáo số: 116/BC-UBND ngày 23/11/2010 của tỉnh Thái Nguyên.
Điều 2. Thông qua mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc để Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của cả nước.
2. Nhiệm vụ
Nhằm đạt được các mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2011-2015 cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng sau:
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thương hiệu, quảng bá hình ảnh địa phương để thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống đào tạo nghề của tỉnh và của các huyện, thành phố, thị xã; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, ngành học; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có tay nghề cao...
- Phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...
- Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ; khuyến khích phát triển công nghệ cao trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và quản lý hành chính.
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhằm phát huy được các nguồn lực của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khoẻ nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi dần các tệ nạn xã hội. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; phát triển thể dục thể thao để tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần của nhân dân.
- Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường. Chủ động phòng, tránh và hạn chế các tác động xấu của thiên tai.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu
3.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân hàng năm từ 12-13%; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 16,5%; dịch vụ tăng 13,5%; nông lâm nghiệp tăng 4,5%.
3.2. Phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt được như sau: công nghiệp - xây dựng 46,5%; dịch vụ 38,5%, nông lâm nghiệp 15%;
3.3. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 20% trở lên;
3.4. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 6% trở lên;
3.5. Phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, hình thành một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 20%;
3.6. Phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp tăng bình quân hàng năm 20% trở lên (thành lập mới khoảng 500 - 600 doanh nghiệp/năm).
3.7. Thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 20% trở lên (không bao gồm thu cấp quyền sử dụng đất).
3.8. GDP/người tính theo giá thực tế 45 triệu đồng, tương đương 2.100 USD (giá thực tế dự báo năm 2015 là 1 USD =22.000 đồng).
3.9. Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm cho 15.000 lao động. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế đã qua đào tạo đạt trên 55% vào năm 2015.
3.10. Phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
3.11. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 2% trở lên (theo chuẩn mới). Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trong việc hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.
3.12. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, bảo đảm kiên cố hoá toàn bộ trường, lớp học. Phấn đấu đến năm 2015 có 70% số trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó: mầm non 65%; tiểu học 100%, trung học cơ sở 50%, trung học phổ thông 20%).
3.13. Phấn đấu đến năm 2015 có 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; xây dựng 01 bệnh viện đạt chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn dưới 14%; giảm tỷ suất sinh thô hàng năm 0,1%0
3.14. Cải thiện một bước về kết cấu hạ tầng bao gồm mạng lưới giao thông, điện lưới, cấp nước sinh hoạt. Nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 95%.
3.15. Bảo đảm an toàn xã hội, giảm tối đa các tệ nạn xã hội, nhất là việc sử dụng các chất ma tuý.
3.16. Duy trì ổn định tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 50%.
3.17. Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác thải; bảo đảm sử dụng công nghệ sản xuất sạch trong hoạt động công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
3.18. Đảm bảo an ninh trật tự xã hội và công tác quân sự địa phương và hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra.
1. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, chính sách về phát triển nguồn nhân lực phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Về tạo nguồn cán bộ, các cơ quan hành chính nhà nước phải bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tuyển dụng cán bộ, nhằm lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về thu hút nhân tài, xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhân tài, các chuyên gia giỏi, lao động có trình độ cao vào những lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên phát triển.
Về đào tạo nguồn nhân lực, tạo sự gắn kết căn bản giữa địa phương với cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng, trung cấp nghề và trường nghề trên địa bàn để sử dụng tối đa nguồn tri thức cho phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Về công tác cán bộ, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Giải pháp về vốn đầu tư
Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm, ước tính nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 cần khoảng 50.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Vì vậy, cần có các giải pháp huy động vốn một cách tích cực, tập trung huy động các nguồn vốn sau: vốn ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương, vốn ODA), vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn trong dân cư, vốn FDI, vốn tín dụng...
Khả năng đáp ứng nguồn vốn đầu tư:
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: trong giai đoạn 2011-2015 cần huy động khoảng 10.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Nguồn vốn ngân sách chủ yếu dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kích cầu đầu tư. Để nâng cao nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cần: Tăng tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế, tiết kiệm chi để dành cho đầu tư phát triển, khai thác nguồn vốn từ quỹ đất để mở rộng và phát triển hạ tầng đô thị; Đề xuất Trung ương đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng lớn của mạng lưới giao thông, điện lưới, thuỷ lợi, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục từ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, đầu tư qua các Bộ, ngành Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ,...; Xây dựng các dự án có căn cứ để tranh thủ các nguồn vốn thông qua các chương trình đầu tư của nhà nước và các tổ chức Quốc tế như các chương trình xoá đói giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, y tế, giáo dục,...
Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, nhu cầu vốn giai đoạn 2011-2015 khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm 24% tổng nguồn vốn. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Để tăng nguồn vốn này cần phải: Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp mới, tạo môi trường cho người dân bỏ vốn vào đầu tư sản xuất.
Nguồn vốn huy động trong dân: khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn đầu tư, để huy động nguồn vốn này cần tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, củng cố phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn, tài chính ngân hàng huy động tốt các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân; thực hiện tốt công tác xã hội hoá, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động phát triển hạ tầng.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh, nguồn vốn này có một vị trí rất quan trọng, việc thu hút đầu tư bên ngoài là cơ hội để đổi mới công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, mở rộng thị trường; ước nguồn vốn này khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Để có thể huy động được nguồn vốn này cần thực hiện các giải pháp: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư vào tỉnh; Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, tiếp thị địa phương, xúc tiến đầu tư để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Kết hợp các hình thức liên danh liên kết để thu hút đầu tư; Đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi để tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Vốn tín dụng: sau khi huy động hết các nguồn vốn đầu tư trên, phần vốn còn thiếu được cân đối từ nguồn vốn vay tín dụng, dự kiến giai đoạn 2011-2015 cần vay khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Nguồn vốn này sử dụng để bổ sung vốn đầu tư cho các dự án thuộc các nguồn vốn trên, để bảo đảm cho các dự án hoạt động hiệu quả.
3. Phát triển khoa học và công nghệ
Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ: Kết hợp với công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại đảm bảo phù hợp với trình độ sản xuất. Tăng cường và đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ mới trong khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản... Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý khoa học công nghệ, đáp ứng kịp thời công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện và ứng dụng vào sản xuất. Đổi mới chính sách cán bộ đối với đội ngũ lao động khoa học công nghệ trên cơ sở tạo môi trường hoạt động khoa học công nghệ.
Lựa chọn tập trung đầu tư phát triển công nghệ đối với một số ngành quan trọng: công nghệ cơ khí chế tạo, ứng dụng công nghệ thiết kế và chế tạo.
4. Chính sách phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên:
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và các Quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước, của vùng, tiến hành triển khai rà soát, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực còn thiếu hoặc cần điều chỉnh, bổ sung để xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển cụ thể của từng ngành, lĩnh vực.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả 5 chương trình, 16 đề án và 45 dự án, quy hoạch công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 của tỉnh (Có danh mục chương trình, đề án, dự án, quy hoạch công trình trọng điểm kèm theo).
Lựa chọn một số ngành, sản phẩm mang tính đột phá để tập trung nguồn lực đầu tư, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực.
Mở rộng liên kết, liên doanh đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng mỗi cấp học một trường chất lượng cao ngang tầm khu vực và Quốc tế.
Tăng cường chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao đi đôi với đào tạo, xây dựng y tế phát triển theo hướng chuyên sâu; khuyến khích đẩy mạnh liên kết xã hội hóa để phấn đấu trong giai đoạn 2011 - 2015 có một bệnh viện chất lượng cao ngang tầm khu vực và Quốc tế.
Có quy hoạch, kế hoạch phát triển và khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sỹ để góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong lĩnh vực đầu tư công: Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đến các vùng kinh tế trọng điểm, nối liền các cụm, khu công nghiệp với các tuyến giao thông huyết mạch; đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; đầu tư bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai cho các vùng xung yếu; quan tâm đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và các năm tiếp theo.
Hàng năm đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 để rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất bổ sung xây dựng các chương trình, đề án, công trình trọng điểm theo hướng gắn với ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, bảo đảm tính khả thi.
5. Chính sách về quảng bá, tiếp thị địa phương và xúc tiến đầu tư
Xây dựng đề án xúc tiến đầu tư theo hướng quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh ra ngoài tỉnh, nước ngoài trong đó cần xác định rõ mục tiêu đầu tư mà tỉnh cần hướng tới để từng bước tiếp cận, lôi kéo để thu hút đầu tư; xây dựng hình ảnh địa phương Thái Nguyên năng động, tạo lợi thế khác biệt, tạo môi trường thân thiện giữa chính quyền, người dân, xã hội với doanh nghiệp, các doanh nhân - những người đang tìm cơ hội đầu tư.
Bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách về thu hút đầu tư bảo đảm tính công khai, minh bạch của chính sách; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, có năng lực tài chính tiếp cận, triển khai thực hiện các dự án nhanh; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng cơ chế ưu đãi của tỉnh để trục lợi, mua bán dự án,…
6. Phát triển kết cấu hạ tầng
Phát triển hạ tầng phải gắn kết với hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất.
Phát triển hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phải gắn với các giải pháp về quản lý và bảo vệ môi trường
7. Tăng cường cải cách hành chính
Nghiên cứu, rà soát, xoá bỏ cơ bản các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; thu hút đầu tư; quản lý đất đai; đăng ký kinh doanh; …. Hoàn thiện các thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hoá và thuận tiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Đẩy mạnh cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; chuyển dần những việc, những dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện cho các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước gọn nhẹ, theo nguyên tắc các sở ngành quản lý đa ngành nghề, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật.
Chấn chỉnh kỷ luật hành chính trong hệ thống các cơ quan hành chính, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế.
8. Tăng cường quốc phòng an ninh
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập; đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, nâng cao ý thức cảnh giác, nắm chắc tình hình, có phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra; củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
1. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XI, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2010./.
| CHỦ TỊCH |
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, QUY HOẠCH, CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Số TT | Tên chương trình, đề án | Cơ quan phê duyệt | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Kết quả cần đạt được | Thời gian hoàn thành |
A | 5 Chương trình |
|
|
|
|
|
1 | Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. | UBND tỉnh | Sở Công thương | - Sở Kế hoạch và Đầu tư - Ban quản lý các KCN Thái Nguyên - Liên minh các HTX tỉnh - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản báo cáo Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
2 | Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ | UBND tỉnh | Sở Công thương | - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản báo cáo Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
3 | Chương trình xây dựng và phát triển nông thôn mới | UBND tỉnh | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | - Các Sở: KH&ĐT, Công Thương, GTVT. - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản báo cáo Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
4 | Chương trình phát triển giáo dục, đào tạo và y tế | UBND tỉnh | Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế | - Các sở: TC; KHĐT. - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản báo cáo Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
5 | Chương trình giảm nghèo | UBND tỉnh | Sở Lao động- TB&XH | - Ngân hàng chính sách XH - Sở Giáo dục và Đào tạo - UB Mặt trận tổ quốc - Ban Dân tộc - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bản báo cáo Chương trình, trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
B | 11 Đề án |
|
|
|
|
|
1 | Đề án: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ/BCT giai đoạn 2011-2015 | UBND tỉnh | Sở Kế hoạch và Đầu tư | - Các Sở, ban, ngành - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản kế hoạch thực hiện Nghị quyết 37 trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
2 | Đề án: Festival trà quốc tế tại Thái Nguyên | UBND tỉnh | Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch | - UBND TP Thái Nguyên - Các Sở: Công Thương, Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư, | Bản kế hoạch thực hiện Festival | Quý I - 2011 |
3 | Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. | UBND tỉnh | Sở Nội vụ | - Các Sở, ban, ngành - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
4 | Đề án: Cải thiện môi trường đầu tư và Hội nhập kinh tế quốc tế | UBND tỉnh | Sở Kế hoạch và Đầu tư | - Các Sở, ban, ngành - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
5 | Đề án: Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản | UBND tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | - Các Sở: Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư - Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
6 | Đề án: Phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè | UBND tỉnh | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | - Sở Công Thương - UBND: TPTN, TXSC, Đại Từ, Đồng Hỷ | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
7 | Đề án: Nâng cấp cơ sở sản xuất giống nông, lâm, thuỷ sản | UBND tỉnh | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | - Sở KH&ĐT | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
8 | Đề án: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm | UBND tỉnh | Sở Lao động - TBXH | - Các Sở: NN&PTNT, Nội vụ, GD&ĐT - UBND các huyện, thành phố, | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
9 | Đề án: Phát triển kinh tế hợp tác xã | UBND tỉnh | Liên minh HTX | - Các Sở: KH&ĐT, NN&PTNT - UBND các huyện, thành phố, thị xã | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
10 | Đề án: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma tuý | UBND tỉnh | Công an tỉnh | Sở Thông tin và truyền thông Sở Văn hoá thể thao du lịch | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
11 | Đề án: Kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông | UBND tỉnh | Sở Giao thông vận tải | Sở TC, sở KHĐT; CA tỉnh | Bản đề án trình UBND tỉnh phê duyệt | Quý I - 2011 |
CÁC DỰ ÁN, QUY HOẠCH, CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Số TT | Tên dự án, quy hoạch, công trình | Tổng mức đầu tư | Chủ đầu tư | Nội dung đầu tư | Thời gian hoàn thành |
1 | Hạ tầng Khu công nghiệp Nam Phổ Yên |
| Ban Quản lý các KCN | Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp | 2011 - 2015 |
2 | Hạ tầng Khu công nghiệp Tây Phổ Yên |
| Ban Quản lý các KCN | Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp | 2011 - 2015 |
3 | Hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thuỵ huyện Phú Bình | 350 tỷ đồng | Công ty Cổ phần APEC | Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp | 2011 - 2015 |
4 | Hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công | 236,5 tỷ đồng | Công ty phát triển hạ tầng KCN | Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp | 2011 - 2015 |
5 | Hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao thành phố Thái Nguyên |
| Ban Quản lý các KCN | Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp | 2011 - 2015 |
6 | Tổ hợp công nghiệp - nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình | 10.000 tỷ đồng | Tập đoàn Yên Bình | Tổ hợp khu công nghiệp nông nghiệp, dịch vụ đô thị diện tích trên 8.000ha | 2011 -2020 |
7 | Khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên | 2.500 tỷ đồng | UBND thành phố Thái Nguyên | Hoàn thiện hạ tầng khu đô thị | 2011 - 2015 |
8 | Hạ tầng khu du lịch vùng hồ Núi Cốc | 1.500 tỷ đồng | Ban Quản lý Khu du lịch vùng Hồ Núi Cốc | Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch | 2011 - 2015 |
9 | Hạ tầng khu di tích lịch sử sinh thái ATK | 500 tỷ đồng | Sở Văn hoá Thể thao và du lịch và Ban Quản lý khu di tích lịch sử sinh thái ATK – Định Hóa | Hoàn thiện hạ tầng Khu di tích lịch sử, sinh thái ATK liên hoàn, kết nối với các khu di tích lịch sử vùng ATK | 2011 - 2015 |
10 | Hồ Văn Lăng huyện Đồng Hỷ | 2.500 tỷ đồng | Bộ Nông nghiệp và PTNT | Hồ chứa nước có dung tích khoảng 85 triệu m3, để cung cấp nước tưới cho 22.000 ha đất canh tác, cắt lũ khu vực thành phố Thái Nguyên, phát điện với công suất khoảng 15MW và góp phần chỉnh trị môi trường cảnh quan Sông Cầu | 2011 - 2015 |
11 | Hồ Nước Hai huyện Phổ Yên | 121,7 tỷ đồng | Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi | Hồ chứa nước dung tích 2,8 triệu m3, diện tích tưới 495ha lúa, màu | 2010 - 2014 |
12 | Đầu tư xây dựng khu đô thị sinh viên tại thành phố Thái Nguyên | 2.500 tỷ đồng | Sở Xây dựng và Tổng Công ty Xây dựng Việt Nam (HUD) | Khu đô thị sinh viên diện tích 200ha đáp ứng nhu cầu nhà ở đến năm 2015 cho 100.000 sinh viên | 2011 - 2015 |
13 | Tiếp tục đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên | 1.218 tỷ đồng | Đại học Thái Nguyên | 200.503m2 nhà xây dựng trên diện tích 24,6ha |
|
14 | Đầu tư xây dựng Đại học Việt Bắc | 388 tỷ đồng | BQL Đại học Việt Bắc | Hạ tầng cơ sở trường đại học | 2010 - 2012 |
15 | Đầu tư xây dựng Bệnh viện Quốc tế | 600 tỷ đồng | Cty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế | Hạ tầng bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế | 2011-2015 |
16 | Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên | 750 tỷ đồng | Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên | 1.200 giường bệnh | 2010 - 2015 |
17 | Nhà máy nhiệt điện An Khánh | 3.000 tỷ đồng | Công ty CP nhiệt điện An Khánh | Nhà máy nhiệt điện đốt than công suất 100MW | 2010 - 2012 |
18 | Cảng ICD Sông Công | 400 tỷ đồng | Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công và Chi cục Hải quan Thái Nguyên | Hạ tầng cảng sông diện tích 20ha | 2010 - 2012 |
19 | Cụm cảng Đa Phúc | 950 tỷ đồng | Hợp tác xã công nghiệp và vận tải Chiến Công | Hạ tầng cụm cảng diện tích 30,8ha | 2010 - 2013 |
20 | Nhà máy may công nghiệp Shinwon Ebenezer - Hàn Quốc | 15 triệu USD | Công ty Shinwon Ebenezer Hàn Quốc | Nhà máy may công suất 70 triệu sản phẩm/năm | 2009 - 2013 |
21 | Mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II | 3.800 tỷ đồng | Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên | Nhà máy sản xuất phôi thép công suất 500.000 tấn/năm | 2006 - 2011 |
22 | Nhà máy cán thép Thái Trung | 1.498 tỷ đồng | Công ty Thái Trung | Nhà máy cán thép công suất 500.000tấn/năm | 2008 - 2012 |
23 | Dự án Khai thác, chế biến mỏ đa kim Núi Pháo | 147 triệu USD | Công ty TNHH một thành viên tài nguyên Masan Thái Nguyên và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên an | Khai thác khoáng sản trên diện tích 9,211 km2, tiến hành thăm dò khoáng sản trên tổng diện tích 54,66 km2 |
|
24 | Nhà máy gốm sứ Thái Nguyên | 30 triệu USD | Cty TNHH đúc vạn thông Thái Nguyên – Việt Trung | Nhà máy gốm sứ | 2011 - 2013 |
25 | Nhà máy bột mầu điôxin Titan Thái Nguyên | 1.488 tỷ đồng | Cty TNHHNN MTV Kim loại mầu Thái Nguyên | Nhà máy sản xuất Bột màu Điôxit titan: 20.000 tấn/năm; Gang hợp kim: 12.000 tấn/năm | 2011 - 2012 |
26 | Trung tâm thương mại Primer Thái Nguyên | 159 tỷ đồng | Công ty Primer Thái Nguyên | Hoàn thành đưa vào sử dụng | 2010 - 2013 |
27 | Trung tâm thương mại APEC | 996 tỷ đồng | Công ty Cổ phần APEC | hoàn thành Tổ hợp thương mại, dịch vụ văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp trên diện tích 5,3ha | 2010 - |
28 | Khách sạn 5 sao Trung tâm hội nghị | 910 tỷ đồng | Công ty Cổ phần Trung Tín | Đưa vào sử dụng Khách sạn 5 sao | 2010 - 2013 |
29 | Hồ Điều hoà Xương Rồng thành phố Thái Nguyên | 1.019 tỷ đồng | Công ty Sông Đà II | Đưa vào sử dụng Hồ điều hòa và khu đô thị ven hồ với tổng diện tích 45ha | 2010 - 2016 |
30 | Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên | 8.500 tỷ đồng | Ban quản lý giao thông II - Bộ Giao thông vận tải | Hoàn thành Đường cao tốc 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h, nền đường rộng 34,5m | 2008 - 2013 |
31 | Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 Hà Nội- Thái Nguyên. | 1.000 tỷ đồng | Tập đoàn Sông Đà | Nâng cấp đường với 4 làn xe cơ giới | 2011 - 2012 |
32 | Xây dựng 4 cầu qua sông Cầu | 2.000 tỷ đồng | Sở Giao thông vận tải | Hoàn thành Cầu Bến Tượng, cầu Quang Vinh, cầu Bến Huống, cầu Yên Bình | 2011 - 2015 |
33 | Đường vành đai 1 thành phố Thái Nguyên | 2.000 tỷ đồng | Sở Giao thông vận tải | Hoàn thành 50% quy mô dự án đã phê duyệt | 2011-2015 |
34 | Đường hầm Tam Đảo | 1.000 tỷ đồng | Liên danh Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Tập đoàn Sông Đà và Cty BOT cầu Phú Mỹ | Hoàn thành đường và đường hầm nối Khu du lịch quốc gia Tam Đảo và Khu du lịch Hồ Núi Cốc, quy mô khoảng 30km đường 2 làn xe và 1,5km hầm | 2011-2015 |
35 | Đường Bắc Sơn thành phố Thái Nguyên | 554 tỷ đồng | Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên | Hoàn thành đường phố chính đô thị, mặt cắt ngang 27m (mặt đường 15m, vỉa hè mỗi bên 6m), chiều dài 1,23km | 2011 - 2013 |
36 | Kè Sông Cầu khu vực thành phố Thái Nguyên | 515 tỷ đồng | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Hoàn thành toàn bộ dự án | 2011-2015 |
37 | Dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên | 580 tỷ đồng | Sở Xây dựng | Hoàn thành Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho TP Thái Nguyên | 2008 - 2015 |
38 | Trung tâm bảo hành Toyota | 100 tỷ đồng | Cty TNHH Toyota Việt Nam | Đưa vào vận hành khai thác | 2011 - 2012 |
39 | Trung Hội chợ triển lãm và Chợ vùng Việt Bắc | 200 tỷ đồng | Sở Công thương | Đưa vào vận hành khai thác | 2011-2015 |
40 | Đầu tư xây dựng 5 cửa ô vào tỉnh Thái Nguyên | 500 tỷ đồng | Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải | Quy hoạch chi tiết xây dựng và đầu tư xong hạ tầng | 2011-2015 |
41 | Dự án Chỉnh trang Sông Cầu gắn với xây dựng Khu đô thị Đồng Bẩm thành phố Thái Nguyên | 5000 tỷ đồng | UBND thành phố Thái Nguyên | Quy hoạch chi tiết xây dựng và đầu tư xong hạ tầng | 2011-2020 |
42 | Quy hoạch vùng hồ Núi Cốc | 20 tỷ đồng | Sở Xây dựng | Bản quy hoạch vùng du lịch Hồ Núi Cốc quy mô 190km2 | 2011 |
43 | Quy hoạch khu di tích, lịch sử sinh thái ATK |
| Sở Xây dựng | Phê duyệt xong quy hoạch | 2011 |
44 | Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên | 10 tỷ đồng | UBND thành phố Thái Nguyên | Phê duyệt xong quy hoạch điều chỉnh | 2011 |
45 | Quy hoạch chi tiết Khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên | 30 tỷ đồng | UBND thành phố Thái Nguyên | Bản QH chi tiết khu đô thị diện tích 1.500ha, quy mô dân số 100.000 người | 2011 |
- 1Nghị quyết 22/2012/NQ-HĐND thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2Nghị quyết 24/2012/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 3Nghị quyết 37/2012/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2013
- 4Nghị quyết 146/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An 5 năm giai đoạn 2011 - 2015
- 1Hiến pháp năm 1992
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị quyết 22/2012/NQ-HĐND thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 4Nghị quyết 24/2012/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 5Nghị quyết 37/2012/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2013
- 6Nghị quyết 146/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An 5 năm giai đoạn 2011 - 2015
Nghị quyết 34/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015
- Số hiệu: 34/2010/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/12/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
- Người ký: Nguyễn Văn Vượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/12/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra