Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2022/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI CHO CÔNG TÁC Y TẾ - DÂN SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BTC ngày 25/01/2022 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số.

Thực hiện Công văn số 7852/BTC-HCSN ngày 08 tháng 8 năm 2022 của Bộ Tài chính về hướng dẫn định mức chi các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên;

Xét Tờ trình số 198/TTr-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số nội dung chi và mức chi cho công tác Y tế - Dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số nội dung chi và mức chi cho công tác Y tế - Dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2025.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí triển khai thực hiện công tác Y tế - Dân số.

Điều 2. Nội dung và mức chi

1. Chi hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế, dân số tham gia giám sát dịch tễ học; các bệnh tật; an toàn thực phẩm; dinh dưỡng; phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cộng đồng; sức khỏe sinh sản; mất cân bằng giới tính khi sinh; các bệnh, tật bẩm sinh; các điều kiện, vệ sinh trường học thuộc phạm vi quản lý: 40.000 đồng/người/ngày khi thực hiện nhiệm vụ tại các xã, phường, thị trấn không được hưởng chế độ công tác phí.

2. Chi hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế tham gia khám, chữa bệnh lưu động tại cộng đồng (tỉnh, huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố; xã xuống thôn, khu dân cư) để khám sàng lọc, phát hiện, quản lý sàng lọc, chiến dịch; bao gồm khắc phục hậu quả thiên tai và kết hợp quân dân y: 60.000 đồng/người/ngày khi thực hiện nhiệm vụ tại các xã, phường, thị trấn không được hưởng chế độ công tác phí.

3. Chi hoạt động phòng, chống Phong

Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp cấp phát thuốc và theo dõi bệnh nhân Phong đa hóa trị liệu tại nhà, ngoài chế độ công tác phí hiện hành: 200.000 đồng/ bệnh nhân/đợt điều trị đủ liều đối với bệnh nhân nhóm ít vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 6-9 tháng; 400.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị đủ liều đối với bệnh nhân nhóm nhiều vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 12-18 tháng.

4. Chi hoạt động phòng, chống Lao

a) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế làm công tác khám, phát hiện nguồn lây chính (Lao phổi AFB) tại cộng đồng: 30.000 đồng/bệnh nhân lao AFB.

b) Chi hỗ trợ cán bộ y tế xã trực tiếp khám và đưa bệnh nhân Lao tới tổ chống lao tuyến huyện: 50.000 đồng/xã/tháng tại xã đặc biệt khó khăn; 30.000 đồng/xã/tháng tại xã còn lại.

c) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp cấp phát thuốc, kiểm tra, giám sát bệnh nhân Lao, Lao kháng đa thuốc, Lao tiềm ẩn điều trị đủ thời gian tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế:

- Tại xã, thôn đặc biệt khó khăn: 170.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị 6-8 tháng; 150.000 đồng/bệnh nhân Lao tiềm ẩn/đợt điều trị; 200.000 đồng/bệnh nhân Lao kháng đa thuốc/đợt điều trị 9 tháng; 400.000 đồng/bệnh nhân Lao kháng đa thuốc/đợt điều trị 20 tháng.

- Tại các vùng còn lại: 120.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị 6-8 tháng; 100.000 đồng/bệnh nhân Lao tiềm ẩn/đợt điều trị; 150.000 đồng/bệnh nhân Lao kháng đa thuốc/đợt điều trị 9 tháng; 300.000 đồng/bệnh nhân Lao kháng đa thuốc/đợt điều trị 20 tháng.

5. Chi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

a) Chi hỗ trợ cho nhân viên tiếp cận cộng đồng đã được cấp thẻ: 500.000 đồng/người/tháng.

b) Trường hợp tư vấn thường xuyên hàng tháng tại cơ sở xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: Hỗ trợ người thực hiện tư vấn: 100.000 đồng/người tư vấn/buổi tư vấn, tối đa 500.000 đồng/người tư vấn/tháng. Số lượng người tư vấn do người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế, dân số quyết định.

c) Trường hợp đi tư vấn, hướng dẫn tại cộng đồng: người thực hiện tư vấn tại các xã, phường, thị trấn không được hưởng chế độ công tác phí được hỗ trợ 15.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn, tối đa 300.000 đồng/người tư vấn/tháng.

6. Chi hoạt động phòng, chống bệnh Sốt rét và bệnh Sốt xuất huyết

a) Chi hỗ trợ cán bộ tại điểm kính hiển vi xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét: 150.000 đồng/điểm kính hiển vi/tháng.

b) Chi hỗ trợ cho người thu hút muỗi bằng bẫy màn kép: 130.000 đồng/người/đêm.

c) Chi hỗ trợ cán bộ thực hiện xét nghiệm định loại vec tơ truyền bệnh Sốt rét, bệnh Sốt xuất huyết tại cộng đồng: 5.000 đồng/mẫu.

d) Chi hỗ trợ người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi: Mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

đ) Chi hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch (không kể thành viên của hộ gia đình): 3.000 đồng/hộ/lần, mức hỗ trợ một ngày tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

7. Chi hoạt động Bảo vệ sức khỏe tâm thần

a) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế làm bảng hỏi Beck hoặc đánh giá trầm cảm khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế: 15.000 đồng/bảng hỏi.

b) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế tuyến xã được phân công cấp thuốc định kỳ cho bệnh nhân Tâm thần tại gia đình: 150.000 đồng/xã/tháng.

8. Chi hoạt động phòng, chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản

Chi hỗ trợ cán bộ y tế cơ sở hướng dẫn tập, phục hồi chức năng một lần cho bệnh nhân mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản tại cộng đồng: 15.000 đồng/bệnh nhân hoặc 100.000 đồng/cán bộ y tế/ngày trong trường hợp hướng dẫn ít nhất từ 7 bệnh nhân trở lên tại cùng một địa điểm.

9. Chi hoạt động Tiêm chủng mở rộng

a) Chi hỗ trợ cán bộ y tế cho trẻ uống hoặc tiêm vắc xin đủ 8 liều (theo quy định của Chương trình): 24.000 đồng/trẻ uống hoặc tiêm đủ 8 liều vắc xin (tương đương 3.000 đồng/mũi tiêm).

b) Chi hỗ trợ cán bộ y tế tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh tại bệnh viện, cơ sở y tế; tiêm một trong các loại vắc xin: viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, sởi - rubella, DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi; cho trẻ tiêm/uống vắc xin trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung: 4.000 đồng/ mũi tiêm.

c) Chi hỗ trợ cán bộ tiêm đủ liều vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ: 4.000 đồng/người được tiêm đủ liều.

10. Chi hoạt động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

a) Chi hỗ trợ thực hiện chính sách triệt sản cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người dân sống tại xã có tổng tỷ suất sinh trên 2,3 con; người làm việc trên biển từ 15 ngày trở lên: 600.000 đồng/người tự nguyện triệt sản.

b) Hỗ trợ chi phí đi lại (một lượt đi và về) người tự nguyện triệt sản hoặc được cấp phương tiện tránh thai (vòng, thuốc tiêm, thuốc cấy) miễn phí bị tai biến theo chuyên môn y tế đến kiểm tra tình hình bệnh tại cơ sở y tế chuyên khoa từ tuyến huyện trở lên (đối với các bệnh không thuộc danh mục bệnh do bảo hiểm y tế chi trả và chưa được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác) theo chỉ định của bác sĩ sau khi khám, sàng lọc phát hiện tại cộng đồng: 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm thực hiện hoạt động.

c) Chi cập nhật thông tin về dân số - kế hoạch hóa gia đình của hộ gia đình vào Sổ ghi chép ban đầu về dân số - kế hoạch hóa gia đình của cộng tác viên: 5.000 đồng/phiếu thu tin của ít nhất 5 hộ gia đình đã có thông tin tại Sổ ghi chép hoặc của một hộ gia đình mới.

d) Chi hỗ trợ cho cộng tác viên dân số thôn, khu phố (mỗi thôn/khu phố: 01 cộng tác viên):

- Tại xã, thôn đặc biệt khó khăn: 200.000 đồng/người/tháng.

- Tại các vùng còn lại: 150.000 đồng/người/tháng.

11. Chi hoạt động Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em

a) Chi hỗ trợ mua nguyên vật liệu cho hoạt động thực hành dinh dưỡng, kỹ thuật chế biến thức ăn cho bà mẹ đang mang thai, người chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì: 6.000 đồng/người/lần/năm.

b) Chi hỗ trợ cán bộ y tế cho trẻ em 6 tháng đến 60 tháng tuổi uống vitamin A tại cộng đồng: 4.000 đồng/trẻ/liều (lần uống) đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 2.000 đồng/trẻ/liều (lần uống) đối với các vùng còn lại.

c) Chi hỗ trợ cho công tác cân, đo đánh giá trình trạng dinh dưỡng trẻ em (không bao gồm các địa phương, đơn vị đã được bố trí kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia theo Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025): 200.000 đồng/quý/xã thực hiện công tác đánh giá trình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 2 tuổi; 150.000 đồng/tháng/xã thực hiện công tác đánh giá trình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; 500.000 đồng/6 tháng/xã thực hiện công tác đánh giá trình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

12. Chi hoạt động An toàn thực phẩm

a) Chi hoạt động phân tích dữ liệu và báo cáo thông tin về ngộ độc thực phẩm: 2.600.000 đồng/vụ ngộ độc thực phẩm (đối với vụ ngộ độc tập thể từ 20 người mắc trở lên).

b) Chi thù lao người trực tiếp điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm (ngoài chế độ công tác phí; trường hợp cán bộ đã được hưởng phụ cấp chống dịch từ các nguồn kinh phí khác thì không hưởng chế độ thù lao này): 100.000 đồng/người/ngày.

13. Các nội dung thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và thanh quyết toán theo thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao theo kế hoạch, cụ thể:

a) Mua thuốc (bao gồm thuốc kháng lao cho bệnh nhân lao mới phát hiện chưa có thẻ bảo hiểm y tế, thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế), mẫu thực phẩm, phương tiện tránh thai, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, dụng cụ, vật dụng đặc thù, máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động chuyên môn của công tác Y tế - Dân số (không bao gồm các khoản chi đã được thanh toán từ Quỹ BHYT).

b) Sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì định kỳ và hiệu chỉnh các trang thiết bị, kho bảo quản (thuốc, phương tiện tránh thai, sinh phẩm, mẫu bệnh phẩm, vật tư, hóa chất) phục vụ hoạt động chuyên môn của từng Dự án thuộc chương trình do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Mua nhiên liệu, thuê dịch vụ lưu trữ, thuê địa điểm khám lưu động, tiêu hủy bơm kim tiêm, thuốc, vắc xin, phương tiện tránh thai, mẫu bệnh phẩm, vật tư, rác thải y tế độc hại, hóa chất hết hạn sử dụng (nếu có); tiêu hủy hàng vô chủ là thực phẩm, nguyên liệu, vật tư, hóa chất sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

d) Các hoạt động tập huấn, đào tạo ngắn hạn, hội nghị sơ kết, tổng kết và truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện tư vấn, nói chuyện chuyên đề về nội dung phòng, điều trị, chăm sóc người bệnh, an toàn thực phẩm, dân số, kế hoạch hóa gia đình.

e) Hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa có bảo hiểm y tế.

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

- Ngân sách địa phương.

- Nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa XI Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu của UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Y tế;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Uỷ ban nhân dân tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XI;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND và UBND huyện, TP;
- Trung tâm CNTT và Truyền thông;
- Trang tin điện tử HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, Phòng Công tác HĐND.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hậu

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 28/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi và mức chi cho công tác y tế - dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025

  • Số hiệu: 28/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Phạm Văn Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản