Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2023/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI MỐT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025;

Xét Tờ trình số 236/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.

Điều 2. Nội dung, mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn quy định tại khoản 2 Điều 83 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương tối đa không quá 70% chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/mô hình.

b) Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương tối đa không quá 70% chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô cấp thôn, nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình.

c) Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

2. Chi hỗ trợ xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 84 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Chi hỗ trợ tối đa (01 lần) 100% chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã số vùng trồng, nhưng tối đa không quá 14 triệu đồng/mã số đối với vùng trồng có diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 5,0 ha; nhưng tối đa không quá 21 triệu đồng/mã số đối với vùng trồng có diện tích lớn hơn 5,0 ha trở lên; ưu tiên cấp mã vùng trồng cho vùng sản xuất đã được đánh giá chứng nhận vùng trồng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và nông nghiệp hữu cơ.

b) Chi hỗ trợ tối đa (01 lần) 100% chi phí tư vấn, kiểm nghiệm, đánh giá chứng nhận vùng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nhưng tối đa không quá 57 triệu đồng/mô hình đối với vùng trồng có diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 5,0 ha; 95 triệu đồng/mô hình đối với vùng trồng có diện tích trên 5,0 đến 10 ha; 141 triệu đồng/mô hình đối với vùng trồng có diện tích trên 10 đến 20 ha; 199 triệu đồng/mô hình đối với vùng trồng có diện tích trên 20 đến 40 ha; 285 triệu đồng/mô hình đối với vùng trồng có diện tích trên 40 ha.

c) Chi hỗ trợ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, huyện, tỉnh. Hỗ trợ một lần kinh phí để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, huyện, tỉnh, nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/(01) sản phẩm/(01) dự án, mô hình, kế hoạch, phương án.

3. Chi hỗ trợ các dự án, mô hình, phương án, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 85 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khoản 4, khoản 5 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ).

b) Mức hỗ trợ: hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, mô hình, phương án, kế hoạch thuộc phạm vi đầu tư của chương trình. Mức hỗ trợ thực hiện một (01) dự án, mô hình, phương án, kế hoạch nhưng tối đa không quá 900 triệu đồng/dự án, kế hoạch liên kết.

4. Chi hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại quy định tại Điều 86 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

Hỗ trợ 50% tổng kinh phí thực hiện dự án cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Mức hỗ trợ 300 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, nhưng tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án được phê duyệt.

5. Chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 87 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Đối tượng hỗ trợ: các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thực hiện Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

b) Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ chi phí thiết kế, mua sắm trang thiết bị (biển hiệu; quầy, kệ, tủ, giá trưng bày; các loại máy phục vụ bán hàng; các loại tủ bảo quản sản phẩm); chi phí tuyên truyền, quảng bá, tổ chức khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

c) Điều kiện hỗ trợ: trang thiết bị phải mới 100%; cam kết có trên 50% sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm; cam kết duy trì Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ trong thời gian tối thiểu 03 năm liên tục kể từ khi hoàn thành việc hỗ trợ và đáp ứng các tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định tại Quyết định số 950/QĐ-BCT ngày 18/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023-2025; (chỉ hỗ trợ một (01) lần đối với các tổ chức cá nhân).

d) Mức hỗ trợ: hỗ trợ 50% tổng chi phí, nhưng không quá 200 triệu đồng/điểm, trong đó chi hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, tổ chức khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không quá 30 triệu đồng/điểm.

6. Chi nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất quy định tại khoản 1 Điều 90 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi: hỗ trợ lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương theo quy định tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025.

b) Hỗ trợ 70% tổng kinh phí thực hiện một (01) mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Mức hỗ trợ thực hiện một (01) mô hình không quá 700 triệu đồng/01 mô hình/01 năm.

c) Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT- BTC.

7. Chi thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới quy định tại điểm a khoản 2 Điều 94 Thông tư số 55/2023/TT- BTC.

a) Nội dung chi: hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền. Nội dung chi cụ thể thực hiện theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Mức hỗ trợ: hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư của dự án đối với dự án ngoài ngân sách/điểm du lịch; hỗ trợ 100% tổng mức đầu tư của dự án đối với dự án do cơ quan nhà nước thực hiện/điểm du lịch. Các dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Giám đốc các sở, ngành), nhưng tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án/điểm du lịch.

8. Chi thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh quy định tại khoản 2 Điều 103 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi: hỗ trợ tổ chức thực hiện Đề án/Kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thí điểm và hỗ trợ nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn phát sinh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Mức hỗ trợ: từ nguồn ngân sách trung ương tối đa không quá 70% tổng kinh phí thực hiện/đề án/kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/mô hình.

c) Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

9. Chi thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa quy định tại khoản 1 Điều 104 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Chi hỗ trợ xây dựng các mô hình về thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải nhựa theo nguyên lý tuần hoàn:

- Quy mô cấp xã, liên xã mức hỗ trợ 70% một (01) mô hình nhưng tối đa không quá 3,0 tỷ đồng/01 mô hình.

- Quy mô cấp thôn, liên thôn mức hỗ trợ 70% một (01) mô hình nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/01 mô hình.

b) Chi xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng dân cư phân loại rác tại nguồn: mức hỗ trợ 70% một (01) mô hình nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/01 mô hình.

c) Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

10. Chi đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường quy định tại Điều 105 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi: chi đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Mức hỗ trợ: từ nguồn ngân sách trung ương tối đa không quá 70% tổng kinh phí thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 350 triệu đồng/mô hình.

c) Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

11. Chi giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, khu dân cư kiểu mẫu quy định tại khoản 1 Điều 106 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Chi hỗ trợ giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn: mức hỗ trợ 70% một (01) mô hình, nhưng tối đa không quá 350 triệu đồng/01 mô hình.

b) Chi hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu: mức hỗ trợ 70% một (01) mô hình, nhưng tối đa không quá 350 triệu đồng/01 mô hình.

c) Chi hỗ trợ phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, khu dân cư kiểu mẫu: mức hỗ trợ 70% một (01) mô hình, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/01 mô hình.

d) Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

12. Chi thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới quy định tại điểm a khoản 2 Điều 108 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi: hỗ trợ xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Mức hỗ trợ:

- Chi hỗ trợ các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ được phê duyệt. Hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 01 tỷ đồng/đề án quy mô cấp xã và 02 tỷ đồng/đề án quy mô cấp huyện.

- Chi tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng về an toàn thực phẩm; phát triển các tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ thể sản xuất. Hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện dự án, kế hoạch, phương án, mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối không quá 100 triệu đồng/dự án, kế hoạch, phương án, mô hình.

- Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa không quá 70% đối với mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước (vùng hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng, miền núi). Mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng.

- Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện mô hình chợ an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo quy định nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình đối với các mô hình chợ an toàn thực phẩm quy mô cấp huyện đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Mô hình chợ an toàn thực phẩm phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

13. Chi thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 111 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi: hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Mức hỗ trợ: từ nguồn ngân sách trung ương tối đa không quá 70% tổng kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/mô hình.

c) Nội dung và mức chi xây dựng và quản lý mô hình: thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

14. Chi triển khai Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 116 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi: chi tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp theo quy định tại Hướng dẫn số 466-HD/HNDTW ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Hội nông dân Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung thành phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

b) Mức hỗ trợ:

- Chi các hoạt động để hỗ trợ thành lập mới các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp. Mức hỗ trợ: hỗ trợ 100% tổng kinh phí thực hiện mô hình, nhưng tối đa không quá 45 triệu/mô hình.

- Chi tổng kết rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng mô hình. Mức hỗ trợ: 10 triệu đồng/lần.

- Chi tổ chức đi thực tế để học tập mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động chất lượng, hiệu quả. Tối đa không quá 50 triệu/lần đối với đi thực tế ngoài tỉnh.

15. Chi hỗ trợ thành lập mô hình và duy trì sinh hoạt mô hình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và nhân rộng mô hình tại tỉnh; mạng lưới cố vấn/tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và mới thành lập do phụ nữ làm chủ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 117 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi:

- Chi thành lập mô hình mạng lưới hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: tổ chức Hội nghị công bố thành lập và ra mắt mô hình. Nội dung và mức chi theo Nghị quyết số 58/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Chi thuê chuyên gia trong nước cố vấn/tư vấn cho các doanh nghiệp/HTX/THT và các cá nhân khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Mức chi theo khoản 6 Điều 4 Thông tư 55/2023/TT-BTC.

- Chi tổ chức các hoạt động tập huấn, hội nghị, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề nâng cao kiến thức cho phụ nữ lãnh đạo, quản lý, thành viên ban lãnh đạo các doanh nghiệp/HTX/THT và cá nhân khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và mới thành lập. Mức chi theo khoản 1, khoản 6 và khoản 9 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

- Chi duy trì hoạt động sinh hoạt của mạng lưới: một năm 4 kỳ theo Quý. Nội dung và mức chi theo định mức tổ chức hội nghị tại Nghị quyết số 58/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Chi cho phí thiết kế, quản lý, duy trì fanpage "Hỗ trợ phụ nữ Lạng Sơn khởi nghiệp"; phí bản quyền sử dụng dịch vụ Zoom meeting. Mức chi theo thực tế, không vượt quá 10 triệu đồng/năm.

- Chi cho hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng. Nội dung và mức chi theo Nghị quyết số 58/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Mức hỗ trợ: tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/năm.

16. Chi hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng các mô hình sẵn có nhằm vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” quy định tại khoản 4 Điều 119 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Nội dung chi:

- Chi khảo sát, xác định, lựa chọn địa bàn thực hiện, đối tượng tham gia mô hình. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính.

- Chi hỗ trợ triển khai mô hình: mua sắm trang thiết bị, vật tư, giống cây, giống hoa, biển tên mô hình, biển hộ gia đình… theo thực tế của từng loại mô hình.

- Chi hỗ trợ hộ hội viên nghèo xây nhà vệ sinh, nhà tắm: 2,0 triệu đồng/hộ/công trình.

- Chi tuyên truyền, vận động, giáo dục cha mẹ, tổ chức sinh hoạt định kỳ theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 55/2023/TT-BTC.

- Chi cho hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm. Nội dung và mức chi theo Nghị quyết số 58/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Mức hỗ trợ: không quá 70%, tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/mô hình.

17. Chi hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình giám sát an ninh hiện đại quy định tại khoản 7 Điều 122 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

a) Chi lập và xây dựng, họp hội đồng thẩm định lựa chọn dự án, mô hình: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính.

b) Chi khảo sát, xác định, lựa chọn địa bàn thực hiện, đối tượng tham gia dự án, mô hình: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Bộ Tài chính.

c) Chi triển khai, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định theo Nghị quyết số 58/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

a) Nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

b) Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khoá XVII kỳ họp thứ hai mươi mốt thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính; Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực: HU, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lạng Sơn, Công báo tỉnh, Đài PTTH Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn;
- Lưu: VT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Đoàn Thị Hậu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 30/2023/NQ-HĐND quy định về nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 30/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Đoàn Thị Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản