Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 9 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN PHÂN TÁN, NHỎ LẺ VÀ THAN BÙN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật khoáng sản năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP, ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Sau khi xem xét Tờ trình số 306/TTr-UBND, ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (KSPTNL) và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng KSPTNL và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 16 khu vực, có tổng diện tích 130,58 ha, gồm các nội dung sau đây:

Chương I

NỘI DUNG QUY HOẠCH

Điều 1. Khoáng sản Ilmenit

1. Cơ sở địa chất khoáng sản

Các khu vực đã được đánh giá trữ lượng, chất lượng quặng titan trên diện tích: khu vực 1 (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân) 9,18 ha; khu vực 2 (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) 11,81 ha; khu vực 3 (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) 20,33 ha.

2. Hiện trạng

Các khu vực trên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cấp phép khai thác cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh - CTCP tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 2706/GP-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2015.

3. Quy hoạch

Tổng diện tích quy hoạch: 15,88 ha, trữ lượng cấp 122: 17,8 ngàn tấn.

a) Khu vực 1 (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân): Diện tích: 5,19 ha, trữ lượng cấp 122: 5,4 ngàn tấn;

b) Khu vực 2 (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân): Diện tích: 8,30 ha, trữ lượng cấp 122: 7,2 ngàn tấn;

c) Khu vực 3 (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân): Diện tích: 2,39 ha, trữ lượng cấp 122: 5,2 ngàn tấn.

Điều 2. Khoáng sản sắt Limonit

1. Cơ sở địa chất khoáng sản

Các khu vực đã được đánh giá khoáng sản tỷ lệ 1:5.000, tổng tài nguyên cấp 333 trên các khu vực cụ thể như sau: khu vực Xuân Mai (xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn): 653 ngàn tấn; khu vực Hòn Bàn (xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang): 403 ngàn tấn; khu vực Hói Trươi (xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang): 292 ngàn tấn.

2. Hiện trạng

a) Khu vực Xuân Mai: Không thuộc vùng cấm hoạt động khoáng sản, toàn bộ diện tích 53 ha công bố KSPTNL thuộc đất rừng sản xuất;

b) Khu vực Hòn Bàn: Không thuộc vùng cấm hoạt động khoáng sản, toàn bộ diện tích 35,4 ha công bố KSPTNL thuộc đất rừng sản xuất và có một số nhà dân;

c) Khu vực Hói Trươi: Trong tổng số diện tích 54,7 ha công bố KSPTNL, có 26,4 ha thuộc vùng cấm hoạt động khoáng sản, 28,3 ha thuộc đất rừng sản xuất và một số nhà dân.

3. Quy hoạch

Tổng diện tích quy hoạch: 69,3 ha, tài nguyên cấp 333: 1.077 ngàn tấn, gồm:

a) Khu vực Xuân Mai: Diện tích quy hoạch được chia làm 2 khu vực: Khu vực 1: Diện tích: 14,3 ha, tài nguyên cấp 333 dự báo: 362 ngàn tấn sắt, trong đó quặng eluvi - deluvi: 199 ngàn tấn; khu vực 2: Diện tích: 8,4 ha, tài nguyên cấp 333 dự báo: 124 ngàn tấn sắt;

b) Khu vực Hòn Bàn: Diện tích quy hoạch được chia làm 2 khu vực: Khu vực 1: Diện tích: 19,9 ha, tài nguyên cấp 333 dự báo: 267,0 ngàn tấn sắt, trong đó quặng sắt eluvi - deluvi là 223 ngàn tấn; khu vực 2: Diện tích 3,6 ha, tài nguyên cấp 334a dự báo: 28,0 ngàn tấn;

c) Khu vực Hói Trươi: Diện tích quy hoạch chia làm 2 khu vực: Khu vực 1: Diện tích 5,0 ha, tài nguyên cấp 333 dự báo: 67 ngàn tấn; khu vực 2: Diện tích 18,1 ha, tài nguyên cấp 333 dự báo: 229 ngàn tấn.

Điều 3. Khoáng sản Kaolin

1. Cơ sở địa chất khoáng sản

Đã thăm dò, đánh giá tiềm năng khoáng sản và được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phê duyệt “Báo cáo đánh giá tiềm năng khoáng sản điểm sét kaolin Kỳ Sơn, Kỳ Anh” theo Quyết định số 813/QĐ-ĐCKS ngày 30 tháng 12 năm 2013.

2. Hiện trạng

Phần lớn diện tích phân bố trong đất rừng sản xuất thuộc địa phận xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh.

3. Lập quy hoạch

Diện tích lựa chọn quy hoạch: 14,6 ha, tài nguyên cấp 333: 37.500 tấn.

Điều 4. Khoáng sản than bùn

1. Cơ sở địa chất khoáng sản

Các khu vực khoáng sản than bùn lựa chọn khoanh định đã được điều tra, đánh giá sơ bộ về quy mô, chất lượng đảm bảo làm phân vi sinh. Tất cả các khu vực đều không thuộc vùng cấm hoạt động khoáng sản.

2. Hiện trạng

a) Than bùn xóm 5, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân: Diện tích: 11,5 ha, trong đó đầm lầy chiếm 1/3 diện tích, còn lại là đất trồng lúa một vụ;

b) Than bùn xóm 8, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân: Diện tích: 4,7 ha là đất trồng lúa một vụ đã được giao cho nhân dân;

c) Than bùn thôn Thông Tự, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ: Diện tích 4,1 ha, trong đó 2/3 diện tích chứa than bùn là đất trồng lúa một vụ, còn lại là đầm lầy;

d) Than bùn xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ: Diện tích 7,1 ha thuộc đất trồng lúa một vụ;

đ) Than bùn thôn 6, xã Đức Lập và thôn 1, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ: Diện tích 2,3 ha, phần lớn đất hoang hóa, sình lầy, phần cao được bà con trồng lúa một vụ;

e) Than bùn xóm 2, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ: Diện tích quy hoạch 1,1 ha, đất hoang hóa, sình lầy, phần cao được bà con trồng lúa một vụ.

3. Lập quy hoạch

Tổng diện tích khoanh định 30,8 ha, tài nguyên dự báo 262.7 ngàn m3.

a) Than bùn xóm 5, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân: Diện tích quy hoạch: 11,5 ha; tài nguyên cấp 334a khoảng: 108,9 ngàn m3;

b) Than bùn xóm 8, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân: Diện tích quy hoạch: 4,7 ha; tài nguyên cấp 334a khoảng: 57,3 ngàn m3;

c) Than bùn thôn Thông Tự, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ: Diện tích quy hoạch: 4,1 ha; tài nguyên cấp 334a khoảng 20,3 ngàn m3;

d) Than bùn xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ: Diện tích quy hoạch: 7,1 ha; tài nguyên còn lại cấp 333 khoảng: 37,4 ngàn m3;

đ) Than bùn thôn 6 xã Đức Lập và thôn 1 xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ: Diện tích quy hoạch: 2,3 ha, tài nguyên dự báo khoảng: 25,6 ngàn m3;

e) Than bùn xóm 2 xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ: Diện tích quy hoạch: 1,1 ha, tài nguyên dự báo khoảng: 13,2 ngàn m3.

Chương II

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Điều 5. Huy động và thu hút nguồn lực

1. Tăng cường thu hút, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, công nghệ... tham gia đầu tư lâu dài vào thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Huy động tối đa nguồn vốn của địa phương và thu hút nguồn vốn trong nước. Các doanh nghiệp phải nghiên cứu phát triển thị trường, khai thác thị trường trong nước, chất lượng sản phẩm có tính cạnh tranh.

2. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ năng lực chủ động tự thăm dò hoặc kết hợp với các đơn vị tư vấn có năng lực để thăm dò trên diện tích cấp phép. Kết quả thăm dò doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và báo cáo cấp có thẩm quyền để quản lý. Đối với những khu vực đã thăm dò tạo điều kiện cho doanh nghiệp lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp phép khai thác (để tránh thiệt hại về đầu tư bắt buộc các khu vực quy hoạch mới điều tra phải thăm dò, làm cơ sở để lập dự án khai thác mỏ theo quy định của pháp luật); thời hạn khai thác tùy thuộc vào trữ lượng mỏ.

Điều 6. Khai thác, chế biến sản phẩm

1. Sản phẩm khai thác được chế biến, ưu tiên phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh; không xuất khẩu khoáng sản thô (trường hợp các sản phẩm khoáng sản không tiêu thụ được trong tỉnh, do trong tỉnh chưa có nhu cầu sử dụng thì tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đã tuyển cho các nhà máy trong nước hoặc xuất khẩu để doanh nghiệp có kinh phí đầu tư tái sản xuất, tránh tồn đọng sản phẩm lâu dài).

2. Lựa chọn công nghệ phù hợp, kết hợp công nghệ truyền thống với hiện đại, khuyến khích chuyển giao công nghệ mới tránh công nghệ lạc hậu, ưu tiên công nghệ sử dụng vật tư trong nước. Bảo đảm công tác vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trong khai thác mỏ.

3. Xây dựng các trạm quan trắc môi trường tại các nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản; có kế hoạch hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý môi trường trong chế biến khoáng sản (cho vay ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh).

Điều 7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

1. Tuyên truyền, phổ biến cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và người dân nơi có hoạt động khoáng sản nâng cao nhận thức về các quy định của Luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản liên quan, nhất là quy định về thu tiền cấp quyền, đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

2. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; rà soát, đánh giá các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc quá trình hoạt động vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời chấn chỉnh hoặc thu hồi giấy phép.

3. Chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng và chuyển đổi một số khu vực từ đất trồng lúa một vụ sang đất hoạt động khoáng sản để giúp doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất, đóng góp phát triển công nghiệp hóa của địa phương.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này, định kỳ hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có nội dung cần thiết điều chỉnh, bổ sung, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 24 tháng 9 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Công thương;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu IV;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, tp, tx;
- Trung tâm CB-TH VP UBND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Thông tin VP HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 19/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 19/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/09/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Đình Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản