Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 20 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TỔNG THỂ THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2022-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 100/TTr-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra số 40/BC-BĐT ngày 13 tháng 7 năm 2022 của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

- Coi chất thải là tài nguyên; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; cụ thể hóa để hoàn thành chỉ tiêu về môi trường đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố tại Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn từ nguồn phát sinh đến xử lý cuối cùng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý để bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững thành phố.

- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức người dân trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

a) Về chất thải rắn sinh hoạt đô thị

- 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn.

- 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom.

- Có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác tại hộ gia đình. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.

- Sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy.

- 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cấp thành phố đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, phục hồi môi trường, tái sử dụng đất.

b) Về chất thải rắn sinh hoạt nông thôn

- 100% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn.

- 98% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.

- 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.

c) Về chất thải rắn công nghiệp thông thường

- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

- 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao (gyps) phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

d) Về chất thải rắn nguy hại

- 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật.

- 100% các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ và được xử lý theo quy định của pháp luật.

đ) Về chất thải rắn đặc thù khác

- 100% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- 100% bùn bể tự hoại phát sinh tại đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo môi trường.

- 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp.

- 80% chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, biogas và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- 80% các phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

2.2. Mục tiêu giai đoạn 2026-2030

a) Về chất thải rắn sinh hoạt đô thị

- 100% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cấp thành phố đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, phục hồi môi trường, tái sử dụng đất.

b) Về chất thải rắn sinh hoạt nông thôn

- 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.

- 100% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.

c) Về chất thải rắn công nghiệp thông thường

100% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao (gyps) phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

d) Về chất thải rắn nguy hại

100% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường;

đ) Về chất thải rắn đặc thù khác

- 100% bùn bể tự hoại phát sinh tại đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo môi trường.

- 100% chất thải rắn xây dựng phát sinh tại đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó 80% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp.

- 100% chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, biogas và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- 100% các phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

2.3. Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050 tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Căn cứ tình hình thực tiễn phát sinh CTR để tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại xử lý chất thải trên địa bàn toàn thành phố, đảm bảo 100% CTR phát sinh được xử lý bằng công nghệ hiện đại, không còn xử lý bằng công nghệ chôn lấp.

3. Nhiệm vụ, giải pháp

3.1. Nhiệm vụ

a) Giai đoạn 2022-2025:

- Đầu tư xây dựng để đưa vào vận hành: 01 nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện; khu xử lý chất thải rắn tại huyện Bạch Long Vĩ; 02 khu xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động xây dựng.

- Đầu tư xây dựng khu xử lý bùn, mỡ thải phát sinh từ các hoạt động nạo vét hệ thống thoát nước, bể phốt, hầm cầu và các hoạt động khác (nạo vét luồng hàng hải, hệ thống thủy lợi...).

- Đầu tư xây dựng, cải tạo trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn trên địa bàn thành phố, đảm bảo việc tập kết và vận chuyển thuận lợi đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung.

- Nâng cấp cải tạo các bãi rác tạm thành các bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh tại các huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Bạch Long Vĩ.

- Đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường 85 bãi rác tạm tại các huyện: Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên, Cát Hải; Vĩnh Bảo, Tiên Lãng.

- Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động các lò đốt rác BD-Alpha và các lò đốt rác quy mô nhỏ. Dừng hoạt động các lò đốt rác không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

b) Giai đoạn 2026-2030

- Tiếp tục đầu tư xây dựng để đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện; các khu xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy hoạch.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn.

- Tiếp tục đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường các bãi rác tạm còn lại trên địa bàn thành phố.

c) Tầm nhìn tới năm 2050

Hoàn thành việc cải tạo phục hồi môi trường tất cả các bãi chôn lấp hợp vệ sinh; duy trì hoạt động của các khu xử lý chất thải rắn hiện đại trên địa bàn thành phố. Tùy theo tình hình thực tiễn phát sinh chất thải rắn để tiếp tục đầu tư công nghệ hiện đại xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn thành phố, đảm bảo 100% chất thải rắn sinh hoạt và các loại chất thải rắn khác được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại; không xử lý bằng công nghệ chôn lấp.

3.2. Giải pháp

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, cá nhân, cấp ủy Đảng về công tác quản lý chất thải rắn

- Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện trong nhận thức, trách nhiệm của người dân, các tổ chức, cá nhân, cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác quản lý chất thải rắn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý chất thải rắn.

- Xây dựng chương trình phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường nói chung - chất thải rắn nói riêng với nội dung và thời lượng phù hợp vào trường học; truyền thông nâng cao ý thức thực hành ngăn ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn, rác thải nhựa, sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông... xây dựng, nhân rộng các mô hình phân loại rác đầu nguồn, mô hình tự tái chế, tự xử lý và tái sử dụng chất thải hữu cơ tại hộ gia đình, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

b) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý chất thải rắn

- Rà soát, hoàn thiện các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Nghiên cứu, điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội.

- Nghiên cứu, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố; ưu tiên quy hoạch tổ hợp các khu xử lý chất thải rắn (bao gồm cả chất thải từ hoạt động xây dựng, bùn thải...).

- Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phù hợp trong công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố; nghiên cứu ban hành các quy định, quy trình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quy định về thời gian, lộ trình, phương thức tập kết, trung chuyển và vận chuyển chất thải rắn nhằm hạn chế tối thiểu phát tán nguồn có nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình tổ chức thu gom, vận chuyển.

c) Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy về quản lý chất thải rắn

Nghiên cứu kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy về công tác quản lý chất thải rắn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường nguồn lực cho cán bộ môi trường các cấp đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ quản lý chất thải rắn.

d) Tăng cường quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải

- Đối với chất thải rắn sinh hoạt

Tăng cường quản lý, giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; chấm dứt tình trạng rác thải đổ bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện phân loại rác tại nguồn, đảm bảo đến 31 tháng 12 năm 2024 tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn đạt 100%.

- Đối với chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại.

Quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ nguồn phát sinh đến công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý đảm bảo quy định.

Thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường; tăng cường tái chế, tái sử dụng; ưu tiên xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.

- Kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải đặc thù: chất thải y tế thông thường; chất thải rắn xây dựng; bùn bể tự hoại; chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi; các phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và làng nghề.

- Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phát huy vai trò của lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường trong theo dõi, xử lý nghiêm các đối tượng đổ trộm chất thải ra môi trường.

đ) Về khoa học công nghệ

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải. Khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phát triển những mô hình hiệu quả, điển hình trong phân loại, thu gom, xử lý chất thải và nhân rộng các mô hình này trên địa bàn thành phố.

e) Về hợp tác quốc tế

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp tục kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế hợp tác, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải; thu hút đầu tư cho xử lý, nâng cao năng lực quản lý, học tập kinh nghiệm các tổ chức quốc tế về các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

4. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đến năm 2030:

12.395 tỷ đồng

4.1. Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025:

6.949 tỷ đồng

- Kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương:

1.803 tỷ đồng

- Kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp:

5.146 tỷ đồng

4.2. Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030:

5.446 tỷ đồng

- Kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương:

2.948 tỷ đồng

- Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp:

2.498 tỷ đồng

Ngoài ra huy động kinh phí từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, từ công tác xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ;
- Các VP: Quốc hội, Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu (UBTVQH);
- Bộ TNMT;
- TTTU, TTHĐND, UBND TP;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội HP;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Các Ban HĐND TP;
- Đại biểu HĐND TP Khóa XVI;
- Các VP: TU, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- Các Quận ủy, Huyện ủy;
- Công báo HP; Cổng TTĐT HP;
- Báo HP, Đài PT và TH HP;
- Các CV VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Lưu: VT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Lập

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 27/NQ-HĐND năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 27/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/07/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Phạm Văn Lập
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản