Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2013/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ VÀ TRUNG TÂM DẠY NGHỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 8

(Từ ngày 02/12/2013 đến ngày 06/12/2013)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Xét Tờ trình số 78/TTr-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung cơ bản như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Phát triển đồng bộ với cơ cấu hợp lý hệ thống mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng và kỹ thuật, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ khu vực ASEAN và thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.

1.2. Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển

Về lao động qua đào tạo: Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 40% (trong đó trình độ từ sơ cấp trở lên đạt trên 28%); năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 50% (trong đó trình độ từ sơ cấp trở lên đạt trên 40%); năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 90%.

Về mạng lưới trường nghề: Tập trung đầu tư, nâng cấp các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập hiện có nhằm đáp ứng chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Phấn đấu mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất 01 trung tâm dạy nghề hoặc 01 trường trung cấp nghề hoặc 01 trường cao đẳng nghề. Phát triển trường ngoài công lập. Đầu tư nâng cấp một số trường cao đẳng, trung cấp thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, khu vực Asean, cấp vùng và một số trung tâm dạy nghề kiểu mẫu. Tăng cường liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề ở làng nghề và doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2015, toàn Thành phố có 14 trường cao đẳng nghề (trong đó có 01 trường chuẩn quốc tế, 01 trường chất lượng cao), 32 trường trung cấp nghề, 57 trung tâm dạy nghề (trong đó có 01 trung tâm kiểu mẫu); đến năm 2020 có 21 trường cao đẳng nghề (trong đó có 02 trường chuẩn quốc tế, 03 trường cấp khu vực Asean, 01 trường chất lượng cao, 03 trường cấp vùng), 32 trường trung cấp nghề (trong đó có từ 01-03 trường cấp vùng), 66 trung tâm dạy nghề (trong đó có 01 trung tâm kiểu mẫu). Định hướng đến năm 2030 có khoảng 23 trường cao đẳng nghề, 34 trường trung cấp nghề, 73 trung tâm dạy nghề.

Về đội ngũ giáo viên: Đến năm 2020 đội ngũ giáo viên dạy nghề cơ bản đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề, phù hợp với cơ cấu ngành nghề đào tạo, trong đó có 30% số giáo viên dạy cao đẳng nghề và trung cấp nghề có trình độ sau đại học. Định hướng đến năm 2030 có khoảng 50% số giáo viên có trình độ sau đại học.

2. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

2.1. Mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề

a) Đến năm 2015: Giữ nguyên các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề hiện có, hoạt động có hiệu quả. Điều chỉnh đối với các trường hoạt động không hiệu quả. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng các trường dạy nghề và các trung tâm dạy nghề để đảm bảo quy mô và chất lượng, cụ thể:

- Hệ cao đẳng nghề: 14 trường.

+ Trường Cao đẳng nghề công lập: Có 4 trường, trong đó: Đầu tư, nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thành trường chuẩn quốc tế, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thành trường chất lượng cao; duy trì, cải tạo trường Cao đẳng nghề kinh doanh và công nghệ (thuộc doanh nghiệp nhà nước); thành lập mới trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc.

+ Trường cao đẳng nghề ngoài công lập: Có 10 trường, trong đó: Đã có 08 trường, thành lập mới 02 trường ở Sóc Sơn và Hoàng Mai để đào tạo các nghề dịch vụ ăn uống, khách sạn, dịch vụ bảo vệ, an ninh, công nghệ thông tin và phục vụ xuất khẩu lao động.

- Hệ trung cấp nghề: 32 trường.

+ Trường trung cấp nghề công lập: Duy trì, nâng cấp 07 trường, trong đó có 01 trường trung cấp nghề thuộc doanh nghiệp nhà nước.

+ Trường trung cấp nghề ngoài công lập: 25 trường.

- Trung tâm dạy nghề: Có 57 trung tâm.

+ Trung tâm dạy nghề công lập: Có 16 trung tâm, trong đó đầu tư trung tâm Dạy nghề Ba Vì thành trung tâm kiểu mẫu; duy trì, cải tạo, nâng cấp 15 trung tâm dạy nghề thuộc các ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã đang quản lý.

+ Trung tâm dạy nghề ngoài công lập: Có 41 trung tâm, trong đó: Đã có 38 trung tâm, thành lập mới 3 trung tâm ở Phúc Thọ, Mỹ Đức và Sơn Tây để đào tạo các nghề dịch vụ xã hội như: Điều dưỡng, chăm sóc gia đình, trang điểm thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da, chăm sóc tóc, các nghề về công nghệ thông tin, thời trang, các nghề sản xuất đồ gỗ, các nghề thủ công mỹ nghệ…

b) Đến năm 2020: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng các trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề để đáp ứng quy mô đào tạo. Nâng cấp trường trung cấp nghề thành cao đẳng nghề, thành lập mới một số trường cao đẳng nghề và trung tâm dạy nghề.

- Hệ cao đẳng nghề: 21 trường.

+ Trường cao đẳng nghề công lập: Có 6 trường, trong đó: Duy trì, nâng cấp 4 trường đã có, thành lập mới 02 trường trên cơ sở nâng cấp từ trường trung cấp nghề lên cao đẳng nghề (Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội thành Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Phú Xuyên; Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội thành Trường Cao đẳng nghề Du lịch và Khách sạn Hà Nội); duy trì trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tiếp tục đạt tiêu chuẩn quốc tế; trường Cao đẳng nghề Công nghiệp, trường Cao đẳng nghề Du lịch và Khách sạn Hà Nội đạt tiêu chuẩn khu vực Asean; trường Cao đẳng nghề Phú Xuyên đạt trường chất lượng cao. Đảm bảo một số trường có đủ năng lực dạy nghề cho cả vùng ở khu vực Thạch Thất, Sóc Sơn, Phú Xuyên.

+ Trường Cao đẳng nghề ngoài công lập: Có 15 trường, trong đó nâng cấp trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo thành trường chuẩn quốc tế, trường Cao đẳng nghề Thăng Long đạt tiêu chuẩn khu vực Asean; thành lập mới 05 trường ở các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Mỹ Đức và Thị xã Sơn Tây.

- Hệ trung cấp nghề: 32 trường.

+ Trường trung cấp nghề công lập: Có 7 trường, trong đó có 01 trường trung cấp nghề thuộc doanh nghiệp nhà nước. Nâng cấp Trung tâm dạy nghề của Hội Người mù Thành phố thành trường Trung cấp nghề dành cho người khuyết tật. Nâng cấp Trung tâm dạy nghề Ứng Hòa thành trường Trung cấp nghề Ứng Hòa. Giảm trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn do nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề Du lịch và Khách sạn Hà Nội. Giảm Trường Trung cấp nghề số 1 do nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề Chất lượng cao Phú Xuyên.

+ Trường trung cấp nghề ngoài công lập: Có 25 trường.

- Trung tâm dạy nghề: Có 66 trung tâm.

+ Trung tâm dạy nghề công lập: Có 18 trung tâm, trong đó: Duy trì, nâng cấp 14 trung tâm dạy nghề đã có; giảm 02 trung tâm do nâng cấp thành 02 trường trung cấp nghề (Trung tâm dạy nghề Ứng Hòa, Trung tâm dạy nghề của Hội Người mù Thành phố); thành lập mới 4 trung tâm dạy nghề tại các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức. Xây dựng Trung tâm Dạy nghề Ba Vì, Thanh Trì là trung tâm kiểu mẫu.

+ Trung tâm dạy nghề ngoài công lập: Có 48 trung tâm, trong đó: Duy trì hoạt động của 41 Trung tâm dạy nghề đã có; thành lập mới 7 trung tâm dạy nghề tại Đan Phượng, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn.

c) Đến năm 2030

- Trường cao đẳng nghề: 23 trường.

+ Trường cao đẳng nghề công lập: 06 trường.

+ Trường cao đẳng nghề ngoài công lập: 17 trường, trong đó 15 trường đã có, thành lập mới 2 trường tại Sóc Sơn, Ứng Hòa.

- Trường trung cấp nghề: 34 trường.

+ Trường trung cấp nghề công lập: 07 trường, trong đó 1 trường thuộc doanh nghiệp nhà nước.

+ Trường trung cấp nghề ngoài công lập: 27 trường, trong đó có 25 trường đã có, thành lập mới 2 trường.

- Trung tâm dạy nghề: 73 trung tâm.

+ Trung tâm dạy nghề công lập: 18 trung tâm.

+ Trung tâm dạy nghề ngoài công lập: 55 trung tâm, trong đó 48 trung tâm đã có, thành lập mới 7 trung tâm.

- Duy trì các trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, các trường chất lượng cao, trường đạt tiêu chuẩn khu vực Asean, trường cấp vùng và các Trung tâm kiểu mẫu.

2.2. Quy hoạch cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo

- Phát triển đào tạo nghề cả về quy mô và chất lượng theo ba cấp trình độ: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề. Trong đó, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo, nhằm đảm bảo sự đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo và cơ cấu trình độ nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

- Tập trung đào tạo đội ngũ lao động làm việc trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng quy mô đào tạo các nghề thuộc nhóm nghề thu hút học viên theo học: Điện công nghiệp, điện dân dụng, điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô; cắt gọt kim loại, hàn, lập trình máy tính, quản trị mạng máy tính, nguội chế tạo; nguội sửa chữa máy công cụ, nguội lắp ráp cơ khí, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, vẽ thiết kế trên máy tính, quản trị cơ sở dữ liệu, hệ thống điện, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính…

- Phát triển dạy nghề truyền thống ở các làng nghề.

- Liên kết dạy nghề trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2.3. Quy hoạch cơ sở vật chất trang thiết bị

Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, đồng bộ, đảm bảo đủ các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động dạy, học và giáo dục toàn diện.

Đến năm 2020: 100% số trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đạt chuẩn về đất đai, trang thiết bị, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và khu rèn luyện thể chất.

2.4. Quy hoạch đội ngũ giáo viên dạy nghề

Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, đạt chuẩn trình độ đào tạo về lý thuyết, thực hành, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề, có trình độ tin học, ngoại ngữ để áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đảm bảo đạt tiêu chuẩn tỷ lệ giáo viên trên số lượng học sinh là 1/20. Đến năm 2020, có 30% số lượng giáo viên trong các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề có trình độ sau đại học, có 50% số lượng giáo viên sử dụng thành thạo các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dạy. Định hướng đến năm 2030, có khoảng 50% số giáo viên có trình độ đại học và 100% giáo viên sử dụng thành thạo các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dạy.

2.5. Chương trình và giáo trình dạy nghề

Xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận với trình độ tiên tiến, đảm bảo đào tạo liên thông, theo phương pháp phân tích nghề, tích hợp kiến thức, kỹ năng.

Đến năm 2020: Các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề có đủ chương trình, giáo trình dạy nghề được xây dựng theo hướng hiện đại, phù hợp với từng nghề, nhóm nghề đào tạo.

3. Một số giải pháp

3.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và xã hội về học nghề và dạy nghề

- Tăng cường quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, về dạy nghề, học nghề; ưu tiên đầu tư phát triển dạy và học nghề, coi dạy và học nghề là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền để toàn xã hội nhận thức đúng vị trí, vai trò của học nghề, dạy nghề. Đổi mới phương pháp dạy và học nghề theo hướng linh hoạt, chất lượng, gắn việc dạy và học nghề với nhu cầu xã hội, với kinh tế thị trường.

3.2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề

- Làm tốt công tác phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông để hướng nghiệp học nghề.

- Thực hiện kiểm định cơ sở dạy nghề và kiểm định chương trình đào tạo.

Các cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng dạy nghề, tiêu chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp; tự kiểm định chất lượng dạy nghề và chịu sự đánh giá định kỳ của các cơ quan kiểm định chất lượng dạy nghề.

3.3. Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa phát triển mạng lưới dạy nghề

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động tối đa sự tham gia của doanh nghiệp, làng nghề trong việc phát triển dạy nghề dưới các hình thức như tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, đầu tư cho cơ sở dạy nghề; liên kết với các cơ sở dạy nghề, trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo nghề, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dạy nghề. Khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí đào tạo nghề khi tiếp nhận lao động đã qua đào tạo.

- Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập trường nghề, trung tâm dạy nghề; kiên kết với trường nghề trong đào tạo và giải quyết việc làm. Xây dựng các mô hình, hình thức và phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo.

3.4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề

- Mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước thành công trong phát triển đào tạo nghề. Khuyến khích hợp tác với trường đào tạo nghề của các nước phát triển và trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi giáo viên, chuyên gia đào tạo; chuyển giao công nghệ, phương pháp giảng dạy.

- Hợp tác nghiên cứu khoa học về dạy nghề, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghề dạy nghề tiên tiến để nâng cao chất lượng dạy nghề. Tích cực tham gia các hoạt động quốc tế và dạy nghề.

3.5. Nguồn vốn thực hiện quy hoạch

- Nâng dần tỷ trọng đầu tư cho dạy nghề trên 13% trong tổng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo, tập trung đầu tư cho những cơ sở dạy nghề trọng điểm, các vùng khó khăn, khu vực ngoại thành; phát triển chương trình; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, nhóm yếu thế trong xã hội và phổ cập nghề cho người lao động.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển dạy nghề bao gồm: Nhà nước, doanh nghiệp, người học, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, trong đó có nguồn ngân sách nhà nước là quan trọng.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định hiện hành.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2013./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Thị Doãn Thanh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND thông qua quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 23/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 04/12/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Thị Doãn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản