Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2013/NQ-HĐND

Bình Định, ngày 11 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÉP CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 100/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 25/BCTT- KT&NS ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua nội dung Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh (Có nội dung chủ yếu của Quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2013; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 và điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 12/2009/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa X, kỳ họp thứ 15 về Quy hoạch sử dụng các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đến năm 2015, có xét đến năm 2020./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tùng

 

NỘI DUNG CHỦ YẾU

ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÉP CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Quan điểm phát triển

- Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia và của tỉnh, do vậy cần phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước; phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và các quy hoạch khác, phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản và nhu cầu của các ngành kinh tế trong tỉnh.

- Thăm dò, khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến và sử dụng hiệu quả; cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản; phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, các tài nguyên thiên nhiên khác và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu quy hoạch

a. Mục tiêu chung

- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cần xác định rõ các khu vực mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao về cho UBND tỉnh quản lý và cấp phép.

- Khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; xây dựng các nhà máy chế biến sâu với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Khai thác và chế biến khoáng sản phải đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và cả nước ngày càng tăng, đồng thời xuất khẩu hợp lý góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

b. Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2013 - 2015: Giá trị sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng 13,7%/năm; đến 2015 chiếm 3,4% toàn ngành công nghiệp. Khai thác hợp lý nguồn sa khoáng titan, tạo thuận lợi cho các nhà máy sản xuất xỉ titan hoạt động ổn định với công suất 120.000 tấn và nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Các chỉ tiêu tương ứng với giai đoạn trước tăng 25%, chiếm 3,4%; ổn định sản xuất các nhà máy, tùy theo điều kiện nguyên liệu, đầu tư nâng công suất các nhà máy xỉ ti tan, với tổng công suất khoảng 175.000 tấn/năm.

3. Định hướng phát triển

- Các diện tích tiềm năng được khoanh định rộng trên cơ sở tài liệu địa chất khoáng sản hiện có nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư lựa chọn được các diện tích phù hợp mà vẫn không nằm ngoài Quy hoạch như giai đoạn trước đây. Cụ thể: đối với đá xây dựng, sét gạch ngói, cát thủy tinh, đất san lấp cần khoanh rộng theo các thể địa chất; đối với cát xây dựng khoanh định rộng dọc theo các lòng sông; đối với các khoáng sản khác khoanh định theo mức độ biểu hiện, sự phân bố khoáng sản trên mặt và dưới sâu.

- Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch theo hướng mở nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cấp phép v.v… Khi tính toán các diện tích, tài nguyên huy động cho kỳ Quy hoạch này, các diện tích huy động Quy hoạch sẽ nằm trong các diện tích tiềm năng đã khoanh định, một số diện tích chỉ chiếm khoảng 5-30% diện tích tiềm năng đã khoanh định.

- Thăm dò, khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, sử dụng phù hợp với tiềm năng của từng loại khoáng sản và nhu cầu của các ngành kinh tế của tỉnh Bình Định.

- Chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao; chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước, chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản quy mô lớn.

II. NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH

Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có 212 khu vực mỏ các loại, với tổng diện tích 38.418 ha (phân bố ở 9 huyện, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn). Trong đó: Quy hoạch mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn có 173 khu vực, với tổng diện tích 32.902 ha; quy hoạch mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ có 39 khu vực, với tổng diện tích 5.516 ha

STT

Loại khoáng sản

Quy hoạch các kỳ trước

Loại bỏ điểm mỏ

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trước

Bổ sung mới

Tổng số mỏ quy hoạch kỳ này

Số lượng

Diện tích (ha)

Số lượng

Diện tích (ha)

Số lượng

Diện tích (ha)

Số lượng

Diện tích (ha)

Số lượng

Diện tích (ha)

I

Vật liệu xây dựng thông thường và than bùn

118

7.437

11

659

106

22.469

67

10.433

173

32.902

1

Đá xây dựng

57

4.341

4

321

53

11.165

32

3.857

85

15.022

2

Cát xây dựng

16

1.082

 

 

16

5.521

18

4.669

34

10.190

3

Đất san lấp

29

1.545

5

312

24

3.689

17

1.907

41

5.596

4

Sét gạch ngói (*)

15

394

2

26

12

1.944

 

 

12

1.944

5

Than bùn

1

75

 

 

1

150

 

 

1

150

II

Phân tán, nhỏ lẻ

9

1.325

1

110

8

1.655

31

3.861

39

5.516

Tổng cộng

127

8.762

12

769

114

24.124

98

14.294

212

38.418

Ghi chú: (*) Đối với Sét gạch ngói: Nhập 02 mỏ có SH 176 và 177 thành 01 mỏ có SH 177 nên tổng số mỏ là 12.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để thực hiện Quy hoạch này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm: giải pháp về quản lý nhà nước và sử dụng hợp lý tài nguyên; giải pháp về công nghệ, thiết bị; giải pháp về phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản; giải pháp về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; giải pháp bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong khai thác và chế biến./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh

  • Số hiệu: 19/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản