Hệ thống pháp luật

HỘI ĐNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 03 tháng 8 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC TRONG THỜI GIAN TỚI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;

Căn cứ Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19;

Căn cứ Quyết định số 277/QĐ-BCĐQG ngày 08 tháng 7 năm 2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc phê duyệt Phương án đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 30.000 người mắc Covid-19;

Xét Tờ trình số 237/TTr-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Phương án phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ngăn chặn, ổn định, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành việc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp hiện nay; đồng thời, giao Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách sau đây:

1. Đánh giá sát đúng tình trạng, nguy cơ, mức độ bệnh dịch để quyết định cấp độ và áp dụng các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2019 và các văn bản khác liên quan.

2. Chủ động áp dụng các biện pháp cấp bách đã thực hiện trong thời gian qua và các biện pháp cấp bách quy định tại Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các biện pháp cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

3. Quyết định áp dụng biện pháp cấp bách hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

4. Trường hợp cần thiết phải ban hành các văn bản quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù của tỉnh để mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế, dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh, đồng thời có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này. Báo cáo cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

5. Chủ động huy động, trưng thu, trưng mua, trưng dụng các phương tiện, tài sản, con người và các nguồn lực hợp pháp khác phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

6. Ưu tiên bố trí sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-9.

Nguồn kinh phí được sử dụng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid 19 gồm: Nguồn dự phòng ngân sách, 70% nguồn dự trữ tài chính; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác của năm 2021 và thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều chuyển nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách nhưng chưa phân bổ cho các cơ quan, đơn vị; ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; cắt giảm, thu hồi từ các dự án đầu tư công không có khả năng giải ngân; nguồn cải cách tiền lương ngân sách tỉnh (khi được Bộ Tài chính cho phép); nguồn kinh phí tài trợ, vận động đóng góp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (từ các nguồn xã hội hóa, từ các quỹ Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ vào mục đích chống dịch…).

7. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và các lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; khẩn trương, kịp thời thực hiện các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

8. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ cho “Quỹ vắc xin” Quốc gia; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

9. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu độc, sai sự thật và xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi tất cả hệ thống chính trị, cơ quan, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân sống và làm việc trên địa bàn tỉnh đoàn kết, quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trên nguyên tắc đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết và phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 31 tháng 7 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Thúy Lan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 31/NQ-HĐND năm 2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới

  • Số hiệu: 31/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 03/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Hoàng Thị Thúy Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản