Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 20/2016/QH14

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2016

NGHỊ QUYẾT

THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ CẢI CÁCH TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐOẠN 2011-2016”

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

1. Thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011¬-2016”.

2. Thành phần Đoàn giám sát và kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết này.

3. Đoàn giám sát có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2017; trình báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 4.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 2

1. Giao ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát, chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát.

Giao ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn thường trực, chủ trì giúp Đoàn giám sát về nội dung của chuyên đề giám sát.

Giao ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn, chủ trì giúp Đoàn giám sát về xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.

Giao ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm Phó trưởng Đoàn.

Giao Trưởng Đoàn giám sát dự kiến danh sách Ủy viên Đoàn giám sát trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

2. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và yêu cầu của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát.

Điều 3

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2016.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

THÀNH PHẦN ĐOÀN GIÁM SÁT
“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 20/2016/QH14 của Quốc hội)

I. THÀNH VIÊN ĐOÀN GIÁM SÁT

1. Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn;

2. Ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực;

3. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn;

4. Ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng đoàn;

5. 06 Ủy viên là Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội;

6. 01 Ủy viên là Thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội;

7. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội;

8. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội;

9. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội;

10. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội;

11. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội;

12. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội;

13. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;

14. 01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội;

15. 01 Ủy viên là lãnh đạo Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

16. 05 Ủy viên là đại biểu Quốc hội am hiểu về nội dung chuyên đề giám sát;

17. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát.

II. ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA ĐOÀN GIÁM SÁT

1. Đại diện Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

2. Đại diện lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương;

3. 05 chuyên gia trong lĩnh vực cải cách hành chính (do Đoàn giám sát quyết định).

4. Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát.

KẾ HOẠCH GIÁM SÁT
“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 20/2016/QH14 của Quốc hội)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

- Đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

- Đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; kiến nghị các biện pháp để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

2. Yêu cầu

- Xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

- Đảm bảo thực hiện đúng thời gian và tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch giám sát này.

II. PHẠM VI GIÁM SÁT

Quốc hội giám sát cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trên phạm vi cả nước giai đoạn 2011-2016.

III. ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

1. Cơ quan chịu giám sát ở trung ương

Chính phủ báo cáo chung (cả nước) về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; các bộ, cơ quan, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình, đồng thời gửi báo cáo cho Chính phủ để tổng hợp báo cáo chung.

2. Cơ quan chịu giám sát ở địa phương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Đoàn giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thuộc phạm vi của tỉnh, thành phố, đồng thời gửi báo cáo cho Chính phủ và Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương.

IV. NỘI DUNG GIÁM SÁT

Đoàn giám sát thực hiện các nội dung giám sát sau đây:

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016;

2. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;

3. Đánh giá việc thực hiện chính sách, quy định của pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;

4. Xem xét, đánh giá các nhân tố liên quan ảnh hưởng đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (như thể chế; cơ chế điều hành thực thi công vụ; nguồn nhân lực; phương pháp quản lý; thông tin truyền thông; đảm bảo công khai minh bạch...);

5. Làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

V. PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT

Đoàn giám sát thực hiện giám sát thông qua các hoạt động sau đây:

1. Yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan gửi báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát;

2. Nghe Chính phủ và các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương và địa phương báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016;

3. Nghiên cứu, đánh giá các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan ở trung ương và địa phương về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; nghiên cứu, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016;

4. Tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại một số bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ và địa phương;

5. Yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tổ chức giám sát và gửi báo cáo đến Đoàn giám sát;

6. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 để thu thập thông tin, đóng góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát;

7. Quốc hội ra nghị quyết về chuyên đề giám sát.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Triển khai công tác chuẩn bị (trước tháng 12/2016)

Đoàn giám sát triển khai các hoạt động sau:

- Công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát (kèm thành phần và kế hoạch giám sát) theo quy định; gửi văn bản đến các cơ quan hữu quan;

- Thành lập Tổ giúp việc;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định danh sách Ủy viên Đoàn giám sát;

- Xây dựng Đề cương báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát;

- Gửi văn bản đến các cơ quan:

+ Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo đến Đoàn giám sát;

+ Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tổ chức giám sát tại địa phương, gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát;

- Trên cơ sở Kế hoạch giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết, Đoàn giám sát xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết để triển khai thực hiện cho cả quá trình hoạt động của Đoàn giám sát. Trong đó, thể hiện rõ cách thức tổ chức, tiến độ cụ thể thực hiện các hoạt động giám sát; xây dựng báo cáo kết quả giám sát; thành lập các Đoàn công tác; phân công nhiệm vụ và các vấn đề liên quan khác;

- Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho Đoàn giám sát thực hiện Kế hoạch giám sát;

- Thu thập cơ sở pháp lý, tư liệu, thông tin liên quan đến chuyên đề giám sát; chuẩn bị bộ tài liệu phục vụ thành viên Đoàn giám sát;

- Tổ chức họp triển khai công tác của Đoàn giám sát; tuyên truyền về hoạt động giám sát chuyên đề.

2. Tổng hợp báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị (tháng 01-5/2017)

- Đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị gửi báo cáo theo nội dung đã được yêu cầu.

- Tiêp nhận và nghiên cứu báo cáo, tài liệu của các cơ quan gửi cho Đoàn giám sát.

- Tiếp nhận thông tin, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

- Tổng hợp báo cáo của các cơ quan theo Đề cương báo cáo kết quả giám sát được duyệt; yêu cầu báo cáo bổ sung (nếu có).

- Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ, các cơ quan có liên quan để xem xét báo cáo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

- Đoàn giám sát tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương, đơn vị liên quan.

- Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành giám sát tại địa phương và báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát.

3. Xây dựng báo cáo kết quả giám sát (tháng 6-9/2017)

- Đoàn giám sát tổng hợp và xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.

- Tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đóng góp vào dự thảo Báo cáo.

- Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.

- Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2017.

4. Phục vụ Quốc hội giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề (tháng 10-11/2017)

- Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 4.

- Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 20/2016/QH14 thành lập Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 20/2016/QH14
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 28/07/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 891 đến số 892
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản