- 1Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
- 2Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2016/NQ-HĐND9 | Bình Dương, ngày 12 tháng 8 năm 2016 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Xét Tờ trình số 2738/TTr-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 07/BC-HĐND ngày 05 tháng 8 năm 2016 của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020 nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời quyết nghị:
1. Về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, kinh tế trong nước đối mặt với nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đạt 13,1%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,5%; khu vực dịch vụ tăng 20,9%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng: 60,0% - 37,3% - 2,7%, tương ứng cơ cấu GRDP: công nghiệp 62,9% - dịch vụ 23,08% - nông nghiệp 4,58% - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9,44%. GDP bình quân đầu người đạt 72,7 triệu đồng, tương ứng GRDP bình quân đầu người đạt 101,2 triệu đồng.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, tăng bình quân 15,7%. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 20,04%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 22%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 20,4%.
Tài chính, ngân sách ổn định và tăng trưởng bền vững. Tổng thu ngân sách cả giai đoạn đạt 143.611 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 10,7%; trong đó: Thu nội địa chiếm 68% (tăng 13,1%), thu xuất nhập khẩu chiếm 32% (tăng 6,1%). Tổng chi ngân sách đạt 52.547 tỷ đồng, tăng chi hàng năm 14,3%.
An sinh xã hội tiếp tục được chăm lo đầy đủ, kịp thời, đặc biệt đối với người có công. Hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn dân tiếp tục được duy trì và mở rộng. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2014 - 2015 của tỉnh. Hàng năm tạo việc làm cho 45 ngàn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo gắn liền với quy hoạch nguồn nhân lực đã được phê duyệt. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 62,4%. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 27 giường. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5m2. Công tác y tế dự phòng, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm có chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao,... có nhiều tiến bộ, chất lượng được nâng cao; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng được chú trọng; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn tồn tại một số hạn chế cũng như gặp không ít những khó khăn, thách thức. Kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững; chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn hạn chế...
2. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020
a) Mục tiêu tổng quát
Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
b) Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu
* Chỉ tiêu về kinh tế:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,3%/năm;
- Cơ cấu kinh tế (GRDP) của tỉnh đến năm 2020: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 63,2% - 26% - 3% - 7,8%;
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,7%/năm;
- GRDP bình quân đầu người đạt 142,6 triệu đồng;
- Thu ngân sách tăng 8,9%/năm;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP;
- Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 07 tỷ đô la Mỹ;
- Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện đạt 99,97%.
* Chỉ tiêu về xã hội
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 70-75% (tính trên hệ thống trường công lập);
- Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi là dưới 8,5%;
- Duy trì mức sinh thay thế vững chắc;
- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ;
- Bình quân 1 vạn dân có 27 giường bệnh1 và 7,5 bác sỹ;
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%;
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%;
- Hàng năm giải quyết việc làm 45.000 lao động;
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm hàng năm, đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh;
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%;
- Diện tích nhà ở bình quân đạt 30 m2/người.
- Đạt 100% số xã và 3 đến 4 huyện thị đạt chuẩn nông thôn mới.
* Chỉ tiêu về môi trường
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý đạt 90%;
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý đạt 100%;
- Tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 100%;
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%;
- Tỷ lệ độ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm đạt 57,5%.
c) Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp sau:
* Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
- Xây dựng cơ chế thu hút và khuyến khích đầu tư của tỉnh phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành nghề và quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách của tỉnh đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Xây dựng cơ chế thiết thực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường.
- Thực hiện và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chính sách thu hút nguồn nhân lực tỉnh phù hợp với thực tế. Xây dựng các chính sách, cơ chế thuê tư vấn, chuyên gia có trình độ cao thực hiện các công việc có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng chính sách của tỉnh. Xây dựng các cơ chế, chính sách xã hội hóa trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông.
* Nhóm giải pháp về vốn đầu tư
- Điều hành hiệu quả công tác thu - chi ngân sách để có nguồn lực đầu tư. Tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai thực hiện đúng tiến độ và khả năng cân đối vốn của các công trình theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và hàng năm được duyệt.
- Tập trung điều hành tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch và giám sát đầu tư công của các cơ quan quản lý.
- Xây dựng cơ chế, quy trình, danh mục dự án cụ thể để thu hút vốn từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công - tư (PPP) và các phương thức phù hợp khác.
- Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ, logistics và các hạ tầng giáo dục, y tế chất lượng cao... thực hiện các hỗ trợ đầu tư về hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu, cụm công nghiệp.
* Nhóm giải pháp về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh
- Tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp trên cơ sở chọn lọc gắn với tiềm năng phát triển và lợi thế so sánh của tỉnh, có tính cạnh tranh cao, phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Bình Dương trong thời gian tới.
- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tăng cường đầu tư liên kết với các ngành công nghiệp phụ trợ để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm xuất khẩu.
* Nhóm giải pháp về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực
- Hỗ trợ về cơ chế, chính sách để khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh; nâng cao tay nghề của lao động ở các vị trí hiện tại để tăng năng suất lao động. Tạo điều kiện khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để tăng thêm nguồn đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng ở các bậc học.
- Tập trung thực hiện tốt hệ thống chính sách về lao động, người có công đảm bảo gắn phát triển kinh tế với công bằng xã hội; tăng cường quản lý nhà nước đối với cơ sở bảo trợ xã hội, công tác xã hội, chăm sóc, điều dưỡng người có công.
* Nhóm giải pháp về phát triển khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu
- Không ngừng đổi mới, coi trọng khoa học công nghệ, trước hết tập trung vào các khâu trọng yếu, các chương trình phát triển và ứng dụng, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ.
- Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường; áp dụng công nghệ mới trong xử lý và tái chế chất thải; xây dựng chương trình ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu trên địa bàn tỉnh, giải quyết kịp thời các sự cố về môi trường.
* Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước
- Tiếp tục triển khai tốt công tác cải cách hành chính; rà soát, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, mở rộng dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động công vụ. Đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện kiên quyết các biện pháp phòng ngừa và chống tham nhũng.
* Nhóm giải pháp về xã hội hóa
Hàng năm, bố trí ngân sách tỉnh để thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho các tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp. Tăng cường vận động các nhà hảo tâm, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia tài trợ các chương trình an sinh xã hội của tỉnh.
Điều 2. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết này.
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo chức năng của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu của Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát, phối hợp vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa IX, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 8 năm 2016./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội
- 2Nghị quyết 111/2016/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh giai đoạn 2016-2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Nghị quyết 09/2016/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Nghị quyết 10/NQ-HĐND năm 2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của thành phố Hà Nội
- 1Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
- 2Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 5Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội
- 6Nghị quyết 111/2016/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh giai đoạn 2016-2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 7Nghị quyết 09/2016/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 8Nghị quyết 10/NQ-HĐND năm 2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của thành phố Hà Nội
Nghị quyết 29/2016/NQ-HĐND9 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Bình Dương ban hành
- Số hiệu: 29/2016/NQ-HĐND9
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 12/08/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Phạm Văn Cành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/08/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực