Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2023/NQ-HĐND

Bình Phước, ngày 08 tháng 12 năm 2023

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;

Xét Tờ trình số 125/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 64/BC-HĐND-PC ngày 22 tháng 11 năm 2023 của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước, gồm 06 nhóm giải pháp cụ thể.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (viết tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương) trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

b) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm các giải pháp:

a) Tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có tư duy triển khai thực hiện pháp luật, có kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước trong thực hiện dân chủ cơ sở.

b) Phối hợp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, báo cáo viên đảm bảo uy tín, tiêu chuẩn trong giảng dạy; thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

c) Cán bộ, công chức, viên chức chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

d) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm các giải pháp:

a) Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương đa dạng hình thức tổ chức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu thực tiễn, đảm bảo thực chất, hiệu quả tạo sức lan tỏa trong nhân dân.

c) Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là giữa cơ quan Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu nắm chắc đặc điểm, tình hình của từng địa bàn, đối tượng cần được tuyên truyền pháp luật để có nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp.

3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, ấp, khu phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, gồm các giải pháp:

a) Người đứng đầu tổ chức cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm kiến nghị, phản ánh chính đáng trong phạm vi lãnh đạo, quản lý.

b) Chống quan liêu và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân; phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Kịp thời xử lý việc lợi dụng dân chủ, lôi kéo, kích động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

c) Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy; đồng thời rà soát để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các văn bản của Trung ương về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với triển khai Bộ tiêu chí và thang điểm xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “chính quyền thân thiện”; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, đảm bảo cho nhân dân được tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ, công vụ trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân hàng năm.

d) Hàng năm, xem xét mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan, cán bộ quản lý.

4. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm các giải pháp:

a) Xây dựng quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn đối với điển hình tiên tiến trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

b) Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan tuyên giáo, thông tin, truyền thông, báo chí làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của các phong trào thi đua và tuyên truyền gương điển hình tiên tiến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

c) Tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, chống vi phạm pháp luật; ngăn chặn những hành vi gây rối, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Chú trọng công tác giáo dục rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

5. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số, gồm các giải pháp:

a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở như: xây dựng chuyên trang thực hiện dân chủ và phần mềm "Hệ thống quản lý thông tin thực hiện dân chủ".

b) Vận dụng, phát huy ưu thế của mạng nội bộ, Cổng Thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở.

c) Kiện toàn, nâng cao chất lượng của công chức, người thực hiện chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đi đôi với việc bồi dưỡng, nâng cao khả năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn mới.

6. Tăng cường các chế tài đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm các giải pháp:

a) Quy định chế độ báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.

c) Tiếp nhận, xem xét xử lý đối với hành vi vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 3. Kinh phí thực hiện

Kinh phí bảo đảm để triển khai thực hiện Nghị quyết được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2023./.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VPQH, VPCP, TWĐTNCSHCM;
- Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TTTU, TTHĐND, Đoàn ĐBQH, UBND, BTTMTTQVN tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh (VP UBND tỉnh);
- LĐVP, các phòng chuyên môn;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Huỳnh Thị Hằng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 31/2023/NQ-HĐND quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 31/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Huỳnh Thị Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản