Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2010/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 10 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2011–2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 22

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg , ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH , ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Ban hành kèm theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg , ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3120/TTr-UBND, ngày 03 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 6.600 lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 1.600 lượt cán bộ, công chức cấp xã;

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể

a. Giai đoạn 2011–2015

Đào tạo nghề cho 33.000 lao động nông thôn, trong đó:

- Khoảng 25.000 lao động nông thôn được học nghề (8.750 người học nghề nông nghiệp; 16.250 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 600 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%;

- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 8.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

b. Giai đoạn 2016–2020

Đào tạo nghề cho 33.000 lao động nông thôn, trong đó:

- Khoảng 25.000 lao động nông thôn được học nghề (8.750 người học nghề nông nghiệp; 16.250 người học nghề phi nông nghiệp), trong đó đặt hàng dạy nghề khoảng 1.000 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%;

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 8.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (nữ từ 16-55 tuổi; nam từ 16-60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

- Cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn cấp xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức cấp xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.

1. Dạy nghề nông nghiệp

Lĩnh vực dạy nghề: Thuộc nghề và nhóm nghề nông nghiệp chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của lao động nông thôn Tây Ninh, gồm: Kỹ thuật khai thác mủ cao su, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi trùn quế, kỹ thuật nuôi ba ba, kỹ thuật nuôi ếch, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng mía, kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng cây lấy củ, kỹ thuật nuôi sinh vật cảnh, ... (ngành nghề khác sẽ được phê duyệt bổ sung hàng năm sau khi có kết quả điều tra).

2. Dạy nghề phi nông nghiệp

Lĩnh vực dạy nghề: Thuộc nghề và nhóm nghề phi nông nghiệp chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của lao động nông thôn Tây Ninh, gồm: Ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ, giấy; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, giày da; sản xuất thức ăn gia súc; sửa chữa đồ dùng gia đình; cơ khí, sửa chữa nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn; cung ứng vật tư, dịch vụ; may công nghiệp, cắt uốn tóc; ngành nghề truyền thống như: Bánh tráng, muối ớt, mây tre đan, làm nón, làm nhang, mộc gia dụng, rèn, đúc gang, … (ngành nghề khác sẽ được phê duyệt bổ sung hàng năm sau khi có kết quả điều tra).

3. Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

Lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng: lý luận chính trị; quản lý hành chính Nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ như: Công an, Quân sự, địa chính - xây dựng, tài chính- kế toán, pháp lý, văn hóa - xã hội, lao động tiền lương, văn thư - lưu trữ, nghiệp vụ văn phòng, các kỹ năng thực thi công vụ...; nghiệp vụ của các đoàn thể; tin học; ngoại ngữ (chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức các xã khu vực biên giới và khuyến khích học các ngoại ngữ khác).

III. CHÍNH SÁCH, KINH PHÍ

1. Chính sách

- Nhóm 1: Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Trung ương hỗ trợ: Chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;

- Nhóm 2: Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo.

+ Trung ương hỗ trợ: Chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);

+ Tỉnh hỗ trợ: Tiền ăn với mức 15.000 đồng/người/ngày thực học, thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng.

- Nhóm 3: Lao động nông thôn khác.

+ Trung ương hỗ trợ: Chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);

+ Tỉnh hỗ trợ: Tiền ăn với mức hỗ trợ 15.000 đồng/người/ngày thực học, thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng.

* Đối với những nghề đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng có chi phí đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ tối đa quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg được huy động thêm từ người học đóng góp và nguồn huy động khác để bảo đảm chi phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề.

2. Tổng kinh phí thực hiện Đề án

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là: 216,234 tỷ đồng, trong đó:

- Nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương: 174,834 tỷ đồng;

- Nguồn kinh phí của địa phương: 41,400 tỷ đồng.

a. Giai đoạn 2011-2015

Kinh phí thực hiện Đề án là 112,617 tỷ đồng, trong đó:

- Nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương: 91,917 tỷ đồng;

- Nguồn kinh phí của địa phương: 20,700 tỷ đồng.

b. Giai đoạn 2016-2020

Kinh phí thực hiện Đề án là 103,617 tỷ đồng, trong đó:

- Nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương: 82,917 tỷ đồng;

- Nguồn kinh phí của địa phương: 20,700 tỷ đồng.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết này và triển khai thực hiện Đề án, hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình triển khai và kết quả thực hiện.

Điều 4. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VII, kỳ họp thứ 22 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Minh Trọng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 34/2010/NQ-HĐND về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 34/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Lê Minh Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản