Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 12 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La giai đoạn 2006 - 2020; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của liên Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới;

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 103/TTr-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh về thông qua Đề án xây dựng Nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 100/BC-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2012 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ý kiến thảo luận của các Đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án xây dựng Nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Xây dựng Nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới đồng thời đối với 188 xã trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu của từng giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn 2011 - 2015

Phấn đấu đến năm 2015 có 55 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới; ổn định sản xuất và đời sống nhân dân ở các bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đạt một số tiêu chí cơ bản:

- Đường đến bản được cứng hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải;

- 95% hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia;

- 70% nhà trẻ, lớp mẫu giáo có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia;

- 100% bản có nhà Văn hoá (nhà học tập cộng đồng) đạt quy định;

- 70% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn;

- Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh;

- Không còn nhà tạm, dột nát;

- Thu nhập tăng gấp 2 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm 50% so với năm 2010;

- 100% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế;

- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

2. Giai đoạn 2016 - 2020

Đến năm 2020 có 94 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (50% số xã trên địa bàn toàn tỉnh).

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

- Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới cấp xã: Năm 2012 tập trung triển khai xây dựng Nông thôn mới tại 11 xã điểm; hoàn thành lập quy hoạch tổng thể xây dựng Nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, trong đó hoàn thành Quy hoạch chi tiết xây dựng Nông thôn mới 55 xã dự kiến đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015; thực hiện quản lý xây dựng Nông thôn mới theo quy hoạch.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội: Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới và kiên cố hóa các hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn, bưu chính viễn thông đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, trao đổi lưu thông hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về nhà ở dân cư: Hỗ trợ xoá nhanh số nhà tạm, dột nát, xây dựng nhà đạt chuẩn theo bộ tiêu chí về Nông thôn mới.

- Kinh tế và tổ chức sản xuất: Củng cố nâng cao hiệu quả về kinh tế và tổ chức sản xuất của các xã trên địa bàn toàn tỉnh, đến năm 2020 có 94 xã đạt tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất.

- Văn hoá, xã hội, môi trường: đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các tiêu chí về gia đình văn hóa, bản văn hóa để nhân dân tự giác chấp hành thực hiện, trọng tâm là nâng cao trình độ dân trí, kiến thức sản xuất, kiến thức về khoa học kỹ thuật, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc. Đến năm 2020 các xã đều đạt tiêu chí về Giáo dục, Y tế, Văn hóa, và Môi trường.

- Củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và giữ vững an ninh, trật tự xã hội: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã đạt chuẩn để đảm đương nhiệm vụ. Đến năm 2020 phấn đấu 188 xã đạt tiêu chí Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; An ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

- Triển khai đồng bộ trên tất cả các xã, các vùng trong tỉnh cụ thể như sau:

+ Các xã thuộc khu vực I và II có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, tập trung huy động mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân trong việc chỉnh trang, xây dựng cơ sở vật chất và các nội dung theo bộ tiêu chí để sớm đạt chuẩn Nông thôn mới;

+ Xây dựng cơ chế mới về đầu tư xây dựng đối với các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn khu vực III và một số bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vục I, và II để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định đời sống; đảm bảo thực hiện được mục tiêu theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 02 tháng 11 năm 2010 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, sớm đưa các xã bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2015, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, cách làm của chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy nội lực của cả hệ thống chính trị tích cực và toàn xã hội chủ động tham gia xây dựng Nông thôn mới.

- Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02 tháng 11 năm 2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

- Rà soát, kiện toàn các chức danh trong hệ thống chính trị, tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; chú trọng xây dựng và thực hiện Quy ước, Hương ước ở bản; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín để hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Tiếp tục triển khai cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, gắn với xây dựng Nông thôn mới theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi các tiêu chí văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển ngành nghề truyền thống gắn với thị trường.

- Hợp tác Quốc tế trong xây dựng nông thôn mới: Vận động, hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ tư vấn và kỹ thuật cho Chương trình; tranh thủ hỗ trợ vốn và vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển quốc tế để tăng nguồn lực cho xây dựng Nông thôn mới.

- Điều hành, quản lý chương trình: thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở các cấp để chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn.

Điều 2: Về nguyên tắc cơ chế hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới: Giao UBND tỉnh xây dựng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể trình HĐND tỉnh quyết định.

Điều 3. Nguồn vốn thực hiện đề án: Bao gồm vốn ngân sách nhà nước; nguồn Trái phiếu Chính phủ, nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, của cộng đồng và huy động sức dân bằng các khoản đóng góp tự nguyện cho từng dự án đầu tư cụ thể ở địa phương.

Tổng vốn đầu tư khoảng: 28.907 tỷ đồng.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh hoàn thiện, phê duyệt đề án và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh để động viên toàn dân chung sức tham gia xây dựng Nông thôn mới; giám sát quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Sơn La khoá XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2012./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- VP Quốc hội, VP Chính phủ, VP Chủ tịch nước;
- UB Tài chính-Ngân sách của Quốc hội;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp; Bộ Xây dựng;
- Ban công tác đại biểu của UBTVQH;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TT huyện ủy, Thành uỷ;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- TT ĐU, HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn;
- LĐ, CV VP Tỉnh ủy, VP HĐND và UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT, 450b.

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Chất