Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 261/2016/NQ-HĐND

Long An, ngày 26 tháng 4 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN ĐỨC HÒA, TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA VIII – KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 884/TTr-UBND ngày 18/3/2016 của UBND tỉnh về việc thông qua Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

1. Phạm vi, ranh giới quy hoạch:

Phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Đức Hòa với tổng diện tích tự nhiên là 42.775,65 ha.

2. Mục tiêu

Xây dựng huyện Đức Hòa trở thành vùng đô thị phát triển trọng điểm phía Tây của vùng đô thị trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh Long An; phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và điều kiện đặc thù của địa phương.

3. Tính chất và chức năng vùng

Là trọng điểm phát triển về đô thị và công nghiệp của vùng đô thị trung tâm vùng thành phố Hồ Chí Minh; là vùng động lực phía Bắc vùng tỉnh Long An, là đầu mối giao thương quan trọng của các trục hành lang kinh tế đô thị của quốc gia và trung tâm vùng thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia; là trung tâm phát triển đô thị công nghiệp tập trung, công nghiệp phụ trợ cấp vùng; là trung tâm phát triển giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao của vùng thành phố Hồ Chí Minh. Có vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng an ninh.

4. Dự báo phát triển kinh tế, dân số, lao động, nhu cầu về đất đai, tỷ lệ đô thị hóa theo các giai đoạn phát triển

a) Dự báo quy mô dân số:

- Dự kiến đến năm 2020: Dân số toàn huyện khoảng 240.000 - 245.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 60.000 – 65.000 người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 25 - 30%.

- Dự kiến đến năm 2025: Dân số toàn huyện khoảng 260.000 - 265.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 85.000 – 90.000 người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30 - 35%.

- Dự kiến đến năm 2030: Dân số toàn huyện khoảng 290.000 – 295.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 110.000 – 120.000 người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40-45%.

b) Dự báo quy mô đất đai:

- Dự kiến quy mô đất xây dựng đô thị:

+ Đến năm 2020: khoảng 1.700 – 1.800 ha.

+ Đến năm 2025: khoảng 2.000 – 2.500 ha

+ Đến năm 2030: khoảng 3.500 – 4.000 ha.

- Dự kiến quy mô đất xây dựng công nghiệp tập trung:

Đến năm 2020 – 2030: khoảng 6.342 ha. Trong đó đất khu công nghiệp khoảng 5.163 ha, đất cụm công nghiệp khoảng 1.179 ha.

- Dự kiến quy mô đất xây dựng khu dân cư nông thôn :

+ Đến năm 2020: khoảng 1.800 ha.

+ Đến năm 2025: khoảng 1.900 ha.

+ Đến năm 2030: khoảng 2.000 ha.

5. Định hướng phát triển không gian vùng:

a) Các trục không gian kết nối vùng.

Khung phát triển vùng huyện Đức Hòa gồm các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia như sau:

- Trục hành lang đường vành đai 3 và vành đai 4 vùng thành phố Hồ Chí Minh kết nối Đức Hòa với quốc tế qua sân bay quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải.

- Trục đường Hồ Chí Minh (trùng Quốc lộ N2) kết nối huyện Đức Hòa với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, hành lang Xuyên Á, vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các trục hướng tâm nối với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

- Trục đường tỉnh 823: Liên kết với huyện Đức Huệ và vùng Đồng Tháp Mười.

- Trục đường tỉnh 824 và 825: Hai trục hướng tâm liên kết với khu vực phía Tây và khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

- Trục đường tỉnh 830 kết nối Đức Hòa với khu đô thị Tân An – Bến Lức.

- Trục hành lang kinh tế đường thủy: sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai kết nối huyện Đức Hòa với Cảng Long An và cảng Hiệp Phước, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long.

b) Phân vùng phát triển kinh tế:

- Vùng I (vùng nông nghiệp – du lịch): Gồm thị trấn Hiệp Hòa và các xã Lộc Giang, An Ninh Đông, An Ninh Tây, Tân Mỹ, Hiệp Hòa. Đô thị trung tâm của vùng là thị trấn Hiệp Hòa.

- Vùng II (vùng công nghiệp và đô thị): Gồm thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Đức Hòa và các xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Thượng, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Hựu Thạnh.

c) Phân vùng đô thị.

- Phát triển các khu đô thị dọc theo đường vành đai 4, đường N2 và các đường tỉnh 824, 825, 830 gắn kết với thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Hiệp Hòa thành vùng đô thị tập trung.

- Phát triển vùng đô thị theo trục hành lang kinh tế đô thị đường vành đai 4 hướng ra khu đô thị Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh và 2 trục hướng tâm đường tỉnh 824, 825 nối với tỉnh lộ 10, 14 đến khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

*Giai đoạn 2015 - 2025: Có 3 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại III (Hậu Nghĩa), 1 đô thị loại IV (Đức Hòa), 1 đô thị loại V (Hiệp Hòa).

*Giai đoạn 2025 - 2030:

Vùng huyện Đức Hòa phát triển thành đô thị Hậu Nghĩa – Đức Hòa là đô thị loại III. Phát triển theo mô hình đô thị sinh thái gắn kết môi trường cảnh quan tự nhiên trong phát triển không gian đô thị hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

d) Phân vùng hệ thống điểm dân cư nông thôn:

Xây dựng xã thành mô hình nông thôn mới, hình thành các vùng chuyên canh lớn. Xây dựng hình thái cụm - điểm dân cư tại trung tâm xã, tuyến dân cư dọc đường giao thông, các sông rạch chính. Cải tạo và xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo xu hướng tiếp cận nếp sống đô thị.

e) Phân vùng phát triển công nghiệp:

- Vùng công nghiệp phía Đông: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chế biến nông sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, hóa chất, nhựa, cơ khí chế tạo, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng.

- Vùng công nghiệp phía Tây: Phát triển công nghiệp cơ khí, công nghệ sinh học, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, điện tử,…

- Vùng công nghiệp phía Bắc: Phát triển các ngành công nghiệp chính như vật liệu xây dựng (gạch ngói, vật liệu chịu lửa, trang trí nội thất), chế biến gỗ, cấu kiện lắp ghép,...

f) Phân bố các vùng du lịch:

Định hướng gồm: Cụm du lịch Đức Hòa, Cụm du lịch Tân Mỹ, Cụm du lịch ven sông Vàm Cỏ Đông kết hợp với các tuyến du lịch nội tỉnh.

g) Phân bố vùng nông, lâm nghiệp, thủy sản:

Hình thành vùng sản xuất nông sản, sử dụng hệ thống tưới tiếp nước từ dự án thủy lợi Phước Hòa. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức gia trại, trang trại quy mô lớn, phát triển lĩnh vực ương nuôi cá cảnh theo kinh tế trang trại. Vùng lâm nghiệp tập trung.

h) Phân bố hệ thống dịch vụ hạ tầng xã hội:

- Phân bố hệ thống giáo dục và đào tạo vùng: Từng bước xây dựng hoàn chỉnh trường Đại học Tân Tạo. Xây dựng trường Cao đẳng Đông Nam Á và các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề tại đô thị Đức Hòa. Nâng cấp trường trung cấp nghề Đức Hòa thành trường cao đẳng. Nâng cấp mở rộng trung tâm giáo dục thường xuyên huyện.

- Phân bố hệ thống y tế vùng: Bệnh viện đa khoa khu vực Hậu Nghĩa mở rộng quy mô 500 giường; Trung tâm y tế cấp tiểu vùng tại thị trấn Đức Hòa: Nâng cấp, mở rộng phòng khám đa khoa khu vực thành Bệnh viện đa khoa Đức Hòa quy mô 250 giường. Nâng cấp và xây mới các trạm y tế xã, thị trấn.

- Phân bố hệ thống văn hóa, thể dục thể thao vùng: Nâng cấp trung tâm văn hóa huyện, đài truyền thanh, thư viện huyện, nhà truyền thống,trung tâm thể dục thể thao huyện, xây dựng mới các sân thể thao, hồ bơi,... Nâng cấp và xây dựng mới các thiết chế văn hóa – thể thao cấp cơ sở.

- Phân bố hệ thống dịch vụ thương mại: Xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, các siêu thị. Nâng cấp hệ thống chợ hiện hữu. Từng bước đưa hệ thống phân phối hiện đại vào các chợ, khu thương mại.

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

a. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:

Khu vực đô thị:

- Cao độ khống chế nền xây dựng của các đô thị phải đảm bảo đô thị không bị ngập lụt, ảnh hưởng của triều cường, tránh đào đắp nhiều và tạo điều kiện thoát nước tốt cho đô thị.

+ Thị trấn Hậu Nghĩa      : Hxd ≥ +2,30m;

+ Thị trấn Đức Hòa        : Hxd ≥ +2,20m;

+ Thị trấn Hiệp Hòa        : Hxd ≥ + 2,30m;

+ Khu đô thị Mỹ Hạnh    : Hxd ≥ +2,20m;

- Thoát nước mưa: Đô thị Đức Hòa thoát về kênh Sông Tra – Láng Ven, kênh An Hạ, sông Vàm Cỏ Đông; đô thị Hậu Nghĩa thoát ra kênh Bàu Trai, Ba Sa, Gò Mối và kênh Sò Đo – Tân Phú; đô thị Hiệp Hòa thoát ra kênh Nhà Thờ, sông Vàm Cỏ Đông.

Các điểm dân cư nông thôn: Khu vực có địa hình thấp cần phải tôn nền vượt lũ kết hợp đê bao nhưng chủ yếu là san đắp cục bộ khu vực xây dựng. Đối với khu vực có địa hình cao không bị ngập lụt chỉ san đắp tạo hướng dốc thoát nước, cân bằng đào đắp tại chỗ.

b. Giao thông:

* Đường bộ:

- Giao thông đối ngoại:

+ Đường N2 (trục cao tốc đường Hồ Chí Minh): lộ giới 60m.

+ Đường vành đai 4: trên cơ sở mở rộng một phần ĐT.823, ĐT.825 và ĐT.830, quy mô 6-8 làn xe.

- Đường tỉnh (ĐT):

+ ĐT.821, ĐT 822: Nâng cấp đạt cấp III.

+ ĐT 823, ĐT 824 : Nâng cấp đạt cấp II.

+ ĐT 823B (đường KCN Đức Hòa III) : Nâng cấp đạt cấp II.

+ ĐT 823C (đường cặp kênh Thầy Cai): Nâng cấp đạt cấp III.

+ ĐT 825: Nâng cấp đạt cấp II, 4 – 6 làn xe.

+ ĐT 830: Nâng cấp đạt cấp III. Xây dựng mới đoạn từ thị trấn Hiệp Hòa đến đường ĐT 838 (xã Mỹ Thạnh Bắc - huyện Đức Huệ) đạt cấp III.

- Giao thông công cộng: nâng cấp bến xe Hậu Nghĩa, bến xe Đức Hòa đạt tiêu chuẩn cấp III.

* Đường thủy: Sông Vàm Cỏ Đông, là hành lang bảo vệ luồng mỗi bên 50m. Xây dựng các cảng cạn trong các khu công nghiệp dọc theo kênh Thầy Cai. Xây dựng bến cảng trong khu công nghiệp DNN - Tân Phú, cảng trung chuyển Trà Cú, Hựu Thạnh gắn kết với cảng Long An và cảng Hiệp Phước.

c. Thủy lợi: Các công trình thủy lợi ven sông Vàm Cỏ Đông. Hoàn chỉnh các công trình thuộc dự án thủy lợi Phước Hòa.

d. Cấp nước:

- Nguồn cấp: sử dụng nước mặt được đưa từ hồ Phước Hòa và Kênh Đông.

- Dự báo tổng hợp nhu cầu dùng nước:

+ Nhu cầu dùng nước đô thị đến năm 2020 Q = 7.800 m³/ngày, đến năm 2030 Q = 25.000 m³/ngày.

+ Nhu cầu dùng nước nông thôn đến năm 2020 Q = 11.664 m³/ngày, đến năm 2030 Q = 12.674 m³/ngày.

+ Nhu cầu dùng nước công nghiệp đến năm 2030 Q = 152.200 m³/ngày.

- Mạng lưới cấp nước:

+ Về lâu dài, các nhà máy nước ngầm hiện hữu tại đô thị Đức Hòa, Hậu Nghĩa sẽ lấy nguồn nước mặt từ hồ Phước Hòa và Kênh Đông để hạn chế khai thác nguồn nước ngầm.

+ Xây dựng 2 nhà máy cấp nước mới theo dự án cấp nước Hòa Khánh Tây (Phú Mỹ Vinh I) và dự án cấp nước Phú Mỹ Vinh II trong đó có 1 phần cấp cho huyện Đức Hòa.

e. Cấp điện:

- Nguồn cấp: lưới Quốc gia qua các trạm biến áp 500kV, 220kV, 110kV hiện hữu và dự kiến.

- Nhu cầu sử dụng điện: Tổng công suất điện yêu cầu toàn huyện đến năm 2020: là 794,03 MW; năm 2030 là 838,51 MW.

f. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang:

- Thoát nước thải:

+ Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, có trạm xử lý cho các đô thị, khu vực xây dựng mới, các khu, cụm công nghiệp. Trong giai đoạn đầu tập trung xây dựng hệ thống cống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải cho thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa và các khu, cụm công nghiệp.

+ Các cụm dân cư nông thôn tập trung xây dựng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải). Xử lý nước thải bằng phương pháp tự làm sạch tại các hồ sinh học.

+ Dự báo lưu lượng nước thải các đô thị đến năm 2020 khoảng 6.240 m³/ngày, năm 2030 khoảng 20.000 m³/ngày. Lưu lượng nước thải công nghiệp đến năm 2030 khoảng 121.760 m³/ngày.

- Chất thải rắn: Xử lý tại Khu công nghệ Môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa.

- Nghĩa trang: Chỉnh trang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Hòa. Xây dựng nghĩa trang theo Quy hoạch địa điểm xây dựng nghĩa trang tỉnh Long An giai đoạn năm 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu HĐND và thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trước khi phê duyệt theo thẩm quyền.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 26 tháng 4 năm 2016.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ Quốc hội (b/c);
- Chính phủ (b/c);
- VP.QH, VP.CP “TP.HCM” (b/c);
- Ban Công tác đại biểu, UBTVQH (b/c);
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- TT.TU (b/c);
- UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu QH đơn vị tỉnh Long An;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII;
- Các sở ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VP.UBND tỉnh;
- LĐ và CV VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Rạnh