Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 214/2020/NQ-HĐND

Lâm Đồng, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 17

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 01/2020/TT-BXD ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;

Xét Tờ trình số 9631/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết tắt là PCCC) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đưa vào sử dụng trước ngày 04/10/2001 (ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực), gồm:

1. Các cơ sở không đáp ứng một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 và Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

2. Các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người nhưng không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC tới các công trình xung quanh theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết này.

2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động PCCC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Tuân thủ việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định về PCCC tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các giải pháp cải tạo, bổ sung phải bảo đảm an toàn PCCC, phù hợp với thực tế cơ sở.

2. Không làm gián đoạn kinh doanh, sản xuất của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài, đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về PCCC theo hướng phát triển phù hợp với quy hoạch.

3. Phương án di chuyển các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người phải phù hợp quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển của tỉnh.

Điều 4. Quy định việc xử lý đối với cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực phải thực hiện các biện pháp khắc phục đối với từng nội dung không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy, cụ thể:

1. Về bố trí mặt bằng, công năng sử dụng:

Thực hiện bố trí, sắp xếp lại công năng của các tầng, các khu vực trong cơ sở phải đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chống cháy theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành đối với từng loại hình cơ sở.

2. Về giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Nhà, công trình phải đảm bảo đường cho xe chữa cháy tiếp cận công trình. Đường cho xe chữa cháy phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chiều rộng, chiều dài, chiều cao thông thủy, tải trọng của đường giao thông, bãi quay xe, bãi đỗ xe theo quy định tại QCVN 06:2020/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “An toàn cháy cho nhà và công trình” được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2020/TT-BXD ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

3. Về khoảng cách phòng cháy, chống cháy giữa nhà và công trình:

a) Nhà, công trình phải đảm bảo yêu cầu về khoảng cách phòng cháy, chống cháy theo quy đị.nh tại Phụ lục E QCVN 06: 2020/BXD.

b) Trường hợp khoảng cách PCCC từ một ngôi nhà đến các ngôi nhà và công trình xung quanh được lấy nhỏ hơn các quy định tại mục E.1 (Bảng E1), mục E.2 (Bảng E2) Phụ lục E QCVN 06: 2020/BXD sau khi được sự chấp thuận của cơ quan PCCC có thẩm quyền.

c) Trong trường hợp khoảng cách an toàn PCCC các nhà, công trình hiện hữu không thể đảm bảo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, cho phép áp dụng một trong các giải pháp sau để giữ nguyên vị trí nhà, công trình:

Xây tường ngăn cháy trong khoảng trống tiếp giáp của 02 nhà, công trình. Tường ngăn cháy phải đảm bảo theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành;

Làm màn nước ngăn cháy thay thế tường ngăn cháy phía tiếp giáp giữa 02 công trình. Màn nước ngăn cháy bố trí thành 02 dải cách nhau 0,5m và cường độ phun không nhỏ hơn 01 lít/giây cho mỗi mét chiều dài màn nước (tính chung cho cả 02 dải). Khoảng thời gian duy trì màn nước ít nhất là 01 giờ;

Cải tạo tường của ngôi nhà, công trình cao hơn phía tiếp giáp nhà, công trình khác thành tường ngăn cháy.

4. Về bậc chịu lửa:

a) Nhà và công trình phải đảm bảo bậc chịu lửa quy định tại Bảng 4 QCVN 06: 2020/BXD phù hợp với số tầng giới hạn (chiều cao cho phép) và diện tích khoang cháy của nhà quy định tại Phụ lục H QCVN 06: 2020/BXD.

b) Trong trường hợp bậc chịu lửa của nhà, công trình không đảm bảo theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này, cho phép thực hiện áp dụng một trong các giải pháp sau:

Lắp đặt các trần, tường ngăn sử dụng vật liệu ngăn cháy phù hợp để nâng cao giới hạn chịu lửa của các cấu kiện bảo đảm quy định;

Đối với các kết cấu của nhà, công trình như: cột, dầm, sàn, hệ kết cấu đỡ, mái, tường... có giới hạn chịu lửa thấp hơn quy định, tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại kết cấu có thể sử dụng giải pháp bảo vệ các kết cấu như: sơn chống cháy, bọc bằng gạch, trát bằng thạch cao hoặc xi măng - vôi, bê tông hoặc bê tông đá bọt phun lên cấu kiện, để tăng giới hạn chịu lửa của nhà, công trình theo quy định.

5. Về lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp, đường thoát nạn, cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn:

a) Theo từng loại hình, cơ sở phải đảm bảo yêu cầu lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp quy định tại Mục 3.2 QCVN 06: 2020/BXD, đường thoát nạn quy định tại Mục 3.3 QCVN 06: 2020/BXD, cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn theo quy định tại Mục 3.4 QCVN 06: 2020/BXD.

b) Đối với các cơ sở theo quy định phải có 02 cầu thang thoát nạn trở lên nhưng thực tế chỉ có 01 cầu thang thoát nạn, phải có giải pháp bố trí bổ sung 01 cầu thang bộ theo quy định.

c) Trong trường hợp không thể bổ sung cầu thang bộ được thì phải tăng cường an toàn cho người trong quá trình thoát nạn; áp dụng bằng một trong các giải pháp sau:

Toàn bộ công trình phải được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động;

Thang thoát nạn hiện có phải được đặt trong buồng thang kín có áp suất không khí dương khi cháy;

Nếu các công trình liền kề có cùng độ cao thì có thể bổ sung lối đi sang các công trình liền kề với điều kiện công trình liền kề phải đảm bảo các quy định về lối thoát nạn theo yêu cầu của Mục 3.2 và 3.3 QCVN 06: 2020/BXD.

Ngoài việc áp dụng một trong ba giải pháp trên, còn phải áp dụng các giải pháp sau:

Bố trí người trực thường xuyên tại cơ sở;

Trang bị thiết bị phục vụ thoát nạn như: thang dây, thang móc, ròng rọc, ống tụt tại mỗi tầng (trừ tầng 1).

6. Về ngăn chặn cháy lan:

a) Theo từng loại hình, cơ sở phải đảm bảo các yêu cầu về ngăn chặn cháy lan quy định tại Mục 4 QCVN 06: 2020/BXD.

b) Khi cơ sở không đảm bảo quy định về ngăn chặn cháy lan theo điểm a khoản 6 Điều này, cho phép áp dụng một trong các giải pháp sau:

Xây tường ngăn cháy phân chia mặt bằng thành các khoang cháy có diện tích đảm bảo quy định;

Sử dụng màn nước ngăn cháy thay thế tường ngăn cháy. Màn nước ngăn cháy bố trí thành 02 dải cách nhau 0,5m và cường độ phun không nhỏ hơn 01 lít/giây cho mỗi mét chiều dài màn nước (tính chung cho cả 02 dải). Khoảng thời gian duy trì màn nước ít nhất là 01 giờ;

Giới hạn chịu lửa của các cấu kiện và bộ phận của nhà trong 01 khoang cháy phải đảm bảo theo quy định tại bảng 4 của QCVN 06/2020/BXD.

7. Về trang bị phương tiện PCCC và hệ thống kỹ thuật có liên quan về PCCC:

a) Yêu cầu và định mức trang bị phương tiện về PCCC, hệ thống kỹ thuật có liên quan về PCCC thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2009 - Phương tiện PCCC cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng (sau đây gọi tắt là TCVN 3890:2009) và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hiện hành.

b) Đối với các cơ sở trang bị bình chữa cháy chưa đúng chủng loại theo quy định tại TCVN 3890:2009, cho phép tiếp tục sử dụng nhưng khi trang bị mới và thay thế phải theo đúng chủng loại được quy định tại TCVN 3890:2009.

c) Đối với cơ sở thuộc diện phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động theo quy định tại Phụ lục C TCVN 3890:2009, các cơ sở phải trang bị theo đúng quy định để đảm bảo an toàn PCCC.

8. Đối với các cơ sở không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục nêu trên phải thay đổi tính chất sử dụng công trình đảm bảo quy định về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 5. Quy định việc xử lý các cơ sở là kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC

1. Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện di chuyển các cơ sở là kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mở, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu dân cư, nơi đông người không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC phù hợp với quy hoạch, phát triển của tỉnh.

3. Căn cứ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian chờ cải tạo, di chuyển, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm xây dựng lộ trình giảm quy mô, công suất (nếu có sản xuất) và giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ gửi về cơ quan có thẩm quyền xem xét; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan theo TCVN 3890:2009.

4. Các công trình cấp khí đốt sau khi di chuyển cần đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và quy hoạch quy định tại Mục 2.3 của QCVN 07-6:2016/BXD, Mục 2.6.12 của QCVN 01:2019/BXD và các yếu tố kỹ thuật khác theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn chuyên ngành khác có liên quan.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó quy trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp và từng đối tượng; xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể.

2. Các cơ quan, tổ chức và hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh phải thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết này, trường hợp không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật

3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa IX, Kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2020./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Đức Quận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 214/2020/NQ-HĐND quy định về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy 27/2001/QH10 có hiệu lực

  • Số hiệu: 214/2020/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Đức Quận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản