Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 14 tháng 10  năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH ĐIỆN BIÊN, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo);

Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”;

Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Thực hiện Kết luận số 05-KL/TU ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XII) về Chương trình giảm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 3012/TTr-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 26/BC-BDT ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phương hướng, mục tiêu chung

- Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức hội, hội quần chúng và trách nhiệm của chính bản thân hộ nghèo.

- Chương trình giảm nghèo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư. Thực hiện các chương trình giảm nghèo đồng bộ với xây dựng nông thôn mới và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh...).

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 6,8%/năm; đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người đạt từ 1.800-2.000 USD/người/năm.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) từ 48,14% năm 2015 xuống còn dưới 33% năm 2020 (bình quân giảm trên 3%/năm), trong đó các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.

- 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm, 100% đường huyện và 50% đường cấp xã được cứng hóa; Trên 70% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 98% số hộ dân được sử dụng điện; 100% số hộ xem được truyền hình Trung ương và truyền hình tỉnh; 50% số xã có đài truyền thanh không dây.

- Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 99%; tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt trên 99,5%; tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt trên 97%. Có trên 60% số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu thành lập Trường Đại học Điện Biên.

- Bình quân 11 bác sĩ/1 vạn dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 94%; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi xuống còn 10%; phấn đấu 80% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

- 30% số xã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới (15-19 tiêu chí).

- Mỗi năm đào tạo nghề 7.800-8.200 lao động; có việc làm sau đào tạo đạt 75% trở lên; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58,6%; tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động/năm.

- 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT miễn phí; 100% học sinh thuộc hộ nghèo được hỗ trợ ưu đãi giáo dục; 75% hộ nghèo được vay vốn tín dụng; 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 77% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 45% hộ nghèo có thiết bị xem truyền hình số; trên 8.355 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở.

3. Nhiệm vụ chủ yếu

3.1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã và địa bàn khó khăn.

3.2. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các huyện, xã khó khăn; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

3.3. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XII) về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

3.4. Thực hiện các chính sách hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo, các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

3.5. Đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù trên địa bàn.

3.6. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.

3.7. Chú trọng củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

4. Nội dung hoạt động của các chương trình, đề án, dự án, chính sách giảm nghèo

4.1. Hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Chính sách hỗ trợ tiếp cận y tế; chính sách hỗ trợ tiếp cận giáo dục và đào tạo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách; Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả"; hỗ trợ tiếp cận thông tin và truyền thông.

4.2. Các Chương trình mục tiêu quốc gia

a) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gồm các dự án thành phần sau: Dự án 1 - Chương trình 30a (gồm 03 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; Tiểu dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Tiểu dự án 4 - Hỗ trợ cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); Dự án 2 - Chương trình 135 (gồm 03 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 - Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án 2 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án 3 - Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn); Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Dự án 4 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 5 - Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

b) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

4.3. Các Chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh

Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các vùng; Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn; Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động; Chương trình mục tiêu Quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm.

4.4. Các Chương trình, dự án, chính sách khác

Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; Chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020; chính sách hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tăng cường năng lực cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; chính sách bảo trợ xã hội; Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (giai đoạn đến năm 2020); Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020; Dự án Giảm nghèo các tỉnh Miền núi phía Bắc giai đoạn 2, tỉnh Điện Biên (giai đoạn 2015-2018); Đề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La; huy động thu hút viện trợ phi chính phủ.

Các chương trình, dự án trên đều xác định rõ mục đích; phạm vi đối tượng; nội dung hoạt động; nhu cầu vốn; cơ quan thực hiện.

5. Các giải pháp chủ yếu

5.1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và các hộ nghèo về giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung tuyên truyền vận động các hộ nghèo không cam chịu đói nghèo, có ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.

5.2. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cơ sở để xác định rõ nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo, từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

5.3. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội, trọng tâm là các dịch vụ xã hội cơ bản. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng hóa.

5.4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục thực hiện công tác xuất khẩu lao động; đẩy mạnh tạo việc làm tại thị trường trong nước, có chính sách hỗ trợ xe đưa lao động của tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và đưa, đón người lao động về nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

5.5. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời các đối tượng xã hội bị thiên tai, lũ lụt, mất mùa; thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giúp đỡ trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi, gia đình chính sách. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở nước sạch và thông tin truyền thông.

5.6. Triển khai thực hiện tốt Đề án xây dựng nông thôn mới và các Đề án gắn với sắp xếp, ổn định dân cư (Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện, Đề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La): Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xây dựng văn hóa xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

5.7. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc như: Thất nghiệp, tệ nạn ma túy, mại dâm; tiếp tục thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng  methadone; thực hiện tốt các dự án về hỗ trợ, sắp xếp ổn định dân cư phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, hạn chế dân di cư tự do và tuyên truyền đạo trái pháp luật.

5.8. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể quần chúng; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu ở cơ sở trong công tác xóa đói giảm nghèo; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần gương mẫu trong công tác, lao động, sản xuất, không để gia đình rơi vào diện nghèo và có trách nhiệm giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Sở, ban, ngành được phân công giúp đỡ xã khó khăn.

5.9. Đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện chương trình, tranh thủ sự đầu tư của Trung ương, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và sự vận động của các cá nhân trong và ngoài tỉnh. Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới có cơ sở hạ tầng còn yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhằm tạo điều kiện cho xã nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.

5.10. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa chương trình giảm nghèo của địa phương; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo với việc bình xét thi đua- khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị.

6. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện được lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình mục tiêu, các Đề án, dự án trên địa bàn tỉnh và nguồn vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huy động các nguồn lực xã hội hóa của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ.

Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 cần 19.002,84 tỷ đồng, trong đó:

6.1. Cơ cấu theo nguồn vốn

- Huy động từ ngân sách nhà nước: 14.337,19 tỷ đồng, gồm:

+ Ngân sách Trung ương: 14.205,89 tỷ đồng;

+ Ngân sách địa phương: 131,30 tỷ đồng.

- Huy động ngoài ngân sách: 4.665,65 tỷ đồng, gồm:

+ Vốn tín dụng: 3.979,05 tỷ đồng;

+ Huy động cộng đồng: 286,60 tỷ đồng;

+ Huy động nước ngoài: 400 tỷ đồng

6.2. Cơ cấu theo tính chất sử dụng vốn

- Vốn đầu tư phát triển: 9.599,25 tỷ đồng (chiếm 50,52%);

- Vốn sự nghiệp:  4.734,94 tỷ đồng (chiếm 24,91%);

- Vốn tín dụng: 3.979,05 tỷ đồng (chiếm 20,94%);

- Vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác: 689,60 tỷ đồng (chiếm 3,63%).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

2. Nghị quyết số 267/NQ-HĐND ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII phê duyệt “Chương trình giảm giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 11 tháng 10 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lò Văn Muôn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 32/NQ-HĐND năm 2016 về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 32/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Muôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản