HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/NQ-HĐND | Quảng Nam, ngày 11 tháng 7 năm 2024 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BỐN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 124/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2024 của Đoàn giám sát Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về giám sát chuyên đề tình hình quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và công tác quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2023; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
1. Tình hình quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
a) Kết quả đạt được
Trong những năm qua, trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh còn hạn chế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp xúc tiến thu hút, đề xuất các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn ODA được ưu tiên cho các dự án có quy mô lớn, có tính chất động lực, liên vùng. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, tuân thủ theo đúng quy định, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, cải thiện đời sống người dân; nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.
Giai đoạn 2020-2023, trên địa bàn tỉnh thực hiện 21 dự án gồm các lĩnh vực: 01 dự án giáo dục, đào tạo và dạy nghề; 02 dự án y tế, dân số và gia đình; 05 dự án bảo vệ môi trường; 07 dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn; 05 dự án giao thông đường bộ; 02 dự án công nghiệp điện năng. Tổng kế hoạch vốn phân bổ cho các dự án là 4.456.608 triệu đồng, gồm: Vốn ODA là 3.657.776 triệu đồng (ngân sách trung ương cấp phát là 2.144.568 triệu đồng, ngân sách tỉnh vay lại 1.513.209 triệu đồng); vốn đối ứng 798.831 triệu đồng (ngân sách trung ương 99.667 triệu đồng, ngân sách tỉnh 699.164 triệu đồng); đã giải ngân 3.159.617 triệu đồng, đạt 71% so với kế hoạch vốn bố trí, gồm: Vốn ODA 2.397.723 triệu đồng, đạt 66% (ngân sách trung ương cấp phát 1.258.826 triệu đồng, ngân sách tỉnh vay lại là 1.138.897 triệu đồng); vốn đối ứng là 761.894 triệu đồng, đạt 95% (ngân sách trung ương là 93.814 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 668.080 triệu đồng).
b) Những tồn tại, hạn chế
- Công tác phối hợp đề xuất dự án, chuẩn bị đầu tư một số dự án chưa phân tích, dự lường hết những nhân tố ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài thời gian hoàn thành các dự án so với hiệp định được ký kết, làm tăng chi phí lãi vay, phí cam kết, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
- Việc lựa chọn hạng mục, dự án thành phần sử dụng vốn vay còn phụ thuộc vào tiêu chí của nhà tài trợ, làm hạn chế tính chủ động của chủ đầu tư.
- Quá trình tiếp cận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài còn nhiều khó khăn, trong khi đó việc lập kế hoạch giải ngân vốn của các chủ đầu tư sử dụng vốn đôi lúc chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. Tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Một số dự án giải ngân không hết phải hủy dự toán, nộp trả lại ngân sách trung ương, hoàn trả lại nguồn vốn vay, gây lãng phí nguồn vốn, tốn phí cam kết, trả lãi.
- Tiến độ triển khai thực hiện dự án còn chậm so với kế hoạch; nhiều dự án phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện, thời gian bố trí vốn, gia hạn hiệp định vay. Trong đó, một số dự án phát sinh các chi phí liên quan, tăng tổng mức đầu tư. Một số dự án do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, phải dừng kỹ thuật một số hạng mục đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư so với mục tiêu dự án.
- Công tác phối hợp giữa địa phương, chủ đầu tư, Bộ, ngành trung ương có lúc chưa chặt chẽ, nhất là các dự án có sự tham gia của nhiều địa phương dẫn đến việc tính toán, xác định và trả nợ các khoản vay gặp nhiều khó khăn; có trường hợp xác định giá trị trả nợ không chính xác, thiếu đồng bộ, làm phát sinh phí trả lãi do chậm nộp.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, nhất là theo dõi, đánh giá hiệu quả sau đầu tư. Kết quả quản lý thường chỉ được đánh giá qua tiến độ, mức độ hoàn thành mà chưa xem xét toàn diện đến hiệu quả đầu tư sau khi công trình được đưa vào vận hành, khai thác.
c) Nguyên nhân
- Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến lĩnh vực vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài chưa hoàn thiện. Quy trình, thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, cơ chế giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện các dự án, gia hạn hiệp định vay còn phức tạp, kéo dài, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
- Tình hình biến động tăng giá cả vật tư, vật liệu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tỷ giá thay đổi làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án do dự án được phê duyệt bằng đồng ngoại tệ hoặc vốn vay bằng ngoại tệ, gây nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
- Một số chủ đầu tư thiếu tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai các dự án, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức và phối hợp thực hiện là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án kéo dài, điều chỉnh thời gian, chậm giải ngân, hoàn trả lại kinh phí, trả nợ lãi, phí. Năng lực một số cán bộ quản lý dự án còn hạn chế; việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân trong vùng ảnh hưởng thiếu chặt chẽ; còn bị động trong phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài chưa được thường xuyên.
- Nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng nhu cầu cho các dự án trên địa bàn tỉnh. Giá vật liệu do liên sở ban hành thấp hơn so với giá bán thực tế tại mỏ nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Công tác cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều bất cập, tốn nhiều thời gian, là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân của các dự án.
2. Công tác quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2023 a) Kết quả đạt được
Giai đoạn 2020-2023 có 221 dự án đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, với tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị phê duyệt quyết toán 7.637.724,8 triệu đồng, giá trị được phê duyệt quyết toán: 7.635.449,1 triệu đồng (chênh lệch 2.274,7 triệu đồng); trong đó, có 125 dự án hoàn thành đã được tất toán tài khoản, 96 dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán nhưng chưa tất toán.
b) Những tồn tại, hạn chế
- Một số chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành; chất lượng hồ sơ gửi thẩm tra, phê duyệt quyết toán chưa cao (chưa tổng hợp đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ); chưa kiểm soát chặt chẽ năng lực và khối lượng thực hiện của các đơn vị tư vấn, thi công trong thực hiện hợp đồng; thiếu trách nhiệm trong công tác quyến toán dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; chưa kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của dự án, nhất là khi chuyển giao chủ đầu tư mới, việc giao nhận giữa các bên không rõ ràng, không đầy đủ hồ sơ, gây khó khăn trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, xử lý về sau.
- Một số nhà thầu chưa chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong công tác lập hồ sơ quyết toán, thực hiện theo kết quả thẩm tra, phê duyệt quyết toán của cơ quan tài chính.
- Công tác quyết toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của các địa phương còn chậm, làm kéo dài thời gian quyết toán các dự án hoàn thành.
- Công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành của cơ quan tài chính trong một số trường hợp vẫn còn chậm; chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cơ quan tài chính cấp dưới trong quyết toán dự án hoàn thành.
c) Nguyên nhân
- Hệ thống chính sách pháp luật về đất đai còn bất cập, thường xuyên sửa đổi, bổ sung, dẫn đến văn bản của cấp có thẩm quyền quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thay đổi.
- Văn bản của cấp có thẩm quyền tại một số thời điểm quy định chưa cụ thể, cơ chế chưa chặt chẽ, chưa ràng buộc đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu, nên quá trình thực hiện còn khó khăn, vướng mắc. Chưa có quy định cụ thể về thời gian thực hiện thẩm tra quyết toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND cấp huyện và chế tài xử lý trong trường hợp chậm phê duyệt quyết toán, ảnh hưởng đến thời gian quyết toán của toàn bộ dự án.
- Sự phối hợp giữa cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước, chủ đầu tư, địa phương trong thực hiện công tác quyết toán, tất toán các dự án hoàn thành, tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
- Việc đề xuất phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn bị động, chưa kịp thời phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết.
- Một số dự án kéo dài nhiều năm, cán bộ phụ trách thay đổi nhiều lần do điều động, luân chuyển vị trí công tác hoặc nghỉ chính sách nhưng không bàn giao hồ sơ đầy đủ, thất lạc hồ sơ; thiếu trách nhiệm trong việc khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý đầu tư, thanh quyết toán, tất toán các dự án dẫn đến nợ xây dựng cơ bản kéo dài nhiều năm, cá biệt có dự án từ năm 2010 đến nay không thể thu hồi được nên khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ quyết toán.
- Một số chủ đầu tư chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu về hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục trong đầu tư xây dựng, lập hồ sơ quyết toán, thu hồi tạm ứng, tất toán các dự án hoàn thành; chưa quan tâm, phối hợp với cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước để chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề đã được phát hiện.
- Năng lực quản lý dự án của một số chủ đầu tư vẫn còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp. Có trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính giảm trừ thanh, quyết toán với giá trị lớn hoặc kiến nghị xử lý về pháp lý, thủ tục nghiệm thu, chi phí đầu tư, làm kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Một số nhà thầu thiếu trách nhiệm, năng lực còn hạn chế, một số trường hợp nhà thầu không còn hoạt động, phá sản, giải thể, không liên lạc được, thiếu hợp tác gây khó khăn cho công tác lập hồ sơ quyết toán, tất toán dự án.
Điều 2. Một số giải pháp thực hiện trong thời gian đến
1. Quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
a) Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương sớm quan tâm, xem xét giải quyết một số kiến nghị Đoàn giám sát đã nêu tại điểm a, khoản 4, phần I Báo cáo số 124/BC-ĐGS ngày 09 tháng 7 năm 2024 của Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
b) Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
- Chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư, địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong đầu tư, nhất là liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung ứng, giá vật liệu xây dựng, các thủ tục đầu tư liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đảm bảo thời gian theo quy định. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền gia hạn hiệp định vay, kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian hoàn thành dự án.
- Tập trung xử lý dứt điểm các dự án chưa hoàn thành toàn bộ các hạng mục đầu tư khi đã kết thúc hiệp định vay, thời gian giải ngân theo quy định. Xác định khối lượng, giá trị các hạng mục đã dừng kỹ thuật cần thiết phải đầu tư từ ngân sách địa phương để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tiếp tục đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu, phát huy hiệu quả đầu tư dự án. Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ đầu tư, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan đối với dự án đã gia hạn thời gian vẫn chưa hoàn thành dự án dẫn đến phải trả vốn, hoàn vốn.
- Tiếp tục kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo điều kiện, năng lực tiếp cận, vận động, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài. Nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình xúc tiến, quy trình thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài từ khâu chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi kết thúc xây dựng, quy trình rút vốn, giải ngân vốn gắn liền với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục nhằm đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ được quyết.
- Chú trọng hơn nữa việc xây dựng kế hoạch giải ngân vốn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, tiến độ thực hiện dự án. Ưu tiên, bố trí vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện nghiêm chế tài xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan trong việc chậm giải ngân, rút vốn nhưng không giải ngân.
- Tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư dự án phù hợp xu hướng vay vốn nước ngoài hiện nay, đàm phán, thuyết phục nhà tài trợ trong việc lựa chọn các hạng mục đầu tư đảm bảo hài hòa giữa định hướng phát triển và quy hoạch của tỉnh với lợi ích của các nhà tài trợ. Kiên quyết từ chối đối với nội dung đề xuất đầu tư những hạng mục đầu tư, mua sắm trang thiết bị, những yêu cầu bất hợp lý của nhà tài trợ, nhất là những nội dung liên quan đến tác động đến môi trường, chuyển giao công nghệ không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nâng cao trách nhiệm, chủ động đề xuất, thẩm định danh mục dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; tập trung rà soát, đối chiếu số liệu nhu cầu vay với dư nợ thực tế, hạn mức, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, trả nợ; nâng cao năng lực thẩm định đề xuất dự án, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định; chú trọng đánh giá sự cần thiết, sự phù hợp các hạng mục đầu tư với quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thực tế của địa phương, phân tích, đánh giá toàn diện về mục tiêu, nhân tố ảnh hưởng, tác động, tính bền vững, hiệu quả, khả thi của dự án…
- Thường xuyên rà soát tiến độ giải ngân, rút vốn của các hạng mục dự án thành phần sử dụng vốn vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình triển khai dự án, đánh giá tác động, hiệu quả đầu tư của từng dự án sau khi đi vào vận hành, khai thác sử dụng.
- Thực hiện báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh định kỳ theo quy định về tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ hằng năm của chính quyền địa phương.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư nâng cao năng lực quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài từ khi tiếp nhận dự án đến khi kết thúc, bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán dự án hoàn thành. Chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án. Nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, lập kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện dự án, chủ động dự lường những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện dự án; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh, không để ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và hoàn thành dự án. Lựa chọn các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công có năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong việc thực hiện các gói thầu; chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ giải ngân các nguồn vốn và tiến độ hoàn thành dự án đã được duyệt.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ngay sau khi dự án được phê duyệt, ưu tiên sử dụng vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo kịp thời bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công theo đúng tiến độ cam kết.
c) Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng đất đai, công tác lấy ý kiến, tuyên truyền, vận động, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận của Nhân dân về thực hiện dự án sau khi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án.
- Đẩy mạnh hoàn thiện hồ sơ dữ liệu đất đai trên địa bàn. Chủ động, linh hoạt bố trí quỹ đất tái định cư; quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gắn với trách nhiệm của cấp uỷ, tập thể Ủy ban nhân dân và người đứng đầu; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đơn vị thi công theo đúng cam kết. Chú trọng hơn nữa công tác hoàn chỉnh hồ sơ, quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo thời gian theo quy định.
- Tăng cường công tác giám sát trong quá trình triển khai thực hiện dự án để nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình.
2. Công tác quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh
a) Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
- Chỉ đạo xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, chủ đầu tư gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, sử dụng nguồn vốn sai mục đích, không kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, cho ý kiến đối với các dự án còn tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm.
- Đối với các dự án tồn đọng chưa quyết toán, tất toán và chưa thu hồi dứt điểm tạm ứng do để thất lạc hồ sơ, đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các chủ đầu tư trước và sau bàn giao dự án không đối chiếu, rà soát hồ sơ, thủ tục đầy đủ, rõ ràng.
- Chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư kiên quyết, công khai các nhà thầu vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng, các nhà thầu không phối hợp với chủ đầu tư thực hiện theo kết quả thẩm tra, phê duyệt quyết toán, không phối hợp xử lý tất toán dự án trên Báo Đấu thầu, hệ thống mạng đầu thầu quốc gia. Trong thương thảo, ký hợp đồng thi công xây dựng, xem xét bổ sung điều khoản về xử phạt khi nhà thầu chậm lập hồ sơ quyết toán dự án theo quy định; tạm giữ một số tiền nhất định để phục vụ công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo điểm k khoản 1 Điều 11, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm quy định về công tác quyết toán công trình hoàn thành theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Kiên quyết không cho phép các nhà thầu vi phạm tham gia thực hiện những dự án mới trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư rà soát, phân loại các hợp đồng có tạm ứng quá hạn theo từng mốc thời gian; xây dựng kế hoạch chi tiết, giải pháp và có cam kết việc thu hồi các khoản tạm ứng quá hạn; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, chủ đầu tư, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết vốn tạm ứng.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, để tổng hợp, thực hiện phê duyệt quyết toán toàn bộ dự án theo quy định. Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối một số địa phương chậm phê duyệt quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng, kéo dài nhiều năm, hoặc không hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng còn thừa (Trung tâm phát triển quỹ đất Tam Kỳ).
- Tăng cường các giải pháp xử lý đối với các dự án đã hoàn thành nhưng chưa tất toán được vì còn nợ các khoản phải thu và các khoản phải trả do nhà thầu đã giải thể, không còn hoạt động; quyết toán các dự án do thiếu thủ tục kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn kiểm toán quyết toán trong khi dự án đã hết thời gian bố trí vốn hoặc các dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đúng thẩm quyền.
- Chỉ đạo các Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước tăng cường chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị, chủ đầu tư trong công tác quyết toán, tất toán dự án hoàn thành, tạm ứng vốn đầu tư. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, chủ đầu tư xử lý các khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; hạn chế thấp nhất tình trạng số lượng dự án hoàn thành chưa quyết toán, tất toán, nợ tạm ứng quá hạn kéo dài nhiều năm, không thể xử lý.
- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quyết toán, tất toán dự án hoàn thành, tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng ngân sách nhà nước trên địa tỉnh. Kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị chậm trễ thời gian lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; xử lý các trường hợp tạm ứng không đúng quy định, tạm ứng quá hạn.
- Thường xuyên đánh giá tình hình sử dụng vốn tạm ứng của nhà thầu, kịp thời phát hiện thu hồi ngân sách nhà nước số vốn đã tạm ứng quá thời hạn và sử dụng sai mục đích theo quy định. Rà soát các dự án đủ điều kiện dừng, hoãn để đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương dừng hoặc hoãn thực hiện để hoàn thành thủ tục quyết toán, tất toán dự án. Lập danh sách các nhà thầu có số dư tạm ứng quá hạn gửi Kho bạc nhà nước để dừng thanh toán cho các nhà thầu có phát sinh giao dịch qua hệ thống Kho bạc nhà nước.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các nhà thầu giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục có liên quan đến kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đúng quy định.
- Xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chậm lập báo cáo quyết toán, không xử lý quyết toán; rà soát lại hợp đồng đã ký để phối hợp nhà thầu xử lý các vấn đề còn vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các bên theo nguyên tắc thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện theo hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật, làm cơ sở lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định. Rà soát các kết luận của Tòa án, phối hợp với cơ quan thi hành án để thực hiện thi hành án, thu hồi nộp ngân sách theo quy định.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn thủ tục quyết toán, tất toán tài khoản cho các đơn vị, địa phương.
e) Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Khẩn trương thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán tiểu dự án/chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc dự án cấp tỉnh quản lý để các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng hợp với kết quả thẩm tra quyết toán chi phí xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nhằm thực hiện quyết toán toàn bộ dự án đúng thời gian theo quy định.
- Tăng cường trách nhiệm trong thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện; quản lý tốt công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình; thực hiện tốt chính sách và quy trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trên nguyên tắc đúng pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình chây ỳ.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ theo quy định và kiến nghị của Đoàn giám sát.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh theo dõi, giám sát và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nội dung liên quan theo thẩm quyền.
3. Các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khoá X, kỳ họp thứ hai mươi bốn thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2024./.
| TM. CHỦ TỌA KỲ HỌP |
Nghị quyết 32/NQ-HĐND năm 2024 về giải pháp quản lý đầu tư dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và công tác quyết toán dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- Số hiệu: 32/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 11/07/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Trần Xuân Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/07/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực