Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/NQ-HĐND | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2020 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 18
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14;
Căn cứ Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
Xét Tờ trình số 09/TTr-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về việc ban hành Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ý kiến thống nhất của Trưởng đoàn, các Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức bộ máy của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quy định cụ thể trong Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
1. Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố sau khi được thành lập không vượt quá số lượng biên chế công chức được phê duyệt của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân Thành phố trước khi thực hiện hợp nhất.
2. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố sau khi được thành lập thực hiện theo quy định của Chính phủ.
1. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố:
- Thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ để quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố và thực hiện xem xét, đánh giá công chức đối với Chánh Văn phòng theo quy định.
- Chỉ đạo Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố sau khi được bổ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng Quy chế làm việc của Văn phòng; quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các phòng, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng thuộc Văn phòng sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố; rà soát, xây dựng và hoàn thiện đề án vị trí việc làm, thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng sau khi thành lập; báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để được giao biên chế theo đúng quy định; báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố để thực hiện các cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động dôi dư sau kiện toàn, sắp xếp tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố.
2. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:
- Tổ chức tiếp nhận cơ sở vật chất, kinh phí và biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội chuyển giao theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan bố trí trụ sở làm việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố bảo đảm sử dụng cơ sở vật chất phù hợp và hiệu quả. Đồng thời phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố theo quy định để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và bố trí biên chế phù hợp.
- Chỉ đạo giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố sau khi thành lập được thực hiện theo quy định của Chính phủ và các quy định khác của Thành phố.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các tổ chức chính trị - xã hội tham gia phối hợp tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua tại kỳ họp thứ 18, ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.
Nơi nhận: | KT.CHỦ TỊCH |
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND, ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội)
I. Vị trí, chức năng của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
1. Tên gọi: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội.
2. Chức năng: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội là cơ quan tương đương Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, đại biểu HĐND Thành phố.
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng do Chánh Văn phòng làm Chủ tài khoản.
3. Địa chỉ trụ sở: Số 17 Trần Nguyên Hãn, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
II. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
1. Trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội
1.1. Tham mưu, giúp Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, 06 tháng và cả năm của Đoàn ĐBQH triệu tập các cuộc họp của Đoàn ĐBQH, giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội trong Đoàn;
1.2. Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; giúp Đoàn ĐBQH tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;
1.3. Phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;
1.4. Tham mưu, tổ chức phục vụ Đoàn ĐBQH trong công tác xây dựng pháp luật, thảo luận, góp ý kiến về các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
1.5. Tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội; thực hiện chỉ đạo của Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương;
1.6. Tham mưu, giúp Đoàn ĐBQH chuẩn bị báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội 06 tháng, cả năm hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
1.7. Phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội; giúp đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
1.8. Tham mưu, giúp Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn ĐBQH.
2. Trong việc tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, đại biểu HĐND Thành phố
2.1. Tham mưu, giúp HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý, 06 tháng và cả năm;
2.2. Tham mưu, giúp Thường trực HĐND, Ban của HĐND Thành phố xây dựng chương trình, tổ chức phục vụ kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND, cuộc họp của Ban của HĐND Thành phố; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND, cuộc họp của Ban của HĐND Thành phố; tham mưu, phục vụ Ban của HĐND Thành phố trong việc thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo; hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo của HĐND Thành phố;
2.3. Tham mưu, phục vụ HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố trong hoạt động giám sát, khảo sát; tổng hợp chất vấn của đại biểu HĐND; theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghị quyết về giám sát, chất vấn;
2.4. Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan phục vụ đại biểu HĐND Thành phố tiếp xúc cử tri; giúp Thường trực HĐND Thành phố tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;
2.5. Phục vụ Thường trực HĐND và đại biểu HĐND Thành phố tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến HĐND, Thường trực HĐND Thành phố; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do HĐND, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND Thành phố chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết;
2.6. Tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND Thành phố dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND cấp mình để chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ sau; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện; giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp HĐND; giữ mối liên hệ với các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố;
2.7. Tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND, Ban của HĐND Thành phố trong việc tổ chức các cuộc họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp; xây dựng báo cáo công tác trình cấp có thẩm quyền;
2.8. Phục vụ Thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố điều hành công việc chung của HĐND Thành phố; điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của HĐND Thành phố; bảo đảm việc thực hiện quy chế hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, nội quy kỳ họp HĐND Thành phố; phục vụ HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, đại biểu HĐND Thành phố trong hoạt động đối ngoại.
3. Trong công tác hành chính, tổ chức, quản trị
3.1. Phục vụ Đoàn ĐBQH, Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND Thành phố giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương, với Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác ở Thành phố;
3.2. Lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố trên cơ sở đã xin ý kiến của Trưởng Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND Thành phố; tổ chức thực hiện, quản lý kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và kinh phí hoạt động của HĐND Thành phố;
3.3. Bảo đảm điều kiện hoạt động của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố; tham mưu việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Thành phố;
3.4. Quản lý cơ sở vật chất, tài sản công, công tác hành chính, bảo vệ và lễ tân của Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố;
3.5. Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện việc quản lý công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố theo quy định của pháp luật;
3.6. Tổ chức nghiên cứu khoa học; xây dựng, khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND Thành phố; tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào các công tác của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố;
3.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND Thành phố giao;
3.8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
III. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
1. Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội
1.1. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội có Chánh Văn phòng và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng.
Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng do Thường trực HĐND Thành phố quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố.
1.2. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố là người đứng đầu, điều hành công việc chung của Văn phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND Thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng. Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm phối hợp, giữ mối liên hệ công tác với lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các Ban HĐND, các cơ quan của Thành phố để giải quyết những công việc liên quan.
1.3. Các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Chánh Văn phòng; chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chánh Văn phòng vắng mặt, một Phó Chánh Văn phòng được Chánh Văn phòng ủy quyền điều hành hoạt động của Văn phòng.
1.4. Về phụ cấp: Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ bằng phụ cấp chức vụ của Giám đốc, Phó Giám đốc Sở.
2. Cơ cấu tổ chức bộ máy
2.1. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố gồm 04 phòng, cụ thể như sau:
- Phòng Công tác Quốc hội;
- Phòng Công tác HĐND;
- Phòng Hành chính, Tổ chức, Quản trị;
- Phòng Thông tin, Dân nguyện.
2.2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng thuộc Văn phòng do Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố quy định cụ thể sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND Thành phố.
2.3. Phòng thuộc Văn phòng có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND Thành phố.
Số lượng Phó Trưởng phòng quy định như sau:
- Phòng có ít hơn 10 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng;
- Phòng có từ 10 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng;
- Phòng có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng.
3. Biên chế công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố
3.1. Biên chế công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố được xác định trên cơ sở đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động theo quy định. Biên chế công chức Văn phòng nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do HĐND Thành phố quyết định.
3.2. Biên chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH và biên chế đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách không thuộc biên chế công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố mà thuộc biên chế khối lãnh đạo các cơ quan dân cử của Thành phố trong tổng số lượng biên chế cán bộ, công chức của Thành phố.
3.3. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố sau khi thành lập được thực hiện theo quy định của Chính phủ và các quy định khác của Thành phố.
4. Chế độ làm việc
4.1. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.
4.2. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố thực hiện quy chế làm việc do Chánh Văn phòng ban hành.
5. Mối quan hệ công tác
1. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND Thành phố, Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Thành phố để phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố.
2. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Quốc hội; phối hợp với các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội trong việc tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương.
- 1Nghị quyết 219/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng
- 2Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận
- 3Nghị quyết 44/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương
- 4Nghị quyết 43/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang
- 1Luật Tổ chức Quốc hội 2014
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 4Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020
- 5Nghị quyết 1004/2020/UBTVQH14 về thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 6Nghị quyết 219/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng
- 7Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận
- 8Nghị quyết 44/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương
- 9Nghị quyết 43/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang
Nghị quyết 32/NQ-HĐND năm 2020 về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
- Số hiệu: 32/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 09/12/2020
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Phùng Thị Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra