Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2021/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 27 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG BẢO ĐẢM YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;

Xét Tờ trình số 5392/TTr-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 37/BC-HĐND ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận thống nhất của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định việc xử lý đối các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực (ngày 04 tháng 10 năm 2001).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chủ các cơ sở được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực không đáp ứng một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy và chữa cháy và Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.

Điều 3. Biện pháp xử lý

1. Các cơ sở quy định tại Điều 2 phải khắc phục các nội dung tồn tại về điều kiện phòng cháy và chữa cháy theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành; những nội dung không thể thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, cho phép áp dụng các biện pháp thay thế, bổ sung theo các quy định cụ thể sau trên cơ sở được cơ quan chuyên môn về phòng cháy và chữa cháy xem xét:

a) Giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Công trình phải có đường cho xe chữa cháy bảo đảm theo quy định tại mục 6.2.2 của Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành QCVN06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; trường hợp không bố trí được đường cho xe chữa cháy theo quy định, được áp dụng các biện pháp sau:

- Sử dụng đường giao thông của các công trình lân cận có khả năng tiếp cận công trình.

- Lắp đặt ống nước từ vị trí có đường cho xe chữa cháy đỗ đến công trình để bơm truyền nước đến công trình; bổ sung các thang thoát nạn, cứu người loại P1 (thang leo gắn trên tường có lồng bảo vệ theo Quy chuẩn QCVN06:2021/BXD) có thể thoát nạn từ các tầng của nhà nhiều tầng xuống mặt đất.

b) Khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy

Công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đến các công trình xung quanh theo quy định tại phụ lục E Quy chuẩn QCVN06:2021/BXD; trường hợp không thể cải tạo bảo đảm khoảng cách theo quy định, được áp dụng các biện pháp sau:

- Cải tạo tường của ngôi nhà, công trình cao hơn hoặc rộng hơn phía tiếp giáp với nhà, công trình khác thành tường ngăn cháy hoặc xây tường ngăn cháy trong khoảng trống tiếp giáp giữa các nhà, công trình.

- Lắp đặt màn nước ngăn cháy gồm 02 dải đường ống phun nước cách nhau 0,5m với cường độ phun không nhỏ hơn 1 lít/giây cho mỗi mét chiều dài trong 01 giờ giữa các nhà, công trình.

c) Lối thoát nạn

Công trình phải bảo đảm về lối thoát nạn theo quy định tại mục 3.2, 3.3, 3.4 Quy chuẩn QCVN06:2021/BXD; đối với các khách sạn, nhà nghỉ không bảo đảm thang thoát nạn theo quy định, được áp dụng áp dụng các biện pháp sau:

- Đối với các khách sạn, nhà nghỉ có diện tích xây dựng nhỏ hơn 300m2, chiều cao phòng cháy và chữa cháy không quá 15m, có 01 cầu thang không bảo đảm kín phải thay thế cửa các phòng thông ra cầu thang bằng cửa chống cháy và lắp đặt hệ thống quạt cấp không khí vào khu vực cầu thang.

- Đối với các khách sạn, nhà nghỉ có diện tích xây dựng nhỏ hơn 200m2, chiều cao phòng cháy và chữa cháy lớn hơn 15m và không quá 21m, có 01 cầu thang không bảo đảm kín phải thay thế cửa các phòng thông ra cầu thang bằng cửa chống cháy, lắp đặt hệ thống quạt cấp không khí vào khu vực cầu thang và lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động cho công trình.

d) Ngăn chặn cháy lan

Công trình phải bảo đảm diện tích khoang ngăn cháy theo quy định tại Phụ lục H Quy chuẩn QCVN06:2021/BXD; trường hợp không thể cải tạo bảo đảm khoang ngăn cháy theo quy định, được áp dụng các biện pháp sau:

- Sử dụng màn nước ngăn cháy (gồm 02 dải đường ống phun nước cách nhau 0,5m với cường độ phun không nhỏ hơn 1 lít/giây cho mỗi mét chiều dài trong 01 giờ) phân chia mặt bằng thành các khoang cháy có diện tích bảo đảm quy định.

- Nâng bậc chịu lửa của công trình bằng các biện pháp sơn chống cháy, bọc băng vật liệu chống cháy để phù hợp với quy định về khoảng cách ngăn cháy, khoang ngăn cháy theo quy định.

đ) Các hệ thống kỹ thuật

Hệ thống điện, hệ thống chống sét, hệ thống tăng áp, hút khói, hệ thống phòng cháy và chữa cháy phải được trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

2. Thời hạn xử lý

Trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh hoàn thành việc phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo các quy định nêu trên. Sau thời gian 24 tháng, các cơ sở không thể khắc phục được điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì phải thay đổi tính chất hoạt động phù hợp với điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy của công trình hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 27 tháng 8 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 06 tháng 9 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (b/c);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- Các bộ: Công an, Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV;
- Các ban xây dựng Đảng và VP Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm truyền thông tỉnh;
- Lưu: VT, PC1.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 32/2021/NQ-HĐND quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy 27/2001/QH10 có hiệu lực

  • Số hiệu: 32/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Xuân Ký
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản