Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN; DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG; PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH CẤP TỈNH NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XIX, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ ban hành Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm;

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, tỷ lệ (%) phân chia các nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

Căn cứ Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Căn cứ Quyết định số 2534/QĐ-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023;

Xét Tờ trình số 4795/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023, như sau:

1. Dự toán thu, chi ngân sách năm 2023:

a) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 6.109.000 triệu đồng:

- Thu nội địa: 5.709.000 triệu đồng;

- Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu: 400.000 triệu đồng.

b) Tổng thu ngân sách địa phương: 14.632.237 triệu đồng;

Bao gồm:

- Các khoản thu ngân sách được hưởng theo phân cấp: 5.151.000 triệu đồng;

- Thu bổ sung từ ngân sách trung ương: 9.481.237 triệu đồng.

c) Tổng chi ngân sách địa phương: 14.632.237 triệu đồng;

Bao gồm:

- Chi cân đối ngân sách địa phương: 11.772.871 triệu đồng.

+ Chi đầu tư phát triển (bao gồm nguồn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết): 1.486.886 triệu đồng;

+ Chi thường xuyên: 9.642.671 triệu đồng;

+ Chi đầu tư phát triển các lĩnh vực sự nghiệp: 408.530 triệu đồng;

+ Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính: 1.200 triệu đồng;

+ Chi dự phòng ngân sách: 233.584 triệu đồng.

- Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (vốn sự nghiệp để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ theo quy định; vốn đầu tư để thực hiện các chương trình dự án, nhiệm vụ; thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia): 2.859.366 triệu đồng.

d) Phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh: 13.266.588 triệu đồng:

- Chi cân đối ngân sách cấp tỉnh: 5.442.024 triệu đồng

+ Chi đầu tư phát triển (bao gồm nguồn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết): 1.126.886 triệu đồng;

+ Chi thường xuyên: 3.757.285 triệu đồng;

+ Chi đầu tư phát triển các lĩnh vực sự nghiệp: 408.530 triệu đồng;

+ Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính: 1.200 triệu đồng;

+ Chi dự phòng ngân sách: 148.124 triệu đồng;

- Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương (vốn sự nghiệp để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ theo quy định; vốn đầu tư để thực hiện các chương trình dự án, nhiệm vụ; thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia): 2.859.366 triệu đồng.

- Chi bổ sung cân đối cho ngân sách cấp huyện: 4.965.198 triệu đồng.

(Có c phụ biểu chi tiết kèm theo)

2. Các giải pháp chủ yếu

a) Về thu ngân sách

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực hiện hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo chỉ đạo của Trung ương, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu như chống chuyển giá, các hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số...; đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

- Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng; tập trung quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, Thuế Thu nhập cá nhân của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập... để mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hoàn Thuế Giá trị gia tăng, tổ chức việc thu ngân sách nhà nước hiệu quả.

- Đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hóa đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, cho thuê nhà, các loại phí, lệ phí... Đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan đơn vị để quản lý đối với các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản... thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong ngành Thuế.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; không lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh mới trong các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư, phục hồi mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đã kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Triển khai có hiệu quả việc sử dụng tài sản, trụ sở gắn liền với đất của các cơ quan, đơn vị theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017; từ đó, xử lý phần tài sản đất đai dôi dư sau sắp xếp để tạo nguồn thu từ việc sắp xếp cho ngân sách nhà nước.

b) Về chi ngân sách:

- Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công; ưu tiên nguồn lực vào các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của phục vụ các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với trách nhiệm của người đứng đầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Có cơ chế thúc đẩy đầu tư, liên kết vùng, thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư xã hội.

- Đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ cho các đơn vị. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của Trung ương, ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, mua sắm trang thiết bị đắt tiền.

- Đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp, tạo khung pháp lý đồng bộ, tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tăng cường cơ chế giao dự toán kinh phí cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá phù hợp với thực tế, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, tiếp tục làm tốt công tác phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp với từng giai đoạn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra giá, kết hợp với thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ thao túng thị trường.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính kết hợp chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, toàn diện, xây dựng Chính phủ điện tử; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tính công khai, minh bạch. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước. Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao. Trường hợp dự kiến giảm thu ngân sách địa phương so dự toán được cấp có thẩm quyền giao, địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách, đảm bảo cân đối các nhiệm vụ đã được bố trí trong dự toán.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XIX, Kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- TTT
U, TTHĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TAND, VKSND, Cục THADS tnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn th
ở tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;

- Cổng TTĐT tnh;
- TT Công báo - Tin học (VP UBND tỉnh);
- Lưu: VT, Phòng CT HĐND (TL).

CHỦ TỊCH




Bùi Minh Châu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 24/NQ-HĐND năm 2022 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023 do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 24/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Bùi Minh Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản