Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ VĂN GIANG, TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ NHẤT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050;

Thực hiện Văn bản số 329-CV/VPTU ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồ án quy hoạch chung đô thị Văn Giang;

Xét Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua đồ án quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra số 394/BC-KTNS ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua đồ án quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:

1. Phạm vi, diện tích và quy mô nghiên cứu lập quy hoạch

1.1. Phạm vi lập quy hoạch: theo địa giới hành chính của huyện Văn Giang gồm 11 đơn vị hành chính (01 thị trấn Văn Giang và 10 xã).

1.2. Diện tích lập quy hoạch: bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Văn Giang khoảng 7.194,82ha.

1.3. Dự báo quy mô dân số: dự báo dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 250.000 người; đến năm 2040 khoảng 350.000 người và tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 500.000 người.

2. Mục tiêu, tầm nhìn và tính chất, chức năng của đô thị

2.1. Mục tiêu, tầm nhìn

- Giai đoạn đến năm 2025: tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khung, các khu chức năng có tính động lực; phát triển các khu đô thị xanh, kiểu mẫu; lần lượt đạt các tiêu chuẩn đô thị loại IV, loại III.

- Giai đoạn năm 2025-2030: xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và kiến trúc hiện đại, phát triển thương mại dịch vụ nhanh và mạnh, tiến tới thành lập thị xã Văn Giang.

- Giai đoạn năm 2030-2040: hoàn chỉnh việc xây dựng hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng - không gian sống tiện nghi, xanh, sạch, tiến tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.

- Tầm nhìn đến năm 2050: trở thành đô thị xanh, hiện đại, sôi động, đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của Vùng Thủ đô Hà Nội, phát triển bền vững.

2.2. Tính chất và chức năng đô thị

- Là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực.

- Là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước.

3. Định hướng phát triển không gian, phân khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất đô thị

3.1. Phân vùng không gian đô thị

- Vùng đô thị hóa tập trung: phần diện tích chọn đất xây dựng các khu đô thị được xác định trên cơ sở mở rộng của thị trấn Văn Giang hiện nay và gắn kết với 2 khu đô thị lớn là khu đô thị Ecopark và Dream City, gồm từng phần hoặc toàn bộ địa phận hành chính các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng, Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ.

- Xung quanh vùng đô thị hóa tập trung là các vùng đệm (phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic, thương mại, dịch vụ…).

- Vùng bãi ngoài đê (phát triển đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, cảnh quan môi trường, quản lý xây dựng theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) gắn với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp.

3.2. Tổ chức không gian đô thị

- Không gian khu đô thị: tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, Long Hưng, Nghĩa Trụ, Liên Nghĩa & thị trấn Văn Giang.

- Không gian đô thị - thương mại dịch vụ gắn với ga đường sắt nội vùng: Tập trung chủ yếu tại khu vực xã Long Hưng, Tân Tiến.

- Không gian đô thị - du lịch - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí: tập trung chủ yếu tại vùng bãi ngoài đê sông Hồng.

- Không gian đô thị - công nghiệp sạch và dịch vụ logistic: tập trung chủ yếu dọc theo đường vành đai 4, xã Tân Tiến, Vĩnh Khúc.

- Không gian đô thị - nông nghiệp - sinh thái: tập trung chủ yếu tại khu vực ngoài bãi thuộc các xã Xuân Quan, Phụng Công; phía trong đồng của các xã Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở.

3.3. Phân khu vực quản lý phát triển đô thị gồm: phân khu đô thị - du lịch - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí; phân khu đô thị - thương mại - dịch vụ gắn với ga đường sắt nội vùng; phân khu đô thị - công nghiệp sạch và dịch vụ logistic; phân khu đô thị - nông nghiệp - sinh thái; các phân khu đô thị thuộc địa giới hành chính các xã; hành lang bảo vệ đê.

3.4. Quy hoạch sử dụng đất

Các chỉ tiêu sử dụng đất đô thị được tính toán theo tiêu chuẩn đô thị loại II, cụ thể như sau:

- Đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 3.390,91 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.170,52 ha, đất khác trong dân dụng khoảng 371,09 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 849,3 ha); đất khác khoảng 3.803,91 ha.

- Đất xây dựng đến năm 2040 khoảng 4.141,57 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.561,11 ha, đất khác trong dân dụng khoảng 629,56 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 950,90 ha); đất khác khoảng 3.053,25 ha.

- Đất xây dựng đến năm 2050 khoảng 5.914,72 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 4.050,83 ha, đất khác trong dân dụng khoảng 809,56 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 1.054,33 ha); đất khác khoảng 1.280,1 ha.

4. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

4.1. Hệ thống giao thông

a) Giao thông đường bộ đối ngoại gồm các tuyến: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô 6 làn xe; tuyến đường vành đai 4 quy mô 6 làn xe và tuyến đường vành đai 3,5 vùng Thủ đô, quy mô 6 làn xe.

b) Giao thông trục chính quan trọng

- Đường bên (đường gom) đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô 6 làn xe mỗi bên.

- Đường bên (đường gom) đường vành đai 4 tuân thủ Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam.

- Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên: quy mô 8 làn xe, lộ giới đoạn qua đô thị Ecopark là 100 m, đoạn còn lại 77 m.

- Đường Sông Hồng (xây dựng mới ngoài bãi sông): quy mô 10 làn xe, lộ giới 60 m, hành lang lưu không mỗi bên 10 m.

c) Giao thông đô thị

- Tận dụng hợp lý mạng lưới đường giao thông hiện có, nâng cấp cải tạo đạt tiêu chuẩn đường đô thị; xây dựng mới các tuyến đường đô thị có lộ giới từ 20 m đến 77 m. Xây mới 01 bến xe và 03 bãi đỗ xe của đô thị gắn với các khu trung tâm.

d) Giao thông đường sắt; giao thông đường thủy: thực hiện theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016.

4.2. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác

Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như: san nền, cấp nước, cấp điện, thoát nước mưa, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang được nghiên cứu, tính toán đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chuẩn tính toán cho đô thị loại II, phù hợp với đặc trưng địa hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Đồ án quy hoạch đã xây dựng khung thiết kế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược cho huyện, làm cơ sở quản lý quy hoạch và xây dựng; đề xuất lộ trình thực hiện với các dự án trọng tâm, trọng điểm nhằm định hướng đầu tư và lập kế hoạch xây dựng. Việc lập quy hoạch chung đô thị để tiến tới thành lập thị xã Văn Giang là động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung; góp phần thúc đẩy phát triển của vùng Thủ đô; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định pháp luật hiện hành; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ Nhất nhất trí thông qua ngày 30 tháng 6 năm 2021 và có hiệu lực kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Quốc Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 19/NQ-HĐND năm 2021 về thông qua đồ án quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 19/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 30/06/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Trần Quốc Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản