Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/NQ-HĐND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 10 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;

Căn cứ Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của Luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19;

Xét Tờ trình số 242/TTr-TTHĐND ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Nghị quyết về biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương, toàn quân, toàn dân đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; sự chủ động phối hợp của Thường trực Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế và các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên,... trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hội đồng nhân dân tỉnh trân trọng sự tin tưởng, đồng hành, ủng hộ các chủ trương, chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền, tinh thần tự giác, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và sự đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn của đồng bào và nhân dân tỉnh nhà, nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Nhờ có sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tỉnh ta đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là thành công rất quan trọng, mở ra giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Hiện nay, dự báo dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu và tại nhiều địa phương cả nước, virut SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi, nhiều biến chủng mới xuất hiện, có thể bùng phát các đợt dịch mới bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu. Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa tỉnh nhà chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy phù hợp điều kiện thực tiễn của tỉnh theo nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế và Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 16 tháng 10 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới của Trung ương về công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn mới. Việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 gắn với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, của tỉnh; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên theo thẩm quyền.

2. Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài với phương châm “4 tại chỗ”. Các biện pháp phòng dịch hoàn thiện theo công thức: 5K vắc-xin, thuốc điều trị công nghệ ý thức của người dân tầm soát định kỳ và các biện pháp khác (trong đó, cần phải tầm soát định kỳ, ngẫu nhiên tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao, như: cảng cá, bến tàu, nhà ga, chợ, siêu thị, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu đông dân cư,...).

Chống dịch phải được thực hiện linh hoạt theo nguyên tắc “3 trụ cột”: Cách ly phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt, chặt chẽ nhất, có mục tiêu, lộ trình cụ thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hợp lý, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan của địch; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch đảm bảo kết nối liên thông, thuận lợi cho người dân khi sử dụng, đảm bảo an ninh, an toàn.

3. UBND tỉnh khẩn trương đánh giá cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và đề xuất các biện pháp hành chính phù hợp theo hướng dẫn của Trung ương đảm bảo tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh theo nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch, từ các địa phương khác, người nhập cảnh theo quy định của Bộ Y tế. Tổ chức vận tải hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đảm bảo thông suốt, thuận lợi cho người dân. Tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ, bảo đảm an toàn, kịp thời, đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên từng giai đoạn; trước mắt, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên; phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

4. Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vắcxin, vật tư và nhân lực phòng chống dịch trong mọi tình huống. Tập trung đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Rà soát trang thiết bị các trạm y tế xã, phường, thị trấn; có kế hoạch bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế đầy đủ (nhất là oxy), đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất, ngay từ cơ sở. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thực hiện đầy đủ chính sách đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu, Tổ Covid-19 cộng đồng.

5. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách xã hội, có giải pháp tổng thể, tiếp tục xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới bảo đảm không bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tâm lý của người dân; hỗ trợ người mất việc, không có thu nhập, khó khăn do đại dịch.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Quan tâm công tác thi đua, khen thưởng nhằm kịp thời động viên, khích lệ và tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.

6. Có lộ trình đưa cuộc sống người dân trong tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”; duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai các phương án vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “an toàn vẫn là trên hết”, triển khai từng bước chặt chẽ, chắc chắn. Nhanh chóng khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành trọng điểm của tỉnh, như: du lịch, nông nghiệp,...; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục triển khai phương án mở cửa trở lại các trường học tại những nơi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Tiếp tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phấn đấu duy trì sản xuất, kinh doanh, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.

Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nông lâm ngư nghiệp; hỗ trợ tìm việc làm cho các lao động về từ địa phương khác, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội. Chính sách đào tạo nghề nghiệp ngắn hạn cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trở về từ địa phương khác để tăng cơ hội tạo việc làm.

7. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội, quảng bá hình ảnh Quảng Bình trong phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất an toàn để góp phần thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, du lịch trong điều kiện bình thường mới; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

2. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành nếu có vấn đề phát sinh trong việc quyết định về biện pháp, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tình giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận theo quy định của pháp luật giám sát và tiếp tục vận động Nhân dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết, ủng hộ, đóng góp cho quỹ phòng, chống dịch Covid-19, chia sẻ, tự giác và tích cực thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh.

4. Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, Nhân dân và các lực lượng vũ trang trong tỉnh phát huy kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 29 tháng 10 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các ban của HĐND tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CTHĐND.

CHỦ TỊCH




Trần Hải Châu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 26/NQ-HĐND năm 2021 về biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 26/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 29/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Hải Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản