Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2006/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 24 tháng 02 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO - VIỆC LÀM VÀ ĐỀ ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ - CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn lãi suất ưu đãi, tổ chức sản xuất để tự tạo việc làm cải thiện cuộc sống;

Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ - CP ngày 18/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm;

Căn cứ Nghị định 81/2003/NĐ - CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;

Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ - TTg ngày 08/07/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 134/2004/QĐ - TTg ngày 20/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;

Xét Tờ trình số: 08/TTr - UBND ngày 20 tháng 02 năm 2006 của UBND tỉnh, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân và ý kiến Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Chương trình Giảm nghèo -Việc làm và đề án Xuất khẩu lao động của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010.

I. VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO CỦA TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010:

1. Mục tiêu chung :

Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh Bạc Liêu là một Chương trình trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, các chính sách và dự án để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp lao động thất nghiệp có việc làm,... Phấn đấu giảm hộ nghèo từ 2,5% - 3% năm; đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,5%; phương châm là xóa nghèo ổn định, bền vững, từng bước thực hiện xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010:

- Thu nhập của hộ nghèo tăng lên khoảng 1,45 lần so với năm 2005.

- Các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2, có đủ kết cấu hạ tầng thiết yếu theo quy định, đáp ứng phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

- Đảm bảo có 95% hộ nghèo có nhu cầu vốn và làm ăn có hiệu quả được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

- Có 150.000 lượt hộ được đào tạo khuyến nông, khuyến công, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất.

- Đảm bảo người nghèo, con hộ nghèo được giảm miễn học phí, học nghề theo quy định.

- Thực hiện đầy đủ chế độ đối với người nghèo khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe theo quyết định 139 của Chính phủ.

- Phấn đấu 90% con hộ nghèo được học văn hóa, giảm thiểu tối đa tình trạng thất học ở các cấp học.

- Năm 2006 cơ bản không còn nhà tạm, nhà lụp xụp, hoàn thành việc thực hiện dự án nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đào tạo nâng cao năng lực cho 4.500 lượt cán bộ các cấp tham gia công tác giảm nghèo ở địa phương, trong đó 95% là cán bộ cơ sở.

3. Nguồn vốn cho chương trình:

Tổng vốn phục vụ cho chương trình 855,5 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn hỗ trợ từ Trung ương: 746,5 tỷ đồng (trong đó có 550 tỷ đồng thuộc nguồn vốn của Ngân hàng chính sách).

- Vốn địa phương (ngân sách tỉnh) : 50,5 tỷ đồng.

- Vốn huy động : 58,5 tỷ đồng.

4. Các giải pháp thực hiện chương trình :

Nhất trí các giải pháp được UBND tỉnh nêu trong Tờ trình thông qua tại kỳ họp, trong quá trình chỉ đạo thực hiện cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể chính trị xã hội và tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo, tự làm giàu, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước; đi đôi với bài trừ các tệ nạn xã hội, nhất là lười lao động, tệ cờ bạc, cho vay nặng lãi v.v...

II. VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VIỆC LÀM CỦA TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 :

1. Mục tiêu chung :

Đảm bảo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho những người đang có việc làm, đồng thời giảm tối đa số người thất nghiệp, thiếu việc làm và giải quyết việc làm cho đối tượng đến tuổi lao động hàng năm.

2. Các chỉ tiêu cụ thể:

- Nhịp độ tăng dân số tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2006 - 2010 là 1,16% bình quân tăng khoảng 8.300 người/năm;

- Từ nay đến 2010 bổ sung nguồn lao động trong độ tuổi tham gia lao động tăng lên 51.000 người; hàng năm tăng bình quân khoảng 10.000 lao động.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệm thành thị từ 4,52% năm 2005 xuống dưới 4% năm 2010; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn từ 86,13% năm 2005 lên 87% vào năm 2010.

- Đảm bảo cơ cấu lao động đến năm 2010:

+ Nông - Lâm - Ngư nghiệp : 39,5%

+ Công nghiệp và xây dựng : 33%.

+ Dịch vụ : 27,5%

3. Phương thức huy động và sử dụng các nguồn lực cho thực hiện chương trình:

- Tranh thủ huy động nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách tỉnh, các huyện, thị xã và nguồn vốn của nhân dân đóng góp khoảng 40 - 50% tổng nguồn quỹ của chương trình.

- Nguồn vốn huy động từ ngân sách Nhà nước là 129,5 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng chính sách - xã hội thu hồi từ các dự án cho vay tạo việc làm, cho xuất khẩu lao động đang vay 27 tỷ đồng, gồm của Trung ương 22 tỷ đồng, tỉnh 5 tỷ đồng (tiếp tục cho vay quay vòng đến năm 2010 nguồn vốn này tăng lên 68 tỷ đồng).

- Huy động mới 61,5 tỷ đồng, trong đó :

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ trong 5 năm: 2006 - 2010 là 53 tỷ đồng (chiếm 40,9%); bình quân hàng năm 10,6 tỷ đồng.

+ Ngân sách tỉnh chi trong 5 năm: 2006 - 2010 là 5 tỷ đồng (chiếm 3,9%); bình quân hàng năm là 1 tỷ đồng.

+ Ngân sách các huyện, thị xã chi trong 5 năm: 2006 - 2010 là 3,5 tỷ đồng (chiếm 2,7%); bình quân hàng năm 700 triệu đồng.

- Sử dụng nguồn vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước: 129,5 tỷ.

Các dự án vay vốn tạo việc làm (nguồn Trung ương): 77 tỷ đồng; Dự án hỗ trợ xuất khẩu lao động 39 tỷ đồng, trong đó Trung ương 20 tỷ đồng, tỉnh 17,5 tỷ đồng (cho vay 15 tỷ) và huyện, thị 1,5 tỷ đồng, chia ra:

Dự án hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm mới 11,5 tỷ đồng, trong đó Trung ương 7 tỷ đồng, tỉnh 2,5 tỷ đồng và các huyện, thị xã 2 tỷ đồng, chia ra:

+ Hỗ trợ dạy nghề cho đối tượng hộ nghèo: 7 tỷ đồng.

+ Hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng khác (người dân tộc thiểu số, người tàn tật): 4,5 tỷ đồng.

Kinh phí hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động - việc làm

từ tỉnh đến cơ sở 2 tỷ đồng do Trung ương đầu tư.

Kinh phí quản lý Trung ương cấp hàng năm nằm ngoài dự toán nêu trên là 580 triệu (3% tổng nguồn vốn bổ sung hàng năm).

4. Các giải pháp thực hiện chương trình :

HĐND tỉnh nhất trí với các giải pháp nêu trong Tờ trình của UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện, cần quan tâm một số giải pháp cơ bản như sau:

- Tiếp tục giảm nhịp độ tăng dân số đến mức hợp lý, bằng cách hạ thấp tỷ lệ sinh tự nhiên, ổn định tỷ lệ tăng dân số để có số dân theo dự kiến đến năm 2010 là 864.613 người.

- Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa đào tạo - dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ - CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ và đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 15.000 lao động.

- Bố trí hợp lý và đáp ứng nhu cầu lao động vào làm việc ở khu vực hành chính, sự nghiệp của địa phương.

- Nâng cao năng lực cho 2.800 lượt cán bộ làm công tác lao động - việc làm từ tỉnh đến cơ sở.

III. VỀ ĐỀ ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 :

1. Mục tiêu chung :

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp kinh tế - xã hội quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao tay nghề cho người lao động, hình thành tác phong công nghiệp, từng bước xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng cao.

2. Mục tiêu cụ thể :

Từ năm 2006 - 2010, mỗi năm phấn đấu đưa khoảng 700 đến 1.000 lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thông qua các công ty xuất khẩu lao động được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép.

3. Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện đề án là 42,882 tỷ đồng

Trong đó : - Nguồn vốn Ngân hàng CSXH : 18,282 tỷ đồng

- Nguồn vốn địa phương : 8,800 tỷ đồng

- Nguồn vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn và các Ngân hàng thương mại 15,800 tỷ đồng.

4. Các giải pháp thực hiện :

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, ý nghĩa, mục đích xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và người lao động trong tỉnh nắm đúng, đầy đủ và kịp thời yêu cầu tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách của Đảng và Nhà nước về xuất khẩu lao động, về thực trạng người lao động Bạc Liêu làm việc ở nước ngoài và sau khi về nước.

- Hàng năm tổ chức điều tra nhu cầu tìm việc làm, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi của người lao động và nhu cầu người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Thường xuyên tổ chức các lớp giáo dục định hướng và đào tạo nghề ngắn hạn cho những người lao động đã qua sơ tuyển, bảo đảm chất lượng nguồn lao động theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động trong nước và các Công ty xuất khẩu lao động theo từng hợp đồng cung ứng cụ thể.

- Tiếp tục quan hệ với các Công ty xuất khẩu lao động có uy tín, tuyển chọn lao động có chất lượng cao khi tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài với điều kiện dễ dàng hơn.

Quan hệ đối tác với các Công ty xuất khẩu mới ở Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng thị trường lao động, mở thêm ngành nghề mới và tạo thêm nhiều cơ hội dự tuyển cho lao động tỉnh nhà.

- Tổ chức vận động các Việt kiều quê ở Bạc Liêu tạo lập hay mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh ở nước ngoài và nhận lao động Việt Nam đến làm việc theo quy định hiện hành của nước sở tại và của Chính phủ Việt Nam.

- Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp về xuất khẩu lao động; Ngân hàng Chính sách - xã hội cần thực hiện việc cho vay tín chấp đối với người lao động trúng tuyển thuộc hộ nghèo, hộ chính sách, người có công với cách mạng và đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định và Ngân sách địa phương hỗ trợ chi phí ban đầu cho người lao động, cho các đối tượng này.

- Các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng làm thủ tục xuất

khẩu lao động kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

- Đơn vị xuất khẩu lao động chịu trách nhiệm đào tạo nghề, giáo dục định hướng cho người lao động theo yêu cầu của bên sử dụng lao động; chịu trách nhiệm đàm phán với bên sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam và giải quyết mọi tranh chấp trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động trên nguyên tắc chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, luật pháp Việt Nam.

- Để tạo thuận lợi cho lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhưng không có khả năng chi trả các khoản chi phí, UBND tỉnh xem xét ra quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động để hỗ trợ cho người lao động học nghề, cho vay vốn xuất khẩu lao động, hỗ trợ cho người lao động bị rủi ro phải về nước trước thời hạn.

Điều 2. Giao UBND tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung chủ yếu của chương trình này thành các chương trình và đề án cụ thể, tổ chức chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình triển khai, căn cứ tình hình thực tế, cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Điều 3. Thường trực HĐND các Ban của HĐND và Đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Khóa VII, kỳ họp thứ sáu thông qua và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày được thông qua./.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Út